Trung thu nào đi đâu mất, giấc mơ ngày bé vẫn vẹn tròn dưới trăng

Bài viết: An Nhiên; Thiết kế: Dương Lê, Theo Trí Thức Trẻ 10:00 21/09/2018

Người ta cứ đeo đuổi một giấc mơ về Trung thu muôn năm cũ, ngậm ngùi nhớ ánh trăng xưa mà quên mất rằng, vẻ đẹp của hai chục năm về trước ấy, Trung thu của đám trẻ giờ đã ngoài 20 tuổi, vẫn còn ở đây. Có chăng, chỉ là ta quên dành thời gian cho những mâm bánh, bưởi, hồng và cốm xanh mùa thu thôi.

“Hàng năm, cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều…” - câu thơ ngắn ngủi về ngày tựu trường mà gom trong đó bao cảm xúc của cả khúc giao mùa. Trong cái tĩnh lặng bàng bạc ấy, tôi thấy chộn rộn khi nghĩ tới ngày tết Trung thu. Tầm đó, lá khởi vàng, bay là là trong gió heo may, bưởi căng da mọng nước, hồng chín đỏ như đèn lồng đung đưa trong gió, ngoài đường người ta bán nhiều cốm xanh, bánh nướng, bánh dẻo hơn bao giờ hết.

“Tùng tùng tùng cắc tùng tùng tùng tùng…”

Trung Thu xưa nào đi đâu mất, Trung Thu còn đây vẹn tròn dưới trăng - Ảnh 1.

Tiếng trống của đám trẻ tập biểu diễn múa lân đi qua nhà; tiếng trống ấy gợi nhắc tôi tới mùa Trung thu - âm thanh báo hiệu rộn rã khiến đứa trẻ nào cũng háo hức. Tôi bần thần nhớ lại tết Trung thu năm cũ nhưng chẳng dám hùa theo đám trẻ đi quanh khu tập thể. Nghe tiếng trống lân là lại thổn thức, cả bầu trời tuổi thơ bỗng chốc như ùa về. Trung thu giờ khác nhiều lắm phải không? Có còn là Trung thu giống chúng tôi ngày xưa không?

Trung thu ngày đó đơn giản nhưng đủ đầy: vài múi bưởi, dăm ba quả hồng cùng đôi chiếc bánh dẻo, bánh nướng thơm ngon mà bọn trẻ chờ cả năm trời. Đứa nào sang thì được cái đèn ông sao, đèn cù; còn không thì chỉ có chiếc hộp xà phòng thắp nến bên trong, chứ lấy đâu ra những món đồ chơi phát nhạc, đèn sáng đủ màu.

Hồi đó trăng sáng lắm, không nhập nhoạng ánh đèn đường rồi mây bụi như bây giờ. Đám trẻ ngồi vắt vẻo trên lan can sân thượng ngắm trăng, huyên thuyên nói về Trung thu, về bố mua cho cái này mua cho cái kia. Rồi trong những đêm trăng sáng vậy, lũ trẻ tụi tôi lại ước mơ về xa xôi, liệu rằng có cùng nhau phá cỗ tùng rinh nữa không?

Trung Thu xưa nào đi đâu mất, Trung Thu còn đây vẹn tròn dưới trăng - Ảnh 2.

“Ngoài đường bày bán bao nhiêu bánh nướng, bánh dẻo, hồng cũng chín đỏ như đèn lồng rồi. Trung thu đến thật rồi. Làm gì cho vui như ngày xưa đây?”, tôi gõ một dòng status đăng Facebook.

“Đi chơi Trung thu không?”, đang chờ xem được bao nhiêu “like” thì tôi thấy tin nhắn của cô bạn thân.

“Đi đâu bây giờ cho vui nhỉ?”, tôi đáp.

“Cứ qua nhà tao đi, mình phá cỗ sớm?”

Tôi không nhắn lại, tần ngần một lúc rồi cũng quyết định xách xe ra ngoài đường, trong lòng náo nức như bé con ngày nào diện quần áo đẹp đi Trung thu.

Phỏng vấn dạo - Trung thu nào đi đâu mất, giấc mơ ngày bé vẫn vẹn tròn dưới trăng

Hoá ra, xen trong những âm thanh của phố thị vẫn còn đó những khúc nhạc rộn rã, thi thoảng ngang qua vài con phố, vẫn có tiếng trống lân, tiếng cười nói râm ran của tụi trẻ tập dượt văn nghệ, chuẩn bị đi rước đèn. Hoá ra, Trung thu vẫn náo nhiệt, vẫn có cốm xanh, hồng đỏ, đám trẻ con vẫn cười tít mắt chờ ông trăng tròn ngày Rằm tháng Tám.

Trung Thu xưa nào đi đâu mất, Trung Thu còn đây vẹn tròn dưới trăng - Ảnh 4.

Mới dừng ở trước cửa, tôi đã ngửi thấy mùi bánh nướng, bánh dẻo cắt dở, quyện trong mùi cốm xanh và đủ loại hoa quả. Đúng cái mùi sao quyến luyến đậm đà này rồi. Cô bạn mở cửa đón tôi; đám trẻ con đang quây quần trong nhà với bố mẹ, mấy đứa bạn chúng tôi ngồi ngoài sân, một khoảng sân hiếm hoi mà gia đình nào ở Hà Nội còn giữ được.

“Ăn thử miếng bánh xem có giống bánh ngày xưa không?”, cô bạn tôi hỏi.

“Ngày xưa” - chúng tôi chưa phải ở cái tuổi ngoài 30 mà cái từ đó nó cứ ám ảnh làm sao. Nhớ hồi đó, Trung thu nào chúng tôi cũng phá cỗ bên nhà cô bạn ấy vì mẹ nó luôn làm cho chúng tôi một mâm cỗ thật linh đình: cốm phải mua tận làng Vòng, bưởi, hồng, chuối phải chín đúng dịp, quả nào quả đấy căng tròn ăn ngọt tới; rồi linh hồn của Trung thu chẳng thể thiếu bánh dẻo, bánh nướng. Những năm 2000, Hà Nội cũng chẳng có nhiều hàng đồ ngọt như giờ, nhà nào sành ăn phải xếp hàng trước cửa hàng Bánh Mứt Kẹo ở số 54 Bà Triệu, nổi tiếng nhất nhì thủ đô. Tất cả những điều ấy như làm nên một Trung thu truyền thống trong tôi chẳng thể phai mờ.

Trung Thu xưa nào đi đâu mất, Trung Thu còn đây vẹn tròn dưới trăng - Ảnh 5.

Ô kìa, cái mâm phá cỗ năm nay cũng có khác gì năm xưa đâu, cơ man là những niềm nhớ, gói trọn trong từng món ăn, thứ bánh trái truyền thống của dịp Trung thu: hồng, cốm xanh bên miếng bưởi chua, ngọt thơm bánh nướng, bánh dẻo. Không có những món bánh trái nhập ngoại, mọi thứ đều bình dị giản đơn, bên khung cửa sổ bạn tôi treo những mặt nạ, đèn ông sao y như hồi bé. Những thức quà và bánh trái của mùa thu ấy vẫn hiện diện ngay trước mắt đám trẻ thành phố, gói ghém bao nhiêu dư vị của dịp Tết trăng tròn.

Trung Thu xưa nào đi đâu mất, Trung Thu còn đây vẹn tròn dưới trăng - Ảnh 6.

“Sao, bánh ngon không? Mẹ vẫn mua ở hàng quen như hồi xưa đấy. Cốm cũng ở làng Vòng, hoa quả cũng toàn chỗ quen. Trung thu vẫn đủ đầy chứ nhỉ?”, cô bạn tôi hỏi.

Cái dư vị thơm ngon của miếng bánh, mềm của nhân, giòn của vỏ bánh nướng vẫn như ngày nào, và cả mùi cốm thơm, dẻo bùi trong miệng cũng vậy. Cuộc sống hiện đại chen qua những nếp nhà, len lỏi qua từng con phố nhưng vẫn nhường chỗ cho những giá trị truyền thống mỗi dịp Trung thu.

Nhìn mâm bánh trái đầy ắp, chiếc đèn ông sao 5 cánh vẫn như ngày nào, tôi thấy mình “nợ” Trung thu, nợ đám trẻ con thành phố một lời xin lỗi: Trung thu vẫn vui, vẫn đủ đầy náo nức như vậy.

Những chất liệu làm nên một mùa Tết trăng tròn vẫn ở đó cả, vẫn ngọt lành và ấm áp trong cơn gió heo may. Tấm vé về tuổi thơ đầy trên bàn, trong những mâm cỗ gia đình; nhưng tôi chỉ muốn để lại chúng trong hiện tại này, vì Trung thu dù bao năm cũng vẫn vui vầy, đâu cần ngược dòng quá khứ nữa phải không?

Trung Thu xưa nào đi đâu mất, Trung Thu còn đây vẹn tròn dưới trăng - Ảnh 7.

“Vui quá mày nhỉ, Trung thu năm nào cũng về đây chơi, rủ thêm mấy đứa trong tổ coi như họp lớp luôn đi”, Trang nhìn tôi hồ hởi rạng rỡ. Cô bạn cắt thêm bánh dẻo mời tôi ăn.

“Ôi dào, người ta cứ bảo Trung thu không vui này nọ chứ tao cứ được gặp mấy đứa chúng mày, được vui vầy cùng bố mẹ và mấy đứa cháu là thấy vui hết”.

Ừ nhỉ, Trung thu đâu chỉ ở trong những món đồ chơi hay chút bánh kẹo, người ta có thể soi cả bầu trời tuổi thơ trong đó nhưng niềm vui của Trung Thu đâu hẳn chỉ là một mâm cỗ đủ đầy; sao lại đổ oan cho những chiếc máy bay điện tử, mấy đồ chơi hiện đại hay bánh kẹo ngoại nhập làm mất ý nghĩa của Trung thu? Người ta thấy ấm lòng trong ngày tết Trung thu vì được quây quần bên người thân, được vui vầy cùng gia đình bè bạn. Như miếng bánh chúng tôi ăn vài chục năm hương vị vẫn vậy, sự gắn bó bền chặt trong gia đình là niềm vui bất biến của mỗi dịp Trung thu.

Trung Thu xưa nào đi đâu mất, Trung Thu còn đây vẹn tròn dưới trăng - Ảnh 8.

Mâm cỗ Trung thu

Mỗi người sẽ mang một ánh trăng tuổi thơ theo mình suốt năm tháng cuộc đời; dẫu thời gian có thể làm mờ đi ánh trăng đó, nhỡ đâu có ngày chúng ta cũng sẽ bỏ lại ánh trăng xưa ấy khỏi tâm trí rồi lại nỉ non về một Trung thu chẳng còn ý nghĩa như xưa. Kỳ thật, ông trăng vẫn treo trên đỉnh trời, Trung thu vẹn tròn hay đâu đó còn chút nuối tiếc là do cách chúng ta nhìn, nâng niu và chọn lọc những thứ lấp lánh, ấm áp ý nghĩa mà thôi.

Trung Thu xưa nào đi đâu mất, Trung Thu còn đây vẹn tròn dưới trăng - Ảnh 10.