Trung Quốc và Ấn Độ hứng chịu lũ lụt nghiêm trọng chưa từng có

Vũ Anh Tuấn, Theo VOV 20:35 18/07/2020

Cả Trung Quốc và Ấn Độ đang phải hứng chịu các trận lũ lụt nghiêm trọng, gây thiệt hại về người và của.

Sáng 18/7 (theo giờ địa phương), Cơ quan quản lý tài nguyên nước của tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc, đã nâng mức cảnh báo lũ lên mức cao nhất - cảnh báo Đỏ, cho sông Dương Tử đoạn chảy qua khu vực Nam Kinh. Quyết định trên được đưa ra sau khi khu vực này ghi nhận mực nước sông dâng cao kỷ lục. Trong khi đó, tình trạng lũ lụt nghiêm trọng cũng đang xảy ra tại khu vực Đông Bắc nước láng giềng Ấn Độ.

Trung Quốc và Ấn Độ hứng chịu lũ lụt nghiêm trọng chưa từng có - Ảnh 1.

Lũ lụt đã khiến nền kinh tế của Trung Quốc bị thiệt hại nặng nề trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn "rình rập". Ảnh: AFP.

Ở thời điểm 7h50 sáng nay, mực nước ghi được tại Trạm thủy văn Nam Kinh - thủ phủ tỉnh Giang Tô - là 10,26m, vượt mức cao nhất trước đó là 10,22m ghi nhận năm 1954.

Cơ quan quản lý tài nguyên nước của tỉnh Giang Tô cho biết, mực nước cao và dòng chảy mạnh sẽ còn duy trì trên khúc sông Dương Tử đoạn chảy qua tỉnh này trong một thời gian dài, và tình hình kiểm soát lũ lụt được dự báo là khá khó khăn.

Chính quyền thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc nằm ngay bên các nhánh của sông Dương Tử hôm qua (17/7) cũng đã cho ban bố tình trạng cảnh báo trước lũ lụt ở mức cao nhất, do mực nước tại các nhánh sông và hồ trong thành phố không ngừng dâng cao và gây ra cảnh ngập lụt. Theo các nhà chức trách Vũ Hán, mực nước của sông Dương Tử có thể ở mức 28m "trong một thời gian dài". Điều này có nghĩa là mực nước của sông sẽ cao hơn đường phố Vũ Hán 4m.

Ngoài Vũ Hán và một số tỉnh như An Huy, Giang Tây, Triết Giang đều đưa ra cảnh báo đỏ khi mưa lớn tiếp tục làm nước ở sông hồ tràn bờ.

Vào thời điểm này, hiệu quả kiểm soát lũ của đập Tam Hiệp một lần nữa thu hút sự chú ý. Tính đến hết ngày 17/7, mực nước trên các dòng chính ở trung hạ lưu sông Dương Tử đã liên tục 12 ngày vượt mức báo động, riêng hồ chứa đập Tam Hiệp hôm nay (18/7) đã vượt quá cảnh báo lũ hơn 15m. Đây cũng là mực nước cao nhất được ghi nhận tại hồ chứa của con đập này kể từ đầu mùa lũ năm nay. Ông Trần Quế Á, phó kỹ sư trưởng, Ủy ban Tài nguyên nước Trường Giang cho biết, Ủy ban này đang tăng cường xả nước từ hồ chứa Tam Hiệp để kiểm soát mực nước trên sông Dương Tử.

“Chúng tôi dự đoán, dòng chảy 50.000 m3 mỗi giây sẽ đổ vào hồ chứa Tam Hiệp trong ngày 19/7. Hiện mực nước trong hồ vẫn còn cao do trữ lượng nước lũ mặc dù mực nước ở giữa và hạ lưu sông Dương Tử đang xuống chậm sau khi trận lũ đầu tiên rút. Nếu dòng chảy duy trì ở 28.000 m3 mỗi giây thì mức nước trong hồ chứa sẽ vào khoảng 170 m vào ngày 25/7”, ông Trần Quế Á nói.

Cho đến nay, mưa lũ nghiêm trọng đã gây ảnh hưởng đến khoảng 38 triệu người dân Trung Quốc, khiến hơn 2,2 triệu người phải sơ tán, trong khi 141 người đã thiệt mạng hoặc mất tích.

Tại nước láng giềng Ấn Độ, hôm qua, Cơ quan Quản lý thảm họa bang Assam cho biết, các trận lũ lụt đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản ở bang miền Đông Bắc nước này.

Theo cơ quan trên, các trận mưa to gây lũ lụt đến nay đã khiến 71 người thiệt mạng, ảnh hưởng tới gần 4 triệu người ở 27 huyện, cuốn trôi hơn 13 triệu hecta đất canh tác, làm hư hại nhiều nhà cửa, công viên...

Một người dân địa phương cho biết: "Đã ba ngày kể từ khi khu vực này bị ngập lụt. Mặc dù lũ lụt xảy ra hàng năm, nhưng chưa bao giờ nghiêm trọng như thế này. Nhà tôi và mọi thứ đã bị nhấn chìm. Có khu vực ngập nước sâu đến thắt lưng”.

Các trận mưa liên tục cũng gây ra lở đất ở nhiều khu vực khiến nhiều người thiệt mạng. Chính quyền bang đã thành lập các trung tâm cứu nạn và hiện có 49.000 người đang tạm trú tại các cơ sở này.

Theo Ủy ban Nước trung ương, mực nước của tất cả các con sông ở Assam đang dâng cao tới mức nguy hiểm, phá hủy một số cây cầu cũng như một số tuyến đường giao thông đường bộ. Các đơn vị thuộc Lực lượng Ứng phó thiên tai Ấn Độ đã được huy động tới bang Assam hỗ trợ cho lực lượng cứu trợ tại đây triển khai hoạt động cứu hộ, cứu nạn quy mô lớn.

Tình hình tương tự cũng xảy ra ở Indonesia khi các trận lũ quét tại khu vực Bắc Luwu trên đảo Sulawesi đã làm ít nhất 36 người thiệt mạng, 66 người mất tích, hơn 14.000 người bị mất nhà cửa. Hiện lực lượng cứu hộ đang chạy đua với thời gian tìm kiếm người mất tích. Dự kiến hoạt động tìm kiếm này sẽ kéo dài hết cuối tuần này./.