Trung Quốc siết chặt lệnh phong tỏa với hơn 37 triệu dân, chính sách "Zero-Covid" liệu có thể giữ vững?

Trang Thái, Theo Pháp luật & Bạn đọc 10:06 17/03/2022

Hàng chục triệu người dân Trung Quốc đang phải sống trong lệnh phong tỏa nghiêm ngặt kể từ khi đất nước này chiến đấu với đợt bùng phát dịch Covid-19 tồi tệ nhất từ trước đến nay.

Đợt bùng phát dịch Covid-19 đang lan nhanh một cách chóng mặt ở Trung Quốc so với các chủng biến thể ít lây nhiễm hơn xảy ra trước đó. Số ca mắc hàng ngày tăng vọt từ vài chục ca vào tháng 2 tới hơn 5.100 ca ghi nhận vào hôm 15/3 vừa rồi, con số cao kỷ lục kể từ đợt dịch xảy ra đầu năm 2020 tại Vũ Hán.

Đối với với các quốc gia khác, con số này xem chừng vẫn còn khá thấp nhưng lại là tỉ lệ đáng báo động khi Trung Quốc đang thực thi nghiêm ngặt chính sách Zero-Covid với nhiều nỗ lực dập tắt và ngăn chặn các chuỗi lây nhiễm trong suốt đại dịch.

Tính đến hôm 15/3, các ca nhiễm liên tục xuất hiện tại 21 tỉnh thành trên toàn quốc, bao gồm cả thủ đô Bắc Kinh và các thành phố lớn khác như Thượng Hải và Thâm Quyến. Mặc dù số ca bệnh đang giữ ở mức hàng nghìn nhưng hiện nay có đến 37 triệu người dân phải chịu cảnh phong toả.

Trung Quốc siết chặt lệnh phong tỏa với hơn 37 triệu dân, chính sách Zero-Covid liệu có thể giữ vững? - Ảnh 1.

Hình ảnh đường phố vắng vẻ tại thành phố Trường Xuân, Trung Quốc

Và đây là những gì chúng ta biết về tình hình Trung Quốc lúc này:

Đợt bùng phát bắt nguồn từ đâu?

Số ca bệnh bắt đầu tăng nhanh từ đầu tháng 3 tại một số tỉnh trên khắp cả nước, trong đó có tỉnh Sơn Đông ở phía Đông, Quảng Đông ở phía Nam và Cát Lâm ở phía Đông Bắc.

Vào ngày 6/3, các chuyên gia đã được cảnh báo về tình hình đáng “báo động" ở một số nơi nhưng họ vẫn tin rằng “Trung Quốc hoàn toàn có khả năng kiểm soát được", tờ Global Times đưa tin vào thời điểm đó.

Hơn 4.000 ca nhiễm được ghi nhận tại Cát Lâm. Như vậy, gần một nửa số ca bệnh của đợt bùng phát dịch lần này đến từ đây và các quan chức cảnh báo rằng đây vẫn chưa phải con số đạt đỉnh.

Các nhà chức trách và truyền thông cho biết vẫn chưa rõ những đợt bùng phát đầu tiên bắt nguồn như thế nào. Tuy nhiên, theo Wu Zunyou, trưởng nhóm dịch tễ học tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc nhận định, một số yếu tố bao gồm các trường hợp lây nhiễm từ nước ngoài và sự lan rộng của biến thể Omicron cũng khiến tình trạng dịch bệnh trên toàn quốc trở nên trầm trọng thêm.

Biến thể nào đang lây lan?

Omicron đang trở thành yếu tố khiến số ca nhiễm tăng cao. Theo truyền thông nước này, một trong những lý do khiến dịch bệnh trở nên khó kiểm soát là do các triệu chứng của Omicron nhẹ hơn và thời gian ủ bệnh cũng ngắn hơn.

Hiện nay, biến thể mới này đã thay thế Delta trở thành chủng virus thống trị trên cả nước với khoảng 80% tổng số ca nhiễm. Ông Wu cũng nói thêm rằng, các chuyên gia đang nhìn thấy cả BA.1 (thể Omicron ban đầu) và BA.2, một biến thể phụ được đặt biệt danh là "biến thể tàng hình" vì thoạt nhìn qua các bài kiểm tra trong phòng thí nghiệm, nó có thể trông giống như các chủng Covid khác.

Theo các nghiên cứu ban đầu từ Anh và Đan Mạch, BA.2 có mức độ truyền nhiễm cao hơn hơn BA.1 khoảng 30%. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết biến thể này đang gây ra khoảng 1/5 trường hợp nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới, trong đó có các trường hợp được phát hiện ở hàng chục quốc gia bao gồm cả Mỹ. BA.2 cũng được phát hiện trong ổ dịch ở Cát Lâm.

Vẫn chưa rõ liệu chủng mới có gây ra tình trạng bệnh nặng hơn hay không, nhưng một số nghiên cứu cho thấy khả năng dẫn đến số lượng trường hợp nhập viện và tử vong sẽ không nhiều. Lý do một phần vì nó xuất hiện quá sớm sau làn sóng Omicron ban đầu, nhiều người giờ đây đã có kháng thể bảo vệ từ lần nhiễm trước hoặc từ mũi tiêm nhắc lại.

Tình trạng phong toả và các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đang diễn ra như thế nào?

5 thành phố lớn với hơn 37 triệu dân cư đang phải trải qua nhiều mức độ phong toả. Người dân tại Trường Xuân, thành phố Cát Lâm, Thâm Quyến và Đông Quan đều không được rời khỏi khu vực cư trú, ngoại trừ những người làm nhiệm vụ thiết yếu và các dịch vụ khẩn cấp. Mỗi hộ dân chỉ được phép có một người đi mua thực phẩm hàng hoá sau 2-3 ngày. Thành phố Lang Phường thậm chí còn yêu cầu tất cả người dân không được rời khỏi nhà ngoại trừ những trường hợp thực sự khẩn cấp.

Trung Quốc siết chặt lệnh phong tỏa với hơn 37 triệu dân, chính sách Zero-Covid liệu có thể giữ vững? - Ảnh 2.

Dòng người xếp hàng để thực hiện xét nghiệm sàng lọc tại Thâm Quyến, Trung Quốc

Nhiều thành phố đã tạm dừng hoạt động các phương tiện công cộng, dịch vụ ăn uống tại chỗ, đóng cửa trường học và tiến hành nhiều đợt kiểm tra diện rộng. Thành phố Cát Lâm đã bắt đầu đợt xét nghiệm sàng lọc lần thứ 9 vào hôm 15/3 với nhiều hình ảnh cho thấy người dân đang xếp hàng dài ngoài trời tuyết lạnh.

Cát Lâm cũng đã thực hiện các biện pháp hạn chế đi lại, người dân không được phép rời khỏi tỉnh hoặc di chuyển giữa các thành phố trong tỉnh. Tuy nhiên, việc phong toả này đặt ra một thách thức lớn chuỗi cung ứng hàng hoá cho chính phủ khi CCTV thông báo rằng tỉnh này chỉ còn đủ nguồn cung vật liệu, hàng hoá y tế cho vài ngày nữa.

Các nhà chức trách hiện đang chạy đua để có thể tăng cường lực lượng chăm sóc sức khỏe ở những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề. Theo Global Times, nhiều trung tâm điều trị dã chiến được xây dựng tại thành phố Trường Xuân và Cát Lâm, hàng nghìn binh sĩ cũng được điều động để giúp sức vào công cuộc kiểm soát dịch bệnh.

Liệu Trung Quốc có thể giữ vững chính sách Zero-Covid?

Khi biến thể Delta và Omicron ngày càng lan rộng vào năm 2021, nhiều quốc gia đã từ bỏ tiếp cận theo hướng Zero-Covid mà thay vào đó là những nỗ lực để sống chung với dịch bệnh.

Trung Quốc và các vùng tiệm cận, bao gồm cả Hồng Kông, cũng đang phải trải qua một làn sóng dịch nghiêm trọng chưa từng có. Mặc dù một số nhà lãnh đạo và nhà khoa học đã ám chỉ rằng Trung Quốc cuối cùng cũng sẽ rời bỏ chiến lược này nhưng điều đó khó có thể xảy ra trong tương lai gần khi nhiều dấu hiệu cho thấy nước này vẫn đang cố gắng đưa số ca bệnh trở về 0.

Trung Quốc siết chặt lệnh phong tỏa với hơn 37 triệu dân, chính sách Zero-Covid liệu có thể giữ vững? - Ảnh 3.

Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ và mang dụng cụ khử khuẩn tại nhiều tuyến phố

Han Jun, thống đốc tỉnh Cát Lâm, đã tuyên bố rằng sẽ khiến các ca nhiễm cộng đồng chấm dứt trong vòng một tuần. Trong khi đó, thành phố Tây An đã bị phong toả từ tháng 12 đến tháng 1. Nhiều người dân phàn nàn rằng họ không nhận được thực phẩm, các nguồn cung cấp cơ bản như băng vệ sinh và thậm chí là chăm sóc y tế khẩn cấp.

"Tốt hơn hết là nên trang bị một cách đầy đủ và sau đó dần dần giảm thiểu số ca nhiễm. Nếu quá vội vàng, người dân sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi", bình luận trên Weibo cho biết.

Nguồn: CNN, Global Times