Trong kỳ kinh nguyệt, chị em hãy nhớ quy tắc “2 rửa nhiều và 2 hạn chế” để ngăn ngừa bệnh phụ khoa

Ngọc Ái, Theo Phụ nữ Việt Nam 08:06 10/01/2023

Kỳ kinh nguyệt là thời điểm cơ thể người phụ nữ rất nhạy cảm nên cần lưu ý một số điều khi sinh hoạt, nhất là về vệ sinh cá nhân.

Bởi vì khi kinh nguyệt tới, chị em phụ nữ sẽ có thay đổi lớn về nội tiết tố. Lúc này. không chỉ thể chất lẫn tinh thần đều có những khó chịu mà sức đề kháng và khả năng miễn dịch của cơ thể cũng yếu đi.

Trong kỳ kinh nguyệt, chị em hãy nhớ quy tắc “2 rửa nhiều và 2 hạn chế” để ngăn ngừa bệnh phụ khoa  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Vì vậy, hãy học cách bảo vệ mình thật tốt, ngăn ngừa các bệnh phụ khoa bằng cách ghi nhớ quy tắc “2 rửa nhiều và 2 hạn chế” sau đây khi vệ sinh cá nhân:

1. Rửa vùng kín thường xuyên

Vệ sinh vùng kín là việc làm quen thuộc nhưng rất quan trọng với sức khỏe của phụ nữ, nhất là trong kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, do những ngày hành kinh vùng kín thường nhạy cảm, khó chịu nên nhiều chị em lại thường ngại rửa nhiều lần hoặc chỉ vệ sinh qua loa.

Trong khi bản thân kinh nguyệt đã khiến vùng kín ẩm ướt, cổ tử cung mở nên rất dễ bị nhiễm vi khuẩn, virus và gây bệnh phụ khoa. Chưa kể, việc sử dụng băng vệ sinh, tampon… trong những ngày này khiến vùng kín bí bách, trở thành môi trường lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi cũng như gây bệnh.

Để bảo vệ vùng kín và ngăn ngừa bệnh phụ khoa, chị em phụ nữ cần phải vệ sinh vùng kín thường xuyên trong những ngày này. Nên rửa vùng kín ít nhất 3 lần một ngày và tốt nhất là luôn rửa mỗi khi thay băng vệ sinh hay tampon. Cũng nên chọn nước ấm thay vì nước lạnh khi rửa bởi chúng có tác dụng làm sạch tốt hơn, lại có thể giảm bớt sự đau đớn ở âm đạo và đau bụng kinh khi “tới tháng”.

2. Giặt đồ lót thường xuyên

Khi có kinh nguyệt, quần lót của chị em sẽ thường bẩn hơn rất nhiều so với bình thường. Chưa kể, nhiều chị em còn bị dính máu kinh trên đũng quần nên việc thay và giặt đồ lót những ngày này cũng cần được làm thường xuyên hơn và kịp thời hơn.

Trong kỳ kinh nguyệt, chị em hãy nhớ quy tắc “2 rửa nhiều và 2 hạn chế” để ngăn ngừa bệnh phụ khoa  - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Bạn không cần phải thay quần lót nhiều lần một ngày, nhưng hãy thay chúng mỗi khi bị dính máu hoặc ẩm ướt. Sau đó tốt nhất là lập tức giặt hoặc ngâm để làm sạch những chiếc quần lót này, tuyệt đối không để lâu hoặc để qua đêm.

Nếu đồ lót không được làm sạch kịp thời, máu kinh nguyệt sẽ khó được loại bỏ. Điều quan trọng hơn là các vi khuẩn, virus có thể xâm nhập, bám sâu vào sợi vải ở quần và thậm chí không thể làm sạch hoàn toàn sau đó. Như vậy, khi chị em mặc lại quần lót này sẽ dẫn tới nguy cơ bị vi khuẩn, virus xâm nhập vào âm đạo và tử cung, gây ra các bệnh nguy hiểm.

Mẹo giặt quần lót khi đến kỳ kinh nguyệt là hãy ngâm chúng với nước ấm hoặc xả dưới vòi nước chảy. Sau đó cần giặt riêng những chiếc quần lót này thật kỹ và phơi chúng dưới ánh nắng đến khi khô hoàn toàn. Nếu được, hãy lưu ý để mặt trong của đũng quần ra ngoài phía nắng chiếu tới được và nên dùng loại bột giặt chuyên dụng cho đồ lót để đảm bảo an toàn sức khỏe hơn nhé!

3. Không tắm quá thường xuyên

Rất nhiều chị em thường tắm thường xuyên hơn khi hành kinh bởi vì luôn cảm thấy cơ thể bẩn hơn bình thường và tắm cũng giúp giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu do kinh nguyệt. Tuy nhiên, trái ngược lại với vệ sinh vùng kín và giặt quần lót thì tắm quá nhiều khi đang có kinh lại không tốt cho sức khỏe phụ nữ.

Trong kỳ kinh nguyệt, chị em hãy nhớ quy tắc “2 rửa nhiều và 2 hạn chế” để ngăn ngừa bệnh phụ khoa  - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Bởi vì khi tắm lỗ chân lông mở ra, dễ khiến hơi ẩm và hơi lạnh xâm nhập vào cơ thể, có thể gây cảm lạnh. Cơ thể và sức đề kháng của chị em phụ nữ trong những ngày hành kinh vốn đã yếu đi, việc tắm quá thường xuyên dễ gây giảm thân nhiệt và làm trầm trọng thêm tình trạng đau bụng kinh.

Khi tắm chúng ta thường vệ sinh vùng kín cùng lúc, như vậy vùng kín sẽ bị chà xát quá nhiều lần dễ gây tổn thương trong những ngày vốn đã nhạy cảm. Việc sử dụng nhiều lần các loại dung dịch vệ sinh, sữa tắm cũng khiến độ cân bằng pH vùng kín bị phá vỡ. Vi khuẩn, virus càng dễ xâm nhập và sinh sôi, gây bệnh nhanh hơn.

Vì vậy, chỉ nên tắm 1 lần mỗi ngày, thậm chí 2 ngày 1 lần khi đang “tới tháng”. Đặc biệt, không nên ngâm bồn hay tắm suối nước nóng khi đang có kinh. Bởi lúc này cổ tử cung mở, vi khuẩn gây bệnh trong nước có thể xâm nhập vào khoang tử cung qua đường âm đạo và gây viêm nhiễm khi cơ thể bị ngâm nước. Nó cũng khiến lượng máu kinh bị ra nhiều hơn. Đặc biệt là khi bạn ngâm nước quá lâu, dù là nước ấm hay có sử dụng các hóa chất tẩy rửa.

4. Không gội đầu quá thường xuyên

Nhiều bạn nữ chăm sóc tóc rất kỹ, nhiều bạn hình thành thói quen gội đầu mỗi ngày một lần hoặc hơn. Nhưng nếu đang trong những ngày có kinh nguyệt, tốt nhất là không nên gội đầu quá thường xuyên.

Bởi vì trong thời kỳ kinh nguyệt, sức đề kháng và khả năng miễn dịch của cơ thể sẽ bị giảm sút. Khi gội đầu rất có thể hơi ẩm sẽ xâm nhập vào da đầu, gây ra tình trạng đau đầu hoặc làm tăng thêm những cảm giác khó chịu về tinh thần như cáu gắt, căng thẳng hoặc ủ rũ. Đặc biệt là nếu gội đầu ban đêm, gội bằng nước lạnh còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn.

Trong kỳ kinh nguyệt, chị em hãy nhớ quy tắc “2 rửa nhiều và 2 hạn chế” để ngăn ngừa bệnh phụ khoa  - Ảnh 4.

Ảnh minh họa

Dưới góc nhìn Đông y, gội đầu vào ngày “tới tháng” rất hại cho cơ thể. Lý do bởi đầu chính là điểm đầu của lục dương, quan niệm rằng tử cung là khởi điểm của mạch. Vì thế, trong thời kỳ hành kinh, máu tuần hoàn não có biểu hiện hoạt động yếu đi khiến cho vùng máu ở vùng đầu bị ảnh hưởng. Điều này dẫn tới huyết dịch trong tử cung không thể thuận lợi đào thải ra ngoài dễ gây nên tình trạng ứ đọng kinh nguyệt. Không chỉ gây đau bụng kinh mà còn tạo điều kiện hình thành các bệnh phụ khoa.

Tuy nhiên, chị em cũng đừng vì vậy mà không gội đầu trong những ngày hành kinh. Chỉ nên giảm tần suất gội đầu xuống 2 - 3 ngày một lần hoặc nhiều nhất là một lần mỗi ngày. Khi gội hãy dùng nước ấm, gội nhanh hơn trong vòng 10 - 15 phút và không nên gội đầu vào buổi tối. Ngoài ra, hãy chờ tóc khô hẳn rồi mới đi ngủ để bảo vệ sức khỏe nhé!

Nguồn và ảnh: Sohu, Woman.tvbs, Asia One