Tròn một năm "Người Phán Xử", phim truyền hình Việt Nam vẫn còn yếu 5 điều này!

Minh Quân, Theo Trí Thức Trẻ 08:47 24/03/2018

Một năm là một quãng thời gian không quá dài nhưng cũng đủ lâu để tổng kết và nhìn lại xem những bộ phim tiếp theo của VFC đã kết nối với khán giả như thế nào sau cơn sốt mang tên "Người Phán Xử".

Ngày 23/3/2017, cách đây một năm, tập 1 của bộ phim truyền hình Người Phán Xử đã đổ bộ trên sóng truyền hình quốc gia và gây ra một cơn sốt mạnh mẽ trong lòng khán giả cả nước. Một năm là quãng thời gian không quá dài nhưng cũng đủ lâu để tổng kết và nhìn lại xem những bộ phim tiếp theo của VFC đã kết nối với khán giả như thế nào sau cơn sốt mê man mang tên "Người Phán Xử" của họ. Dưới đây là 5 điều mà sau một năm kể từ khi Người Phán Xử ra mắt, phim truyền hình Việt vẫn đang "nợ" khán giả.

Tròn một năm Người Phán Xử, phim truyền hình Việt Nam vẫn còn yếu 5 điều này! - Ảnh 1.

Nợ máu phải trả bằng máu còn nợ phim thì phải trả bằng... phim

1. Tiết tấu nhanh

Được kế thừa một kịch bản gốc kịch tính của Israel, Người Phán Xử nhanh chóng tạo được sự khác biệt với nội dung cùng tiết tấu nhanh, gọn và có những nút thắt – mở rõ ràng cộng với sự cắt ghép, biên dựng, chuyển cảnh mới lạ so với mặt bằng chung của phim Việt cùng thời.

Tuy nhiên, sau khi phim kết thúc thì món đặc sản này cũng biến mất luôn khỏi phim truyền hình Việt. Nếu như một tập Người Phán Xử có khoảng 6 – 7 nhóm tình huống chính thì trong phim truyền hình Việt hiện tại, con số này chỉ khoảng chừng 4 -5.

Tròn một năm Người Phán Xử, phim truyền hình Việt Nam vẫn còn yếu 5 điều này! - Ảnh 2.

Phim Việt ơi, có nhanh hơn nữa không thì bảo?

2. Ý tưởng mới lạ nhưng vẫn quen thuộc

Người Phán Xử là bộ phim hình sự lấy bối cảnh thế giới ngầm và dũng cảm chọn nhân vật ông trùm xã hội đen làm trọng tâm câu truyện. Việc này đi ngược lại với truyền thống làm phim hình sự ở Việt Nam. Ngoài ra, điểm khác lạ nhất trong Người Phán Xử là vai trò của người phán xét duy nhất, đứng trên pháp luật của ông trùm Phan Quân. Đây là một chi tiết khá "giả tưởng" nhưng khán giả vẫn dễ dàng chấp nhận và hưởng ứng vì những câu chuyện xung quanh phòng xử án đó hết sức gần gũi và chân thực với bối cảnh Việt Nam.

Tròn một năm Người Phán Xử, phim truyền hình Việt Nam vẫn còn yếu 5 điều này! - Ảnh 3.

Còn những bộ phim truyền hình khác thì ngược lại, nhà làm phim quá chú trọng vào việc phải phản ánh xã hội sao cho chân thực nhất nhưng kết quả chỉ khiến cho bộ phim trở thành một tổng thể chắp ghép những mẩu tin tức khô khan nhan nhản trên các sạp báo ngoài vỉa hè và nhàm chán với khán giả.

3. Lời thoại sắc nét

Hãy cùng thừa nhận rằng những bộ phim phát sóng sau Người Phán Xử có rất ít những lời thoại đủ ấn tượng để lưu lại trong ấn tượng của khán giả. Thỉnh thoảng, người ta có thể bắt gặp những câu nói "đanh đá" của nhân vật Diệu trong Cả Một Đời Ân Oán kiểu như: "Lương tâm của anh mọc răng rồi à, cắn có đau không?" nhưng như thế vẫn không đủ để có thể khiến khán giả "học" lại câu thoại và lan truyền khắp mạng xã hội cũng như cuộc sống ngoài đời như Người Phán Xử đã làm được. Nhiều khi, trong thời đại công nghệ số hiện nay, chính lời thoại lại là yếu tố quan trọng nhất để tạo nên sức lan truyền cho một bộ phim.

Tròn một năm Người Phán Xử, phim truyền hình Việt Nam vẫn còn yếu 5 điều này! - Ảnh 4.

Những câu nói bá đạo đến từ Phan Hải - cây hài của phim

4. Thả thính cuối tập

Bên cạnh lời thoại, một trong số những điều khiến cho Người Phán Xử luôn được bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội sau khi mỗi tập kết thúc là nhà làm phim luôn để chừa lại một chi tiết cực kỳ quan trọng ở đoạn cuối để khiến khán giả phải đoán già đoán non chán chê với nhau cho đến khi tập phim hôm sau lên sóng và lặp ngược lại quá trình này.

Điều này nghe có thể không quá quan trọng nhưng thực ra trong thời buổi hiện nay, để cạnh tranh được với phim truyền hình của nước ngoài thì việc "thả thính" ở cuối tập để lôi kéo khán giả là điều đáng nhẽ ra cần làm hơn cả.

Tròn một năm Người Phán Xử, phim truyền hình Việt Nam vẫn còn yếu 5 điều này! - Ảnh 6.

5. Một ngôi sao có khả năng cân cả bộ phim

Điều này có lẽ phụ thuộc vào yếu tố kịch bản nhiều hơn là yếu tố diễn viên. Những tên tuổi gạo cội của Việt Nam thì không hề thiếu nhưng để tạo ra một ông trùm Phan Quân thần sầu hay một trợ thủ Lương Bổng kỳ khôi như trong Người Phán Xử thì không chỉ dựa hoàn toàn vào tài diễn xuất của diễn viên mà còn đòi hỏi phải có một kịch bản xây dựng nhân vật thật sắc nét và ấn tượng.

Tròn một năm Người Phán Xử, phim truyền hình Việt Nam vẫn còn yếu 5 điều này! - Ảnh 7.

Người Phán Xử khá may mắn vì được kế thừa một dàn nhân vật quá đặc sắc từ bản phim gốc nhưng có lẽ các biên kịch của Việt Nam cũng nên tìm cách để tạo nên những ông trùm, sát thủ chỉ cần ấn tượng bằng 2/3 những Phan Quân, Lương Bổng và Bảo Ngậu là cũng "thoả mãn" lắm rồi.

Kết

Hiện nay phim truyền hình cũng khá được quan tâm, vẫn có những bộ phim chất lượng nhưng rõ ràng Thương Nhớ Ở Ai, Cả Một Đời Ân Oán hay Mộng Phù Hoa đều chưa thể sánh được với Người Phán Xử. Mong rằng trong tương lai, chúng ta không cứ phải hối tiếc mãi như thế này nữa.