31.05.21 - 31.05.22 Tròn một năm
bùng phát dịch Covid-19
Dẫu đớn đau, lòng tốt vẫn như
mầm xanh đâm chồi, đưa Sài Gòn
vươn mình hướng về phía trước
Bài viết: Chế Văn Tiên • Ảnh: Viết Thanh • Video: Kingnews Thiết kế: Trường Dương • Interactive: TungTT

1 năm trước…
1 năm sau…

Những cột mốc thoạt nghe thật đơn giản. 1 năm có thể xảy ra những chuyện gì chứ? 1 đứa trẻ được ra đời và lớn lên. Những cái cây cao hơn một chút. Đi học và lên lớp. Tốt nghiệp và ra trường. SEA Games 31 vừa được tổ chức và Việt Nam đứng nhất toàn đoàn trong bảng tổng sắp huy chương.

Nhưng với Sài Gòn, cột mốc 1 năm này nghe thật đặc biệt. 1 năm trước, Sài Gòn bước vào đợt bùng dịch lịch sử với đầy đủ những cung bậc tang thương nhất của nỗi đau. 1 năm sau, Sài Gòn đã hồi sinh như chưa từng có cơn bão Covid-19 quét qua. Sự sôi động và nhiệt thành trứ danh của Sài Gòn vẫn phập phồng đập mạnh mẽ tạo nên sức sống bất diệt của thành phố thương yêu. Dù ta biết rằng, ký ức về những tháng ngày gian truân, đắng cay và đầy nước mắt đấy vẫn lẩn quất đâu đây, nhắc ta nhớ về 1 giai đoạn đen tối nhưng chưa bao giờ tắt hy vọng.

1 năm, để Sài Gòn đi qua hết những nỗi đau và cả tuyệt vọng,
để rồi đứng lên hồi sinh mạnh mẽ.

26.05.2021 Tình hình dịch
căng thẳng sau các
ca nhiễm liên quan
nhóm truyền giáo

Cởi bỏ lớp khẩu trang, BS. Mỹ trầm ngâm nhớ lại: “Mình không nghĩ đợt dịch đã trải qua một năm rồi, nhanh quá. Mặc dù đã chuẩn bị tâm lý từ trước nhưng mình vẫn không nghĩ là nó quá khủng khiếp đến như vậy. Lúc nhận lệnh lên đường, mình vẫn lạc quan và nghĩ là sẽ kiểm soát được, nhưng rồi mọi chuyện xảy ra quá nhanh”.

Ngày 18/5/2021, TP.HCM phát hiện 2 ca nhiễm ở một công ty tại quận 3. Ngày 20/5, ổ dịch ở quán bánh canh O Thanh xuất hiện. Đến tối 26/5, 3 ca nhiễm liên quan đến nhóm truyền giáo (quận Gò Vấp) đã khiến cho tình hình dịch bệnh trở nên khó kiểm soát, ngày một lan rộng với hàng chục, hàng trăm, thậm chí sau đó cả hơn 10.000 ca nhiễm/ngày.

Nếu vào thời điểm đầu tháng 5/2021, số ca mắc chỉ lẻ tẻ ở vài quận, huyện (tương đương cấp độ 1), người Sài Gòn vẫn còn khấp khởi hy vọng những chấm đỏ của dịch sẽ được dập tắt nhanh thôi. Chỉ sau 4 tuần, chỉ số lây nhiễm đã chuyển sang cấp độ 2 rồi tăng nhanh đến cấp độ 3, 4, đẩy mọi thứ vào tình trạng khó kiểm soát. Các bệnh viện dã chiến, bệnh viện hồi sức nhanh chóng được thành lập để đáp ứng số ca nhập viện tăng nhanh. Đâu đó, bóng dáng của mất mát và đau thương đã nhen nhúm giữa lòng thành phố đang chìm dần trong sự hoang mang.

Sau hơn 1 tháng thực hiện Chỉ thị 15, Chỉ thị 10, đến 0h ngày 9/7, toàn thành phố bước vào chuỗi ngày giãn cách theo Chỉ thị 16. Lần đầu tiên, người ta nhìn thấy một Sài Gòn im lìm đến thế. Nhưng hình ảnh phố xá vắng tanh người qua lại, những tiếng còi cấp cứu hú bất kể ngày đêm… chắc có lẽ sẽ là ký ức ám ảnh rất nhiều người cho đến mãi sau này.

“Đến khi vô khu cách ly thì mình mới thấy mọi thứ bắt đầu tệ dần, nếu như trước kia thường mỗi nhân viên y tế sẽ đi 2 tuần rồi quay trở về tiếp tục công tác chuyên môn, không ai nghĩ sẽ kéo dài đến như vậy. Sau khi ở 21 ngày tại KTX khu B, ĐH Quốc gia TP.HCM, mình quay trở về lại bệnh viện để cách ly, thông thường sau đó mình sẽ được nghỉ ngơi, làm tiếp việc ở bệnh viện nhưng vì dịch bệnh diễn tiến quá nhanh, mình thì đã quen công việc rồi nên tiếp tục xin đi tiếp. Bởi mình nghĩ, mình còn trẻ, chẳng lẽ lại ở nhà để cho những y bác sĩ lớn tuổi hơn lên đường hay sao. Dịch bệnh nó đâu có chờ đợi mình, cứ diễn biến từng giờ, ngày càng nguy hiểm”, BS. Lê Quang Mỹ chia sẻ.

Mình nghĩ, mình còn trẻ, chẳng lẽ lại ở nhà để cho những y bác sĩ lớn tuổi hơn lên đường hay sao. Dịch bệnh nó đâu có chờ đợi mình, cứ diễn biến từng giờ, ngày càng nguy hiểm. - BS. Lê Quang Mỹ

Nhớ lại thời điểm gồng mình tại BV Dã chiến số 11 (do BV Nhi đồng 2 phụ trách), BS. Mỹ chỉ biết ngoài tiếng xe cứu thương, tiếng vận chuyển bệnh, tất cả những hoạt động khác của Sài Gòn dường như ngưng trệ. Và nếu không có sách báo, phương tiện truyền thông, mọi người có thể sẽ chẳng biết được ở thế giới ngoài kia đã xảy ra chuyện gì. Ai cũng ở yên trong nhà và chờ đợi cơn bão Covid-19 đi qua, nguyện cầu cho không chỉ bản thân mà còn là hàng triệu mảnh đời bơ vơ ngoài kia, đâu đó giữa những con phố vắng tanh.

“Nhưng đâu đó vẫn còn những con người đang lấy đất làm nhà, lấy trời làm chăn. Họ không có chốn đi về, những ngày giãn cách, họ càng trở nên mong manh hơn…, và tụi mình đã quyết định đi tìm và giúp đỡ họ”, Mai Thị Diệu Hiền (thành viên nhóm Đêm Sài Gòn) nhớ lại.

Nhưng đâu đó vẫn còn những con người đang lấy đất làm nhà, lấy trời làm chăn. Họ không có chốn đi về, những ngày giãn cách, họ càng trở nên mong manh hơn…, và tụi mình đã quyết định đi tìm và giúp đỡ họ. - Mai Thị Diệu Hiền
(thành viên nhóm Đêm Sài Gòn)

Với khoảng 500-600 phần bánh ngọt, sữa tươi, đồ ăn mỗi tối, Hiền cùng các bạn trong nhóm đã đi khắp các ngõ ngách, con hẻm, gầm cầu Sài Gòn để tìm gặp, hỗ trợ những người vô gia cư không nơi nương tựa. Dịch Covid-19 bùng phát khiến cuộc sống của hàng triệu người dân Sài Gòn gặp muôn vàn khó khăn, doanh nghiệp đóng cửa, công nhân, người lao động mất việc làm, đặc biệt là những người vô gia cư đang loay hoay tìm tia hi vọng sống. Sài Gòn lâm nạn cũng là lúc tình người tỏa sáng. Người Sài Gòn có nguy khốn cũng không bỏ nhau. Người lá rách ít đùm lá rách nhiều, mùa dịch có khổ, có đau thương, nhưng chính lòng người vẫn được thắp sáng mỗi ngày là thứ kéo người ta khỏi đống bùn của nỗi tuyệt vọng. Bởi ta biết rằng, dẫu khó khăn đến đâu, chúng ta vẫn sẵn lòng chìa tay ra ôm lấy nhau vào lòng…

Mặc đường phố
toàn chốt, Sài Gòn vẫn
đong đầy yêu thương!
emagazine | 2022
23.08.2021 Tất cả người dân
TP.HCM được yêu cầu
không ra khỏi nhà

Sau hơn 1 tháng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 cũng như tăng cường các biện pháp để phù hợp với tình hình dịch bệnh ở thành phố, ngày 23/8/2021, TP.HCM yêu cầu tất cả người dân không ra khỏi nhà, ai ở đâu thì ở đó, nhà cách ly nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố…

Đồng thời, Bộ Tư lệnh TP.HCM đã triển khai 310 tổ công tác gồm các lực lượng Quân khu 7 tăng cường để hỗ trợ vận chuyển các gói an sinh xã hội, cung cấp lương thực thực phẩm đến từng nhà và đi chợ thay người dân. Ngoài lực lượng quân y tham gia chuyên môn y tế, góp sức cho điều trị, quân đội sẽ tham gia vào gói an sinh cung cấp thực phẩm đến từng nhà, tổ chức tuần tra, tuyên truyền đến từng ngõ ngách..., người dân tuyệt đối không được ra khỏi nhà.

“Nhìn thành phố lúc đó buồn lắm, các cửa hàng đều đóng cửa, ai cũng ở yên trong nhà, đường phố thì toàn chốt, tất cả mọi người đều cùng nhau lắng nghe, hỗ trợ nhau, ai có gì cũng í ới gọi nhau. Trên các group chat Tổ dân phố, nhóm bạn bè, thay vì những câu chuyện phím, mọi người đều dành thời gian để hỏi han nhau. Bằng cách này hay cách khác, tất cả mọi người đều muốn cùng nắm tay nhau để vượt qua đại dịch, để không bỏ lại bất cứ một ai…”, chị Hiền nhớ lại.

“Khi mà diễn biến của dịch đã ngoài dự đóan, khối lượng công việc của tất cả mọi người, đặc biệt là y bác sĩ tuyến đầu ngày một nhiều, trong đầu mình vẫn luôn nghĩ, cứ chiến đấu hết mình thì sẽ vượt qua được. Ngày xưa, chiến tranh còn khốc liệt hơn rất nhiều nhưng ông cha ta vẫn vượt qua, vậy tại sao chúng ta lại không?

Mình có sức trẻ, có nhiệt huyết, đam mê thì cứ thực hiện. Nào mệt quá thì nghỉ rồi dậy làm tiếp. Anh em trong bệnh viện đều động viên, khích lệ nhau, làm sao cứu sống được nhiều bệnh nhân nặng, nguy kịch nhất để giảm đau thương, mất mát cho mọi người”, BS. Mỹ tâm sự.

Không chỉ riêng chị Hiền, BS.Mỹ mà ở thời điểm đó, tất cả những ai có mặt ở Sài Gòn đều dang tay che chở lẫn nhau. Bộ đội xuống đường, đi chợ giúp người dân, lực lượng công an, cán bộ phường, xã cùng nhau vén tay áo hỗ trợ từng người, từng nhà, lực lượng y tế địa phương hay tuyến đầu chống dịch, tình nguyện viên…,Mỗi người như một mắt xích di động, một tế bào yêu thương, gom góp sự quan tâm và lòng tốt của mình để Sài Gòn mau khỏe lại.

Nhớ lại những tháng ngày ấy, chị Đỗ Thị Tưởng (53 tuổi), người phụ nữ miền Tây cục mịch, trước giờ chỉ quen việc bếp núc lại hăng hái rủ mấy chị em trong xóm, mỗi nhà một chút góp lại để nấu cơm phát cho người nghèo.

Những ngày giãn cách, chị Tưởng vùi mình vào bếp, loay hoay từ 2h sáng đến tận khuya từ nấu nước, hỗ trợ những phần cơm đến khu phố phong tỏa cho đến nhận rau củ, thức ăn được mọi người mến tặng.

Sài Gòn giãn cách, nhiều người trở nên thất nghiệp, thiếu việc làm khi phải ở yên trong nhà để phòng dịch. Nhưng ở trên mạng xã hội, ai cũng lãnh cho mình một phần việc cực kỳ quan trọng. Đó là việc sẻ chia, lan tỏa những điều tốt đẹp nhất trong mùa dịch theo nhiều cách khác nhau.

Phong – cậu bạn trong nghề trước giờ chỉ quen với việc gõ chữ, viết lách bỗng chốc trở thành một shipper chính hiệu đi khắp mọi ngõ ngách ở Sài Gòn để nhận – phân phát quà từ thiện.

Uyên – một bà chị trước giờ thường hay xa lạ với mọi người trong khu chung cư, chẳng nói chuyện với ai, đùng một cái lại đem rau củ ở quê nhà đặt trước cửa phòng mỗi người rồi thông báo trên group tòa nhà.

Hay trên các trang mạng xã hội, tổ dân phố…, hễ ở đâu có thông tin về người khó khăn, đang cầu cứu trong mùa dịch, mọi người đều cùng nhau góp sức chung tay để những ngày giãn cách, chẳng một ai bị bỏ lại, bị lãng quên. Dù cho lúc đó, Sài Gòn đi đâu cũng toàn chốt chặn, nhưng lòng người với người chẳng hề cách xa.

Hễ ở đâu có thông tin về người khó khăn, đang cầu cứu trong mùa dịch, mọi người đều cùng nhau góp sức chung tay để những ngày giãn cách, chẳng một ai bị bỏ lại, bị lãng quên. Dù cho lúc đó, Sài Gòn đi đâu cũng toàn chốt chặn, nhưng lòng người với người chẳng hề cách xa.
Những nốt trầm
của sự chia ly…
emagazine | 2022
Tháng 9.2021 Sự chia ly

Một ngày cuối tháng 9/2021, chúng tôi gặp Thông (8 tuổi) trong căn nhà cấp 4 nằm sát mép đường Rạch Cát Bến Lức (phường 7, quận 8). Số là Trung thu năm rồi, sau khi mẹ sinh em bé, cả gia đình 4 người nhà Thông sẽ cùng nhau đi chơi, rước đèn phá cỗ. Nhưng rồi đùng một cái, ba mẹ bị nhiễm Covid-19, trong phút chốc, Thông mất mẹ, bất chợt thành trẻ mồ côi.

Ngày gặp Thông, cậu bé liên tục đưa tay quệt nước mắt, ngơ ngác nhìn xung quanh. Trong tâm thức của đứa trẻ 8 tuổi, Thông vẫn chưa thể chấp nhận việc mẹ con đã không còn nữa. Ngày mẹ đi bệnh viện, Thông vẫn còn nhớ như in lời mẹ dặn: “Thông ở nhà ngoan, mẹ đi ít bữa rồi sẽ về. Nhưng mà, mẹ có chịu về nữa đâu…”.

Cũng giống như Thông, đại dịch Covid-19 đã cướp đi của Lâm người “má hai” còn lại trên đời. Sớm mất đi tình thương của mẹ khi vừa tròn 1 tuổi, Lưu Thiện Lâm (8 tuổi) được người dì ruột không chồng con nhận về chăm sóc, nuôi dưỡng. Lâm gọi là “má hai”.

Nhưng rồi một ngày tháng 7/2021, hình ảnh “má hai” sẽ chẳng bao giờ còn xuất hiện trong cuộc đời non nớt của Lâm. Covid-19 - cơn đại dịch đã khiến một lần nữa, Lâm phải chịu cảnh mồ côi.

Có lẽ không chỉ riêng Thông, Lâm mà tại TP.HCM, đại dịch Covid-19 đã khiến cho gần 2.000 em nhỏ rơi vào cảnh mồ côi khi mất đi ba mẹ. Hơn 2 năm đại dịch xuất hiện, hơn 20.300 người dân tại TP.HCM đã mãi mãi ra đi (cả nước có hơn 43.000 người mất vì Covid-19), đau thương chồng chất lên nhau khi mà có thời điểm, một ngày tại thành phố ghi nhận đến 300 ca tử vong. Hầu hết họ đều không được ở bên cạnh người thân trong những giờ phút cuối.

Chỉ mấy tiếng ít ỏi có mặt tại BV Hồi sức Covid-19 (9/2021, hiện đã giải thể), sự ra đi của vài con người khiến chúng tôi cảm thấy ớn lạnh, ranh giới giữa sự sống và cái chết vô cùng mong manh. Bên trong cánh cửa phòng hồi sức, các y bác sĩ vẫn đang gồng mình tìm sự sống cho những bệnh nhân nguy kịch.

Chiến đấu hay buông bỏ khi đại dịch vượt qua sức chịu đựng của con người? Đó là những câu hỏi quen thuộc mà các y bác sĩ tuyến đầu đặt ra. Nhưng cuối cùng, tất cả đều chọn cách ở lại bệnh viện, ở lại tuyến đầu để cùng nhau chiến đấu, cùng nhau giành từng hơi thở cho bệnh nhân.

“Chúng tôi không biết hôm nay thứ mấy, cũng không biết ngày mấy, không có nghỉ, không biết ngày cuối tuần, bởi vì ngày nào cũng như ngày đó, hôm qua chúng tôi cũng làm như vậy, hôm nay chúng tôi cũng làm như vậy.

Mỗi buổi sáng, anh em cố gắng vào để tiếp nhận bệnh nhân, vận chuyển bệnh nhân và lao vào chăm sóc cho bệnh nhân. Nên mình không có khái niệm hôm nay là cuối tuần hay bất cứ ngày gì nữa. Đôi khi, ngay cả có những lúc những tin nhắn hay những lời động viên của người thân gia đình mình cũng không có thời gian để đọc.

Chỉ biết có những đêm chúng tôi vào đây là vì ráng giải phóng bệnh, nhiều bệnh nhân khác đang đứng xếp hàng, chúng tôi ráng giải phóng bệnh lên các lầu trại. Như vậy, các anh em lầu trại cũng sẽ tiếp tục ráng nhận bệnh của mình, để mình có thể tiếp tục nhận bệnh của người khác. Do đó, không để cho mình có khoảng thời gian để nghĩ tới những chuyện khác và mỗi khi nghe điện thoại là phải xuống nhận bệnh, cố gắng thôi. Vì chúng ta không nhận được thì những bệnh nhân ở các bệnh viện dã chiến hay các tuyến cơ sở họ không có điều kiện, họ không thể làm gì hơn được nên mình phải cố gắng nhận thôi.

Có những đêm mà anh em đi cấp cứu làm ECMO thì mình thấy Sài Gòn vắng lặng, mình thấy cảnh đó mình đau lắm… nhưng mà tất cả mọi người, thật sự mọi người rất mệt mỏi, có những lúc mọi người rất đuối nhưng mà không cho phép mình được dừng lại, không cho phép chúng ta phải bỏ cuộc, không cho phép mình buông xuôi.

Các anh em cứ động viên nhau, còn bệnh nhân đó, còn những người nặng đó thì mọi người không phải là bệnh viện này hay bệnh viện kia mà cùng nắm tay lại với nhau, cùng với nhau vì người bệnh, phải ráng làm sao tiếp nhận được nhiều bệnh nhân nhất, phải ráng làm sao có thể cứu được nhiều bệnh nhân nhất”, BS.CK2 Trần Thanh Linh – Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu, BV Chợ Rẫy, kiêm Phó Giám đốc BV Hồi sức Covid-19.

Sự sống nảy mầm từ
những thương đau
emagazine | 2022
30.09.2021 TP.HCM cơ bản kiểm soát được dịch bệnh

Trải qua chuỗi ngày cực kỳ căng thẳng của làn sóng bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, sau thời gian kéo dài giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ở mức độ nghiêm ngặt nhất đến 30/9/2021, TP.HCM đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh.

Từ ngày 1/10/2021, Chủ tịch UBND TP.HCM đã ban hành Chỉ thị 18 về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, đưa sinh hoạt của người dân bước sang trạng thái bình thường mới.

Những ngày sau đó, TP.HCM liên tiếp là vùng xanh, toàn bộ 22 quận, huyện và TP. Thủ Đức không còn vùng vàng, cam, đỏ, dịch bệnh liên tục chuyển biến theo chiều hướng tích cực khi số ca mắc mới liên tục giảm, nhiều ngày liên tiếp không có ca tử vong, mọi sinh hoạt đời sống thường ngày đều quay trở lại quỹ đạo vốn có của nó.

16.04.2022 Bắt đầu đợt tiêm ngừa vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi

Ngày 16/4/2022, sau các chiến dịch tiêm vaccine mũi 1, 2 và mũi tăng cường, nhắc lại cho người lớn với độ phủ thuộc tốp đầu cả nước, TP.HCM cũng đã bắt đầu đợt tiêm ngừa vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi với tổng số trẻ khoảng 800.000 em. Đặc biệt, số ca mắc Covid-19 tại thành phố những ngày gần đây (giữa tháng 5/2022) đều dưới 50 trường hợp/ngày, không có ca tử vong, nhịp sống dần trở lại với tất cả mọi người.

Trong từng con hẻm nhỏ, khu phố ở Sài Gòn, không khí náo nhiệt đã thay thế sự buồn tẻ, hiu quạnh của một khoảng thời gian dài trước đó. Trải qua nhiều mất mát, đau thương, người dân bắt đầu gượng dậy để tiếp tục cuộc sống.

- Bà Tư ơi, lấy cho tui ly cà phê đen, nhiều đường ít đá.

- Nay coi bộ uống ngọt dữ hen. Mấy nay chạy xe được không chú Ba.

- Cũng lai rai đủ sống bà ơi, phải làm chứ, dịch dã hết rồi còn đâu”, chú Ba vừa nói, vừa hớp ngụm cà phê, rồi cười khằng khặc.

Nhớ lại thời điểm gần một năm trước, con hẻm xóm đạo trên đường Phạm Thế Hiển (quận 8) chỉ toàn là chốt chặn, đường phố vắng người qua lại. Sau một thời gian “bình thường mới”, gần như toàn bộ các hoạt động kinh doanh, buôn bán, sinh hoạt thường ngày đã quay trở lại. Dù ban đầu, ai nấy đều chật vật, bỡ ngỡ với những vết thương chưa thể lành…

“Sài Gòn tổn thất, mất mát rất nhiều nhưng chính điều đó cũng khiến Sài Gòn thay đổi. Mọi người cũng có cách nhìn khác hơn, sống chậm rãi để yêu thương, giúp đỡ nhau. Nếu như không có sự chung tay của tất cả mọi người kịp thời trong lúc bùng phát dịch lẫn hỗ trợ sau này, mình không biết Sài Gòn sẽ thế nào.

Mình vẫn luôn tin tưởng và hi vọng rằng, trải qua cơn đại dịch Covid-19, giờ đã là lúc Sài Gòn vươn mình trở lại. Dù cho hiện tại, vẫn còn đó rất nhiều cửa hàng đóng cửa, không ít người dân vẫn chưa có việc làm nhưng khó khăn chỉ là nhất thời, nếu mỗi người có sự điều chỉnh phù hợp, cùng nhau cố gắng, sẽ sớm thôi, Sài Gòn sẽ phát triển hơn trước rất nhiều”, BS.CK2 Lê Quang Mỹ trải lòng.

28.05.2022 Sự sống trở lại...

Những ngày này, ngồi trên một chuyến xe trên đường về nhà vào giờ tan tầm, chắc ta khó mà hồi tưởng lại được mới cách đây 1 năm, những con phố này vắng tanh như thế nào, và màu đau thương nhuốm u ám trong cái bầu không khí nhộn nhịp này ra sao.

Người ta nói thời gian chữa lành mọi thứ, nhưng ở Sài Gòn này, ai đó cùng nhau đi qua mùa dịch, sẽ nói rằng chính cái tinh thần của người Sài Gòn, chính tình yêu thương và sự lạc quan của con người nơi đây - mới là thứ đã chữa lành tất cả. Và chẳng phải chỉ ở riêng Sài Gòn, mà bất cứ đâu trên mảnh đất hình chữ S thân thương này, chỉ cần ta cùng nhau, chắc chắn mọi thương đau sẽ lùi về quá khứ.

Vòng Xoay Hàng Xanh
Khu vực vòng xoay Hàng Xanh (đoạn Xô Viết Nghệ Tĩnh) vào thời điểm dịch, người ta chỉ nghe được tiếng còi xe cấp cứu. Sau dịch, lượng xe cộ đông đúc trở lại. Vào những ngày cận lễ, Tết, tình trạng ùn tắc lại diễn ra do người dân di chuyển vào bến xe Miền Đông.
Phố Tây Bùi Viện
Khu phố Tây Bùi Viện nhộn nhịp nhất TP.HCM - nơi tập trung đông giới trẻ trong và ngoài nước, từng có nhiều tháng chìm trong im ắng, lạnh lẽo, nay đã trở lại vẻ rộn ràng trước đó.
Trung Tâm Thành Phố
Thời điểm áp dụng lệnh giới nghiêm, thật khó để nhìn thấy một chiếc xe máy ở trung tâm TP.HCM. Ngày hôm nay, người dân lại thoải mái vi vu dạo phố phường.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ
Sau 1 năm, chúng ta lại được hòa vào không khí cổ vũ bóng đá sôi động tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Điều mà không ai dám nghĩ đến trong những ngày tháng thành phố căng mình chống dịch
Nhà Thờ Đức Bà
Nhà thờ Đức Bà chìm trong im lặng những ngày Sài Gòn giãn cách, và khi sự sống trở lại 1 năm sau.
Nhà Hát Thành Phố
Những bậc thang trên nhà hát thành phố vào mùa dịch từng vắng hoe đến thế. Nhưng tất cả đã là quá khứ tưởng như rất lâu về trước. Đại dịch đi qua cũng là lúc những bậc thang lại rộn ràng tiếng nói cười của người trẻ.
Đại lộ Võ Văn Kiệt
Đại lộ Võ Văn Kiệt vào một tối mùa giãn cách, khi không một bóng xe vụt qua. Và bức hình mới đây nhất vào cuối tháng 5, khi cuộc sống đã thật sự trở lại cái guồng quay vội vã vốn có.