MC Lê Anh - Hồng Nhung: Những người trẻ không xem "Giai điệu tự hào", có thấy mình thiệt gì không?

Phương Anh - Ảnh: Giang, Theo Helino 11:30 24/05/2019

"Giai điệu tự hào" mùa thứ 3 được dẫn dắt bởi bộ đôi MC Lê Anh - Hồng Nhung đã có rất nhiều sự thay đổi mới mẻ, nhưng liệu có đủ để các khán giả trẻ dễ dàng đón nhận? Hãy cùng trò chuyện với họ để cùng nhau đi tìm vị trí của người trẻ trong chương trình "Giai điệu tự hào".

"Giai điệu tự hào" là một trong những chương trình đã tạo được chỗ đứng trong lòng khán giả. Được thực hiện trên cơ sở Việt hoá format chương trình "Tài sản quốc gia" nổi tiếng trong lịch sử của truyền hình Nga, "Giai điệu tự hào" qua 3 mùa phát sóng đã trở thành món ăn tinh thần tạo nên thương hiệu cho Đài truyền hình Việt Nam VTV.

Không chỉ chạm được đến trái tim của số lượng lớn khán giả là những người lớn tuổi đã sống qua các giai đoạn lịch sử huy hoàng của dân tộc mà chương trình còn dần thu hút được sự quan tâm của các bạn trẻ - những người chưa từng sống trong thời chiến, chưa từng trải nghiệm những khó khăn ấy và chỉ có thể cảm nhận được niềm tự hào qua những lời kể hay qua giai điệu của các ca khúc mang dấu ấn lịch sử.

Vậy điều gì làm nên dấu ấn của chương trình trong mùa thứ 3 và khái niệm "trẻ" trong "Giai điệu tự hào" đã được định nghĩa lại như thế nào qua góc nhìn của bộ đội MC Lê Anh và Hồng Nhung. Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ từ chính những người trong cuộc.

Người trẻ ở đâu trong "Giai điệu tự hào"

Người trẻ biết chương trình "Giai Điệu Tự Hào" có nội dung “nặng” như vậy, nhưng nếu không xem có thấy mình thiệt gì không?

“Giai điệu tự hào" sau rất nhiều lần đổi mới và lần trở lại với phiên bản mới nhất vào cuối năm 2018 vừa qua với 1 ekip sản xuất mới trẻ trung hơn, bộ đôi MC cũng là những người trẻ tuổi nhất từng dẫn dắt GĐTH thì liệu có phải chương trình đang muốn mở rộng đối tượng hướng tới là các khán giả trẻ?

MC Hồng Nhung: 

Chúng tôi đã nhận được rất nhiều lời nhận xét từ các khán giả trẻ và ekip cũng đã có nhiều cách thức khác nhau để đến gần hơn với người trẻ. Hầu hết các bài hát đều được làm mới lại, phối lại theo rock, thêm rap và được các bạn trẻ thể hiện. Rất nhiều sân khấu, rất nhiều giai điệu đã được làm mới trẻ trung hơn. Màn trình diễn “Quả bom câm" trong số GĐTH tháng 5 vừa qua là 1 ví dụ. Đây là những nỗ lực của những người làm chương trình để tiếp cận được tới các khán giả trẻ.

Cả phần giai điệu và phần tự hào đều có những cách thức đổi mới khác nhau. Các câu chuyện trong phần tự hào được kể theo 2 góc nhìn từ cả hai thời đại để các bạn có thể hiểu nó, soi chiếu lại hiện tại một cách gần gũi nhất. Từ những chất liệu ấy chúng tôi làm ra các phóng sự của mình.

MC Lê Anh - Hồng Nhung: Những người trẻ không xem Giai điệu tự hào, có thấy mình thiệt gì không? - Ảnh 2.

Một điều khác nữa trong format mới của chương trình đó là trước đây, hội đồng giám khảo bao gồm cả các khách mời lớn tuổi lẫn người trẻ, họ cùng nhau bàn về âm nhạc. Còn bây giờ, chúng tôi mời những người trẻ để họ nói lên những tiếng nói của họ, họ có thể nghi ngờ, có thể thắc mắc ngay lúc đó để nêu lên góc nhìn của mình. Họ có thể chia sẻ cùng chương trình chứ chúng tôi không đẩy họ ra một góc so với lịch sử.

MC Lê Anh:

Chưa bao giờ trong 3 mùa đã qua của GĐTH, ekip lại nung nấu đến vậy trong việc thay đổi hình thức thể hiện. MC vừa nói, vừa đọc thơ vừa diễn kịch vừa hát và vừa tấu hài, rồi trở thành chủ trò của những gameshow. Nếu chúng tôi không thay đổi liên tục và làm những cách thức như vậy thì chưa chắc khán giả trẻ đã cảm thấy hấp dẫn. Nhưng cũng chỉ đến một mức dành cho các bạn trẻ ham hiểu biết thôi. Còn nếu những ai nói rằng mình không ham hiểu biết những điều mà chương trình muốn truyền tải thì chúng tôi không thể nào giúp họ được.

Theo anh/chị - là những MC chính của chương trình thì đâu là những giá trị mà chương trình “Giai điệu tự hào" đã mang đến cho khán giả, đặc biệt là các khán giả trẻ?

MC Lê Anh: "Giai điệu tự hào" là một thương hiệu được mặc nhiên dành cho người già, là chương trình dành cho những người lớn tuổi đã từng có rất nhiều trải nghiệm sâu sắc trong cuộc sống. Nhưng tôi rất tự tin để nói rằng "Giai điệu tự hào" chưa bao giờ là chương trình không dành cho những người trẻ.

Tôi luôn đặt câu hỏi rằng: Những khán giả trẻ 15 - 17 tuổi họ xem chương trình sẽ nhận được những gì từ chúng tôi? Một điều hết sức tự hào rằng đây giống như một lớp học, là một cuốn sách giáo khoa tham khảo vô cùng có giá trị mà các bạn phải mất bao nhiêu công để đọc thì thay vì đó, hãy ngồi với chúng tôi 2 giờ đồng hồ thôi.

Hiếm có chương trình nào tổng hợp thông tin, kiến thức cho bạn một cách súc tích, đầy đủ như thế. Người ta cô đọng cho mình, người ta tổng hợp cho mình, người ta rút ra những điều then chốt, cốt lõi. Đây là một chương trình rất phù hợp cho những bạn trẻ ham học hỏi, thích thu thập các thông tin kiến thức sâu sắc, đặc biệt về lịch sử thì GĐTH đã làm được phần việc đó.

MC Lê Anh - Hồng Nhung: Những người trẻ không xem Giai điệu tự hào, có thấy mình thiệt gì không? - Ảnh 4.

Tiếp đến là phạm trù về mặt cảm xúc. Các bạn trẻ có thể khi xem chương trình này sẽ không thấy cảm động bằng những người đã có tuổi, bởi vì các bạn có trải qua đâu. Nhưng các bạn trẻ có thể học và cảm nhận được điều gì? Đó chính là cách thấu hiểu cảm xúc của người lớn, những người thuộc thế hệ đi trước. Các thế hệ trao truyền và dẫn dắt cảm xúc cho nhau. Cách dẫn dắt cảm xúc này chính là cách để chúng ta truyền lan văn hoá. Mỗi một cộng đồng chỉ có thể giữ được cốt cách của mình nếu truyền lan được bản sắc văn hoá từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Điều mà chúng tôi mang đến cho các bạn trẻ ở đây đó là cách chúng tôi giúp bạn tiếp thu, tiếp nối những giá trị truyền thống. GĐTH đã giúp các bạn trẻ tiếp cận được cái gốc của dân tộc mình và học cách sống ở trong những năm tháng tiếp theo khi trưởng thành.

MC Lê Anh - Hồng Nhung: Những người trẻ không xem Giai điệu tự hào, có thấy mình thiệt gì không? - Ảnh 5.

Trong suốt thời lượng 2 tiếng đồng hồ phát sóng, với một khối lượng thông tin đồ sộ như vậy thì có phải là khá khó khăn cho những người trẻ trong việc tiếp thu nó hay không?

MC Lê Anh:

GĐTH vẫn là một chương trình hướng tới khán giả đại chúng. Đây vẫn là một món ăn chung cho mọi người nên rất nhiều bạn trẻ khi xem chương trình sẽ cảm nhận thấy những “lỗ hổng" của mình về lịch sử, âm nhạc kháng chiến, cũng như khía cạnh đời sống trong quá khứ của ông cha ta.

Nên câu chuyện ở đây đó là người trẻ nào sẽ tiếp tục bước qua giới hạn để mong muốn được bù đắp vào những lỗ hổng ấy, và người trẻ nào sẽ dừng lại?

GĐTH là một chương trình giải trí nghệ thuật. Nó có tác dụng gợi mở nhiều hơn là đem đến cho bạn một phông kiến thức đồ sộ được sắp xếp khoa học. Chương trình đưa ra cho bạn cơ hội được biết đến những vấn đề đáng được người trẻ quan tâm và sau khi bạn quan tâm rồi, bạn sẽ dần trở nên tò mò, tự đi tìm kiếm những tri thức ấy.

MC Lê Anh - Hồng Nhung: Những người trẻ không xem Giai điệu tự hào, có thấy mình thiệt gì không? - Ảnh 6.

Điều này được thể hiện khi bạn dành thời gian theo dõi toàn bộ chương trình. Trong suốt thời gian ấy, những lời mà khách mời nói đã chạm đến trái tim khán giả trong trường quay làm họ khóc. Vậy tại sao mình lại không cảm thấy gì, mình không thấy xúc động? Đó là do bạn không hiểu nên không cảm thấy đồng cảm. Nên nếu bạn muốn chia sẻ cùng dòng cảm xúc với một ai đó, với một câu chuyện nào đó, bạn cần phải tìm hiểu về nó. Giá trị mà bạn nhận lại sau đó mới đáng trân trọng. Đấy là cách mà GĐTH đã “rèn luyện" các khán giả trung thành của mình.

MC Lê Anh - Hồng Nhung: Những người trẻ không xem Giai điệu tự hào, có thấy mình thiệt gì không? - Ảnh 7.

Chủ đề và thông điệp mà GĐTH mang tới phần lớn là những câu chuyện hào hùng xảy ra trong thời chiến, tuy chạm đến trái tim khán giả và giúp chúng ta luôn nhớ về lịch sử cũng như thêm trân trọng cuộc sống hoà bình nhưng nếu cứ mãi khai thác chủ đề này thì liệu chương trình có đi vào lối mòn?

MC Hồng Nhung:

Những người có đủ trình độ và cái tâm để mong muốn chương trình có nhiều mảng miếng và nhiều hình thức khác nhau thì họ đã có sẵn nền tảng rồi. Họ không phải tờ giấy trắng hoàn toàn để mà mong chờ vào những cái giải trí đơn thuần và chúng tôi cũng không thể nào thu hút họ bằng cách đó được. Chúng tôi không giống như The Voice, không giống như các show truyền hình thực tế mang đến những lời đùa vui cười cợt, chúng tôi nói chuyện về xã hội thời đại. Đối với những khán giả họ không mong muốn tìm hiểu, chúng tôi không thể ép họ phải ăn món ăn này.

MC Lê Anh:

Tôi lại muốn đặt một câu hỏi ngược lại dành cho các bạn trẻ rằng: Người trẻ biết chương trình Giai Điệu Tự Hào “nặng” như vậy, nhưng nếu không xem có thấy mình thiệt gì không?

Bây giờ đang là thời đại số, mọi cơ hội đều bày ngay trước mắt và thông tin có ở mọi nơi xung quanh chúng ta. Bạn nắm bắt được thông tin nào, nó sẽ bổ sung thêm tri thức cho bạn. Người trẻ đang được đồng hoá hàng loạt với một format sống chung, nếu như bạn nào muốn mình trở thành một phiên bản khác đặc sắc hơn thì bạn phải có những điều mà thiên hạ người ta không có.

MC Lê Anh - Hồng Nhung: Những người trẻ không xem Giai điệu tự hào, có thấy mình thiệt gì không? - Ảnh 8.

Tôi tự hào rằng GĐTH sẽ cho độc giả những thứ mà ở nơi khác không có khi họ ở trong cùng một độ tuổi. Nhưng khán giả cần phải kiên trì với nó, cần phải có một “kỹ nghệ kungfu" khi tìm đến nó. Những con ngựa bất kham mới là những con ngựa hay, và bạn sẽ cảm thấy hay khi bạn “kham” được nó.

Tri thức cũng chính là như vậy. Kiến thức và học hành luôn khiến con người ta chán nản. Đọc tin tức về người mẫu, Hoa hậu lúc nào cũng hấp dẫn hơn đọc bài báo về sức khoẻ hay triết lý sống nào đó. Nhưng nếu bạn chịu khó bỏ ra một “kỹ năng kungfu" để tìm hiểu thì bạn sẽ thu lại được chính sức mạnh từ nó. Nếu bạn không chịu bỏ ra thì bạn cũng sẽ không thu về bất kì điều gì cả. GĐTH hướng đến những khán giả thực sự quan tâm đến chiều sâu của cuộc sống. Đối với những khán giả không quan tâm đến chiều sâu trong cuộc sống, chương trình không có nhu cầu “cải biến" bạn. Bạn không có chiều sâu thì đương nhiên bạn sẽ không thích chương trình như thế này.

Trước chương trình, ekip làm chương trình cùng chị Tạ Bích Loan đã dành thời gian cả ngày để đi tham quan bảo tàng Hồ Chí Minh để học. Kể cả khi tôi đã từng dẫn dắt các chương trình có nội dung giống thế, nhưng kiến thức vẫn có thể rơi rụng. Và khi mình học lại, mình “bổ khuyết" được những điểm rơi rụng ấy thì đó là lúc mình nhận ra giá trị của việc học.

Giải trí hiện nay không hề dễ dàng như các bạn trẻ tưởng tượng. Những thứ giải trí dễ dàng thì rất dễ phổ biến mà nếu nó đã phổ biến như vậy thì kiến thức cũng thuộc dạng phổ biến theo. Còn đối với những kiến thức mà bạn cần phải bỏ ra các “kungfu" nghiên cứu của mình thì khi nhận lại phần thưởng sẽ rất xứng đáng. Vậy nên tôi không cổ vũ những bạn trẻ dễ dãi rằng các bạn phải yêu chương trình của chúng tôi.

MC Lê Anh - Hồng Nhung: Những người trẻ không xem Giai điệu tự hào, có thấy mình thiệt gì không? - Ảnh 10.

Khái niệm “trẻ" trong "Giai điệu tự hào" đã được định nghĩa lại trong mùa thứ 3

Đều là những MC mới của chương trình, cũng là những MC trẻ nhất từng dẫn dắt “Giai điệu tự hào", có khó khăn và thuận lợi gì khi 2 anh chị cùng nhau dẫn chương trình này không?

MC Hồng Nhung:

Là người trẻ nhất đảm nhiệm vị trí MC của chương trình GĐTH, khi chúng tôi xuất hiện thì dường như đã mang đến một làn gió mới, đã thổi vào một nguồn năng lượng tích cực và những điểm khác biệt cho chương trình.

MC Lê Anh:

Khi đến với chương trình này, tôi rất tự tin và nó giống như một cái duyên. Tôi là một người yêu thích văn hoá, yêu nghệ thuật và nghiên cứu sâu các khía cạnh của nó nên tôi nghĩ rằng mình đủ hành trang dành cho chương trình này.

MC Lê Anh - Hồng Nhung: Những người trẻ không xem Giai điệu tự hào, có thấy mình thiệt gì không? - Ảnh 11.

Bản thân tôi và Hồng Nhung cũng theo dõi chương trình, theo dõi các MC đi trước và rất thích cách mà các anh chị truyền tải chương trình này đến cho khán giả. Nên vô tình nó hình thành một loại áp lực nhất định. Khi nhận làm MC cho chương trình là phải đón nhận rất nhiều kỳ vọng phải mới hơn, hay hơn các format cũ.

Sau 4 số thì chúng tôi đã tìm thấy được mạch để làm cho chương trình GĐTH mà mình mong muốn. Nhất là khi chúng tôi có sự giúp sức của 1 ekip “thần thánh" được dẫn dắt bởi thuyền trưởng Tạ Bích Loan, anh Phạm Hoàng Nam - “phù thuỷ sân khấu" cùng rất nhiều bạn trẻ luôn sẵn sàng xông pha. Nhờ đó mà chúng tôi cùng nhau hoá giải được một lượng lớn thông tin về nội dung chương trình. Bên cạnh đó thì áp lực lớn nhất dành cho 2 MC chắc chắn là làm sao để giữ được cảm xúc để mình không bị đuối sức khi chạy đường dài cho một chương trình “nặng đô" thế này.

GĐTH là một chương trình âm nhạc nghệ thuật có nội dung đặc thù đòi hỏi MC phải có rất nhiều kỹ năng, mùa mới còn áp dụng phát sóng trực tiếp nên tiêu chuẩn của khán giả cũng khắt khe hơn. Có những lời khen nhưng cũng không thiếu những lời nhận xét trái chiều từ các khán giả đã quen với dàn MC kỳ cựu trước đấy. Anh/chị đã đối mặt với những ý kiến đó như thế nào?

MC Hồng Nhung:

Hành trình của chúng tôi là một hành trình rất dài và gặp vô vàn áp lực. Hành trình ấy diễn ra mỗi tháng 1 số, chạy suốt cả năm và khối lượng nội dung là khổng lồ. Mỗi cuộc họp diễn ra là một lần cả ekip phải cân não. Nhưng nếu ai hỏi rằng có mệt không, còn muốn đắm đuối vào chương trình này nữa không thì câu trả lời chắc chắn là CÓ. Tâm huyết của 2 anh em dành cho chương trình là rất lớn, chúng tôi đã gạt hết tất cả các công việc trong khoảng thời gian trước đó chỉ để tập trung cho GĐTH.

MC Lê Anh - Hồng Nhung: Những người trẻ không xem Giai điệu tự hào, có thấy mình thiệt gì không? - Ảnh 12.

Không chỉ riêng chúng tôi mà các MC trước của GĐTH cũng đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Tôi đã từng nhận phải một lời đánh giá khiến mình phải bật khóc ngay trong thời gian ghi hình. Một bác khán giả lớn tuổi đã nhận xét rằng “MC rất là giả tạo" và đưa hình ảnh của tôi lên, ngay lập tức tôi đã nhắn tin cho anh Lê Anh và bật khóc. Không bàn đến các vấn đề chuyên môn nhưng là MC chính của chương trình, chắc chắn chúng tôi làm chương trình với một cảm xúc chân thành, có thể còn thiếu sót, nhưng tuyệt đối không phải là giả tạo. Đó là một lời phán xét thật sự rất nặng và trở thành một thách thức cho mình.

Chúng tôi phải tự đặt ra câu hỏi rằng cách thức truyền tải của mình có vấn đề gì không? Vị trí là 1 MC còn non trẻ, dẫn dắt một chương trình mang đậm tính lịch sử như thế này thì không tránh khỏi việc cảm nhận của khán giả lớn tuổi về mình sẽ khắt khe hơn. Nhưng cho dù chúng tôi không có những trải nghiệm thật, không có những cảm xúc sâu sắc về quá khứ như thế hệ đi trước nhưng chúng tôi có một góc nhìn mang tính thời đại trước các câu chuyện lịch sử ấy. Bằng tất cả sự tri ân, bằng tấm lòng chân thành để tìm hiểu tính nhân văn trong các câu chuyện xoay quanh con người, liên quan đến sự hi sinh, mất mát ấy thì từng giọt nước mắt, nụ cười hay cả những lời nhận xét suồng sã khắc nghiệt mà chúng tôi nhận được, nó đều đến từ sự chân thật.

MC Lê Anh - Hồng Nhung: Những người trẻ không xem Giai điệu tự hào, có thấy mình thiệt gì không? - Ảnh 13.

MC Lê Anh: 

Như thế thì khán giả sẽ dễ dàng tiếp nhận mình hơn. Nếu thay đổi một cách “thô bạo" quá thì đôi khi sẽ dẫn đến tác dụng ngược. Tuy nhiên khi nhận được những lời nhận xét tiêu cực ấy cũng có cái mừng, rằng chương trình được quan tâm. Chứ sợ nhất là làm chương trình xong không ai quan tâm thì lại chán.

Format mới của chương trình là lần đầu tiên GĐTH phát sóng trực tiếp nên việc khó khăn nhất đó là khi MC ngắt lời các khách mời. Ai cũng muốn chia sẻ, ai cũng nhiều lời chất chứa mà các khách mời đều là những người có địa vị rất cao trong xã hội, họ có công chúng riêng của mình. Nhưng MC là người phải đảm bảo cho thời lượng phát sóng của chương trình và hoà hợp nhiều phần khác nhau theo mạch nội dung kịch bản nên không thể tránh khỏi việc buộc phải ngắt lời họ. Và để làm sao cho không bị vô duyên, không can thiệp vào lời nói của họ một cách thiếu kiến thức thì điều đấy đòi hỏi rất nhiều kỹ năng.

"Giai điệu tự hào" mùa thứ 3 đã được sản xuất bởi 1 ekip hoàn toàn mới. Sự "thay máu" này có phải là bước tiến để GĐTH "trẻ hoá" đối tượng khán giả của mình?

MC Hồng Nhung: 

Những người làm chương trình này đều là những người trẻ, họ là 8x và rất nhiều người trong ekip đều là 9x. Chúng tôi không hề có trải nghiệm, nhưng chúng tôi có sự nhiệt tình và nguồn năng lượng. Những người trẻ khi làm phóng sự đều theo đuổi "Giai Điệu Tự Hào" bằng chính niềm đam mê của mình. Chúng tôi làm GĐTH cả năm và tinh thần trẻ ở xuyên suốt trong quá trình thực hiện chương trình.

Nên nói là người trẻ ở đâu, thì câu trả lời là người trẻ ở xuyên suốt trong cái giai điệu tự hào này với những cái góc nhìn rất thời đại từ những câu chuyện đã cũ.

MC Lê Anh - Hồng Nhung: Những người trẻ không xem Giai điệu tự hào, có thấy mình thiệt gì không? - Ảnh 15.

MC Lê Anh: 

Tôi nghĩ người trẻ trong GĐTH họ chính là khán giả, họ là nhân vật, họ là chính những người làm chương trình như chúng tôi. Khái niệm “trẻ" trong GĐTH được định nghĩa lại. Hãy đến dự 1 cuộc họp của chúng tôi, bạn sẽ thấy thế này: 6x là chị Tạ Bích Loan, anh Phạm Hoàng Nam; 7x là tôi và 1 số lãnh đạo ban cũng như lãnh đạo phòng, 8x gần như là những tầng lớp chủ chốt biên tập và 9x là các bạn thanh niên trẻ của VTV3.

Chúng tôi ngồi trong 1 cuộc họp có người ở bên kia biên giới, họp qua online, như là trong trận chiến ấy, chúng tôi đầy đủ như trong mâm cỗ gia đình, không phân biệt lứa tuổi. Một bạn 9x có thể hỏi bật lại chị Tạ Bích Loan khi có ý kiến hay, ai cũng có thể nêu bất cứ ý kiến gì và chúng tôi đều tôn trọng. Tôi nghĩ đây là 1 trong những môi trường mà tôi ngưỡng mộ. Tôi ngưỡng mộ người thuyền trưởng là vì đã tạo ra được văn hoá trẻ như thế. Vì chỉ có sự tôn trọng ý kiến cá nhân thì mới khích lệ được mọi người để cùng đóng góp cho chương trình. 

MC Lê Anh - Hồng Nhung: Những người trẻ không xem Giai điệu tự hào, có thấy mình thiệt gì không? - Ảnh 16.

"Giai điệu tự hào" mùa thứ 3 lên sóng với format mới được dẫn dắt bởi bộ đôi MC Lê Anh và Hồng Nhung. Chỉ sau 2 số đầu tiên đã lập tức được đề cử trong hạng mục "Chuỗi chương trình của năm" của giải thưởng Cống hiến năm 2019. Dấu ấn của "Giai điệu tự hào" ngày càng để lại rõ nét trong lòng khán giả truyền hình với nội dung sâu sắc về các giai đoạn lịch sử đáng nhớ kết hợp cùng những sân khấu âm nhạc được đầu tư kĩ lưỡng. 

Đón xem "Giai điệu tự hào" được phát sóng hàng tháng trên kênh VTV1.