Travel blogger Dy Khoa: Núi Việt Nam mình có thể so sánh với New Zealand, biển Phú Quốc, Côn Đảo đẹp chẳng kém gì ở châu Đại Dương

Ninh Linh, Theo Trí Thức Trẻ 13:15 21/06/2020

Đã đi qua 20 quốc gia, trải qua nhiều kỷ niệm đáng nhớ nhưng Dy Khoa luôn dành một tình yêu đặc biệt với cảnh quan quê hương mình.

"Đi du lịch bụi là hình thức đi du lịch không thường trú ở một địa điểm cố định trong thời gian ngắn ngày. Nếu định nghĩa như vậy thì mình được đi du lịch miết... từ nhỏ rồi - đi trong hoàn cảnh không mong muốn. Bố mình bị ốm, phải nhập viện, mẹ đành gửi mình sang các gia đình khác nhờ trông hộ. Vì thế, mình vô tình được "đi du lịch" từ nhà hàng xóm, nhà bà con thân cận."

Travel blogger Dy Khoa, tên thật là Nguyễn Hoàng Anh Khoa, nói đùa về lý do mình "ham" du lịch đến vậy. Anh từng đi nhiều nước một mình và cho rằng việc du lịch một mình cho bản thân những cảm xúc hay ho. Tuy thế, anh thích trở thành một story teller hơn (người kể chuyện - PV) bởi anh luôn mong muốn được kể lại những câu chuyện mình đã đi qua.

Những chuyến đi nước ngoài không cô đơn

Chuyến xuất ngoại đầu tiên của Dy Khoa là đi Campuchia vào năm 2011, xuất phát từ TP. HCM. Trên con đường về nhà thay vì chạy xe máy thẳng tới Tây Ninh, anh đã chọn đi Campuchia. Đã có một kỷ niệm khiến anh nhớ mãi và không ngừng nói mình hên khi không bị xử lý hành chính vì không có giấy thông hành. Lý do một phần là du khách đi qua cửa khẩu rất đông, phần khác vì luồng di chuyển không rõ ràng. Đáng nhẽ đi đến cửa khẩu cần phải dừng lại để đóng dấu thông hành nhưng không có ai nhắc nên anh đi liền một mạch.

Sang đến nước bạn, hải quan kiểm tra không thấy dấu thông hành và yêu cầu anh quay về Việt Nam để đóng dấu. Anh cười khi nhớ lại, "Hải quan ở Việt Nam bảo mình "Gan dữ", may mắn sao mình được mọi người hỗ trợ nhiệt tình. Hơn nữa, passport của mình khi ấy trắng nên mọi người cũng thông cảm. Sau đó mình tiếp tục chạy xe máy khám phá Campuchia, gặp gỡ những người bạn mới và mình còn nhớ rõ đã ăn một ổ bánh mỳ của một cô người Việt trước cung điện Hoàng gia mà."

Chuyến đi Mynamar năm 2016 của Dy Khoa. Ảnh: FBNV.

Ở mỗi địa điểm du lịch, ở mỗi hành trình, ở mỗi quốc gia đi qua Dy Khoa đều có những trải nghiệm thú vị riêng biệt. Đối với anh, đi du lịch một mình chưa bao giờ nhàm chán cả. Trong chuyến đi tới Myanmar, anh nói vô tình mình gặp một bạn người Trung Quốc. Giữa hai người như có mối nhân duyên kì lạ, thời gian và lịch trình chuyến đi đều trùng nhau, thậm chí hai người ngồi cùng hàng ghế trên xe bus từ Yagon lên Bagan, số ghế của bạn Trung Quốc là 37A còn của Dy Khoa là 37B. Vậy là, từ chuyến đi một mình, Dy Khoa đã có thêm một người bạn đồng hành trong hành trình khám phá Myanmar của mình.

Chia sẻ về kinh nghiệm đi du lịch của mình, Dy Khoa thấy nhiều người khá cầu kỳ trong việc lên lịch trình còn anh lại là người có thể "xách ba lô lên và đi" ngay trong hôm nay và ngày mai về. Ngoài tìm hiểu thông tin điểm đến, Dy Khoa cũng nhắc nhở mọi người nên tìm hiểu hoàn cảnh chính trị, thời sự hay thời tiết của điểm đến. Lần đến Pháp, anh có qua Brussels, Bỉ và suýt nữa bị lạc trong đám đông biểu tình. Vốn đã "kinh qua" nghề phóng viên nên anh nhanh chóng tìm kiếm được thông tin để "giải thoát" mình.

Chuyến đi châu Âu năm 2019 của Dy Khoa. Ảnh: FBNV.

Hay như lần đến Ấn Độ, thời tiết thời điểm đó vô cùng nóng đến mức tạo ra hiện tượng sóng nhiệt, những ai sức khoẻ kém có thể phải nhập viện. Trước khi đến đất nước này, Dy Khoa đã tìm hiểu thông tin thời tiết trước nên anh cũng cố gắng "bắt chước" dân địa phương ăn thật nhiều hành để tăng sức đề kháng. Hiếm hoi lắm mới có những lần anh đi cùng với bạn, người bạn ở Huế đó đã từng cùng anh đi dọc Malaysia và Brunei.

Đi hết 11 nước Đông Nam Á nhưng đất nước để lại ấn tượng nhất trong anh là Indonesia. Trong một lần đến đưa tin về một đoàn sinh viên Indonesia sang Việt Nam trao đổi, anh đã lưu liên lạc của một vài bạn. Khi trò chuyện, vô tình nghe đến tên tỉnh Yogyakarta – cố đô của Indonesia nên anh tò mò lắm và rất thích thú sau khi đã tìm hiểu. Cùng năm đó, anh có cơ duyên được đi công tác ở Jakarta và gia đình ở Yogyakarta đã chấp nhận làm host cho anh ở Indonesia. Đến bây giờ, Dy Khoa coi đó như là gia đình thứ hai của mình. Người theo đạo Hồi thường e dè với người lạ nhưng trước mặt Dy Khoa, phụ nữ trong gia đình đều tháo khăn trùm đầu và nói chuyện rất thoải mái. Mỗi năm, họ tặng anh quà Noel còn anh gửi lại họ lì xì - một tập tục đầu năm mới của Việt Nam ta.

Ước mơ đi hết Việt Nam mình

Dy Khoa tiết lộ anh đã đặt chân tới 50 tỉnh thành của nước ta. Những gì đọng lại trong anh đều là những kỉ niệm đẹp, người dân địa phương luôn nhiệt tình, hiếu khách, cảnh quan đẹp, hùng vĩ, lại cộng thêm bề dày văn hoá Việt nên dù đã đi qua 20 quốc gia, Việt Nam trong tâm trí Dy Khoa vẫn rất tuyệt vời.

Chuyến đi Huế đầu năm 2020 của Dy Khoa. Ảnh: FBNV.

"Cá nhân mình thấy, nếu để đặt lên bàn cân với những nước có cảnh quan về núi thì núi ở Việt Nam có thể so sánh với núi ở New Zealand. Sa Pa hay khu vực vùng núi phía Bắc đẹp quá sức tưởng tượng. Một vài người nói phải đi nước ngoài, đi những nước ở Nam Á hay châu Đại Dương để cảm nhận biển, nhưng mình thấy không phải, biển Phú Quốc, Côn Đảo hay biển dọc đất liền nước mình cũng đẹp chẳng kém gì."

Trong mỗi chuyến đi, Dy Khoa đều tìm thấy những góc riêng để thả mình vào những trải nghiệm, dĩ nhiên những trải nghiệm đó không đánh đổi bằng tính mạng và tiền bạc. Anh sẽ không đi đến những điểm nổi tiếng mà mọi người thường tới, như Hà Nội phải tới nhà thờ hay Hồ Gươm...

Mà anh sẽ tìm đến những ngóc ngách rất sâu để cảm nhận. Anh thích những gánh hàng hoa ngoài lề đường. Anh thích nói chuyện với người dân địa phương. Anh luôn tìm thấy những câu chuyện thú vị ở mỗi điểm đến, từ đó thêm yêu địa điểm mình đang thăm thú, khám phá. Anh bảo, nếu không dấn thân thì làm sao mà biết người miền Tây yêu vọng cổ, cải lương đến vậy, làm sao mà biết người dân mình hiếu khách sẵn sàng cho người lạ ở nhờ một đêm...

Với anh, travel blogger không phải là một nghề dễ kiếm tiền mà điều quan trọng nhất với một travel blogger, đó là những trải nghiệm. Anh không phủ nhận mình có một phần thu nhập từ travel blogger, dù không nhiều; tuy nhiên, nó chỉ tài trợ một khoản nhỏ của chuyến đi như tiền vé máy bay, khách sạn, voucher...

Chuyến đi Hà Nội năm 2019 của Dy Khoa. Ảnh: FBNV.

Dy Khoa luôn đau đáu một nỗi băn khoăn, làm sao để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của khách du lịch. Điều kiện càng ngày càng tốt hơn nên để thực hiện một chuyến du lịch, với nhiều người, bây giờ, không khó. Anh nghĩ nên có chế tài riêng để phạt những bạn ý thức kém, vứt rác bừa bãi. Nhưng anh cũng thấy một số địa điểm du lịch ở Việt Nam có rất ít sọt rác, thật kỳ lạ nhiều bãi biển lớn ở Việt Nam không tìm thấy một sọt rác nào. Anh hy vọng, vì mối quan hệ tương quan giữa 2 bên, các doanh nghiệp làm trong ngành du lịch cũng như các du khách, và tất cả chúng ta, hãy cùng nhau thay đổi.