Trào lưu nuôi con “vì đẹp mà nghèo”: Tôi nghèo nhưng sang, miễn bản thân hạnh phúc là được

Phương Uyên, Theo Pháp luật và Bạn đọc 21:24 05/03/2022

Cha mẹ không ngại chi tiền mua đồ hiệu cho con mặc, nhưng liệu nó có phải là khoản đầu tư xứng đáng?

“Vì đẹp mà nghèo”: xu hướng nuôi dạy con kiểu mới của cha mẹ Trung Quốc, tưởng hiện đại hóa ra hại con.

“Vì đẹp mà nghèo” là gì?

“Vì đẹp mà nghèo” là một cụm từ thông dụng trên các diễn đàn mạng xã hội Trung Quốc, xuất hiện lần đầu tiên trong bình luận của một blogger trên Weibo vào năm 2018, sau đó phổ biến trong giới trẻ.

Cụm từ này mô tả lối sống “sung túc giả tạo” thường xảy ra ở những người trẻ tuổi. Họ quan niệm rằng: “Để theo đuổi sự tinh tế và phong cách, tôi sẵn sàng chi, dù tôi không kiếm được nhiều tiền nhưng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ đam mê làm đẹp. Tôi chấp nhận không có sổ tiết kiệm để theo đuổi những thứ tôi khao khát và thỏa thích mua sắm thứ tôi thích. Chúng tôi nghèo nhưng sang, miễn bản thân hạnh phúc là được.”

Thế hệ cha mẹ trẻ với quan niệm dạy con kiểu mới

Dương Dương, một cô bé chỉ mới 6 tuổi nhưng trong tủ đồ luôn đầy quần áo hiệu. Mẹ cô bé là người phụ nữ xinh đẹp, luôn chăm chút cho bản thân và thích mua sắm trang sức, quần áo, giày dép,... Cô luôn muốn con gái mình phải được mặc những bộ quần áo đắt tiền, trông như một “tiểu thư” thực thụ nên không ngại vung tay.

Dù cả hai vợ chồng đều không mấy khá giả, chỉ là nhân viên văn phòng làm công ăn lương, nhưng mẹ Dương Dương có thói quen ăn mặc hàng hiệu và điện thoại di động của cô phải luôn là loại mới nhất.

Sau khi sinh Dương Dương, cô cũng ít khi mua đồ hiệu cho bản thân. Cô dành những gì tốt nhất cho con gái mình, do đó, trên người bé Dương Dương chỉ toàn là thương hiệu nổi tiếng. Từ quần áo, giày dép cho đến chiếc cặp đi học mẫu giáo của con, cô đều mua với giá hơn 1.000 tệ trở lên cho mỗi món (khoảng 3,6 triệu).

Trào lưu nuôi con “vì đẹp mà nghèo”: Tôi nghèo nhưng sang, miễn bản thân hạnh phúc là được - Ảnh 1.

Cha mẹ trẻ Trung Quốc xem việc sắm sửa đồ hiệu cho con ngay từ nhỏ là khoản đầu tư chính đáng. Ảnh minh họa

Mẹ Dương Dương luôn quan niệm dạy con rằng: “Đã sinh con gái thì phải cho nó sống trong giàu có, nếu không sau này nó sẽ dễ bị lóa mắt bởi 'cây kẹo mút' của người đàn ông”. Cô muốn con gái mình phải được sống trong nhung lụa nên đầu tư hàng hiệu là khoản đầu tư chính đáng, vì cô cho rằng có như vậy khi bước vào đời con mình mới không bị cám dỗ bởi tiền bạc.

Tuy nhiên, trong cuộc sống “giàu sang ảo” như vậy, con gái cô lại không hạnh phúc . Dù chân mang giày đắt tiền, nhưng Dương Dương vẫn thường xuyên chứng kiến ​​cảnh bố mẹ mình cãi nhau vì tiền bạc. Để kiếm thêm tiền, ngoài công việc ở công ty, bố Dương Dương còn kiếm thêm thu nhập bằng công việc giao hàng vào buổi tối. Anh ấy không hút thuốc, không rượu bia và không bao giờ mua quần áo mới cho bản thân, vì tất cả tiền lương đã dành để mua quần áo, túi xách cho vợ và con.

Một lần, Dương Dương bị bệnh phải nhập viện điều trị, nhưng bố mẹ cô bé chưa thể trả viện phí vì công ty chưa trả lương. Hai vợ chồng cãi nhau trước mặt con, ông bố nói muốn ly hôn, không muốn sống cùng một người vợ hoang phí như thế nữa. Người vợ chê chồng bất tài vô dụng, nếu giỏi giang thì đã lo cho vợ con cuộc sống sung túc hơn.

Trào lưu nuôi con “vì đẹp mà nghèo”: Tôi nghèo nhưng sang, miễn bản thân hạnh phúc là được - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Cứ như vậy, lâu dần Dương Dương trở nên ghét việc mẹ mua cho quần áo mới. Em nhìn thấy mẹ đi mua sắm thì sợ, ám ảnh cảnh bố mẹ cãi nhau vì tiền bạc.

Tác động tiêu cực đến tâm lý con cái

Hầu hết những gia đình có điều kiện kinh tế tốt sẽ ít thấy cha mẹ cãi nhau vì tiền bạc. Cha mẹ chạy theo lối sống “vì đẹp mà nghèo” có thói quen “đốt” tiền vào quần áo, túi xách, giày dép, nên trong lúc cấp bách, dễ xảy ra cãi vã vì không còn tiền tiết kiệm.

Điều này vô tình khiến đứa trẻ suy nghĩ tiêu cực khi để nó chứng kiến cảnh cha mẹ cãi nhau. Chúng sẽ cảm thấy tội lỗi và tự trách bản thân, vì nuôi nấng mình nên cha mẹ mới không hòa thuận. Lâu dần, trẻ lớn lên dễ tự ti vì luôn nghĩ bản thân mình như “của nợ” của cha mẹ.

Trào lưu nuôi con “vì đẹp mà nghèo”: Tôi nghèo nhưng sang, miễn bản thân hạnh phúc là được - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Phụ huynh dạy con theo quan điểm “vì đẹp mà nghèo” thường chú trọng đến hình thức bên ngoài hơn vẻ đẹp tri thức, và điều đó dễ khiến con hình thành quan niệm tương tự giống cha mẹ khi nó lớn lên. Chúng chi biết quan tâm đến quần áo, giày dép, phụ kiện hàng hiệu, mục tiêu của cuộc đời chúng kiếm tiền là để chạy theo “mốt” xa xỉ.

Đối với những gia đình có điều kiện có thể chi trả để thỏa mãn sở thích tiêu xài của con, nhưng đối với gia đình bình thường, khi không đáp ứng nhu cầu ăn mặc đẹp, con có thể nảy sinh thói quen vay tiền, thậm chí làm mọi cách để thỏa mãn sĩ diện của bản thân.

Nhiều bậc cha mẹ nuôi dạy con, nghĩ rằng cho con giàu có về vật chất là đủ. Cho con một cuộc sống “giàu có” thực sự chính là việc cha mẹ đồng hành cùng con nhiều hơn, nuôi dạy con bằng phương pháp giáo dục khoa học, rèn luyện con thành người hiểu biết, lễ phép, có đạo đức.

(Theo NetEase)

https://soha.vn/trao-luu-nuoi-con-vi-dep-ma-ngheo-toi-ngheo-nhung-sang-mien-ban-than-hanh-phuc-la-duoc-20220227181419871.htm