Tranh cãi vấn đề cấm nuôi chó, mèo trong chung cư ở Sài Gòn: Vẫn chưa đến hồi kết!

Futo Nguyen, Theo Trí Thức Trẻ 07:01 22/09/2017

Quy định cấm nuôi chó mèo ở chung cư đã từng gây nên những cuộc tranh luận rất gay gắt trước đây. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại vấn đề này vẫn chưa đi đến sự thống nhất. Nhiều người cho rằng nên cấm, nhưng cũng không ít người phản đối quy định này.

Năm 2015, chính phủ ban hành Nghị định số 99 trong đó quy định cấm hành vi chăn, thả gia súc, gia cầm trong khu vực chung cư. Đã có rất nhiều cuộc tranh luận xoay quanh vấn đề này.

Không ít người đã thốt lên rằng: "Cấm gia súc, gia cầm thì đúng rồi. Nhưng chó, mèo là bạn của con người, tại sao lại cấm!". Mãi cho đến tháng 9/2017, khi hoạt động của đội săn bắt chó ở TP.HCM được dư luận chú ý, thì vấn đề cấm nuôi chó mèo lại một lần nữa được cộng đồng quan tâm.

Tranh cãi vấn đề cấm nuôi chó, mèo trong chung cư ở Sài Gòn: Vẫn chưa đến hồi kết! - Ảnh 1.

Tranh cãi về vấn đề cấm nuôi chó mèo trong chung cư vẫn chưa tới hồi kết.

"Nên cấm nuôi động vật ở chung cư vì đây là không gian chung"

Đầu tiên chúng ta cần xác định rõ khái niệm chung cư là gì? Theo quy định của Luật Nhà ở 2014 thì chung cư là nhà có từ 2 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh.

Chính vì chung cư có nhiều không gian sinh hoạt chung như: sân chơi, cầu thang, thang máy, hành lang...thế nên nhà làm luật đã đề ra quy định cấm hành vi nuôi gia súc, gia cầm để tránh gây mất trật tự, cũng như đảm bảo sự an toàn và vệ sinh chung cho người dân.

Chung cư có nhiều không gian sinh hoạt chung.

Trên thực tế có không ít hộ dân sống tại các chung cư phàn nàn về vấn đề thú nuôi làm ảnh hưởng đến vệ sinh chung. Bà Mai hiện đang sống tại chung cư Trúc Giang (quận 4, TP.HCM) cho biết: "Đa số các hộ gia đình ở trong chung cư đều chăm sóc các con vật nuôi khá kỹ lưỡng và không để cho chúng đi ra nơi công cộng. Tuy nhiên cũng có một vài người chưa có ý thức tốt, để thú nuôi đi lung tung, phóng uế bừa bãi, nhưng lại không dọn dẹp mà để bốc mùi rất khó chịu".

"Mặc dù các con thú nuôi đều được tắm rửa sạch sẽ nhưng mùi lông của thú đôi khi vẫn gây khó chịu cho một số người, đặc biệt là những ai bị dị ứng. Thế nên đôi khi chủ nhân của thú nuôi dù cẩn thận vẫn gây ảnh hưởng đến người xung quanh" - anh Lâm (sống tại chung cư Ký Con, quận 1) chia sẻ.

Đồng quan điểm với anh Lâm và bà Mai, chị Hương (chung cư Thị Nghè) tâm sự: "Thật ra cấu tạo của chung cư vốn không hoàn toàn thích hợp để nuôi thú cưng quá lớn như các loài chó to: husky, alaska, doberman, bull... Chung cư thì phương tiện lên xuống chủ yếu là thang máy. Cứ thử tưởng tượng cảnh đi chung trong 1 không gian hẹp với 1 con chó to đùng, xui hơn nữa là thần kinh mình hơi yếu, thì đau tim cỡ nào... Thế nên rõ ràng quy định cấm là có lý do".

Tranh cãi vấn đề cấm nuôi chó, mèo trong chung cư ở Sài Gòn: Vẫn chưa đến hồi kết! - Ảnh 3.

Rất nhiều người dân phàn nàn về vấn đề thú nuôi gây mất trật tự và ảnh hưởng đến vệ sinh chung.

Việc cấm nuôi vật nuôi, đặc biệt là chó mèo tại các chung cư ở TP.HCM hiện tại không nhất quán. Có chung cư vẫn cho phép, nhưng có chung cư thì đưa ra quy định cấm nghiêm ngặt. Một số nơi như chung cư Linh Tây (Thủ Đức), Sunrise City (quận 7), khu căn hộ Gia Việt (quận 8)... đều có các biển cấm, nếu hộ dân nào cố ý vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định.

Chị Quỳnh Hương (khu căn hộ Gia Việt) chia sẻ: "Hồi mới chuyển về đây sống tôi vẫn thấy một số hộ dân nuôi thú cưng. Tuy nhiên nhiều người không có ý thức, đưa thú xuống sân chơi chung và để thú phóng uế bừa bãi làm ảnh hưởng đến người dân đặc biệt là người già và trẻ em. Vì vậy ban quản lý đưa ra quy định cấm luôn".

Tranh cãi vấn đề cấm nuôi chó, mèo trong chung cư ở Sài Gòn: Vẫn chưa đến hồi kết! - Ảnh 4.

Những chung cư hiện đại thường không cho phép nuôi thú cưng.

"Không nên cấm, mà cần nâng cao ý thức của chủ vật nuôi"

Mặc dù thực tế gặp phải nhiều bất cập trong vấn đề nuôi thú cưng ở chung cư. Tuy nhiên không vì thế mà chúng ta quy chụp tất cả. Vẫn có rất nhiều hộ dân chăm sóc thú cưng rất kỹ lưỡng và cố gắng không làm ảnh hưởng đến người xung quanh. Vì vậy quy định cấm gây ra cho họ rất nhiều phiền toái.

Tranh cãi vấn đề cấm nuôi chó, mèo trong chung cư ở Sài Gòn: Vẫn chưa đến hồi kết! - Ảnh 5.

Cô Thu cho biết ý thức về nuôi thú vật của người dân đã nâng cao hơn trước rất nhiều.

Bạn Trăm (chung cư Đức Khải, quận 2) cho biết: "Tôi hiện tại có nuôi 2 em mèo. Ban ngày đi làm thì tôi để tụi nó trong nhà và khoá cửa lại. 2 chú mèo tự biết chỗ ăn, đi vệ sinh vào cát trong thau. Tối về tôi chơi với chúng hoặc lâu lâu đưa chúng ra công viên chơi, chứ không để chúng chạy lung tung ngoài hành lang làm ảnh hưởng đến các hộ xung quanh".

Theo cô Thu (chung cư Trúc Giang, quận 4) thì đa số các hộ dân chỗ cô ở đều ý thức trong việc chăm sóc thú nuôi. Họ thường để thú nuôi trong nhà chứ ít khi đem ra khu vực sinh hoạt chung. Chỉ phần ít là thả rông thú nuôi, không rọ mõm và thậm chí không tiêm phòng đầy đủ.

Dù thế nào thì thứ cưng cũng là những người bạn rất thân thuộc của con người.

Vấn đề cốt lõi ở đây chính là nhiều chủ vật nuôi chưa có ý thức huấn luyện cho thú cưng chuyện đi vệ sinh đúng nơi, hoặc biết tự dọn dẹp khi thấy thú cưng phóng uế nơi công cộng. Đồng thời phải rọ mõm và tiêm phòng đầy đủ cho thú nuôi để đảm bảo an toàn cho người xung quanh, đặc biệt là trẻ em.

Tranh cãi vấn đề cấm nuôi chó, mèo trong chung cư ở Sài Gòn: Vẫn chưa đến hồi kết! - Ảnh 7.

Chị Hương tâm sự: "Tôi nghĩ tốt nhất nên có quy định về kích cỡ, hoặc loài vật được phép nuôi. Và phải cho chủ vật nuôi cam kết rõ ràng về chuyện vệ sinh, đảm bảo quy định tiêm phòng, hạn chế ồn ào. Nếu vi phạm thì phạt, nhiều lần thì cưỡng chế. Thật ra ý thức của người dân bây giờ cũng nâng cao hơn trước nhiều rồi".

Theo pháp luật hiện hành, tại điểm e, điểm d khoản 1 Điều 7 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định nếu nuôi gia súc, gia cầm, động vật gây mất vệ sinh chung ở khu dân cư; để gia súc, gia cầm hoặc các loài động vật nuôi phóng uế ở nơi công cộng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng với mỗi hành vi.