Trải qua tuổi trẻ nhiều vấp ngã, 40 tuổi nhiều người mới thấu: Hóa ra đây mới là những điều đời người nhất định phải học, ngẫm ra càng sớm càng bớt hối tiếc

Hoàng Lan, Theo Doanh nghiệp & tiếp thị 07:38 23/12/2020

Những kinh nghiệm sống càng quý giá càng đòi hỏi bạn phải trải qua nhiều vấp ngã, đau thương mới hiểu thấu.

Đối với một số người, tuổi 40 đánh dấu điểm khởi đầu của "dốc bên kia cuộc đời". Họ lo sợ về tương lai, cẩn thận hơn với sự nghiệp của mình thay vì liều lĩnh để thăng tiến như ở tuổi 30, bài xích sự thay đổi và có xu hướng đả kích những người trẻ tuổi vẫn đang tràn đầy hy vọng.

Đó là điều sẽ xảy ra với những người không dám đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống và biến nó thành động lực. Những người thông minh sẽ học hỏi từ những sai sót thời trẻ và áp dụng các kinh nghiệm đó khi bước vào tuổi trung niên và đạt được bước tiến của mình.

Hãy làm những gì những người thông minh làm - học hỏi từ những sai lầm của những người đi trước bạn để tránh những cạm bẫy nguy hiểm ập đến với hầu hết những người ở độ tuổi 20 và 30.

Bài viết này chia sẻ 7 bài học kinh nghiệm quý giá từ vấp ngã của nhiều người ở tuổi trung niên:

Sai lầm lớn nhất của đời người là sống để người khác nhìn

Trải qua tuổi trẻ nhiều vấp ngã, 40 tuổi nhiều người mới thấu: Hóa ra đây mới là những điều đời người nhất định phải học, ngẫm ra càng sớm càng bớt hối tiếc - Ảnh 1.

Bạn đã từng luôn tự đặt ra một câu hỏi rằng: Người khác sẽ nghĩ gì, bất cứ khi nào cân nhắc thực hiện một bước đi táo bạo hay không?

Hầu hết mọi người đều sợ bị phán xét. Trên thực tế, điều này không quá tồi tệ như chúng ta nghĩ và bạn có thể đáp trả những lời phán xét đó bằng một chiến thuật rất đơn giản - im lặng. Sự im lặng là phản ứng mạnh mẽ nhất làm câm lặng những lời phán xét vô nghĩa. Cuộc đời của bạn do bạn quyết định. Những lời nói xung quanh chỉ là sự góp ý, đừng để nó kiểm soát bạn, kiềm chế bạn phát triển.

Tuy nhiên, những lời đánh giá phán xét là điều khó tránh khỏi trong cuộc sống, bạn đừng ngại đối mặt với nó thường xuyên, hãy làm như vậy để xây dựng khả năng miễn dịch của mình. Đừng vì thuận theo ý ai đó mà bước nhầm con đường dưới chân mình.

Cuộc sống là hữu hạn

Có mất đi mới biết tiếc nuối là chân lý cuộc sống. Con người vẫn biết cuộc sống của mình là hữu hạn nhưng chỉ khi đến độ tuổi 40 trở đi, bước qua thanh xuân, người ta mới thực sự ý thức được thời gian của chúng ta trên trái đất thật là ngắn ngủi.

Cuộc đời ngắn ngủi mấy chục năm, muốn đi hết con đường mình đã chọn bạn phải có chính kiến riêng, ý chí kiên định, giữ vững lòng tin, kiên trì với những gì mình theo đuổi, đừng sống dễ dãi, tạm bợ, càng không được phép hồ đồ, ngớ ngẩn. Năm tháng ngắn ngủi, đừng để phí hoài, bạn hãy sống sao cho xứng đáng với chính mình.

Hãy rèn luyện khả năng tự do về tài chính càng sớm càng tốt

Những mối lo lắng về tài chính là một nguyên nhân chính khiến người ta sợ hãi việc mình đang già đi. Với mỗi năm trôi qua, nỗi sợ hãi đó lại càng khiến bạn trở nên hoài nghi hơn, hoài nghi về cuộc sống, hoài nghi về chính bản thân mình. Sự thật là nhiều bạn trẻ đang cố gắng giành giật cơ hội để giữ lấy công việc của họ, bởi vì, nếu từ bỏ công việc đó, những kỹ năng chuyên môn của họ không biết phải áp dụng vào môi trường khác như thế nào.

Chỉ có một giải pháp để giải quyết vấn đề này, đó là trau dồi khả năng kiếm tiền mà không cần một ông chủ nào cả. Khả năng tự tạo thu nhập của bạn sẽ hóa giải nỗi lo về khả năng bị tổn thương tài chính.

Hãy vun đắp tình bạn với cả những người lớn tuổi hơn và những người trẻ hơn bạn

Trải qua tuổi trẻ nhiều vấp ngã, 40 tuổi nhiều người mới thấu: Hóa ra đây mới là những điều đời người nhất định phải học, ngẫm ra càng sớm càng bớt hối tiếc - Ảnh 2.

Những người lớn tuổi hơn là những từng trải, có thể họ đã đi qua những khó khăn, những thách thức mà bạn sắp phải đối diện trong tương lai không xa. Đừng bao giờ quan niệm rằng những người lớn tuổi hơn sẽ cứng nhắc và không thể kết bạn. Ngược lại, bạn sẽ học được từ họ những kinh nghiệm sống quý báu, đáng giá vài chục năm cuộc đời từ họ.

Những người bạn nhỏ tuổi hơn sẽ có sự lạc quan, năng lượng và những suy nghĩ mới mẻ. Đừng cho rằng, họ chỉ là những đứa trẻ, mà hãy ngồi lại, lắng nghe, kết bạn và có thể bạn sẽ học được từ họ nhiều hơn bạn nghĩ.

Những người bạn trẻ hơn giúp bạn có được sự lạc quan và những suy nghĩ mới mẻ, trong khi những người bạn lớn tuổi sẽ giúp bạn có được sự khôn ngoan. Bạn cần quan điểm của cả hai để củng cố cuộc sống của mình.

Đừng vì theo đuổi sự nghiệp mà bỏ quên những người yêu thương

Tuổi trẻ là hành trình nỗ lực để theo đuổi những hoài bão, những sự nghiệp. Nhưng bạn đừng quên rằng, luôn có những người thân, người bạn, người yêu thương chúng ta luôn dõi theo và không bao giờ từ bỏ ta. Nhưng đừng vì thế mà mặc định rằng họ sẽ luôn bên cạnh chúng ta mãi mãi. Thời gian hữu hạn, cuộc sống thay đổi vô thường, nếu không dành thời gian quan tâm, yêu thương, một ngày nào đó bạn sẽ hối hận.

Đánh giá sai lầm về những chi phí chìm sẽ dẫn đến những quyết định tồi tệ

Trải qua tuổi trẻ nhiều vấp ngã, 40 tuổi nhiều người mới thấu: Hóa ra đây mới là những điều đời người nhất định phải học, ngẫm ra càng sớm càng bớt hối tiếc - Ảnh 3.

Đã có người từ bỏ sự nghiệp béo bở để trở thành đầu bếp, có những người từ bỏ công việc văn phòng ổn định để viết văn… Ý nghĩ đầu tiên của chúng ta khi nghe đến đây chắc hẳn là, còn ngần ấy thời gian để đầu tư xây dựng sự nghiệp, tại sao lại dại dột bỏ đi 16 năm học tập và 15 năm kinh nghiệm để trở thành một đầu bếp, hay tại sao lại từ bỏ một công việc an ổn như thế để theo đuổi sự bấp bênh?

Chúng ta thường có xu hướng tiếp tục nỗ lực hoặc đầu tư chỉ vì mình đã đầu tư nhiều thời gian hoặc nguồn lực vào đó. Dưới đây là những ví dụ:

• Ném nhiều tiền hơn khi đầu tư thua lỗ.

• Níu kéo một mối quan hệ đã không thể cứu vãn chỉ vì hai bạn đã ở bên nhau một thời gian dài.

• Cố duy trì một công việc không thành công vì bạn đã dành nhiều thời gian và tiền bạc cho việc học của mình.

Tất cả các khoản đầu tư thời gian và tiền bạc ở trên đều là chi phí chìm. Chúng đã ra đi vĩnh viễn và không thể phục hồi.

Gắn bó với sự thua cuộc, cứu vãn những điều đã thoái trào vì bạn đã lãng phí thời gian hoặc nguồn lực cho nó, chỉ làm tăng thêm nỗi đau và không thể phát triển được. Nếu bạn thấy mình đang trong tình trạng này, hãy tự hỏi bản thân: Nếu tôi bắt đầu lại từ đầu, tôi có còn tiếp tục con đường này không?

Nếu bạn trả lời không, hãy mạnh mẽ từ bỏ và tiếp tục con đường phù hợp nhất với mình. Làm điều đó càng sớm, bạn càng có nhiều thời gian để nỗ lực có ý nghĩa.

Hạnh phúc vốn không phải là điều bạn theo đuổi mà chính là cảm nhận của bạn về hành trình đó

Khi còn nhỏ chỉ cần có được một môi trường sống thích hợp, có thể ăn ngon là chúng ta đã thấy hạnh phúc rồi; sau khi lớn lên, định nghĩa đối với hạnh phúc dần dần càng trở nên rộng hơn, nào là công thành danh toại, có nhà đẹp, xe... Những thứ này đều đã trở thành tiêu chuẩn của hạnh phúc và là mục tiêu mà chúng ta theo đuổi suốt quãng đời còn lại.

Nhưng dù là như vậy, mọi người lâu dần lại bắt đầu cảm thấy không hạnh phúc nữa. Bởi vì, đạt được mục tiêu này, chúng ta lại muốn có mục tiêu cao hơn. Vì vậy, hạnh phúc bền vững vốn không nằm ở đích đến, nó nằm ở hành trình bạn nỗ lực để đạt được những gì mình mong muốn. Hành trình này sẽ luôn tiếp diễn khi bạn còn có thể và hạnh phúc cũng vì vậy mà không ngừng lại.

Hạnh phúc là một hành trình, không chỉ là một đích đến. Nếu bạn không thể tìm thấy hạnh phúc trong quá trình theo đuổi, thì hãy đánh giá lại con đường mình đã chọn.

Theo Medium