TP.HCM: Phát hiện 5 ca sốt rét, tập trung rà soát bệnh sử

Vân Sơn, Theo Tiền phong 16:24 10/06/2022

Để chủ động ngăn chặn nguy cơ sốt xuất huyết xâm nhập, lây lan trong cộng đồng, ngành y tế TP.HCM yêu cầu tất cả các bệnh viện phải tập trung rà soát bệnh sử đối với tất cả những trường hợp bị sốt về từ vùng có dịch sốt rét đang lưu hành.

Để chủ động ngăn chặn nguy cơ sốt xuất huyết xâm nhập, lây lan trong cộng đồng, ngành y tế TP.HCM yêu cầu tất cả các bệnh viện phải tập trung rà soát bệnh sử đối với tất cả những trường hợp bị sốt về từ vùng có dịch sốt rét đang lưu hành.

Từ năm 2020, TP.HCM được công nhận đã loại trừ bệnh sốt rét. Tuy nhiên, nhiều tỉnh thành trong nước đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa đang có dịch lưu hành. Bên cạnh đó, nguy cơ bệnh sốt rét "nhập khẩu" từ những người từ vùng dịch đến Việt Nam làm việc, học tập, du lịch hoặc người Việt Nam đến các quốc gia đang có dịch trở về nước ở mức cao.

Ngày 10/6, thông tin về tình hình bệnh sốt rét từ Sở Y tế TP.HCM cho biết, năm 2020 thành phố tiếp nhận điều trị 5 trường hợp sốt rét, trong đó có 1 ca sốt rét ác tính. Năm 2021 chỉ ghi nhận 2 trường hợp sốt rét theo cơn, không có trường hợp sốt rét ác tính, không có tử vong.

TP.HCM: Phát hiện 5 ca sốt rét, tập trung rà soát bệnh sử - Ảnh 1.

Hầu hết các trường hợp sốt rét được phát hiện tại Việt Nam là bệnh nhân ở khu vực vùng sâu, vùng xa

Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2022, số ca bệnh đang gia tăng so với cùng kỳ các năm trước với 5 trường hợp sốt rét đã được ghi nhận, trong đó có 2 trường hợp sốt rét ác tính là một du học sinh Việt Nam và một công dân Trung Quốc nhập cảnh từ châu Phi được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới.

Theo thống kê của Sở Y tế, thời gian qua bệnh nhân sốt rét được phát hiện trong nước, nhập viện và điều trị hầu hết là những trường hợp đi công tác tại vùng có sốt rét lưu hành ở Tây Nguyên, Bình Phước (xã Đak Ơ, Bình Phước).

Thông tin chuyên môn từ Sở Y tế cho thấy, sốt rét là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi ký sinh trùng Plasmodium, lây truyền từ người bệnh sang người lành khi bị muỗi đốt. Muỗi Anopheles (còn gọi là muỗi đòn xóc) là trung gian truyền bệnh sốt rét.

Ký sinh trùng sốt rét không tồn tại ở ngoại cảnh, chỉ tồn tại trong máu người bệnh và trong cơ thể muỗi truyền bệnh sau khi chích người bệnh. Do đó điều kiện để lây truyền bệnh sốt rét là phải có muỗi Anopheles và có người đang bị bệnh (mang ký sinh trùng trong máu).

Bệnh sốt rét nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ xuất hiện các biến chứng nặng là thể sốt rét ác tính như biến chứng não gây hôn mê sâu, co giật, suy gan, suy thận, thiếu máu nặng, tiểu huyết cầu tố do vỡ hồng cầu hàng loạt dẫn tới nguy cơ tử vong cao.

Những người chưa từng bị sốt rét (chưa có miễn dịch) là nhóm có nguy cơ cao xuất hiện các biến chứng nặng và tử vong khi nhiễm ký sinh trùng sốt rét. Nhóm này cần được phát hiện sớm, điều trị đúng và kịp thời.

Trước tình hình trên, Sở Y tế yêu cầu tất cả các cơ sở khám chữa bệnh khi tiếp nhận một trường hợp có biểu hiện sốt cần chú ý khai thác yếu tố tiền sử đi lại của bệnh nhân. Khi bệnh nhân đi từ các vùng có sốt rét lưu hành về thì cần nghĩ ngay đến bệnh sốt rét và tiến hành xét nghiệm tìm ký sinh trùng sốt rét để kịp thời điều trị, ngăn ngừa biến chứng nặng và tử vong.

Tại Việt Nam bệnh sốt rét lưu hành quanh năm tại các tỉnh rừng núi miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Số ca bệnh sốt rét gia tăng trong mùa mưa. Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong năm 2021 cả nước có 465 bệnh nhân sốt rét, giảm 67% so với năm 2020, không có ca tử vong. Tại khu vực phía Nam ghi nhận 43 ca sốt rét, giảm 76% so với năm 2020. Đến hết năm 2021 cả nước đã có 36 tỉnh thành được công nhận loại trừ bệnh sốt rét.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày