Tốt nghiệp tiến sỹ đại học ưu tú, 5 năm ở thành phố không mua nổi nhà, buộc phải trở về quê: Ở một số giai đoạn, CHẠY TRỐN cũng là một hình thức tự bảo toàn!

Thiên Vy, Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị 06:21 23/02/2022

Có rất nhiều sự thật trong cuộc sống mà chúng ta biết càng sớm sẽ càng tốt. Dưới đây là 10 chân tướng cần biết khi bước vào tuổi trung niên.

Có rất nhiều sự thật trong cuộc sống mà chúng ta biết càng sớm sẽ càng tốt.

Anh Đông vừa ngồi xuống, còn chưa kịp ăn lẩu, liền nói với tôi:

"Anh quyết định rồi, sẽ về quê tìm việc, không quay lại thành phố nữa."

Anh Đông và tôi gặp nhau trong một buổi hội nghị cách đây 5 năm, và tôi vẫn còn nhớ cảm giác đầy nhiệt huyết và tự hào mà anh chia sẻ về tương lai của mình vào thời điểm đó.

Anh Đông có lý do để tràn đầy tự hào. Anh tốt nghiệp tiến sĩ tại một trường đại học TOP 2 ở thủ đô. Là một nhân tài, anh được giới thiệu vào một doanh nghiệp nhà nước tốt nhất trong lĩnh vực này. Anh nhận mức lương hàng tháng đáng mơ ước và cả hộ khẩu ở thành phố.

Lúc đó tôi là một sinh viên mới ra trường, tôi rất ngưỡng mộ anh Đông, thầm nghĩ nếu mình cũng có hộ khẩu và lương cao như vậy, nếu mình cũng tìm được một công việc như vậy thì thật tuyệt.

Sau khi uống một hơi cạn ly rượu, Anh Đông hít một hơi dài:

"Lúc đấy, anh khá lạc quan, anh luôn cảm thấy với học thức và năng lực của mình, chắc chắn vài năm nữa thôi sẽ được tăng lương. Tiết kiệm khoảng 5 năm, rồi mua một căn nhà, dù nhỏ nhắn thôi cũng mãn nguyện."

Anh Đông hơi cô đơn, cầm đũa gắp một đũa thịt bò.

"Ai biết được rằng sau 5 năm làm việc chăm chỉ, không những không được thăng chức mà thậm chí còn không được tăng bao nhiêu lương."

Điều thực sự khiến anh rời thành phố và trở về nhà không chỉ là sự bất trắc trong sự nghiệp mà còn vì anh sớm đã đánh mất những kỳ vọng vào tương lai.

"Tết Trung thu năm vừa rồi về quê, anh chợt phát hiện ra mấy cậu bạn thân ngày xưa ới một câu là gặp giờ đã không còn dễ hẹn gặp nữa. Họ người thì ở nhà ăn cơm với vợ, người phải trông con, người phải ở với ba mẹ."

"Anh có vài đứa bạn, đứa thứ hai nhà họ đi học mẫu giáo rồi. Anh cũng 33 tuổi rồi, và thậm chí còn chưa có bạn gái. Cũng có người mai mối cho một vài cô gái, nhưng người ta vừa nghe nói anh đã hơn 30 mà vẫn chưa có nhà, đoán là điều kiện không tốt, hơn nữa bằng cấp cao vậy mà lương lại chẳng được bao nhiêu nên đã sớm từ chối hết."

"Anh nghĩ tới nghĩ lui, dù có phấn đấu 8 năm 10 năm cũng chẳng mua nổi căn nhà ở thành phố. Anh làm việc sắp được 6 năm rồi, đến giờ vẫn thuê nhà cùng người khác, bố mẹ cũng lớn tuổi rồi, nghĩ lại cuộc sống của mình, sống rốt cuộc là vì cái gì?"

Khi mới vào công ty, anh Đông đã ký một thỏa thuận làm việc - sau khi làm việc tại đơn vị, có hộ khẩu ở đây, anh phải làm việc 5 năm mới được nghỉ việc, nếu không sẽ phải bồi thường tiền cho đơn vị. Hiện tại anh Đông đã làm việc được 5 năm, anh ấy quyết định rời thủ đô và trở về quê.

Anh Đông chạm cốc với tôi và nói:

"Lần này rủ em ra đây là để tạm biệt. Chắc anh về quê trước thôi. Ở thành phố đắt đỏ. Anh cũng tiết kiệm được một số tiền, dự định về quê mua nhà, ở gần ba mẹ, may mắn gặp được người thương thì kết hôn, nếu không có gì gấp, sau này có lẽ anh sẽ không quay lại đây nữa."

Tôi nhớ hôm đó anh Đông không ngừng cảm thán:

"Khi đến tuổi trung niên, sao cứ cảm thấy mọi thứ khác xa so với những gì từng nghĩ?"

Đúng vậy, khi mới bước chân vào xã hội, chúng ta thường mang trong mình những hoài bão lớn lao, tràn đầy niềm tin vào bản thân và nghĩ rằng mình sẽ bứt phá ra thế giới trong tương lai.

Nhưng trong vòng ba tới năm năm sau đó, nhiều sự thật sẽ được phơi bày trước mắt một cách vô cùng tàn khốc, và suy nghĩ của nhiều người cũng sẽ vì điều này mà thay đổi.

Tốt nghiệp tiến sỹ đại học ưu tú, 5 năm ở thành phố không mua nổi nhà, buộc phải trở về quê: Ở một số giai đoạn, CHẠY TRỐN cũng là một hình thức tự bảo toàn! - Ảnh 1.

Tất cả chúng ta nên hiểu gì khi bước vào tuổi trung niên?

1. Không gian phát triển rất quan trọng, nhưng nếu không thể mang lại tiền thì cũng không quan trọng nữa

Nhiều bài viết khích lệ sẽ khuyên bạn không nên tập trung quá nhiều vào tiền bạc khi chọn công việc đầu tiên, mà hãy quan tâm đến không gian phát triển.

Nhưng nếu bạn là con của một gia đình nghèo, tôi phải nhắc nhở bạn một câu rằng dù thực sự có cái gọi là "không gian phát triển" nhưng nếu không thể mang lại tiền bạc trong tương lai thì nó cũng chẳng là gì cả.

Hơn nữa, nhiều cái gọi là không gian phát triển thực chất chỉ là một chiếc bánh được vẽ ra để thu hút mà thôi.

2. Tránh xa những ông chủ luôn nói về lý tưởng nhưng lại tránh nói về tiền

Chúng ta đi làm để kiếm tiền, nếu sếp luôn từ chối chuyện tiền bạc chỉ vì tình cảm và lý tưởng thì hãy tránh xa người sếp như vậy càng sớm càng tốt.

3. Sau cùng thì công việc cũng là để phục vụ cuộc sống

Tôi thường thấy mọi người nói:

Kiếm ít một chút cũng được nhưng phải tìm một công việc ổn định; kiếm ít hơn cũng được, chủ yếu là tôi muốn học hỏi một chút…

Điều tôi muốn nói là công việc sau cùng cũng là để phục vụ cuộc sống, nếu công việc của bạn thậm chí không thể nuôi sống bản thân thì tại sao bạn lại làm việc này, bạn đang học cách nhịn đói một cách ổn định ư?

Tốt nghiệp tiến sỹ đại học ưu tú, 5 năm ở thành phố không mua nổi nhà, buộc phải trở về quê: Ở một số giai đoạn, CHẠY TRỐN cũng là một hình thức tự bảo toàn! - Ảnh 2.

4. Đừng luôn nhấn mạnh về xuất thân của bạn

Rất nhiều người luôn đổ lỗi cuộc sống bết bát hiện tại cho xuất thân, cho gia cảnh của gia đình mình.

Nhưng cuộc sống không ngừng thay đổi, các thiếu gia nọ tiểu thư kia có xuất thân tốt và có chỗ dựa vững chắc đương nhiên sẽ dễ dàng thành công hơn, nhưng nó không có nghĩa là bạn không có hy vọng vượt lên.

Thế giới không thiếu gì những triệu phú đi lên từ hai bàn tay trắng.

Nhìn từ góc độ này, nếu bạn không có một người cha giàu có, bằng cấp không cao, thì bạn cũng đừng nản lòng. Sau tất cả, đời người còn dài. Thay vì buồn bã và thất vọng, chi bằng nghĩ cách giải quyết vấn đề.

5. Trên đời chỉ có một loại "bát cơm sắt", không phải bạn có công ăn việc làm ở đơn vị nào mà bạn có tài năng đến mức sẽ có được việc làm ở đâu.

6. Khi nào bạn nên nghĩ đến việc "ra đi"?

Khi bạn ở trong đơn vị này và không thể học những điều mới; khi bạn không cần phải giải quyết bất kỳ vấn đề mới nào, bạn chỉ cần sử dụng kinh nghiệm và kỹ năng cũ của mình để thao tác; khi bạn bắt đầu ngừng lo lắng và lười biếng với sự thoải mái, đã đến lúc nghĩ đến việc "ra đi".

Bởi lẽ nếu cứ tiếp tục ở trong đơn vị này, sẽ không có bất cứ sự tăng trưởng nào.

Tốt nghiệp tiến sỹ đại học ưu tú, 5 năm ở thành phố không mua nổi nhà, buộc phải trở về quê: Ở một số giai đoạn, CHẠY TRỐN cũng là một hình thức tự bảo toàn! - Ảnh 3.

7. Nếu bạn gặp phải một công việc không thể hoàn thành sau nhiều lần cố gắng, dù bạn đã đầu tư bao nhiêu trong giai đoạn đầu, bạn phải tìm cách dừng lại càng sớm càng tốt.

Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn hoàn toàn thất bại mà chỉ có nghĩa là bạn không thích hợp để làm điều đó.

8. Ở một số giai đoạn, "chạy trốn" cũng là một hình thức tự bảo toàn. Việc này không phải để bạn trốn tránh hoàn toàn mà chỉ đơn giản là nhận thức rõ bản thân, đợi đến khi đủ sức đối mặt và giải quyết cũng chưa muộn.

9. Giảm kỳ vọng của bạn cho tương lai và bạn sẽ thoải mái hơn

Tương lai không quá màu hồng nhưng cũng không đen xì quá mức.

Đừng cảm thấy lạc quan một cách phi thực tế về tương lai vì bạn ưu tú và đặc biệt như thế nào.

Bạn phải biết rằng bạn không khác những người khác về bất kỳ khía cạnh nào, và bạn chắc chắn cũng sẽ gặp phải những thất bại, những khó khăn, có thể hoặc không thể giải quyết được.

Hãy hạ thấp kỳ vọng của bạn vào tương lai, và khi bạn gặp phải thất bại, điều đó sẽ không quá đau đớn.

10. Đừng tự làm khó mình quá, nếu cảm thấy không tiếp tục được nữa, hãy quên nó đi. Vì mọi thứ rồi sẽ qua thôi!

https://cafebiz.vn/tot-nghiep-tien-sy-dai-hoc-uu-tu-5-nam-o-thanh-pho-khong-mua-noi-nha-buoc-phai-tro-ve-que-o-mot-so-giai-doan-chay-tron-cung-la-mot-hinh-thuc-tu-bao-toan-20220221171036373.chn