Tòa Án Vị Thành Niên: Bóc phốt xã hội Hàn Quốc chỉ bằng 10 tập phim, bạo lực ngập tràn nhưng không hề phản cảm

Thu Trang, Theo Trí Thức Trẻ 21:00 28/02/2022

Tòa Án Vị Thành Niên đủ tầm sánh ngang với những siêu phẩm như Signal, Secret Forest.

Bài viết không tiết lộ nhiều nội dung phim và có một số hình ảnh nhạy cảm.

Từ khi mới tung trailer đầu tiên, Tòa Án Vị Thành Niên (Juvenile Justice) đã khiến những người yêu phim Hàn phải ngóng đợi từng ngày. Và không phụ sự kì vọng của khán giả, Tòa Án Vị Thành Niên không chỉ là một bộ phim hình sự hay, mà còn tiệm cận sự hoàn hảo trong cách làm phim và diễn xuất.

Tòa Án Vị Thành Niên: Bóc phốt xã hội Hàn Quốc chỉ bằng 10 tập phim, bạo lực ngập tràn nhưng không hề phản cảm - Ảnh 1.

Xã hội Hàn Quốc thu nhỏ lại chỉ bằng 10 tập phim

Đúng như tên gọi, Tòa Án Vị Thành Niên xoay quanh những vụ án mà thủ phạm là những thanh thiếu niên chưa đầy 18 tuổi. Chưa đến tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự, các tội phạm trẻ tuổi được xét xử trong những phiên tòa với hình phạt cao nhất là 2 năm trong trại giáo dưỡng. Lợi dụng điều này, chúng thỏa sức làm ra những tội ác tán tận lương tâm, từ giết người phân xác đến cưỡng bức tập thể đều có. Nhưng thẩm phán Shim Eun Seok (Kim Hye Soo) - một người căm ghét tội phạm vị thành niên quyết tâm khiến cho những đứa trẻ phải biết hối hận trước lỗi lầm của mình.

Nếu chỉ xem trailer, nhiều người sẽ nghĩ phim xoay quanh phòng xử án với những phiên điều trần, vạch mặt tội phạm. Tuy nhiên, Tòa Án Vị Thành Niên lại có bối cảnh rộng hơn thế rất nhiều.

Tòa Án Vị Thành Niên: Bóc phốt xã hội Hàn Quốc chỉ bằng 10 tập phim, bạo lực ngập tràn nhưng không hề phản cảm - Ảnh 2.

Chỉ với 10 tập phim, Tòa Án Vị Thành Niên xoáy sâu vào gần như đầy đủ các vấn đề nổi cộm trong xã hội Hàn Quốc. Sự lơi lỏng của luật pháp, bạo lực gia đình, bạo lực học đường, gian lận thi cử, mại dâm trẻ em, quay lén, gây tai nạn bỏ trốn... Thật khó có thể tin một bộ phim lại có thể ôm đồm từng ấy vấn đề trong thời lượng có hạn, chỉ vẻn vẹn 10 tập. Dù vậy, sự liên kết giữa các tình tiết rất tài tình, khiến cho nội dung phim vẫn có sự mạch lạc, không bị rối rắm.

Tội phạm vị thành niên - những đứa trẻ lạc lối giữa hai ngã rẽ

Không chỉ trích, miệt thị cũng chẳng bênh vực, "tẩy trắng", phim mang lại những cái nhìn rất đa chiều về tội phạm thiếu niên. Có người sinh ra trong gia đình nghèo khó, túng quấn nên làm liều, có người được cha mẹ nuông chiều, bao bọc đến coi thường pháp luật, có người vì thiếu thốn tình thương mà tâm lý bất ổn, kích động... Nhưng dù vì lý do gì, tất cả bị cáo đều được xét xử công bằng, thấu tình đạt lý.

Tòa Án Vị Thành Niên: Bóc phốt xã hội Hàn Quốc chỉ bằng 10 tập phim, bạo lực ngập tràn nhưng không hề phản cảm - Ảnh 3.

Chưa dừng lại ở đó, Tòa Án Vị Thành Niên nói lên một vấn đề mà ít bộ phim hình sự nào đi sâu. Đó là cuộc sống của tội phạm thiếu niên sau bản án. Nếu như ở những phiên tòa bình thường, thẩm phán tuyên án là hết trách nhiệm. Nhưng ở phiên tòa vị thành niên, thẩm phán chính là những người sẽ giám sát những thiếu niên mắc lỗi cho đến mãn hạn quản chế. Làm cách nào để những thiếu niên từng lầm lỡ biết hướng thiện, không đi sâu vào con đường sai trái? Đó là điều các thẩm phán trong phim luôn trăn trở. Đây cũng chính là điều giúp Tòa Án Vị Thành Niên không khô khan, khuôn mẫu và nặng về chuyên ngành như nhiều bộ phim lấy bối cảnh tòa án khác.

Loạt nhân vật đa chiều qua những màn diễn xuất đỉnh cao

Với một nội dung phức tạp là vậy, thật may mắn Tòa Án Vị Thành Niên không có một "hố đen" diễn xuất nào. Từ dàn chính với những cái tên đình đám như Kim Hye Soo, Kim Mu Yeol, Lee Sung Min, đến những diễn viên trẻ tuổi chỉ xuất hiện chớp nhoáng ở vài phân cảnh. Đặc biệt, Kim Hye Soo chứng minh đẳng cấp với 3 bộ phim liên tiếp, từ Signal, Hyena đến Tòa Án Vị Thành Niên đều xuất sắc.

Cái giỏi của phim là xây dựng những nhân vật khiến ta phải trăn trở. Như thẩm phán Shim Eun Seok là người cộc cằn, thiếu sự mềm mỏng, nhưng cô chưa bao giờ xử sai, xử ép một thiếu niên nào. Thẩm phán trưởng Kang Won Joong ban đầu như một nhân vật phản diện đáng ghét, nhưng cái kết lại khiến khán giả bất ngờ. Ngay cả những đứa trẻ bất hảo hay "phá làng phá xóm" cũng có khoảnh khắc đáng thương. Thật khó có thể đánh giá một nhân vật ngay từ lúc "chào sân" mà phải từ từ khám phá mới biết.

Cách làm phim văn minh: Không phản cảm - không thừa thãi

Đề cập đến một số vụ giết người, hiếp dâm dã man, Tòa Án Vị Thành Niên đôi khi khiến người xem cảm thấy bị ám ảnh. Kẻ thủ ác cũng không phải lúc nào cũng nhận ra lỗi lầm, gây ức chế và bực bội cho khán giả. Tuy nhiên, phim đã rất tiết chế để những cảnh quay bạo lực không đi quá giới hạn.

Một số cảnh quay nhạy cảm đã được tiết chế khéo léo

Một điều mà khán giả Hàn Quốc khen ngợi hết lời ở Tòa Án Vị Thành Niên là không kéo dài tình tiết một cách thừa thãi như một số bộ phim truyền hình khác. Phim giống như những series ngắn tập của Anh, Mỹ nơi mọi vấn đề đều được giải quyết nhanh chóng, rõ ràng. Nhờ sự góp sức của nền tảng nước ngoài, Hàn Quốc đã tiến bộ hơn nhiều trong cách làm phim.

Tòa Án Vị Thành Niên: Bóc phốt xã hội Hàn Quốc chỉ bằng 10 tập phim, bạo lực ngập tràn nhưng không hề phản cảm - Ảnh 7.

Tòa Án Vị Thành Niên hiện đã phát sóng trọn bộ trên Netflix.

Nguồn ảnh: Tổng hợp

https://kenh14.vn/toa-an-vi-thanh-nien-boc-phot-xa-hoi-han-quoc-chi-bang-10-tap-phim-bao-luc-ngap-tran-nhung-khong-he-phan-cam-20220228182422636.chn