Tinh thần bất khuất trong ba bản Tuyên ngôn Độc lập của dân tộc

Vyka, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 02/09/2016

Các bản tuyên ngôn đều mang trong mình giọng điệu hùng tráng, thể hiện chân lý không bao giờ sai - nước Việt Nam là của người Việt Nam.

Với triệu triệu người dân Việt Nam, ngày 2/9/1945 là ngày trọng đại trong lịch sử khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập trên lễ đài, tuyên bố khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) với cả thế giới.

Kể từ thời khắc đó, lịch sử dân tộc ta đã bước sang một trang mới. Những người con Việt Nam lần đầu tiên được ngẩng đầu, tự hào với thế giới vì mình đã trở thành công dân của một nước tự do và độc lập.

Nhưng ít ai biết rằng, trong hơn 4.000 năm lịch sử gìn nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã ghi nhận 3 bản Tuyên ngôn Độc lập.

Mặc dù ra đời vào những thời điểm khác nhau nhưng đó đều là những mốc thời gian trọng đại của đất nước, và chính là lời khẳng định giá trị, tinh thần độc lập tự cường của dân tộc, của nhân dân Việt Nam.

Nhân dịp kỉ niệm 71 năm ngày Quốc khánh của cả dân tộc, hãy cùng ngược dòng lịch sử để hiểu hơn về ba bản Tuyên ngôn Độc lập của dân tộc ta.

1. Bài thơ thần "Nam quốc sơn hà"

"Nam quốc sơn hà, Nam đế cư,

Tiệt nhiên định phận tại thiên tư.

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư".

Khi được hỏi, hẳn nhiều người sẽ ngay lập tức nói rằng, đây là bài thơ có tên là Nam quốc sơn hà - tác phẩm được cho là của danh tướng Lý Thường Kiệt.

Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng, bài thơ này không có tên. Tên "Nam Quốc Sơn Hà" là do đời sau mượn bốn chữ ở câu thơ đầu và cũng là tinh thần của cả bài thơ để đặt tên cho bài thơ mà thôi.

Dẫu chỉ vỏn vẹn 4 câu nhưng bài thơ đã thể hiện một cách hoàn hảo chân lý toàn vẹn lãnh thổ, bất di bất dịch của dân tộc Việt Nam trong bối cảnh lịch sử là đánh đuổi giặc ngoại xâm mà cụ thể ở đây là giặc Tống.

Tinh thần bất khuất trong ba bản Tuyên ngôn Độc lập của dân tộc - Ảnh 1.

Nhiều tài liệu ghi lại rằng, để đón trước những cuộc tiến công của nhà Tống lần 2 (1077), Lý Thường Kiệt đã tổ chức phòng tuyến sông Cầu với thế trận liên hoàn bao gồm nhiều đồn lũy kiên cố.

Năm 1077, 30 vạn quân Tống do Quách Quỳ chỉ huy đã bị chặn lại trước phòng tuyến này. Cũng chính tại đây, tương truyền Lý Thường Kiệt đã đọc bài thơ bốn câu bằng chữ Hán do ông sáng tác để cổ vũ tướng sĩ.

Nghe thơ, tướng sĩ ta đều phấn chấn, hừng hực khí thế nhưng bên kia sông Cầu, quân nhà Tống hoang mang, rồi đại bại dưới tay ta.

Ý thơ đơn giản nhưng chặt chẽ, ngắn gọn nhưng đĩnh đạc, nghiêm trang - như một lời tuyên ngôn, khẳng định sự tồn tại của nước Nam với tư cách là một nước độc lập, có chủ quyền, lãnh thổ, đồng thời đanh thép cảnh cáo quân giặc sẽ bị bại vong nếu cố tình xâm phạm nước Nam.

Đây cũng chính là tinh thần bất diệt của dân tộc Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, đã được thực tế lịch sử minh chứng suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước.

2. Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi

Bình Ngô đại cáo chính là bản bố cáo lớn do Nguyễn Trãi viết vào năm 1428, thay lời Bình Định vương Lê Lợi tuyên bố nghĩa quân Lam Sơn đã tiêu diệt và làm tan rã 15 vạn viện binh của quân Minh, giành lại độc lập cho nước Đại Việt.

Tinh thần bất khuất trong ba bản Tuyên ngôn Độc lập của dân tộc - Ảnh 2.

Bình Ngô đại cáo - bản tuyên ngôn thứ hai khẳng định sự độc lập, chủ quyền của nhân dân Đại Việt.

Bằng lời lẽ đanh thép, ngắn gọn - Bình Ngô đại cáo như bản hùng ca bất tận về sự chiến đấu ngoan cường của nhân dân Đại Việt trước sự hung tàn của kẻ thù xâm lăng; qua đó khẳng định sự độc lập chủ quyền của dân tộc. Không những thế còn tố cáo âm mưu và tội ác của nhà Minh với cớ khôi phục nhà Trần.

Bình Ngô đại cáo đã khẳng định một lần nữa - chính nghĩa luôn thắng phi nghĩa. Dù đứng trước thế mạnh nào, Đại Việt dù nhỏ bé nhưng vẫn luôn đứng vững hiên ngang, ngoan cường, không chịu khuất phục.

Đây là áng thiên cổ hùng văn của Nguyễn Trãi, được xem là bản Tuyên ngôn độc lập thứ hai của nước Việt Nam.

3. Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đã 71 năm trôi qua nhưng 50 vạn nhân dân Hà Nội có mặt ở quảng trường Ba Đình lịch sử ngày ấy vẫn mãi không thể quên được hình ảnh Bác Hồ kính yêu trong bộ quần áo khaki giản dị đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, mở ra kỉ nguyên độc lập tự do của dân tộc.

Chất giọng trầm ấm, chậm rãi ấy vang lên trong buổi sáng mùa thu rực nắng trước hàng triệu người dân đồng bào quả thực có sức thu hút kỳ lạ.

Tinh thần bất khuất trong ba bản Tuyên ngôn Độc lập của dân tộc - Ảnh 3.

"Hỡi đồng bào cả nước.

Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.

Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu nói này có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

Bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: "người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được...".

Tinh thần bất khuất trong ba bản Tuyên ngôn Độc lập của dân tộc - Ảnh 4.

Sẽ không sai khi nói rằng, bản Tuyên ngôn Độc lập thực sự là bản hùng ca, thể hiện tinh thần kiên cường của người dân Việt Nam không bao giờ chịu khuất phục trước thế mạnh nào.

Cuối cùng, Bác Hồ khẳng định: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy".

Đó thực sự là một lời kết thể hiện quyết tâm sắt đá của nhân dân Việt Nam, như một lời động viên mạnh mẽ đưa dân tộc vượt qua muôn ngàn khó khăn, thử thách để xây dựng đất nước.

Tạm kết:

Ba bản tuyên ngôn của Việt Nam mặc dù xuất hiện trong những giai đoạn khác nhau nhưng đều mang trong mình những giá trị lịch sử vô cùng to lớn. 

Đất nước Việt Nam là của người Việt Nam, không một quốc gia nào có quyền xâm phạm và cướp đi. Chúng ta - những con người trẻ của thế hệ tương lai luôn biết ơn sự hi sinh của ông cha đã ngã xuống để bảo vệ cho dân tộc và sẽ chung tay gìn giữ đến cùng mảnh đất này.

Nguồn: LSVN, HUSTA