Tìm hiểu về "hộp đen" máy bay: 5 điều ít ai biết về thiết bị tối quan trọng sau tai nạn máy bay rơi tại Indonesia

NPQM, Theo Trí Thức Trẻ 16:51 29/10/2018

Hộp đen có thực sự là màu đen? Nó có thể làm được những gì mà chúng ta chưa hiểu rõ?

Thảm họa máy bay Boeing 737 của Indonesia gặp nạn rơi xuống biển sáng nay đã khiến cả thế giới phải sửng sốt và hoảng hồn về tính chất vụ việc. Được biết, có 189 hành khách đang di chuyển và hiện tại, chiếc hộp đen của máy bay vẫn chưa được các nhà chức trách tìm thấy để hỗ trợ điều tra nguyên nhân vụ tai nạn.

Hộp đen (black box) là một trong những từ khóa được nghe đến nhiều nhất khi những sự việc đau lòng về thảm họa máy bay xảy ra, đi liền với vai trò quan trọng của nó trong công cuộc tìm hiểu cũng như rút kinh nghiệm cho tương lai. Vậy thực chất đây là loại thiết bị gì, có công dụng thế nào và cần hiểu rõ ra sao về nó mà ai cũng sốt sắng lên như vậy?

Tìm hiểu về hộp đen máy bay: 5 điều ít ai biết về thiết bị tối quan trọng sau tai nạn máy bay rơi tại Indonesia - Ảnh 1.

Định nghĩa "hộp đen"

"Hộp đen" thực chất không phải là tên gọi gốc được sử dụng trong ngành hàng không, mà tên gọi chính thức phải là "máy thu thập dữ liệu chuyến bay". Đây là một thiết bị điện tử được thiết kế, đặt trong cấu tạo máy bay để ghi nhận các dữ liệu liên quan, phục vụ cho nhiều mục đích điều tra, nghiên cứu, đặc biệt là những sự cố rủi ro. Chúng có giá thành rất đắt, rơi vào khoảng 10.000 - 15.000 USD/thiết bị.

Hiện tại, có hai phân loại thiết bị theo dõi máy bay được công nhận chính thức và sử dụng trong ngành theo luật quốc tế: Máy ghi dữ liệu chuyến bay (đảm nhận việc thu thập thông tin từ các máy đo hệ thống, bao gồm vận tốc, độ cao, góc bay...) và máy ghi âm buồng lái (ghi lại các cuộc hội thoại và trò chuyện của phi công hoặc nhân viên phụ trách trong buồng). Thông thường, chúng được đặt trong cùng một khuôn chung với nhau, từ đó một chiếc hộp đen trên máy bay sẽ làm được cả 2 việc trên cùng lúc.

Tìm hiểu về hộp đen máy bay: 5 điều ít ai biết về thiết bị tối quan trọng sau tai nạn máy bay rơi tại Indonesia - Ảnh 2.

Phần hộp đen ghi âm buồng lái.

Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế là cơ quan cấp quyền và thẩm tra chất lượng các thiết bị, đảm bảo chúng phải đạt độ bền bỉ cao để chống chọi được mọi môi trường khắc nghiệt nhất có thể, bảo toàn nguyên vẹn nhằm tăng khả năng được tìm thấy và sử dụng. Giới hạn chịu đựng hiện tại cho hộp đen máy bay là 3400 đơn vị trọng lực (g-force) và 1000 độ C. Đây là tiêu chuẩn bắt buộc được lập ra bởi Mỹ từ tận năm 1967 và vẫn được áp dụng tới ngày nay.

5 sự thật có thể bạn chưa biết về hộp đen máy bay

Hộp đen nhưng không bao giờ có màu đen

Tông màu chủ đạo cố định trên mọi chiếc hộp đen máy bay là vàng cam, được coi là sự kết hợp của các màu sắc dễ nhìn và gây chú ý để phân biệt nhất so với các vật thể khác. Do vậy, cách gọi "hộp đen" chỉ là một khái niệm quen thuộc thay thế cho từ chuyên môn, hoàn toàn không liên quan đến đặc điểm nhận diện của nó.

Tìm hiểu về hộp đen máy bay: 5 điều ít ai biết về thiết bị tối quan trọng sau tai nạn máy bay rơi tại Indonesia - Ảnh 3.

Chủ nhân phát minh là người Úc, không phải Mỹ

Dù Mỹ đảm nhận việc đặt ra nhiều tiêu chuẩn thương mại quốc tế cho hàng không và cả hộp đen, nhưng tác giả chính gốc của nó là David Warren, một tiến sỹ người Úc. Cha của ông đã thiệt mạng vì một vụ tai nạn máy bay năm 1934, khi ông mới chỉ 9 tuổi. Từ đó, tới thập niên 1950, ông đã nảy sinh ý tưởng chế tạo một thiết bị ghi lại dữ liệu hành trình bay để hỗ trợ điều tra mọi thông tin khi có vấn đề bất trắc phát sinh, giảm nguy cơ lặp lại tai nạn về sau. Năm 1956, sản phẩm chính thức ra mắt, nhưng tới tận 5 năm sau mới dần thu hút sự chú ý của công chúng và được áp dụng rộng rãi.

Dữ liệu ghi âm buồng lái chỉ được thu thập trong vài tiếng gần nhất

Dù có sức bền dẻo dai trước mọi điều kiện nhưng hộp đen lại chỉ được lập trình để giữ lại bản ghi âm của hơn 2 tiếng đồng hồ tính đến thời điểm cuối cùng còn nhận dữ liệu, bao gồm các đoạn nói chuyện và tạp âm xung quanh để đoán biết tình hình. Trong khi đó, phần hộp đen đảm nhận vai trò ghi thông tin kỹ thuật chuyên môn thì có thể kéo dài đến 25 tiếng đồng hồ.

Thời gian tìm kiếm hộp đen thường rất lâu nếu gặp tai nạn trên biển

Hộp đen máy bay có một phần cảm biến giúp phát tín hiệu thông báo vị trí khi nhận biết được môi trường ngập nước xung quanh, với tần suất 1 lần/giây liên tục. Tuy vậy, giới hạn hoạt động của pin dự trữ chỉ là 30 ngày, và độ sâu cho phép truyền thông tin cũng chỉ hơn 4km một chút. Do vậy, nhiều vụ máy bay rơi trước đó thậm chí còn mất từ 1-2 năm để tìm được hộp đen thất lạc là chuyện dễ hiểu.

Tìm hiểu về hộp đen máy bay: 5 điều ít ai biết về thiết bị tối quan trọng sau tai nạn máy bay rơi tại Indonesia - Ảnh 4.

Vẫn còn 2 loại hộp đen khác: Biết chụp ảnh và tự bật ra khỏi máy bay trước tai nạn

Loại hộp đen tự bật khỏi máy bay đã được Hải quân Mỹ sử dụng từ năm 1993, với tác dụng giảm thiểu khó khăn khi tìm kiếm về sau, có thể tự nổi trên mặt nước khi thoát ra kịp hoặc tránh rủi ro hư hỏng vì va đập quá mạnh theo máy bay. Loại hộp đen còn lại được cho rằng sẽ bổ sung thêm một camera nhỏ đi kèm với microphone trong buồng lái, ghi lại các hình ảnh bối cảnh khoang lái cũng như một phần view ngoài cửa kính.

Tuy nhiên, hiện tại cả 2 phát minh này vẫn đang trải qua nhiều khâu quyết định công nhận chính thức trước khi được ứng dụng rộng rãi toàn cầu.