Tiêm vắc xin HPV từ 9 tuổi có sớm quá không? Câu trả lời khiến nhiều người ngỡ ngàng

Chiến My, Theo https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/ 22:50 20/07/2025
Chia sẻ

Nhiều người cho rằng vắc xin HPV chỉ dành cho nữ giới trưởng thành vì liên quan tới ung thư cổ tử cung và sức khỏe sinh sản nói chung. Điều này là sai lầm!

Trên thực tế, vắc xin HPV cần thiết cho cả nam lẫn nữ và có thể tiêm trong độ tuổi từ 9 - 45 tuổi. Tuy nhiên, ngay cả khi biết được điều này, vẫn có không ít phụ huynh đắn đo, tự hỏi tiêm vắc xin này cho trẻ khi 9 tuổi có sớm quá hay không và có nên chờ thêm vài năm không vì độ tuổi khuyến nghị rất dài.

1. Tiêm vắc xin HPV khi 9 tuổi có sớm quá không?

Câu trả lời là KHÔNG hề sớm, thậm chí càng sớm càng tốt ngay sau khi đủ 9 tuổi. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) và Bộ Y tế Việt Nam, trẻ em gái và trai từ 9 đến 14 tuổi là đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin HPV - loại vắc xin giúp phòng ngừa hiệu quả ung thư cổ tử cung, ung thư dương vật, ung thư vùng hầu họng, mụn cóc sinh dục … và một số bệnh do virus HPV gây ra.

Tiêm vắc xin HPV từ 9 tuổi có sớm quá không? Câu trả lời khiến nhiều người ngỡ ngàng- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Thậm chí, 9 - tới 14 tuổi còn là giai đoạn vàng để tiêm vắc xin HPV mà chúng ta không nên bỏ lỡ. Bởi vì đây là nhóm tuổi tiêm vắc xin HPV đạt hiệu quả tối đa trong khi lại có số mũi tiêm cần thiết ít hơn. Hiệu quả sẽ càng cao nếu tiêm ngay khi vừa đủ 9 tuổi.

Cụ thể hơn, hiệu quả vắc xin HPV đạt tối đa nếu tiêm trước khi có quan hệ tình dục hoặc tiếp xúc với virus. Vắc xin HPV là phương án phòng bệnh chứ không phải chữa bệnh nên tiêm sớm sẽ càng tốt hơn. Trẻ lúc này chưa có nguy cơ phơi nhiễm nên hệ miễn dịch tiếp nhận tốt, tạo ra kháng thể mạnh hơn cả người trưởng thành. Trẻ từ 9 đến 14 tuổi chỉ cần tiêm 2 mũi cách nhau 6 tháng là đủ. Sau 15 tuổi, phải tiêm 3 mũi, vừa tốn kém, vừa bất tiện hơn.

2. Những lưu ý khi tiêm vắc xin HPV cho trẻ 9 - 14 tuổi

Dù là vắc xin an toàn, khi tiêm cho trẻ 9 tuổi hay bất cứ độ tuổi nào vẫn cần lưu ý một số điểm quan trọng:

- Chống chỉ định tạm thời: Trẻ đang sốt cao, nhiễm trùng cấp tính, có dấu hiệu dị ứng nặng hoặc đang điều trị các bệnh cấp tính nên hoãn tiêm.

- Chống chỉ định tuyệt đối: Trẻ từng phản ứng quá mẫn với liều HPV trước hoặc dị ứng nặng với bất kỳ thành phần nào của vắc xin (như men nấm) không nên tiêm.

- Sau tiêm cần theo dõi ít nhất 30 phút tại cơ sở y tế, để kịp thời xử lý nếu có phản ứng bất thường. Tại nhà, phụ huynh nên quan sát trẻ trong 1–2 ngày đầu. Một số biểu hiện thường gặp nhưng không nguy hiểm là: đau nhẹ, sưng đỏ chỗ tiêm, sốt nhẹ, mệt mỏi.

- Không cần xét nghiệm HPV hay kiểm tra màng trinh trước khi tiêm. Đã từng nhiễm HPV vẫn nên tiêm vì HPV có gần 200 chủng, vắc xin vẫn có hiệu quả với các chủng chưa nhiễm và hạn chế tái nhiễm lại chủng cũ.

Tiêm vắc xin HPV từ 9 tuổi có sớm quá không? Câu trả lời khiến nhiều người ngỡ ngàng- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

- Nên cho trẻ mặc áo tay ngắn, ăn uống đầy đủ và chuẩn bị tâm lý trước tiêm để tránh mệt, ngất. Nếu trẻ có tiền sử sợ tiêm hoặc phản ứng dây thần kinh phế vị (ngất xỉu khi tiêm), dị ứng hoặc bất cứ bệnh lý nào cần báo trước cho nhân viên y tế.

- Tiêm vắc xin HPV ở tuổi càng nhỏ (ít nhất là 9 tuổi) thì thường có mức độ phản ứng phụ sau tiêm rõ ràng/nghiêm trọng hơn người trưởng thành. Dù chúng không nguy hiểm và thường tự hết sau vài ngày. lúc này, không cần quá lo lắng nhưng hãy theo dõi sát sao và đưa trẻ tới cơ sở y tế ngay khi có dấu hiệu bất thường.

- Các loại vắc xin HPV chỉ phòng các chủng phổ biến và nghiêm trọng, không có nghĩa tiêm rồi là "miễn nhiễm" virus HPV hay không bao giờ mắc ung thư cổ tử cung. Vẫn cần quan hệ tình dục an toàn, tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày