Thuê đối tác thiết kế và sản xuất, CEO Nguyễn Tử Quảng một mực khẳng định Bphone mới vẫn là "Made in Vietnam"

JENNY KAY, Theo Pháp luật & Bạn đọc 09:43 03/11/2021

Theo ông Nguyễn Tử Quảng, khâu phát triển phần mềm, kiểm thử và hoàn thiện sản phẩm được BKAV thực hiện tại Việt Nam, vậy nên Bphone dòng A vẫn được gọi là "Made in Vietnam".

BKAV đã chính thức tuyên bố sẽ tung ra bốn mẫu Bphone mới dòng A trong thời gian tới gồm Bphone A40, A50, A60 và A85 5G. Đây là những mẫu Bphone rất đặc biệt, không chỉ bởi đây là lần đầu tiên BKAV thật sự thử sức phân khúc giá rẻ, mà còn là những mẫu máy đầu tiên nhà sản xuất này đi theo hướng ODM. Thay vì tự mình thiết kế và sản xuất như trước kia, những mẫu Bphone dòng A sẽ được đảm nhiệm bởi một đối tác khác.

Mặc dù vậy, trong một bài đăng mới đây, CEO BKAV Nguyễn Tử Quảng vẫn khẳng định rằng những mẫu Bphone dòng A sẽ là "Made in Vietnam".

Cụ thể, khâu thiết kế và sản xuất của Bphone dòng A sẽ được đối tác đảm nhiệm, tuy nhiên, BKAV cho biết một số khâu như phát triển phần mềm, kiểm soát chất lượng (độ bền, chất lượng sóng) và hoàn thiện sản phẩm sẽ được thực hiện tại Việt Nam. Ngoài ra, Bphone dòng A sẽ được BKAV nhập khẩu "cụm linh kiện" từ ODM, thay vì từng linh kiện như các dòng máy trước đây.

Thuê đối tác thiết kế và sản xuất, CEO Nguyễn Tử Quảng một mực khẳng định Bphone mới vẫn là Made in Vietnam - Ảnh 1.

Đưa ra nhận định rằng "tỷ lệ nội địa hoá của Bphone A40 vẫn rất cao", "khâu sản xuất quan trọng nhất thực hiện tại Việt Nam"; ông Nguyễn Tử Quảng nói Bphone dòng A đủ điều kiện để gọi là "Made in Vietnam".

Tuy vậy, CEO BKAV không nêu cụ thể "cụm linh kiện" mà BKAV nhập về từ đối tác sẽ có mức độ hoàn thiện bao nhiêu phần trăm, và công đoạn "hoàn thiện" mà BKAV phải làm sau đó tại Việt Nam cụ thể gồm những bước nào.

Bên cạnh Bphone dòng A, một sản phẩm khác được BKAV đặt hàng ODM là tai nghe AirB, cũng được CEO BKAV gọi là "Made in Vietnam". Trong khi đó, Bphone dòng B và tai nghe AirB Pro sẽ là "Make in Vietnam", theo lời của CEO BKAV.

Trước đây, tại Việt Nam, đã xảy ra nhiều vụ sai phạm về nhãn mác, xuất xứ hàng hoá, trong đó đặc biệt là các sản phẩm "Made in Vietnam". Hồi giữa năm 2019, qua điều tra của báo Tuổi Trẻ, Công ty Asanzo bị phát hiện nhập hàng điện tử từ Trung Quốc, xé tem "Made in China" và quảng cáo là hàng Việt Nam. Hay hồi năm 2017, doanh nhân Khải Silk cũng đã thừa nhận nhập khăn từ Trung Quốc về và bán lẫn với khăn Việt Nam để thu lợi.

Hồi đầu năm nay, Bộ Công Thương cho biết đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng nghị định "Sản xuất tại Việt Nam" để trình Chính phủ. Trước đó, chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định các tiêu chí và điều kiện cụ thể để doanh nghiệp xác định và thể hiện trên hàng hóa, bao bì hàng hóa là “Sản phẩm của Việt Nam” hay “Sản xuất tại Việt Nam” cho hàng hóa lưu thông tại thị trường trong nước. Theo dự kiến ban đầu của bộ, dự thảo sẽ được hoàn thiện vào tháng 8/2021 và trình Chính phủ vào tháng 9/2021.