Thử thách lớn nhất của nhà đầu tư chứng khoán hiện nay là gì?

Việt Linh, Theo Tiền phong 22:20 20/07/2025
Chia sẻ

VN-Index đang tiệm cận vùng đỉnh lịch sử quanh mốc 1.500 điểm, tâm lý hưng phấn lan rộng trên thị trường. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều khó nhất trong xu hướng tăng mạnh không phải là kiểm soát rủi ro, mà là giữ vững tâm lý để tối đa hóa lợi nhuận...

Cơ hội tìm về đỉnh cũ

Tuần qua, thị trường chứng khoán tiếp tục ghi nhận diễn biến tích cực sau khi chỉ số VN30 vượt đỉnh lịch sử năm 2021. Dù có hai phiên rung lắc nhẹ để kiểm định lại vùng đỉnh cũ, thị trường nhanh chóng lấy lại đà tăng với sự luân chuyển dòng tiền mạnh mẽ giữa các nhóm cổ phiếu.

Chốt tuần, chỉ số VN-Index tăng 2,7% lên 1.497 điểm – tiến sát vùng đỉnh cao nhất lịch sử thiết lập vào tháng 1/2022. Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu bất động sản có nhiều mã đầu ngành vượt đỉnh lịch sử. Nhóm chứng khoán cũng giao dịch sôi động nhờ thanh khoản duy trì ở mức cao và kết quả kinh doanh quý II/2025 khả quan. Một số nhóm ngành khác như bán lẻ, xây dựng cũng thu hút dòng tiền tích cực. Trong khi đó, các nhóm cổ phiếu như thép, cảng biển, bảo hiểm có xu hướng điều chỉnh và tích lũy.

Thử thách lớn nhất của nhà đầu tư chứng khoán hiện nay là gì?- Ảnh 1.

Biến động giá của cổ phiếu các nhóm ngành trong tuần qua.

Thanh khoản toàn thị trường tiếp tục tăng mạnh, duy trì ở mức cao nhất trong nhiều tháng. Khối lượng giao dịch trên sàn HoSE đạt trung bình hơn 1,3 tỷ cổ phiếu mỗi phiên, tăng 8,6% so với tuần trước. Thanh khoản thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đã vươn lên dẫn đầu khu vực Asean. Trong tuần, khối nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng gần 1.220 tỷ đồng trên sàn HoSE.

Theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), chỉ số VN-Index đang duy trì xu hướng tăng ngắn hạn sau khi vượt vùng hỗ trợ gần nhất tại 1.480 điểm.

Thị trường hiện vẫn đang trong giai đoạn công bố kết quả kinh doanh quý II/2025 . Nhiều cổ phiếu có thông tin tích cực đã phản ánh rõ nét qua diễn biến giá, cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang khá tích cực với triển vọng kinh doanh nửa cuối năm.

VN30 đã vượt đỉnh cũ vẫn đang đóng vai trò dẫn dắt cho chỉ số VN-Index tiến gần hơn tới đỉnh lịch sử năm 2022. SHS khuyến nghị chiến lược “Trend Following” – nắm giữ theo xu hướng tăng. Nhà đầu tư nên tập trung vào các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, thuộc nhóm ngành chiến lược và có tiềm năng tăng trưởng gắn liền với mục tiêu GDP nửa cuối năm đạt trên 8%.

Nhà đầu tư làm sao “cầm chắc” lãi?

Ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường của Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) - nhận định, thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua giai đoạn có nhiều điểm tương đồng với năm 2020–2021, khi tốc độ tăng trưởng cung tiền rất mạnh, chỉ thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021. Đây là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy sóng tăng của thị trường.

Ông Sơn cho rằng trong xu hướng tăng hiện nay, đặc biệt với mức độ đồng thuận cao từ chính sách bơm tiền, sự trở lại của nhà đầu tư nước ngoài , các chính sách hỗ trợ như thuế quan và triển vọng nâng hạng thị trường, việc cổ phiếu còn khả năng tăng tiếp là điều rất khó đoán. Do đó, nhà đầu tư đang nắm giữ các nhóm ngành chủ chốt như ngân hàng, bất động sản, bán lẻ, chứng khoán... với mức giá vốn tốt nên kiên nhẫn, để cho lãi tiếp tục chạy.

Theo ông Sơn, khó khăn lớn nhất trong giai đoạn thị trường tăng mạnh không phải là cắt lỗ mà là giữ được khoản lãi lớn. Nhiều người dễ dàng chấp nhận thua lỗ 10–20% mà không bán, nhưng lại vội vàng chốt lời khi mới lãi 5–10%, dễ dẫn đến mất cơ hội sinh lời lớn.

Thử thách lớn nhất của nhà đầu tư chứng khoán hiện nay là gì?- Ảnh 2.

Việt Nam đã đáp ứng được 7 trên 9 tiêu chí nâng hạng thị trường của FTSE Russell

Về câu chuyện nâng hạng, ông Sơn cho biết Việt Nam đã đáp ứng được 7 trên 9 tiêu chí quan trọng của FTSE Russell , đặc biệt sau khi triển khai giao dịch không cần nộp tiền trước (non pre-funding), đưa hệ thống KRX vào hoạt động, và đơn giản hóa thủ tục cho nhà đầu tư nước ngoài. Theo kịch bản của VPBankS, khả năng Việt Nam được nâng hạng trong tháng 9 tới là 70%, nếu không, mốc tiếp theo sẽ là tháng 3 năm 2026. Dòng vốn mua ròng từ khối ngoại trong thời gian gần đây đang củng cố thêm kỳ vọng này.

Ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc Phòng Phân tích của Công ty Chứng khoán Nhất Việt (VFS) cũng cho rằng, bối cảnh “tiền rẻ” tiếp tục được duy trì, cùng với hàng loạt cải cách chính sách hỗ trợ kinh tế, đang tạo động lực bền vững cho thị trường. Dòng tiền gia nhập thị trường rất mạnh, có quy mô tương đương với giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ năm 2021-2022, tạo đà tâm lý hứng khởi cho pha tăng mới.

Với kỳ vọng kinh tế tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng, ông Hoàng cho rằng chỉ số VN-Index có thể tiến đến vùng 1.600 điểm. Mức này tương ứng với hệ số định giá P/E (hệ số giá trên lợi nhuận) từ 13 đến 15 lần, cho thấy thị trường đang định giá cao hơn dựa trên triển vọng lợi nhuận cải thiện.

Đáng chú ý, một số nhóm ngành đang được hưởng lợi rõ rệt từ xu thế này. Trong đó, nhóm cổ phiếu bất động sản thu hút sự quan tâm lớn từ dòng tiền, nhờ mức định giá vẫn còn hấp dẫn và các chính sách hỗ trợ mạnh tay từ phía cơ quan quản lý. Ông Hoàng đánh giá dư địa tăng giá của nhóm bất động sản vẫn còn rất lớn, đặc biệt khi các cải cách về pháp lý và tín dụng đang dần phát huy hiệu quả.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày