Thoại phim Việt thường dở tệ là do “nhè ra” mắc một trong ba kiểu sau

Phúc Du, Theo Trí Thức Trẻ 08:12 22/01/2018

Bên cạnh yếu tố kịch bản, diễn viên, các yếu tố ngoại cảnh thì lời thoại trong phim Việt luôn là thứ khiến khán giả quan ngại. Thế nhưng, dường như khán giả luôn có ấn tượng xấu với lời thoại trong phim Việt.

Xem một bộ phim hay, bạn sẽ nhớ rất nhiều thứ về nó. Xem một bộ phim dở, bạn sẽ chả muốn nhớ gì, ngoại trừ những tình huống quá sức ngô nghê khiến mình tức đến nỗi không thể quên. Đặc biệt, có những bộ phim mà mỗi khi nhắc lại, thứ sẽ khiến bạn không khỏi phát điên với nó chính là lời thoại.

Chuyện lời thoại trong phim Việt, cả điện ảnh lẫn truyền hình, không phải là chuyện mới mẻ gần đây. Cũng không phải là một ấn tượng tạo ra trong một sớm một chiều. Tất nhiên vẫn có những bộ phim sở hữu loạt thoại hay ho để người ta trích dẫn các kiểu, nhưng vẫn có những bộ phim sở hữu những câu thoại dở áp đảo. Chẳng lẽ viết thoại cho phim Việt lại khó như vậy? Thật sự là cũng khó đấy.

Thoại sáo và sến không cần thiết

Một đặc điểm chung của thoại phim Việt Nam từ bao lâu nay chính là sáo rỗng và giáo điều. Ta có thể bắt gặp ở bất cứ bộ phim nào những câu như: "Em làm theo con tim mình mách bảo" hay "Làm một con người, chúng ta phải abc xyz..". Rất nhiều những câu thoại được viết theo kiểu văn học nửa vời, cố tình ẩn dụ hàm ý sâu xa nhưng chắc chắn sẽ không có hiệu quả vì người xem phim làm gì có thời gian chiêm nghiệm như người xem sách. Thế là thoại cũng bay mất theo tình huống diễn ra, chẳng đọng lại gì.

Nếu là những bộ phim nghệ thuật, có nhiều hình ảnh ẩn dụ thì các câu thoại ẩn dụ lại là chuyện khác. Nhưng với những bộ phim đơn giản, tình huống đơn giản thì khán giả cần những câu thoại đơn giản, nói đúng vấn đề và nếu muốn gợi thì phải gợi ra được thứ cần gợi chứng không phải là dùng những câu, từ tỏ vẻ vĩ mô nhưng thực chất chẳng có gì đặc sắc.

Thoại trong phim Việt cứ dở tệ là do mắc một trong ba kiểu này! - Ảnh 1.

Còn vấn đề thoại sến cũng rất đáng nói. Lấy ví dụ trong phim Hot Boy Nổi Loạn 2 ra mắt hồi tháng 3 của Vũ Ngọc Đãng. Trong đó có một câu: "Em đừng làm tình bừa bãi, nó sẽ làm con tim em chai sạn đi đấy" của nhân vật Lam nói với một cậu bé mới lớn. Bối cảnh, tình huống của câu thoại đó khá nhạy cảm, đó là khi Lam và cậu bé kia đều tránh ngủ cùng nhau trên giường vì sợ sẽ không kiềm chế được ham muốn xác thịt. Thế nhưng ở ngoài đời chả ai nói những câu dài dòng và cao siêu như thế. Chưa kể với những gã trai làm đĩ đứng đường, lăn lộn và va chạm nhiều thì cách truyền đạt phải càng gai góc hơn. Chính những câu thoại kia đã phần nào phá đi cái không khí có sẵn trong phim.

Thoại trong phim Việt cứ dở tệ là do mắc một trong ba kiểu này! - Ảnh 2.

Hay gần đây có phim Cạm bẫy - Hơi thở của quỷ, có một số câu thoại thoạt nghe thấy rất "deep", nhưng ngẫm ra thì nó chẳng sâu sắc gì, đã thế còn đặt trong hoàn cảnh phát ngôn không hợp lý, không đúng với tính cách nhân vật, chỉ khiến khán giả phì cười. Ví dụ như câu: "Tình yêu mà không có cảm xúc, thì tình dục cũng chỉ là những cọ xát cơ học mà thôi". Nghe qua đã thấy không liên quan, nghĩ kĩ lại còn thấy buồn cười. Tốt nhất là các nhân vật chỉ nên nói chuyện đúng với những gì mình tạo được ấn tượng nơi khán giả, đừng cố cao siêu xa vời làm gì chỉ gây tác dụng ngược.

Thoại như sách văn mẫu

Một vấn đề thứ hai chính là thoại như những câu trong sách văn mẫu trích ra, khiến cho khán giả nghe chỉ thấy kì kì, thậm chí là nổi da gà. Dường như đây là lỗi chung của rất nhiều phim Việt, có khi một phim bị sọt dưa vài câu văn mẫu thế là mất hết cảm xúc của cả bộ phim, có khi là ấn tượng xấu luôn cho cả nhân vật.

Thoại trong phim Việt cứ dở tệ là do mắc một trong ba kiểu này! - Ảnh 3.

Gần đây nhất, dù Ở đây có nắng là một phim khá tốt với câu chuyện rất dễ thương về tình phụ tử, các nhân vật được xây dựng khá tinh tế nhưng phần thoại đôi khi như tập làm văn khiến tình huống bị chưng hửng. Rõ ràng nhất chính là vai diễn cô vú em (Lê China đóng) dù là một công nhân công trường nhưng nói câu nào là sâu sắc câu đấy. Hay như mấy diễn viên nhí cũng nói những câu thoại rất già đời, nghe là biết... xạo nhưng chẳng qua do hai bé diễn hay quá nên khán giả mới thấy dễ thương.

Một đặc điểm chứng tỏ phim Việt hay bất thình lình thoại như đọc văn chính là ở mấy đoạn cuối của phim. Có những phim mà cả phần đầu không khí rất tốt, lời thoại rất đời, rất đơn giản nhưng đến cuối nhân vật bỗng dưng giáo điều, khiến cho cái thông điệp muốn truyền tải bị kệch cỡm.

Thoại trong phim Việt cứ dở tệ là do mắc một trong ba kiểu này! - Ảnh 4.

Câu thoại dạy đời "Tình yêu chỉ dành cho những người xứng đáng" của Ngọc Diệp ở cuối "Cô dâu đại chiến" từng gây mất cảm xúc cho khán giả

Thoại khó hiểu như... Glee

Có thể nói ấn tượng xấu nhất của khán giả dành cho Glee Việt chính là lời thoại. Những câu nói được dịch nguyên si từ bản gốc khiến khán giả nghe thấy cực kì khó hiểu. "Kinh điển" nhất chắc phải nhắc đến "Các em hãy đứng lên như những mái chèo" xuất hiện ngay trong tập 1, khiến ai nấy cũng phải căng não nghĩ xem nhân vật muốn nói gì.

Thoại trong phim Việt cứ dở tệ là do mắc một trong ba kiểu này! - Ảnh 5.

Sau đó, một loạt những câu được Việt hóa một cách cứng nhắc và vô tội vạ khiến cho những đối thoại của các nhân vật trở nên rất kì quặc. Nếu theo dõi Glee, hẳn bạn sẽ không thể quên những câu như "Từ cái đêm định mệnh ấy, tôi đã thấy mình mập lên" hay "Em có thai rồi, em không còn là chính mình nữa" hay "Cô nàng mũm mĩm ạ, cô sắp trở nên phúng phính rồi đấy"... Rất nhiều những câu rõ ràng là do khác biệt về văn hóa, về cách trò chuyện với nhau mà lúc Việt hóa nếu không "dụng công", hiểu tình huống để có những thay đổi phù hợp thì sẽ trở thành dở dở ương ương.

Thoại trong phim Việt cứ dở tệ là do mắc một trong ba kiểu này! - Ảnh 6.

Thoại của Glee đã trở thành hồi chuông cảnh tỉnh những bộ phim remake, nhất là phim Mỹ hoặc phim Châu Âu bởi khác biệt văn hóa ảnh hưởng rất lớn đến lời thoại. Chẳng ai muốn một bộ phim nào đó vốn rất hay nhưng khi được remake thì lại có loạt thoại kì cục cả.

Không chỉ Glee mà phim Việt có lời thoại khó hiểu nhiều như sao trên trời. Một trong những "thảm họa phim Việt" của năm là S.O.S Sói trắng từng khiến khán giả hoang mang khi có câu thoại "Trẻ em cần nhiều hơn một tuýp kem chống nắng"!

Thoại trong phim Việt cứ dở tệ là do mắc một trong ba kiểu này! - Ảnh 7.

Tạm kết

Nói chung, thoại phim Việt không hẳn chỉ toàn là dở. Có rất nhiều phim đã ghi dấu ấn với những câu thoại ấn tượng, đời thường và được khán giả ghi nhớ. Chỉ là dường như những phim như vậy lại quá ít, còn lại thì đa số đều vướng một trong ba kiểu thoại ngớ ngẩn kể trên, hoặc cả ba. Hy vọng càng về sau này, tương quan với sự phát triển về lượng và thể loại, khán giả không phải ngao ngán mỗi khi nhắc đến lời thoại trong phim nước nhà nữa.