Trung Quốc: Đằng sau những chiếc găng tay sành điệu là 10 nghìn con thỏ bị giết mỗi ngày

Lương Hồng Phúc, Theo Trí Thức Trẻ 10:17 12/12/2015

Những hình ảnh kinh hoàng bên trong một lò giết mổ thỏ lấy lông tại Trung Quốc đã bị tổ chức bảo vệ động vật Humane Society International công bố gần đây.

Đang là mùa đông, mùa của thời trang lông thú cao cấp lộng lẫy. Đã có rất nhiều chiến dịch bảo vệ động vật trên thế giới nổ ra để phản đối việc giết động vật để lấy lông làm sản phẩm thời trang, các hãng cũng dần ngưng sử dụng lông thật mà chuyển sang các vật liệu hóa học.

Thế nhưng không phải hãng thời trang nào cũng làm được như vậy. Mới đây tổ chức bảo vệ động vật quốc tế Humane Society International đã công bố những hình ảnh gây sốc về một lò giết thỏ tại Trung Quốc, nơi mỗi ngày tước đi sinh mạng của gần 10.000 con thỏ để lấy lông may áo khoác, găng tay.

 Clip ghi lại cảnh tượng ghê sợ bên trong một lò giết mổ thỏ lấy lông tại Trung Quốc.

Trong đoạn phim, có thể dễ dàng thấy hàng trăm con thỏ đang được nuôi ở trong lò mổ chờ "lên thớt". Một số bị nhốt trong từng lồng sắt nhỏ chật hẹp, chỉ vừa vặn để cựa mình đôi chút chứ không thể đứng lên hay làm bất cứ hành động gì khác. 

Khi đến "giờ tử", những đồ tể trong lò mổ sẽ tóm tai thỏ nhấc ra để chúng không thể quẫy đạp, sau đó họ ném chúng xuống sàn, hoặc đập mạnh những con vật tội nghiệp vào tường, khiến chúng bất tỉnh. Tiếp theo họ treo ngược thỏ lên các móc có sẵn, cắt cổ chúng, dùng dao cứa vào chân rồi bắt đầu lột da từ đó. 

Thỏ bị nhốt trong từng lồng sắt vô cùng chật chội.

 Bị treo lên rồi lột da một cách tàn nhẫn.

Không một chút gây mê, cũng không có biện pháp giết nhân đạo, những con thỏ phải chịu bao đau đớn kinh hoàng để lấy lông phục vụ cho ngành công nghiệp thời trang. Bên cạnh đó, bị giam hãm trong những lồng sắt chật hẹp, không được hoạt động tự do hay chạy nhảy vui đùa đã khiến thỏ bị tổn hại về cả tinh thần lẫn sức khỏe.

Được biết, số lông thỏ thành phẩm có thể đã được xuất khẩu sang Anh và các nước khác. Và rất có thể những món hàng giả lông mà chúng ta sở hữu cũng có nguồn gốc từ địa ngục trần gian này. Theo một kết quả điều tra khác của HSI đưa ra, không ít những hãng bán lẻ tại Anh đã bị lừa bán loại sản phẩm mà theo quảng cáo là giả lông. 

 Sản phẩm này được kiểm nghiệm là chứa lông thú thật mặc dù mác của nó là chất liệu tổng hợp.

Cụ thể, hãng TK Maxx và House of Fraser, hai công ty thời trang bán lẻ của Anh quảng cáo rằng mặt hàng của họ là giả lông. Tuy nhiên sau khi qua kiểm nghiệm, một số sản phẩm của các hãng này bị vạch trần là sử dụng lông thật. Cả hai hãng đã lên tiếng cho biết họ không chủ đích mua sản phẩm lông thật mà bị các nhà cung cấp lừa gạt. House of Fraser đã ngay lập tức cắt đứt hợp đồng với những nhà cung cấp này. 

Điều tra viên cũng đã phát hiện được khoảng 60 sản phẩm trôi nổi trên thị trường Anh được gắn mác là giả lông bằng sợi ni-lông và nhựa Polyester thực chất là lông thú thật. 

Thông thường, chi phí làm ra các sản phẩm bằng lông thật sẽ rẻ hơn nhiều so với các sản phẩm giả lông bằng chất liệu tổng hợp. Lý do là vì nhân công ở các lò mổ thường được trả lương vô cùng rẻ mạt, không hề được đảm bảo an toàn lao động, động vật sử dụng trong các lò này cũng được nhập từ những nguồn cung cấp không rõ ràng với giá cực rẻ do không cần chứng nhận y tế.

Trong năm vừa qua, Anh đã nhập khẩu số sản phẩm lông thú giá trị khoảng 3.5 triệu Bảng từ Trung Quốc và 3.4 triệu Bảng từ Hong Kong. Chăn nuôi khai thác lông thú đã bị coi là trái pháp luật tại Anh kể từ năm 2000, vì vậy các sản phẩm lông thú ở nước này đều là hàng nhập khẩu từ các nhà cung cấp ngoại quốc.

 Thỏ bị đập cho bất tỉnh trước khi đem đi lột da.

 Công nhân lò mổ bê cả lô thỏ được nhốt trong lồng kim loại.

 Bên trong khu chăn nuôi thỏ của lò mổ Trung Quốc.

 Lũ thỏ không được cựa quậy, không thể đứng lên ngồi xuống, bị thương tổn cả về mặt tinh thần lẫn thể xác.

 Cảnh tượng máu me trong khu giết mổ lột da.

 Thỏ bị cắt cổ trước khi lột da.

 Mỗi ngày có tới khoảng 10.000 con thỏ bị giết hại lấy lông làm sản phẩm thời trang.