Những nấm mộ tập thể khổng lồ trong cuộc khủng hoảng tị nạn Châu Âu

Lương Hồng Phúc, Theo Trí Thức Trẻ 14:41 26/10/2015

Ước tính đã có hàng chục nghìn người bỏ mạng trên biển Địa Trung Hải kể từ khi khủng hoảng tị nạn mới chỉ bắt đầu 1 thập kỷ qua. Vậy những người xấu số đó sẽ đi đâu về đâu?

Fanus, một người phụ nữ trẻ tuổi đến từ Eritrea, một quốc gia Châu Phi, từng vượt biên giới Lybia để đến Italy trên chiếc thuyền cùng 500 người khác vào tháng 10/2013. Khi chiếc thuyền chìm xuống, cô vẫn còn đang ngái ngủ, và hàng trăm người khác trong khoang tàu cũng vậy. May mắn là Fanus còn sống, nhưng phần lớn những người đi cùng cô thì không.

"Khắp xung quanh tôi là những xác người trôi nổi. Một số đang gào thét, một số cầu nguyện, một số hét to tên của họ, tên người thân họ, quê hương họ, thông điệp đến người mà họ yêu thương. Cứ thế tiếng gào khóc, tiếng thét tuyệt vọng cứ vang lên mãi. Tôi nhìn thấy những người mẹ gắng gượng giữ lấy con cho đến khi họ lả đi vì mệt mỏi. Tôi đã khóc khi nhìn thấy thi thể của những người tôi quen. Cảnh tượng kinh hoàng nhất có lẽ là xác của trẻ sơ sinh, trẻ em la liệt trên mặt biển", Fanus kể lại kí ức đáng sợ của mình.

Fanus được giải cứu bởi lực lượng cứu hộ bờ biển Italy, ghi tên vào 150 người sống sót, trong khi đó hơn 350 người khác cùng đi với cô đã vùi mình vào nấm mồ tập thể mang tên Địa Trung Hải, vùng biển tử thần nơi tước đi sinh mạng của hàng chục nghìn người tị nạn. Sự kiện này sau đó đã được gọi là thảm kịch Lampedusa. Vụ việc nghiêm trọng đến nỗi người dân đã yêu cầu chính quyền phải tổ chức công cuộc tìm kiếm và cứu hộ trên vùng biển Địa Trung Hải.

lampe-6e949
Hơn 350 người đã chết trong thảm kịch Lampedusa năm 2013.

Những thi thể trong vụ thảm kịch Lampedusa sau đó cũng đã được trục vớt, khôi phục ít nhiều. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng có trường hợp như Fanus may mắn sống sót để kể về sự việc mà họ đã phải trải qua, đồng thời hỗ trợ tìm kiếm. Có những vụ việc mà hàng nghìn người không một ai sót lại và chỉ thực sự trở về khi sóng đưa xác họ dạt vào đâu đó quanh vùng tiếp giáp biển. 

"Họ không thể biến mất đơn giản như vậy. Họ là người, họ phải nổi lên chứ", Yafet, một người sống sót sau khi thuyền của anh cùng ít nhất 243 người khác bị chìm dưới đáy Địa Trung Hải. Trong thảm kịch ấy Yafet vĩnh viễn mất đi người vợ Segen cùng con gái Abigal vào tay thủy thần.

Thực tế, có tới 20.000 người đã chết trên Địa Trung Hải kể từ khi làn sóng di dân vượt biển vào đất liền Châu Âu ngày một gia tăng bắt đầu từ những năm 1990. Mặc dù đã có những chương trình cứu hộ, lực lượng ven biển tuần tra mỗi ngày như Mare Nostrum, một dự án của Thủy quân Italia được đưa ra sau thảm kịch Lampedusa để giảm thiểu số người chết, tuy nhiên vẫn còn hàng nghìn trường hợp không thể thoát khỏi tử thần. 

fluechtlingsbootvorlampedusadpa-6e949
Quá nhiều người tị nạn đã lựa chọn gửi mình trên những chiếc thuyền quá tải để đến Châu Âu.

Giám định thân thế các thi thể từ những vụ đắm tàu này không hề đơn giản chút nào. Người tị nạn khi rời khỏi đất nước rất ít khi mang theo mình giấy tờ tùy thân. Bên cạnh đó, xác chết ở quá lâu trong nước đều bị biến dạng rất khó nhận ra. Hàng thập kỷ qua, dân chài tại các bến cảng như Zarzis của Tunisia đã phải tập quen với việc nhìn thấy xác người chết dạt vào bờ biển mỗi ngày. Có khi chỉ trong vài ngày, người ta phải "tiếp nhận" tới 1.000 thi thể. Hoặc có lúc không phải do người dân tìm thấy xác chết, mà hàng trăm thi thể cùng "rủ nhau" nổi lềnh phềnh trên mặt biển bốc mùi tử khí xa tới gần 1km vô cùng khó chịu khiến người ta phải chú ý đến. 

Trong quá khứ trước khi xảy ra thảm kịch Lampedusa, lúc ấy còn chưa có các lực lượng tìm kiếm cứu hộ trên biển hoạt động, số người chết ở Địa Trung Hải ít hơn, nhưng số xác người nổi trên mặt biển lại nhiều hơn. Bởi đơn giản, chẳng ai buồn đi trục vớt số người ấy hết. Ngư dân chỉ đơn giản là tránh xa khu tập trung nhiều thi thể người chết đuối mà thôi. Mãi đến năm 2013 sự việc mới có chút chuyển biến, ít xác người phơi bày trên biển hơn hẳn, nhưng không phải là không có. Giữa khoảng tháng 6 và tháng 7, ước tính có khoảng 70 thi thể đã được tìm thấy trên bờ biển cảng Zarzis, Tunisia.

CR3uGtfUEAAucGg-8ef1b
Nhiều nấm mồ tập thể tại Tunisia dùng để chôn cất người chết dạt vào bờ biển nước này.

Vậy những người xấu số này sẽ đi đâu về đâu? Theo luật, nếu xác người được tìm thấy, người ta phải dùng xe cứu thương để chở đến nơi có thẩm quyền giải quyết. Thế nhưng chính phủ Tunisia và cả người dân đều không cho phép chuyện này xảy ra vì họ sợ xác chết nếu được đưa vào địa phương sẽ có thể là nguồn bệnh nguy hiểm. Bên cạnh đó nhà xác tại Zarzis chỉ có thể chứa được 6 xác người một lúc, thế nhưng nhiều khi số xác chết dạt vào phải lên đến hàng chục, và dân địa phương cũng chẳng cho phép chôn cất thi thể trong nghĩa trang chung.

"Thi thể cuối cùng được chôn tập thể thành đống. Họ chỉ đào đất rồi quẳng xác chết xuống mà thôi", Trabelesi, một tình nguyện viên của tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Tunisia cho biết.

CSBBGIRUcAAKyqU-8ef1b
Sự u ám tang tóc của một vùng "nghĩa trang tập thể" tại Tunisia.

 Anh cũng nói thêm rằng tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ cùng Chữ thập đỏ đang lên kế hoạch để cải thiện vấn đề này. Họ muốn các xác chết phải được chôn riêng rẽ từng người một, mang theo đặc điểm nhận dạng của mỗi số phận để tiện cho công tác tìm kiếm về sau. Người chết rồi thì vẫn cần được hưởng quyền được nhận dạng y như người sống vậy. Cái chính là chính phủ có đồng ý với lý tưởng của họ hay không mà thôi, và họ vẫn đang phải chờ một câu trả lời. 

Trở lại Italia, dự án Mare Notrum đã ngừng hoạt động được một thời gian, thay thế cho nó là dự án mới có tên Triton, tuy nhiên quy mô mục đích lại giới hạn hơn rất nhiều. Một phòng thí nghiệm ở Đại học Milan đang xây dựng dữ liệu DNA và các bằng chứng từ các vụ thảm kịch Địa Trung Hải với mục đích nhận dạng thân thế của những người đã chết trong sự kiện đó. Mọi thứ đang có tiến triển nhất định, họ đã xác định thành công tên tuổi cho hơn 200 người chết trong thảm kịch Lampedusa 2 năm về trước. Tuy nhiên, vẫn còn hàng chục nghìn con người vẫn đang đợi một ngày được trả lại cái tên mà họ từng mang khi còn sống.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày