Những anh hùng thầm lặng dưới cống ngầm Mumbai

Lương Hồng Phúc, Theo Trí Thức Trẻ 00:18 11/10/2015

Thành phố Mumbai có khoảng 30 nghìn công nhân cảnh quan chuyên dọn dẹp cống rãnh, rác thải của 12 triệu dân sống trong thành phố. Nhưng chẳng ai biết đến họ hay những hiểm nguy mà họ phải đối mặt mỗi ngày.

Cứ mỗi buổi sáng, khi người ta đang tất bật tắm rửa, vệ sinh cá nhân, chuẩn bị cho một buổi sáng làm việc thì hơn 30.000 nhân viên vệ sinh trên khắp thành phố Mumbai, Ấn Độ đã bắt đầu công việc của mình từ lúc mặt trời còn chưa ló dạng. 

Họ được gọi là các "Nhân viên bảo vệ cảnh quan" theo cách gọi trang trọng, làm việc cho Tập đoàn vệ sinh đô thị Brihanmumbai, có nhiệm vụ dọn dẹp cống rãnh, nhặt và thu gom rác đến nơi xử lý, quét sạch đường xá. Với tình trạng ô nhiễm nặng nề ở Ấn Độ hiện nay, công việc của họ là vô cùng cần thiết. Mỗi ngày đội ngũ công nhân này phải quét dọn tới 6.500 tấn rác thải, sản phẩm của hơn 12 triệu người sinh sống trong thành phố Mumbai.

1-9fb42
Mỗi ngày có tới 30.000 công nhân vệ sinh làm việc tại Mumbai.

Nguồn nhân công chủ yếu cho công việc này là các Dalits, lớp người thuộc giai cấp thấp nhất trong xã hội Ấn Độ. Hầu hết người dân chẳng ai thèm để ý đến những công nhân cảnh quan này, mặc cho công việc mà họ đang làm thực chất vô cùng nguy hiểm, có nguy cơ mắc nhiều bệnh về da, hô hấp. Vì vậy nhiếp ảnh gia Sudharak Olwe quyết định thực hiện bộ ảnh "In Search of Dignity and Justice" (Tạm dịch: "Tìm kiếm phẩm giá và công lý") để ghi lại chân dung các công nhân cảnh quan đang làm việc dưới đáy thành phố mỗi ngày kia.

"Khi người ta ra chiến trường, họ được cả xã hội tôn vinh. Những công nhân kia mỗi ngày với họ đều là một cuộc chiến, họ chiến đấu với bệnh dịch, rác rưởi, điều kiện sống tồi tệ, thế nhưng họ lại chẳng nhận lại được những gì", Owle chia sẻ. Ông muốn cả thế giới biết đến những anh hùng thầm lặng ấy, những kẻ mỗi ngày vùi mình dưới vũng đen của cống rãnh, hay thực chất chính là vũng bùn lầy của hi vọng, đem lại cho Mumbai một quang cảnh sạch đẹp hơn.

2-9fb42
Âm thầm lặng lẽ, mỗi ngày lại vật lộn với rác rưởi của cả thành phố để Mumbai trở nên sạch đẹp hơn.

3-9fb42
Công việc này chả cần kĩ năng gì đặc biệt, miễn là công nhân đủ sức khỏe và sự dũng cảm để vùi mình dưới đáy của thành phố đầy những bệnh dịch và sự hôi thối.

4-9fb42
Đừng tưởng làm vệ sinh mà dễ, những công nhân này mỗi ngày đều đối mặt với nguy cơ ngộ độc khí gas từ rác thải, trượt chân vì bùn lầy dẫn đến bất tỉnh, thương tật và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe về sau.

5-9fb42
Chỉ riêng hệ thống cống ngầm phía Tây thành phố đã lên đến 65km đường ống cống, 56km ống cống nhỏ và 52km rãnh thoát nước.

6-9fb42
Những công nhân làm công việc này chủ yếu là các Dalits- những người thuộc tầng lớp thấp nhất trong xã hội Ấn Độ.

7-9fb42
Phút giây nghỉ ngơi hiếm hoi trong ngày của các nhân viên cảnh quan.

8-9fb42
Cả gia đình 5 người với bố là công nhân cảnh quan, mẹ là người giúp việc cùng nhau sinh sống dưới một gầm cầu thang.

9-9fb42
Tiếp xúc lâu ngày với rác thải, bùn lầy có thể gây ra nhiễm trùng da, tiêu chảy cấp, thương hàn, uốn ván, dịch hạch.

10-9fb42
Nhiều công nhân cảnh quan vì làm công việc quét dọn, thu thập rác thường xuyên rất dễ bị chấn thương xương lưng, vai.

11-9fb42
Làm việc không ngừng nghỉ do số lượng rác thải mỗi ngày của cả thành phố là quá lớn, lên đến 6.500 tấn.

12-9fb42
Chẳng ai nhớ mặt, chẳng ai biết tên, họ cũng chỉ biết miệt mài làm việc, cống hiến cho xã hội, đem về cho gia đình miếng ăn dù là vô cùng ít ỏi.

13-9fb42
Những con người này, mỗi ngày lại đương đầu với nguy hiểm để Mumbai được sạch đẹp hơn. Có thể nói, họ là những anh hùng thầm lặng, cứ thế đóng góp mà chẳng mong nhận được gì từ hơn 12 triệu dân Mumbai.