500 nghìn đứa trẻ nô lệ được giải thoát nhờ thảm họa động đất Nepal

Hương Cherry, Theo Trí Thức Trẻ 23:55 24/10/2015

Cơn động đất tại Nepal vào tháng 4 vừa qua đã trở thành một thảm họa kinh hoàng trong mắt nhiều người. Tuy nhiên, đối với hàng nghìn đứa trẻ tại Nepal thì nó lại mang tới một cuộc sống mới, một cơ hội mới cho nửa triệu trẻ em tại đất nước này.

Trước khi cơn động đất xảy ra, Sumitra là một trong số những đứa trẻ ấy. Bị bỏ rơi từ khi còn rất nhỏ, em được một “bà cô” đem về nuôi dưỡng cho tới khi đủ lớn để “giúp việc nhà”. Từ đó, em phải làm mọi công việc trong nhà: Từ giặt giũ, quét dọn, nấu nướng… cho tới chăm sóc một đứa trẻ chỉ ít hơn em một tuổi. Nếu làm không tốt, gia đình “bà cô” sẽ đánh đập em không thương tiếc. Những khi ít việc, họ thậm chí còn “cho thuê” em và tiền công tất nhiên là sẽ rơi vào túi của họ. Vậy mà vào ngày cơn động đất xảy ra, những người kia đều cố gắng chạy thoát thân mà “quên” mất cô bé chỉ mới 11 tuổi còn kẹt lại.


3-bba35
Nụ cười của những đứa trẻ vừa được giải thoát tại Nepal.

 

Và khi cơn động đất qua đi, họ không hề quan tâm tới sự sống chết của một bé gái đang bị vùi lấp trong đống đổ nát ngay trước mắt. Cuối cùng, sau khi được giải thoát, Sumitra đã phải tự mình đi tới trạm cứu hộ với một cơ thể đầy thương tích và được đưa tới một trung tâm chăm sóc trẻ em do UNICEF tài trợ.

 

Tuy nhiên, Sumitra chỉ là một trong số hàng nghìn đứa trẻ tại Nepal may mắn có cơ hội đổi đời sau thảm họa động đất kinh hoàng đó. Bởi trước kia, quyền trẻ em tại Nepal vẫn luôn bị xem nhẹ: Hơn nửa triệu trẻ em phải lao động như người lớn trong khi hàng chục nghìn đứa trẻ khác bị lừa bán vào các nhà thổ tại Trung Quốc hay Ấn Độ, hoặc bị bắt cóc để lấy nội tạng trước sự làm ngơ của chính phủ Nepal. Khi các tổ chức nước ngoài bắt đầu tới đây để tiến hành công tác khắc phục thảm họa thì quyền trẻ em mới trở thành một vấn đề được quan tâm đặc biệt. Hàng chục trung tâm chăm sóc trẻ em được lập ra khắp Nepal để hỗ trợ cho những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều trạm kiểm soát được lập ra dọc theo biên giới Nepal để ngăn chặn hoạt động buôn bán người trái phép. Từ cuối tháng 5, những trạm kiểm soát này đã cứu thoát gần 800 phụ nữ và trẻ em khỏi tay những kẻ buôn người vô nhân tính.

 

1-bba35

Sumitra – cô bé được giải thoát khỏi cuộc sống nô lệ sau trận động đất kinh hoàng vừa qua tại Nepal.

 

Đồng thời, Monica - 15 tuổi cũng là một trong số những đứa trẻ được cứu thoát bởi những trạm kiểm soát nói trên. Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo phía bắc Nepal, Monica gần như không được tiếp cận với bất kì nền giáo dục cơ bản nào. Khi Monica 13 tuổi, một “người môi giới” đã tới ngôi làng của em và giới thiệu về công việc trong nhà máy sản xuất thảm tại Kathmandu. Sau đó, cô bé đã trốn gia đình mình để đi theo người đàn ông kia với giấc mơ kiếm tiền để phụ giúp gia đình. Thế nhưng, khi đặt chân tới Kathmandu thì Monica mới phát hiện ra rằng, “nhà máy sản xuất thảm” thực ra là một cơ sở sản xuất theo kiểu nô lệ với hơn 20 bé gái đang phải làm việc cật lực từ 6 giờ sáng tới 10 giờ tối chỉ để nhận 2000 rupee (khoảng 400.000 VNĐ) một tháng. Ngoài ra, những bé gái này còn thường xuyên bị đánh đập khi làm việc chậm chạp và nếu chẳng may ngủ quên, các em sẽ bị tên chủ xát ớt vào mắt. Monica không thể trở về nhà vì em đã bị lừa ký hợp đồng với “phí môi giới” lên tới 60.000 rupee - tương đương 30 tháng lương và gia đình em không thể trả nổi số tiền khổng lồ này.

 

Sau khi thảm họa động đất xảy ra, 20 bé gái đã phải sống trên đống đổ nát của ngôi xưởng “nô lệ” hơn một tháng trước khi tên “môi giới” trở lại và hứa hẹn sẽ đưa các em tới một nơi “tốt đẹp” hơn. Thật may mắn khi chiếc xe chở các em đã bị chặn lại tại biên giới Nepal - Ấn Độ và 20 bé gái đã được giải thoát khỏi cuộc sống “địa ngục-trần gian”.

 

2-bba35

Sau thảm họa động đất kinh hoàng tại Nepal, nhiều đứa trẻ đã may mắn được thoát khỏi thảm cảnh bị đánh đập và ngược đãi trong các xưởng sản xuất vô nhân tính.

 

Nhờ vào những nỗ lực của cộng đồng quốc tế, cơn ác mộng của các em đã kết thúc và giờ đây các em đã có thể tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn. Nhưng với hàng trăm nghìn đứa trẻ khác tại Nepal, đó vẫn chỉ là một giấc mơ xa vời.


Bên cạnh đó, theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc, hiện đang có hơn 600.000 trẻ em tại Nepal đang phải lao động nặng nhọc với điều kiện làm việc “như nô lệ” để cố sống sót ngày qua ngày. Đối với các em, tương lai là một điều gì đó hết sức xa vời. Khi được hỏi về ước mơ, nhiều em không trả lời mà chỉ nhìn người đối diện với cái nhìn trống rỗng.



(Nguồn:DailyMail)