Thanh niên chấp nhận ôm bụng đói đi ngủ để có Internet dùng và những chuyện "nằm mơ cũng không thể ngờ" ở một nơi mà Internet quý như vàng

L.T., Theo Pháp Luật & Bạn Đọc 01:40 07/01/2021

Anh chàng sinh viên này đã từng rơi vào hoàn cảnh "dở khóc dở cười" khi phải lựa chọn giữa miếng ăn và gói cước Internet. Và đó chỉ là một trong vô vàn câu chuyện về dùng Internet ở nơi đây.

Ngày nay, khi khoa học công nghệ đã phát triển vượt bậc, Internet trở nên phổ biến khắp thế giới, thậm chí ở những nơi xa xôi, hẻo lánh, hoang vu, hay vùng kinh tế khó khăn, dù ít hay nhiều người ta cũng có thể tiếp cận được Internet để mở rộng tri thức, nắm bắt tin tức và kết nối với bạn bè phương xa. Vậy mà, chuyện đó đâu ai ngờ, ở một quốc gia thuộc khu vực châu Phi, Internet lại trở thành một thứ xa xỉ mà phải giới thượng lưu mới được dùng thoải mái.

Bonheur Malenga là một sinh viên đại học Congo. Anh chàng này đã từng rơi vào hoàn cảnh "dở khóc dở cười" khi phải lựa chọn giữa miếng ăn và gói cước Internet. Bonheur kể với phóng viên BBC: "Bụng thì đói cồn cào nhưng tôi không biết nên mua đồ ăn hay mua gói cước Internet dùng trong 24h".

Thanh niên chấp nhận ôm bụng đói đi ngủ để có Internet dùng và những chuyện nằm mơ cũng không thể ngờ ở một nơi mà Internet quý như vàng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Chàng trai 27 tuổi này đang theo học ngành kỹ thuật, anh phải phụ thuộc vào sự hỗ trợ tài chính của bố mẹ. Nhưng năm cuối đại học, anh phải chi tiêu nhiều hơn bình thường vì cần tiền mua gói cước Internet để tìm tài liệu nghiên cứu cho luận văn của mình. Bonheur sống ở Kinshasa, thủ đô của Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi 26% thu nhập trung bình hàng tháng được chi cho việc mua gói cước Internet. Truy cập vào mạng bằng điện thoại di động là cách dễ nhất ở đây.

"Tôi tự nhủ rằng nhịn đói một ngày một đêm sẽ không chết được. Vì vậy, tôi quyết định mua gói cước Internet và lên giường ngủ với cái bụng đói", Bonheur nói.

Bonheur kể rằng nhiều người bạn của anh cũng gặp phải tình huống khó xử tương tự. Congo được xếp hạng là quốc gia có chi phí trực tuyến đắt đỏ nhất trên thế giới, theo Báo cáo Khả năng chi trả năm 2019 từ Liên minh Internet Giá cả phải chăng. Tổ chức này định nghĩa "giá Internet hợp lý" là khi người dùng chỉ phải bỏ 2% thu nhập hàng tháng để đổi lấy 1GB dữ liệu di động.

Ở đầu bên kia của đất nước Congo, cách hơn 2.000km về phía Đông của Kinshasa, Eric Kasinga nhớ lại một khoảnh khắc "muối mặt" đã xảy ra với anh một vài năm trước. Giống như nhiều thanh niên sống ở thị trấn Bukavu, anh phải vào quán Internet để vào mạng đăng ký một khóa học thạc sĩ tại một trường đại học danh tiếng ở Hà Lan.

Thanh niên chấp nhận ôm bụng đói đi ngủ để có Internet dùng và những chuyện nằm mơ cũng không thể ngờ ở một nơi mà Internet quý như vàng - Ảnh 2.

Anh chàng Eric cũng từng "muối mặt" vì không đủ tiền trả phí Internet

Eric kể: “Internet quá chậm nên toàn bộ quá trình nộp đơn của tôi phải mất tới 3 giờ thay vì 1 giờ". Thế nhưng Eric chỉ có đủ tiền để trả phí vào mạng trong 1 giờ. Anh phải giải thích "giã họng" với chủ quán về tình hình của mình với hy vọng được đem tiền đến trả sau. Tuy nhiên, chủ quán đã buông lời khinh bỉ rằng: “Internet không dành cho người nghèo".

Và thế là chủ quán đã rút đôi giày mới mà Kasinga đang đi, buộc anh phải đi bộ đường dài về nhà bằng chân trần. “Tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ,” anh nói.

Eric đã cố gắng lấy lại đôi giày của mình vào cuối tuần đó, nhưng chủ quán đã bán chúng đi để lấy tiền.

Congo là quốc gia đông dân thứ 4 ở châu Phi, diện tích bằng 2/3 diện tích Tây Âu và rất giàu khoáng sản dùng để sản xuất điện thoại thông minh. Tuy nhiên, nhiều công dân của nước này gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ cơ bản như chăm sóc sức khỏe, nước uống và điện.

Thanh niên chấp nhận ôm bụng đói đi ngủ để có Internet dùng và những chuyện nằm mơ cũng không thể ngờ ở một nơi mà Internet quý như vàng - Ảnh 3.

Đối với họ, truy cập Internet, thứ được Liên Hợp Quốc công nhận là quyền con người vào tháng 7/2016, được coi là điều xa xỉ. Cơ quan Quản lý Bưu chính và Viễn thông Congo (ARPTC) ước tính rằng chỉ 17% dân số nước này có khả năng trả phí Internet. Một báo cáo khác vào năm 2019 cũng chỉ ra khoảng cách giới về kỹ thuật số cũng ngày càng tăng. Theo số liệu thống kê của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), có 33,8% nam giới ở châu Phi có quyền truy cập vào mạng trong khi chỉ có 22,6% phụ nữ được hưởng quyền này.

Kodjo Ndukuma, một chuyên gia về quyền kỹ thuật số tại Trường Đại học Sư phạm Kinshasa (UPN), nói rằng có 3 lý do chính dẫn đến chi phí Internet ở Congo cao:

Thứ nhất: Không ai biết chính xác chi phí sẽ là bao nhiêu.

"Việc lập mô hình chi phí được thực hiện khi bạn tính toán dựa trên các khoản đầu tư của một công ty viễn thông, chi phí vận hành và số lượng người đăng ký", ông nói. Những tính toán này đã được thực hiện cho các cuộc gọi thoại nhưng không có công ty viễn thông nào thực hiện điều đó cho dữ liệu Internet, có nghĩa là cơ quan quản lý không thể đặt giới hạn về giá cả.

Giáo sư Kojdo nói: “Việc thiếu một mức trần rõ ràng cho phép các công ty tự do ấn định bất kỳ mức giá nào họ muốn.

Thứ hai: Thiếu sự cạnh tranh.

Số lượng thuê bao và số lượng các hãng viễn thông vẫn trì trệ trong nhiều năm - hạn chế cạnh tranh. Giáo sư Kojdo đưa ra ví dụ về tháng 4 năm 2016, tất cả các công ty viễn thông Congo đồng loạt tăng giá dữ liệu di động lên 500% mà không có công ty nào đưa mức giá thấp hơn để cạnh tranh.

Thứ ba: Đánh thuế quá mức.

Chính phủ Congo đã phải đối mặt với áp lực sau khi các cuộc biểu tình của một phong trào thanh niên được gọi là La Lucha. Từ tháng 3 đến tháng 10 năm 2019, nhóm La Lucha hoạt động như một tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Thực tế, họ đã tổ chức 11 cuộc biểu tình trên khắp đất nước để kêu gọi giảm chi phí Internet.

Đắt nhưng không "xắt ra miếng"

Vanessa Baya là nữ doanh nhân ở Kinshasa. Cô điều hành một doanh nghiệp tiếp thị và dựa vào Internet để tiếp cận khách hàng của mình. Cô nói: “Chất lượng mạng Internet không hề tốt đến nỗi tôi phải chuyển đổi hơn 2 nhà khai thác viễn thông khác nhau trong một ngày".

Thanh niên chấp nhận ôm bụng đói đi ngủ để có Internet dùng và những chuyện nằm mơ cũng không thể ngờ ở một nơi mà Internet quý như vàng - Ảnh 4.

Vanessa Baya là nữ doanh nhân ở Kinshasa

Điều đó có nghĩa là Vanessa phải mua thêm gói dữ liệu cho mỗi nhà mạng, hy sinh các nhu cầu khác của bản thân. Nhưng điều này không giải quyết được hết các vấn đề của Vanessa vì cô không thể gánh vác chi phí cho cả khách hàng của mình.

"Ngay cả khi tôi vào được mạng và chia sẻ các danh mục sản phẩm với khách hàng, thì họ cũng hiếm khi tải xuống được vì sợ nó "chiếm hết" gói cước Internet của họ".

Nguồn: BBC