Tháng 10 - đỉnh điểm tăng giá trong năm của Nhật Bản

Long Nguyễn - Minh Phương, Theo VTV 10:03 11/10/2022

Tháng 10 năm nay được dự báo là đỉnh điểm tăng giá trong năm của Nhật Bản. Hơn 8.500 mặt hàng thực phẩm sẽ đồng loạt tăng giá cùng các chi phí khác.

Chị Naoko là một người làm nghệ thuật tự do, chị thường xuyên đi siêu thị Hanamasa để mua thực phẩm và cũng là người thích dành thời gian ở hàng quán. Từ đầu năm, khi vật giá có dấu hiệu tăng dần, mỗi lần đi chợ chị phải đắn đo hơn, lựa từ mặt hàng rẻ chứ không chọn theo món ăn mình muốn làm nữa.

"Bây giờ mỗi lần đi chợ, tôi không được mua thoải mái những món mình thích nữa mà sẽ phải lựa chọn các nguyên liệu rẻ trước. Việc ăn bên ngoài cũng ảnh hưởng nhiều, ra nhà hàng tôi có cảm giác lượng đồ ăn giảm đi nên lại cố gắng nấu ăn tại nhà".

Sau nhiều năm Nhật Bản ổn định giá thì đây như một cú sốc đối với nhiều người dân. Tuy nhiên, việc tăng giá có thể sẽ được nhiều người dễ dàng chấp nhận hơn nếu tới đây, thu nhập được cải thiện.

Anh Kawano Kenta - người dân Nhật Bản chia sẻ: "Việc giá cả tăng cao ảnh hưởng nhiều đến đời sống của mọi người tại Nhật, tuy nhiên đã 30 năm nay rồi Nhật không hề thay đổi cả vật giá lẫn lương nhân sự. Nên tôi nghĩ việc tăng giá thành, đồng thời có chính sách tăng lương thì có thể Nhật Bản có thể sẽ duy trì được chất lượng dịch vụ".

Tháng 10 - đỉnh điểm tăng giá trong năm của Nhật Bản - Ảnh 1.

Anh Yamanouchi đang kinh doanh một quán mì ramen trong hệ thống cửa hàng Ramen Jun. Sau đại dịch, quán đã mở cửa hoạt động từ 10h sáng đến 22h đêm. Vừa mới có khách trở lại thì nhà hàng lại vướng vào cơn sốt tăng giá từ tháng 10. Không chỉ giá nguyên liệu tăng, chi phí gas và tiền bảo hiểm cho nhân viên cũng tăng khiến cửa hàng rơi vào tình trạng khó khăn.

Anh Yamanouchi Ryota - Chủ quán mì ramen Jun Kameido: "Tôi đã cố gắng không tăng giá từ lâu nhưng đến tháng 10, phí nguyên liệu đắt đỏ, tình hình kinh doanh quá khó khăn buộc tôi phải thực hiện. Tôi đã nghĩ, thay vì mua nguyên liệu rẻ hay giảm số lượng thì nâng giá lên một chút sẽ đảm bảo chất lượng và khách hàng sẽ an tâm hơn".

Nguyên nhân chính khiến nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Nhật phải tăng giá bán là do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng mạnh bởi việc đồng Yen mất giá diễn ra đồng thời với sự đứt gãy của một số chuỗi cung ứng chịu ảnh hưởng từ xung đột giữa Nga và Ukraine. Chính phủ Nhật Bản đã phải đưa ra đối sách trợ giá bột mì, còn các hạng mục khác thì chưa có quyết định cụ thể.