Tài xế GrabBike ở Sài Gòn làm đơn kiến nghị thay đổi định danh ngành nghề để giảm thuế TNCN

Tứ Quý, Theo Trí Thức Trẻ 20:21 06/09/2019

Trong các kiến nghị, vấn đề định danh ngành nghề kinh doanh được các tài xế đặc biệt quan tâm vì hiện tại Grab 2 bánh được áp dụng tương đồng với các phương tiện vận chuyển khác về chung một biểu thuế là chưa hợp lý.

Tiền thưởng của tài xế Grab cũng phải nộp thuế 

Chiều ngày 6/9, đại diện Cục thuế TP. HCM đã có buổi gặp gỡ của các tài xế GrabBike để giải đáp thắc mắc về những thắc mắc về vấn đề nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thuế giá trị gia tăng (GTGT)

Trước đó hàng trăm tài xế Grab 2 bánh (GrabBike, GrabFood, GrabExpress) rất bức xúc với công ty Grab về vấn đề thu hộ và nộp hộ thuế TNCN, thuế GTGT. Mặc dù trong buổi gặp gỡ trước đó, phía Grab đã cố gắng giải thích việc thu hộ nộp hộ hoàn toàn tuân thủ theo yêu cầu của pháp luật, cũng như giải đáp những thắc mắc của các tài xế nhưng vẫn chưa thuyết phục được các đối tác của mình. 

Tài xế GrabBike ở Sài Gòn làm đơn kiến nghị thay đổi định danh ngành nghề để giảm thuế TNCN - Ảnh 1.

Tại buổi gặp gỡ trực tiếp lần này, ông Nguyễn Văn Thiện - Trưởng phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế TP.HCM) cho biết hiện nay ngành nghề của các tài xế Grab 2 bánh là thuộc các cá nhân kinh doanh chứ không gọi phải làm làm công ăn lương vì vậy thuế sẽ được tính theo kiểu "Cá nhân kinh doanh".

"Khi tài xế hợp tác với Grab thì luật đã quy định Grab sẽ là đơn vị thay mặt tài xế khai và nộp thuế thay cho các cá nhân, vấn đề này đã được Bộ Tài chính và Chi cục thuế đã có hướng dẫn trực tiếp cho Grab cũng như các loại hình tương tự", ông Thiện nói.

Theo ông Thiện, khi Grab đã giữ tiền thuế của các cá nhân kinh doanh thì sẽ có trách nhiệm thu hộ và nộp hộ. Đến thời hạn theo định kỳ thì bắt buộc phải đi nộp cho cơ quan Nhà nước chứ không được phép chiếm dụng tiền thuế đó.

Về thu nhập tiền kinh doanh và tiền lương, ông Thiện cũng cho rằng đây là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau. Cụ thể trước năm 2015, các thu nhập từ tiền lương, tiền công, tiền kinh doanh (quán cafe, hàng quán, vận tải,…) sẽ được gộp tất cả thu nhập trên để tính thuế.

Tuy nhiên với cách tính gộp hết như trên thì mức thuế sẽ phải nộp rất cao. Sau năm 2015, thì luật đã sửa đổi, các loại hình kinh doanh hay tiền lương, tiền công đã được tách ra từng loại để tính thuế riêng và mọi người dễ tính thuế hơn.

Tài xế GrabBike ở Sài Gòn làm đơn kiến nghị thay đổi định danh ngành nghề để giảm thuế TNCN - Ảnh 2.

Ông Thiện (áo sơ mi) - đại diện Cục thuế TP. HCM giải đáp thắc mắc của tài xế Grab.

"Đối với cá nhân tài xế Grab có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm thì sẽ nộp 3% thuế GTGT và 1,5% thuế TNCN. Ví dụ trong năm chạy được 150 triệu đồng, Grab sẽ giữ lại 20%, còn 80% tài xế nhận được nhưng số tiền phải trên 100 triệu đồng thì mới phải nộp thuế", ông Thiện thông tin. 

Còn về đề tiền thưởng, ông Thiện cũng cho biết thêm đối với thu nhập từ hoạt động vận tải cộng với thu nhập tiền thưởng thì tài xế vẫn bị khấu trừ với tỉ lệ 1% . Ông Thiện nêu ví dụ, nếu tài xế chạy được 96 triệu đồng/năm và được thưởng 8 triệu đồng, cộng 2 mức này lại là 104 triệu đồng. Như vậy doanh thu tổng là 104 triệu đồng/năm nên tài xế phải nộp thuế. Cách tính ra số tiền phải nộp thuế TNCN trong trường hợp này là lấy 96 triệu x 4,5% và 8 triệu x 1%. 

Theo Cục thuế TP. HCM, phương pháp tính thuế cá nhân kinh doanh là tính thuế trực tiếp trên doanh thu và các khoản hộ trợ, không khấu trừ chi phí phục vụ kinh doanh. Như vậy tài xế sẽ không được khấu trừ chi phí xăng, sửa hay bảo dưỡng xe,…

GrabBike muốn xem xét lại định danh ngành nghề 

Sau khi nghe những giải đáp trực tiếp từ đại diện Cục thuế TP. HCM, các tài xế đã hiểu vấn đề về nộp thuế TNCN, thuế GTGT nhưng vẫn chưa hài lòng về mức thu 4,5% tiền thuế cho doanh thu trên 100 triệu đồng/năm vì cho rằng thu như vậy là quá cao. 

Tài xế GrabBike ở Sài Gòn làm đơn kiến nghị thay đổi định danh ngành nghề để giảm thuế TNCN - Ảnh 3.

Anh Đỗ Ngọc Thịnh (GrabBike) chia sẻ: "Tôi không phản đối việc nộp thuế cũng như Grab thu hộ nộp hộ tiền thuế cho tài xế vì họ đã thực hiện theo đúng quy định của pháp luật nhưng mức thu mà Cục thuế áp dụng lên đến 4,5% doanh thu là quá cao. Tôi cho rằng mức thu thuế đối với tài xế Grab 2 bánh là chưa hợp lý, cơ quan thuế cần xem xét lại, có chính sách sửa đổi mức thu phù hợp hơn"

Theo anh Thịnh, mức thu 4,5% nhưng lại áp dụng khấu trừ gia cảnh, không được các chính sách như những người nộp thuế bình thường. Bên cạnh đó, mặc dù đóng thuế nhưng không được trợ cấp khi thất nghiệp. Tài xế phải chạy hơn 8 tiếng/ngày để nuôi gia đình, chịu nhiều nguy hiểm hơn các đồng nghiệp sử dụng phương tiện khác. 

Bên cạnh đó, nhiều tài xế cũng cho rằng việc cộng chung tiền thu nhập và tiền thưởng để tính thuế là không hoàn toàn hợp lý. Cần phải tách 2 mức này, chỉ tính mức thu nhập để tính thuế, còn tiền thưởng giống như tiền "bo" thì không thể nào cũng cộng vào để tính thuế.

Tài xế GrabBike ở Sài Gòn làm đơn kiến nghị thay đổi định danh ngành nghề để giảm thuế TNCN - Ảnh 4.

Buổi trao đổi trực tiếp của Cục thuế TP. HCM với tài xế Grab 2 bánh sau vụ lùm xùm về việc thu thuế TNCN.

Ngoài ra cũng có tài xế đề xuất cơ quan Nhà nước không được thu thuế đối với Grab 2 bánh vì họ chẳng khác gì xe ôm. 

Trong buổi đối thoại, các tài xế cũng có đơn kiến nghị lên các cơ quan thuế về điều chỉnh lại các khoản thu thuế đối với Grab 2 bánh. 

Trong đơn kiến nghị có 3 vấn đề cần được cơ quan thuế xem xét là định danh lại ngành nghề hoạt động; áp dụng thuế VAT và cấp mã số thuế, giấy xác nhận nghĩa vụ nộp thuế. 

Trong các kiến nghị này, vấn đề định danh ngành nghề kinh doanh được các tài xế đặc biệt quan tâm vì hiện tại Grab 2 bánh được áp dụng tương đồng với các phương tiện vận chuyển khác về chung một biểu thuế là chưa hợp lý. 

Tài xế GrabBike ở Sài Gòn làm đơn kiến nghị thay đổi định danh ngành nghề để giảm thuế TNCN - Ảnh 5.

Một phần của đơn kiến nghị. Sau khi thu thập đủ số lượng chữ ký đồng thuận tài xế Grab 2 bánh, đơn sẽ gửi lên các cơ quan thuế để xem xét.

Còn về thuế VAT, tài xế cho rằng trong phí vận chuyển mà khách trả cho tài xế hoàn toàn không có thuế VAT nên việc tính thuế này đối với tài xế là không hợp lý. Các tài xế kiến nghị không áp dụng vấn đề này, chỉ áp dụng khi có giải pháp phù hợp. 

"Có bạn nói là kiến nghị thì sẽ rất lâu. Tôi nghĩ đơn giản như vậy: Việc chúng ta nộp thuế từ năm ngoái đến năm nay là theo quy định từ luật. Nếu chúng ta không làm đơn kiến nghị thì đừng nói 2 năm nữa mới được sửa, cho dù 5 năm đi nữa chúng tôi vẫn chấp nhận để gửi bản kiến nghị, chừng nào có kết quả thì thôi. Dù hành trình có dài thì chúng ta phải xuất phát từ những bước chân đầu tiên. Hôm nay, bản kiến nghị này là bước chân đầu tiên," anh Phạm Mi Sên – tài xế GrabBike chia sẻ. 

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày