Suốt 32 năm tìm kiếm mỏi mòn, câu nói của người mẹ khi gặp lại đứa con trai bị bắt cóc khiến ai nấy đều xúc động

Jayden, Theo Tổ Quốc 16:11 19/05/2020

Tình cảm gia đình thiêng liêng đã giúp cha mẹ và cậu con trai tìm thấy nhau giữa biển người mênh mông, khép lại một vụ bắt cóc gây ám ảnh ở Trung Quốc suốt nhiều năm ròng.

Năm 1988, ông Mao Zhenjing để lại con trai 2 tuổi ở gần khách sạn Jinling thuộc thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây để tìm nước uống cho con trong vài phút. Thật không ngờ, khi quay lại thì đứa trẻ đã biến mất, khiến gia đình phải ly tán hơn 3 thập kỷ.

Sau vụ mất tích, ông Mao cùng vợ Li Jingzhi đã dành 32 năm tìm kiếm con trên khắp Trung Quốc, phát hơn 100.000 tờ rơi với niềm hi vọng mong manh. 

Kể từ năm 1999, bà Li cũng bắt đầu xuất hiện trên các chương trình truyền hình để kêu gọi sự quan tâm của mọi người về tình trạng trẻ em thất lạc, đồng thời mong mỏi con trai sẽ nhìn thấy mình trên ti vi vào một ngày nào đó. Hình ảnh người mẹ đau lòng tìm con khiến cho khán giả vừa thương xót vừa ám ảnh suốt một thời gian dài.

Suốt 32 năm tìm kiếm mỏi mòn, câu nói của người mẹ khi gặp lại đứa con trai bị bắt cóc khiến ai nấy đều xúc động - Ảnh 1.

Những ngày hạnh phúc của gia đình chỉ còn là kỉ niệm

Năm 2007, tức là 19 năm đã trôi qua, bà Li vẫn kiên trì tham gia "Baby Come Home" - tổ chức phi chính phủ chuyên truy vết những đứa trẻ thất lạc và đã giúp cho hơn 20 gia đình đoàn tụ. "Đến lúc ấy, tôi đã tìm con gần 20 năm nên hiểu rõ chuyện này vất vả đến mức nào. Tôi cũng tự hỏi, liệu có ai giúp con trai của chúng tôi tìm lại bố mẹ hay không" - bà Li bày tỏ. 

Bà Li còn miệt mài giúp các gia đình khác tìm lại con. Khi có thành quả như mong đợi, bà vui lây rồi lại chạnh lòng khi nghĩ về hoàn cảnh của mình. Suốt nhiều năm, bà đã thu thập được khoảng 300 đầu mối, gặp gỡ nhiều đứa trẻ khác nhau nhưng tất cả đều không trùng khớp ADN. 

Suốt 32 năm tìm kiếm mỏi mòn, câu nói của người mẹ khi gặp lại đứa con trai bị bắt cóc khiến ai nấy đều xúc động - Ảnh 2.

Bà Li, ông Mao không sinh thêm con mà chỉ muốn tìm lại đứa trẻ mất tích

Chỉ đến tháng trước, cảnh sát mới có phát hiện đột phá. Nhờ công nghệ nhận diện khuôn mặt, cảnh sát thành phố Tây An phân tích hình ảnh cũ của đứa bé mất tích, sau đó công tác điều tra dẫn đến tỉnh Tứ Xuyên. 

Hóa ra con trai của ông Mao và bà Li đã bị bắt cóc vào ngày định mệnh năm 1988, sau đó bán cho một gia đình hiếm muộn ở Tứ Xuyên với số tiền 6.000 tệ (~19,5 triệu đồng theo tỷ giá hiện nay). Đến giờ, cảnh sát vẫn bảo mật thông tin về bố mẹ nuôi và tiếp tục điều tra vụ bắt cóc.

Song song đó, danh tính của đứa con thất lạc được hé lộ. Người đàn ông không biết về thân phận thật sự của mình, suốt 32 năm sống dưới cái tên mới Gu Ningning. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh mở tiệm kinh doanh ngành thiết kế nội thất.

Đầu tháng 5, bà Li một lần nữa hồi hộp làm xét nghiệm ADN. Và đúng vào Ngày của Mẹ (năm nay rơi vào 10/5), dựa vào tất cả bài kiểm tra, cảnh sát chính thức tuyên bố Gu Ningning chính là đứa con mất tích suốt bao nhiêu năm của vợ chồng ông Mao, bà Li.

Trong khoảnh khắc kỳ diệu đó, người phụ nữ lấy tay quệt nước mắt và xúc động nói: "Đây chính là món quà tuyệt vời nhất mà tôi từng có trong Ngày của Mẹ". 

Được biết, vào ngày chia xa, bà Li vốn là người phụ nữ 28 tuổi thành đạt, có gia đình êm ấm với cậu con trai 2 tuổi. Còn trong ngày đoàn tụ, bà đã là người mẹ khắc khổ 61 tuổi, bị thời gian và nước mắt bào mòn. Vợ chồng bà không sinh thêm con cái mà chỉ muốn tìm lại cốt nhục của mình. Cuối cùng điều mong ước đã xảy ra, bà Li không hề oán thán về khoảng thời gian mất mát mà chỉ xem niềm vui gặp con là một "món quà", khiến ai chứng kiến đều xúc động rơi nước mắt.

Suốt 32 năm tìm kiếm mỏi mòn, câu nói của người mẹ khi gặp lại đứa con trai bị bắt cóc khiến ai nấy đều xúc động - Ảnh 3.

Gia đình 3 người vỡ òa trong giây phút trùng phùng

Trong buổi họp báo nhìn nhận người thân hôm 18/5, cặp vợ chồng lớn tuổi lại khóc nức nở khi ôm chầm lấy con mình. Nắm tay con, bà Li cho biết: "Tôi không muốn rời xa con thêm một lần nào nữa". Đáp lại, người con cũng nói sẽ trở về sinh sống với đấng sinh thành.

Câu chuyện của gia đình họ Mao khiến mọi người xúc động, đồng thời lại khiến người ta trăn trở về tình trạng trẻ em thất lạc ở Trung Quốc. Năm 2009, Bộ Công an của nước này đã thành lập kho dữ liệu ADN để chống nạn buôn người. Theo giới chức, đã có hơn 6.300 đứa trẻ được tìm thấy nhờ vào kho dữ liệu nói trên. Năm 2016, Bộ Công an tiếp tục thành lập hệ thống theo dõi "Reunion" (Đoàn tụ). Nền tảng này đã giúp phát hiện 4.385 trong số 4.467 đứa trẻ được các gia đình báo mất tích.

(Theo SCMP, Sohu)