Nỗi ám ảnh vì căn bệnh viêm mao mạch dị ứng

Bác sĩ Mèo, Theo Mask Online 00:00 19/03/2012

Nó thường tấn công khi tiết trời chuyển sang xuân đấy!

Cách đây hơn 1 tuần, em có bị sốt cao 2 ngày liền kèm theo triệu chứng chân bị viêm và nổi nhiều mẩn đỏ. Tuy giờ em đã khỏi ốm nhưng không hiểu sao mỗi khi tắm là da toàn thân của em lại bị sưng đỏ, nóng và phải mất một lúc lâu sau nó mới trở lại bình thường được. Mong bác sĩ giải đáp liệu có phải em đã mắc chứng bệnh gì không và cần chữa trị ra sao ạ? Em xin cảm ơn! (cloud...@yahoo.com)

Chào em,

Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng là em đã bị viêm mao mạch dị ứng. Bệnh còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như: hội chứng viêm mạch Schonlein-Henoch, ban xuất huyết dạng thấp, ban xuất huyết dạng phản vệ.

Đây là một bệnh tự dị ứng không rõ căn nguyên, có tổn thương lan tỏa theo hệ thống vi mạch ở nhiều cơ quan mà chủ yếu liên quan đến da, thận, ruột và khớp.

Bệnh thường gặp ở những người trẻ tuổi với 75% các trường hợp xảy ra trước 16 tuổi. Ngoài ra, tỉ lệ mắc bệnh ở nam cũng nhiều gấp 2 lần so với nữ.

Mặc dù nguyên nhân gây bệnh chính thức còn chưa được xác định nhưng đa số các trường hợp bệnh xảy ra sau khi cơ thể nhiễm một số chủng vi khuẩn hoặc virut như liên cầu nhóm A, Mycoplasma, Varicella virus, Cytomegalovirus, Epstein-Barr virus, Parvovirus B19, Campylobacter...

Về đặc điểm lâm sàng, bệnh thường xuất hiện hoặc nặng lên về mùa xuân. Các biểu hiện hay gặp nhất là nổi ban xuất huyết dạng chấm và nốt ở mặt gấp của cẳng tay, cẳng chân, mông, đùi. Triệu chứng còn kèm theo sưng đau khớp, đau bụng, buồn nôn, xuất huyết tiêu hóa, viêm cầu thận, đi tiểu ra máu. Một số biểu hiện hiếm gặp có thể xảy ra khác như viêm cơ tim, viêm tinh hoàn, hôn mê, co giật.

Hiện nay vẫn chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh viêm mao mạch dị ứng. Tuy nhiên, liệu trình trong giai đoạn cấp thường được tiến hành như sau: tất cả các bệnh nhân phải nằm nghỉ ngơi tại giường, để cao chân kết hợp dùng vitamin C liều cao, uống nhiều nước và bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý. Kết quả của việc điều trị đối với những người chỉ có ban xuất huyết đơn thuần khá tốt vì vậy họ ít khi phải dùng các loại thuốc điều trị khác.

Thêm vào đó, phương pháp điều trị như dùng thuốc chống viêm, giảm đau cho các trường hợp có sưng đau khớp; thuốc lợi niệu nếu bệnh nhân có suy thận; hạ huyết áp nếu có tăng huyết áp cũng rất cần thiết trong điều trị bệnh. Những loại thuốc được sử dụng là: thuốc ức chế miễn dịch như cyclophosphamide, cyclosporin, azathioprin (dùng phối hợp với glucocorticoid ở những bệnh nhân có tổn thương thận không đáp ứng với glucocorticoid đơn thuần).

Ngoài ra, các phương pháp điều trị khác như dapsone, immunoglobulin truyền tĩnh mạch, gạn huyết tương cũng được chứng minh là có hiệu quả làm chậm sự tiến triển của tổn thương thận trong viêm mao mạch dị ứng.

Vì thế, bác sĩ Mèo khuyên em nên đi khám chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.
 
Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!