Sự thật: Ở nơi làm việc, chẳng có ai là kẻ ngốc, chỉ là họ giả ngốc mà thôi!

Như Nguyễn, Theo Doanh nghiệp & tiếp thị 18:44 26/08/2021

Tôi đã tổng kết ra được năm điều tâm đắc của mình và muốn chia sẻ để mọi người tham khảo.

Không thiếu những người mới bước ra khỏi cánh cửa trường đại học, bước vào xã hội việc làm cảm thấy mơ hồ, hoang mang.

Có người từng hỏi tôi rằng: "Đi làm 10 năm rồi, cậu ngộ ra được điều gì không?"

1. Ý thức "sản sinh": "đẻ nhiều trứng một chút", đừng lười biếng

Nếu bạn là một con gà, mỗi ngày một quả trứng, chủ sẽ chẳng nỡ cho bạn lên thớt; nhưng nếu một tháng không cho được quả trứng nào, vậy thì phải gặp nhau trong nồi áp suất rồi! Đây chính là biểu hiện giá trị của gà mái.

Bất kể có ở đâu, đạo lý này luôn đúng. Trong xã hội này, bạn tồn tại vì bạn tạo ra giá trị, bạn bị đào thải, đó là vì bạn đã mất đi giá trị của mình.

Bất kể bạn đang ở vị trí nào, hãy đảm bảo rằng mỗi ngày bạn đều có thể "sản sinh" ra những cống hiến nào đó cho công ty, chỉ không ngừng tạo ra giá trị, vị trí của bạn mới an toàn. Thế gian này không có ai là không rời được ai cả, thiếu bạn, công ty vẫn vận hành tốt.

Khi bạn không làm việc, không cống hiến, là khi đó bạn đang đứng bên bờ vực sa thải, dù bạn có gắn bó với công ty 10 năm hay 20 năm. Hãy luôn nhớ rằng, giá trị trong quá khứ không cho thấy tương lai, nỗ lực và cống hiến là chuyện của mỗi ngày.

Sự thật: Ở nơi làm việc, chẳng có ai là kẻ ngốc, chỉ là họ giả ngốc mà thôi! - Ảnh 1.

2. Đối nhân xử thế nơi làm việc: không nịnh bợ, không khinh thường

Nguyên tắc cơ bản nhất trong xã giao nơi công sở chính là: đừng nịnh bợ bất cứ ai! Cũng đừng xem thường bất kì người nào! Bất kể là vì tính cách hay vì nguyên nhân nào đó, việc nịnh bợ hay khinh thường ai đó là không thể được.

Ở nơi làm việc, không ai là kẻ ngốc cả, ai cũng có IQ cả, nếu không họ cũng đã chẳng thể là đồng nghiệp, lãnh đạo hay khách hàng của bạn.

Cố ý nịnh bợ, tâng bốc, có lẽ sẽ đổi lại được lợi ích nhất thời, nhưng không thắng được sự tôn trọng của người khác. Hơn nữa, cái bộ dạng khúm núm, khép nép của bạn thực sự trông rất mất giá. Đừng cố lấy lòng tất cả mọi người, xã giao ở nơi làm việc phải có trọng điểm.

Ngoài ra, hãy tôn trọng tất cả mọi người. Dù là nhân viên dọn vệ sinh, chú bảo vệ… Đây là chuẩn mực đạo đức tối thiểu của một người. Hơn nữa, ở nơi làm việc ẩn chứa rất nhiều "tàng long ngọa hổ", ai có quan hệ như nào với ai, thế lực đằng sau như nào, có những câu chuyện kinh ngạc ra sao, những thứ này chưa chắc bạn đã thấu.

Mỗi người đều là một cá thể, hãy đứng đúng vị trí của mình, giao lưu bình đẳng với tất cả mọi người.

3. Con đường thăng tiến: phải linh hoạt, xê dịch

Ở nơi làm việc, có lẽ không thiếu những người giống con ếch trong nồi nước ấm. Ở lâu ngày trong nồi nước ấm quen rồi, tới khi nước sôi thì đã không còn sức mà bật khỏi nồi được nữa. Bất kể bạn làm việc cho công ty công hay công ty tư nhân, ai cũng vậy thôi, "một củ cải, một cái lỗ", ở trong cái lỗ đó lâu ngày quá rồi, tư duy bị cố định hóa, thậm chí bản thân cũng không ý thức được điều này.

Khi một công việc nào đó mà tới mức "làm thì chán mà bỏ thì không nỡ", bạn phải có ý thức "nhảy ra ngoài"!

Đây chính là bạn của tương lai, vì vậy, hãy nhắc nhở mình trước. Dám nhảy ra khỏi vùng an toàn cố định của bản thân, nhìn nhận hiện trạng của mình với một vai trò khác. Nếu ngày thăng chức tăng lương nó quá xa vời, vậy thì đừng lãng phí khoảng thời gian vàng trong con đường sự nghiệp của mình nữa. Bởi lẽ một công ty tốt, nhất định sẽ có một lộ trình thăng tiến rõ ràng và một sân khấu mà nơi đó, cả người lao động và người quản lý đều thắng.

Không nhảy ra ngoài, bạn vĩnh viễn không bao giờ biết được mình đang ở dưới cái miệng giếng nào dòm ra bên ngoài.

Sự thật: Ở nơi làm việc, chẳng có ai là kẻ ngốc, chỉ là họ giả ngốc mà thôi! - Ảnh 2.

4. Làm việc kiếm tiền: tìm cổng gió, kiếm nhiều tiền

Đừng gán ghép cho công việc quá nhiều ý nghĩa, nào là lý tưởng cuộc đời, sự nghiệp cả đời, hoàn thiện bản thân… Với phần lớn những người bình thường mà nói, nó thực sự không lớn lao tới như vậy.

Chi bằng cứ thế tục một chút, thừa nhận rằng làm việc chính là để kiếm tiền! Trừ khi bạn nhiều tiền quá rồi, nếu không thì làm ơn hãy lấy tiền bạc ra để đong đếm giá trị công việc.

Thực ra, có kiếm được tiền hay không, ngoài năng lực của bản thân ra, những yếu tố như nơi làm việc hay ngành nghề cũng vô cùng quan trọng.

Nếu bạn chọn đúng ngành nghề hái ra tiền, về cơ bản là bạn sẽ được ăn thịt. Dù không ăn được thịt, thì cũng sẽ được uống canh xương hầm. Nhưng nếu bạn chọn ngành nghề nào đó không quá có tương lai hay một công ty nào đó không quá có không gian phát triển, vậy thì bạn chỉ có thể ăn đồ thừa, hoặc đối mặt với nguy cơ bị đào thải bất cứ lúc nào.

5. Dấu hiệu của sự chín chắn: điềm tĩnh

Nơi có người nơi đó chính là giang hồ, bất kể bạn đi tới đâu, cũng không thể tránh được việc phải xử lý các mối quan hệ giữa người với nhau.

Nếu bạn không biết bơi, có đổi hồ bơi cho bạn cũng vô dụng. Điểm khác biệt giữa một nhân viên mới và một nhân viên lão làng chính là: sự điềm tĩnh.

Bạn bắt buộc phải hiểu rằng, ở trong một cái giang hồ lớn như nơi làm việc này, thị phi đúng sai, không có gì là tuyệt đối cả, giữa trắng và đen còn có xám. Bất kể là ở đâu, có lợi ích là có cạnh tranh, có nhiều người là có bè phái.

Vì vậy, bạn phải có một cán cân riêng cho mình, bạn phải lập cho mình một phòng tuyến, duy trì cho mình sự thản nhiên, điềm tĩnh. Chỉ những người có thể bình tĩnh ứng phó trên chiến trường công sở, người đó mới có thể trở thành người chiến thắng thực sự!