"Sự lơ là phòng dịch là những đốm lửa li ti, khi bùng lên sẽ gây tổn thất lớn"

Thiên Bình, Theo VOV 15:17 14/12/2021

Thực tế, có những nhóm bệnh nhân đã tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19, nhưng vẫn bị nhiễm, bị nặng và thậm chí tử vong. Điều này khẳng định, khuyến cáo và cảnh báo của các chuyên gia y tế về tuân thủ 5K với người dân đã tiêm đủ liều vaccine là "không bao giờ thừa".

Theo thống kê mới nhất đến 16h ngày 13/12 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19, trung bình số ca mắc mới ghi nhận trong 7 ngày qua tại Việt Nam là 14.946 ca/ngày. Trung bình số ca tử vong trong 7 ngày qua là 228 ca/ngày.

Như vậy, sau cao điểm của đợt bùng phát dịch thứ tư (từ ngày 27/4/2021 đến nay), dịch COVID-19 tại Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp, với số ca mắc mới và số tử vong vẫn có xu hướng tăng lên, kể cả với trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Theo đánh giá của bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, thực tế, có những nhóm bệnh nhân đã tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19, nhưng vẫn bị nhiễm, bị nặng và thậm chí tử vong. Các nghiên cứu đều cho thấy tất cả các loại vaccine đều không thể bảo vệ 100%. Điều này khẳng định, khuyến cáo và cảnh báo của các chuyên gia y tế về tuân thủ 5K với người dân đã tiêm đủ liều vaccine là "không bao giờ thừa".

"Chúng ta cần hiểu, vaccine dù có giảm được nguy cơ, không có nghĩa là triệt tiêu nguy cơ. Nếu chúng ta mang tâm lý lạc quan quá mức, lơ là việc tuân thủ 5K thì hậu quả sẽ khó lường. Bản chất của việc tiêm vaccine là tạo kháng thể bảo vệ cơ thể trước nguy cơ mắc bệnh và diễn biến nặng. Người tiêm đầy đủ 2 mũi thì cơ thể có đủ kháng thể bảo vệ cao hơn người tiêm mũi 1. Những người lớn tuổi, người có bệnh nền và suy giảm miễn dịch thì tỷ lệ bảo vệ của vaccine còn thấp hơn. Và không phải trường hợp nào kháng thể cũng bảo vệ được sự tấn công của virus lên cơ thể. Nếu còn số lượng người mắc vẫn sẽ không tránh khỏi số lượng bệnh trở nặng và tử vong", BS Quốc Thái nói.

Cũng theo BS Quốc Thái, số ca mắc COVID-19 mới trong nước tăng cao, nhưng rải khắp hơn 60 tỉnh, thành chứ không tập trung vào một vài tỉnh, thành khu vực phía Nam như trước đây. Do vậy, các địa phương có khả năng tập trung nhân lực và vật lực điều trị chứ không rơi vào tình trạng quá tải, bị động.

"Dù có ca bệnh nặng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát của y tế địa phương. Đó là điều may mắn", BS Quốc Thái nhận định.

Theo thống kê, đa số trường hợp chuyển biến nặng hoặc tử vong dù đã tiêm đủ vaccine COVID-19 là những bệnh nhân là người có yếu tố bệnh nền, béo phì, tiểu đường, tim mạch, tăng huyết áp, động mạch vành, bệnh về thận, những người dùng thuốc ức chế miễn dịch, có bệnh ung thư đã điều trị và ung thư chưa được phát hiện, những người cao tuổi… Nhiều yếu tố nguy cơ cộng lại làm cho bệnh có thể nặng hơn các trường hợp khác.

Các chuyên gia cho rằng, thích ứng linh hoạt trong điều kiện bình thường mới thì từng cá nhân phải nghĩ tới việc tuân thủ phòng chống bệnh một cách nghiêm túc, đặc biệt là tuân thủ khẩu hiệu 5K.

Sự lơ là phòng dịch là những đốm lửa li ti, khi bùng lên sẽ gây tổn thất lớn - Ảnh 2.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai

"Nếu người dân không tiếp tục nỗ lực thì cái giá phải trả lại chính là mạng sống của người thân của chúng ta. Bởi có rất nhiều nguy cơ lây nhiễm COVID-19 và diễn biến nặng. Phòng vệ cá nhân (đeo khẩu trang, rửa tay, khoảng cách an toàn) nếu làm nghiêm túc sẽ giảm đáng kể dịch bệnh. Sự lơ là đó như những đốm lửa li ti, nếu bỏ qua nó sẽ tiếp tục âm ỉ và lan rộng thành đám cháy lớn. Và khi ấy việc dập tắt sẽ tổn thất rất lớn", BS Thái khuyến cáo.

Đặc biệt, khi virus SARS-CoV-2 lại xuất hiện biến chủng mới, thì mỗi cá nhân phải hiểu rõ rằng, sự thành công của chống dịch đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực trong việc thực hiện từ các biện pháp cơ bản nhất cho đến các chủ trương mang tính vĩ mô. Nếu nhiều người phớt lờ, chủ quan trước các khuyến cáo phòng, chống dịch sẽ "hết sức nguy hiểm".

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày