Startup bị 4/5 “cá mập” chê và kết thúc bất ngờ với 23 tỷ đồng

A.D, Theo Trí Thức Trẻ 13:30 25/12/2017

Lần đầu tiên xuất hiện chuyện hy hữu tại Shark Tank Việt Nam khi một startup bị 4/5 cá mập chê nhưng kết thúc đầy bất ngờ khi nhận được quyết định đầu tư lên tới 23 tỷ đồng.

Gcalls – “ngọc quý” gặp đúng người

Hai nhà đồng sáng lập của Gcalls là Phạm Tấn Phúc và Nguyễn Xuân Bằng mang đến Shark Tank một dự án đầy tham vọng nhưng có phần khô khan và thậm chí là có phần khó hiểu.

Gcalls là nhà cung cấp phần mềm quản lý giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ dàng tạo lập hệ thống tổng đài chỉ trong vòng 5 phút, bao gồm hạ tầng call center, phần mềm quản lý cuộc gọi và giải pháp tích hợp với các CRM giúp doanh nghiêp quản lý khách hàng.

Startup bị 4/5 “cá mập” chê và kết thúc bất ngờ với 23 tỷ đồng - Ảnh 2.

Đến với chương trình, hai nhà sáng lập gọi vốn với 1 tỷ 249 triệu đồng cho mỗi 1% cổ phần. Tấn Phúc và Xuân Bằng cho hay công ty đã huy động được 280.000 USD tiền vốn để bước đầu hoạt động. 70% cổ phần là của hai nhà sáng lập. 30% còn lại thuộc về các cổ đông khác, trong đó đáng chú ý nhất là Telstra - Tập đoàn viễn thông lớn nhất nước Úc.

Phúc và Bằng định danh công ty là một Telco (nhà cung cấp dịch vụ viễn thông) thế hệ mới với nhiều khác biệt với các Telco truyền thống lẫn các dịch vụ tổng đài ảo khác với một kế hoạch đầy tham vọng. CEO Tấn Phúc tuyên bố công ty muốn IPO sau 7 năm nữa và gọi vốn để đánh chiếm thị trường Đông Nam Á, trước mắt là Indonesia.

Startup bị 4/5 “cá mập” chê và kết thúc bất ngờ với 23 tỷ đồng - Ảnh 3.

Tuy nhiên, do không đưa ra được một lộ trình cụ thể nên shark Phi đã từ chối đầu tư. Tương tự, shark Vương cũng lắc đầu vì không hài lòng với cách gọi vốn “có tiền tới đâu làm tới đó” của dự án. Riêng shark Hưng dù hào hứng tìm hiểu nhiều lần nhưng đành rút lui vì không thể hiểu rõ mô hình giải pháp và hoạt động của Gcalls.

Tuy nhiên, Shark Linh lại điềm tĩnh tuyên bố “Chị rất thích mô hình này và sẽ đầu tư cho các em 23 tỷ đồng đổi lấy 45% cổ phần”.

Startup bị 4/5 “cá mập” chê và kết thúc bất ngờ với 23 tỷ đồng - Ảnh 4.

CEO Tấn Phúc xin từ chối số tiền đầu tư này do quá xa so với dự định ban đầu nên đề nghị mức 500 ngàn USD với 20% cổ phần. Kiên định về con số đầu dư và tỷ lệ cổ phần, shark Linh cho biết sẽ còn nhiều việc phải làm như gặp các cổ đông khác của dự án, kiêm nhiệm vai trò CFO, tư vấn chiến lược, tuyển người, kết nối, mở rộng mạng lưới, khách hàng cho Gcalls.

Shark Linh cho biết, chị rất am hiểu trong lĩnh vực công nghệ viễn thông và nắm rõ các nhà cung cấp dịch vụ khác trên thị trường đang thiếu những gì. Shark Linh cũng không giấu tham vọng gây dựng startup này thành một đại gia công nghệ mới tại Đông Nam Á. Đây là bước chuẩn bị trước khi các tập đoàn lớn đặt chân đến giành thị phần trong mảng viễn thông ứng dụng công nghệ mới.

Mặc dù năm ngoài dự tính ban đầu nhưng sau cùng bộ đôi sáng lập Gcalls quyết định gật đầu nhận 23 tỷ của shark Linh.

Startup bị 4/5 “cá mập” chê và kết thúc bất ngờ với 23 tỷ đồng - Ảnh 5.

Save Your Ocean - Ý tưởng đẹp chưa nhiều khả thi

Quỳnh Hương – nhà đồng sáng lập Save Your Ocean đến Shark Tank để kêu gọi 50.000 USD cho 10% cổ phần của dự án với mục tiêu phát triển được 10.000 trạm cấp nước. Ý tưởng của dự án là bán các bình đựng nước lọc có phần nắp được gắn chip NFC (một công nghệ kết nối không dây tầm ngắn). Đồng thời, Save Your Ocean cũng sẽ phát triển hệ thống cung cấp nước cho những người đã mua bình.

Startup bị 4/5 “cá mập” chê và kết thúc bất ngờ với 23 tỷ đồng - Ảnh 6.

Shark Linh cho hay, để thay đổi được thói quen, bắt người dùng mua bình và mang theo mỗi lần sử dụng thì trên toàn cầu mới có Starbucks. Đồng quan điểm với cá mập từ VinaCapital, các shark Vương và Hưng cũng từ chối rót vốn.

Tuy nhiên, Quỳnh Hương vẫn nhận được lời đề nghị 50.000 USD cho 30% cổ phần của shark Phi kèm theo điều kiện trong 18 tháng phải có nhà đầu tư mới để cá mập này tiến hành thoái vốn với giá trị tối thiểu gấp 3 lần số tiền đầu tư. Cùng với đó, dù chỉ ra những điểm thiếu khả thi nhưng shark Phú cũng gợi ý một gói 50.000 USD cho 45%. Kiên định với tỷ lệ không quá 20%, nhà đồng sáng lập Save Your Ocean quyết định từ chối để ra về.

Peony Home – kết duyên chưa thành cùng cá mập

Đến gặp cá mập, Bảo Nam và Trang Nguyễn, hai nhà đồng sáng lập Ngôi Nhà Hoa Mẫu Đơn (Peony Home) mong muốn gọi 10 tỷ cho 20% cổ phần để mở rộng số cửa hàng, diện tích kho và đầu tư cho thương mại điện tử.

Dù tình hình tài chính khá ổn nhưng các shark vẫn từ chối đầu tư cho Peony Home vì triển vọng phát triển hệ thống còn nhỏ do thói quen thay đổi decor trong nhà theo mùa của người Việt chưa nhiều và 10 tỷ là quá nhỏ để mở rộng được hệ thống và tiếp thị.

Startup bị 4/5 “cá mập” chê và kết thúc bất ngờ với 23 tỷ đồng - Ảnh 7.

Dẫu vậy, Shark Phú đã đề nghị 10 tỷ cho 30% của phần và hai là gói kết hợp 10 tỷ cùng shark Hưng đổi lấy 37% cổ phần. Tuy nhiên, hai nhà sáng lập chỉ đồng ý tỷ lệ cổ phần tối đa 20% nên cuộc “kết duyên” vì thế không thành.

“Chúng tôi tin rằng, sự kết hợp giữa những ý tưởng táo bạo của startup Việt cùng kinh nghiệm kinh doanh từ những nhà đầu tư sẽ không chỉ tạo nên một chương trình thành công, mà còn là sự khởi đầu cho những câu chuyện kinh doanh mới, những thành công mới. Đây là điều mà VietABank và Shark Tank vô cùng mong chờ”, Ông Nguyễn Văn Hảo - TGĐ VietABank, nhà tài trợ chính cho chương trình, bình luận.

Chắc chắn rằng, sẽ còn nhiều thương vụ hấp dẫn và những điều thú vị sẽ còn ở những tập tiếp theo, được phát sóng định kỳ vào 11h10 thứ bảy hàng tuần trên VTV3.

Thông tin thêm truy cập Fanfage: #sharktankvietnam; website: sharktankvietnam.com.vn.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Á (VietABank) được thành lập vào ngày 04/07/2003 trên cơ sở hợp nhất hai tổ chức tín dụng đã hoạt động lâu năm trên thị trường tiền tệ, tài chính Việt Nam: Công ty tài chính cổ phần Sài Gòn và ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn Đà Nẵng. Trải qua hơn 15 năm hoạt động, VietABank đã và đang từng bước xây dựng và phát triển vững mạnh, đạt nhiều thành tựu và dần khẳng định vị thế là đơn vị tài chính tiên phong, đặc biệt ưu tiên cho sự phát triển của doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp.