Spider-Man chính là lỗ hổng cực lớn ở dòng thời gian của Vũ trụ Điện ảnh Marvel

DUCKY, Theo Trí Thức Trẻ 17:04 22/03/2018

Hóa ra, quá trình “về nhà” của Spider-Man từ Sony đã gây ra một lỗ hổng khá to trong dòng thời gian của Marvel.

Nhớ lại năm 2016, màn xuất hiện của Spider-Man trong Captain America: Civil War đã khiến cả thế giới phát cuồng. Sau đó, Spider-Man: Homecoming của 2017 là một bản tái khởi động thương hiệu đầy thành công của Sony với sự hợp tác của Marvel. Song, điều này lại khiến dòng thời gian của MCU (Vũ trụ Điện ảnh Marvel) gặp phải một lỗ hổng cực lớn.

Lỗ hổng trong Spider-Man: Homecoming

Spider-Man chính là lỗ hổng cực lớn ở dòng thời gian của Vũ trụ Điện ảnh Marvel - Ảnh 1.

"Spider-Man: Homecoming" khiến MCU gặp nhiều rắc rối

Spider-Man: Homecoming diễn ra ngay sau các sự kiện trong Captain America: Civil War khi Peter Parker (Tom Holland) quay trở lại cuộc sống học sinh trung học thường nhật. Do đó, mốc thời gian của phim được cho là vào năm 2016.

Song, tác phẩm lại mở đầu bằng hình ảnh Adrian Toomes (Michael Keaton) đang dọn dẹp đống tàn tích sau trận chiến tại New York trong The Avengers (2012). Ngay sau đó, chúng ta được chuyển cảnh tới các sự kiện chính trong phim với dòng tiêu đề "8 năm sau".

Người hâm mộ của MCU sẽ nhận ra ngay lỗ hổng cực lớn này mốc thời gian của The Avengers là vào năm 2012. Điều này dẫn đến việc Spider-Man: Homecoming sẽ diễn ra năm... 2020, trễ hơn tận 4 năm so với Captain America: Civil War. Hay khán giả đã mắc phải sai lầm suốt bao nhiêu năm nay khi nhóm Avengers tụ họp lần đầu vào năm 2008 nhỉ?

Dòng thời gian hiện tại của MCU

Spider-Man chính là lỗ hổng cực lớn ở dòng thời gian của Vũ trụ Điện ảnh Marvel - Ảnh 2.

Giai đoạn 1 của MCU khá đơn giản và liên kết

Giai đoạn 1 của MCU có liên kết khá chặt chẽ với những bước đi đầu đơn giản. Chúng ta có Iron Man (2008) rồi Iron Man 2 (2010) có bối cảnh 1 năm sau đó. Nhiều chi tiết cho thấy bộ phim cũng diễn ra cùng một thời điểm với Thor (2011) và The Incredible Hulk (2008). Như vậy, phần phim đầu tiên của Marvel có mốc thời gian là năm 2010, Captain America (Chris Evans) được "rã băng" vào năm 2011 dẫn đến The Avengers (2012) sẽ diễn ra vào năm 2012.

Giai đoạn 2 vẫn có sự liên kết chặt chẽ trừ một vài ngoại lệ. Iron Man 3 (2013) lấy bối cảnh 6 tháng sau The Avengers với việc Killian (Guy Pearce) nói rằng đã 13 năm trôi qua kể từ khi hắn gặp Tony Stark (Robert Downey Jr.) vào đêm Giao thừa năm 1999. Thor: The Dark World (2013) diễn ra vào tháng 11/2013 với hình ảnh trên tờ lịch. Cả 2 phần phim về Guardians of the Galaxy đều diễn ra vào năm 2014 khi đoạn mở đầu lần lượt diễn ra vào năm 1988 và 1980 rồi "nhảy cóc" đến thời điểm 26 và 34 năm sau.

Spider-Man chính là lỗ hổng cực lớn ở dòng thời gian của Vũ trụ Điện ảnh Marvel - Ảnh 3.

2 phần phim về nhóm Guardians of the Galaxy diễn ra cách nhau không lâu

Captain America: The Winter Soldier (2014) diễn ra 2 năm sau The Avengers. Avengers: Age of Ultron (2015) và Captain America: Civil War đều có mốc thời gian 2 năm sau đó nữa khi Falcon (Anthony Mackie) từng đề cập đã săn đuổi Bucky suốt quãng thời gian trên. Ant-Man (2015) diễn ra ngay sau cuộc chiến với Ultron.

Dòng thời gian tiếp theo vẫn khá mờ mịt nhưng chúng ta biết rằng Avengers: Infinity War diễn ra vào năm 2018 khi nó lấy mốc thời gian 4 năm sau Guardians of the Galaxy Vol. 2 (2017).

Lỗ hổng trong giai đoạn 3

Spider-Man chính là lỗ hổng cực lớn ở dòng thời gian của Vũ trụ Điện ảnh Marvel - Ảnh 4.

"Spider-Man: Homcoming" và "Captain America: Civil War" mâu thuẫn về mặt thời gian

Giai đoạn 3 của MCU đánh dấu sự xuất hiện của hàng loạt lỗ hổng trong dòng thời gian. Khi thảo luận về Hiệp định Sokovia, Vision (Paul Bettany) có nói tới việc "8 năm sau khi Stark nhận là Iron Man". Trên thực tế thì đúng là đã 8 năm trôi qua kể từ khi Iron Man ra mắt khán giả nhưng chỉ mới... 6 năm trong dòng thời gian phim. Rối rồi phải không?

Doctor Strange (2016) càng khiến mọi thứ thêm rối khi không có bất kỳ liên kết về dòng thời gian nào. Thay vào đó, đoạn credit cuối phim lại liên kết thẳng tới Thor: Ragnarok (2017).

Và Spider-Man: Homecoming không chỉ tạo ra một lỗ hổng lớn của riêng nó mà còn xung đột luôn với Captain America: Civil War. The Avengers diễn ra 2 năm sau Iron Man là điều chắc chắn nhưng cả hai cùng được cho là có mốc thời gian... 8 năm trước 2016. Làm sao lại có sự nhầm lẫn vô lý đến thế được?

Sự thật là: Marvel chẳng quan tâm tới tiểu tiết

Spider-Man chính là lỗ hổng cực lớn ở dòng thời gian của Vũ trụ Điện ảnh Marvel - Ảnh 5.

Kể từ những ngày đầu tiên của Giai đoạn 1, MCU đã dùng câu thần chú "mọi thứ đều được kết nối". Và rõ ràng là điều này chỉ đúng trên quy mô lớn. Nếu nhìn vào phạm vi rộng, chúng ta sẽ có tấm bản đồ tuyệt đẹp của 16 tác phẩm điện ảnh và hàng loạt phim truyền hình.

Tuy nhiên, sự lộn xộn cũng có từ rất sớm với việc The Incredible Hulk hé lộ mối liên kết của Tony Stark với S.H.I.E.L.D, mặc dù Iron Man 2 cho thấy anh chàng đã bị đuổi khỏi dự án ​​Avengers. Tuy nhiên, khi những vấn đề này nảy sinh Marvel đã làm tốt công việc giải quyết bất kỳ xung đột lớn nào. Mối quan hệ giữa Iron Man và S.H.I.E.L.D đã được giải thích trong Marvel One-Shot The Consultant. Tuy nhiên, những sai lầm xuất hiện thường xuyên hơn và luôn bị bỏ qua.

Một trong những chi tiết thú vị trong Thor là chiếc Găng tay Vô cực ở hầm vũ khí của Odin (Anthony Hopkins) ngay trước cả khi Thanos (Josh Brolin) xuất hiện. Song, khi gã Titan Điên góp mặt trong Avengers: Age of Ultron thì hắn cũng có chiếc găng của riêng mình. Điều này khiến Kevin Feige lên tiếng giải thích việc có tới 2 chiếc găng và cuối cùng biến món đồ của Odin thành... hàng giả.

Đây là minh chứng cho việc Marvel sẵn sàng phá vỡ những gì họ tạo ra trước đó chỉ để phim được "vui". James Gunn mới đây cũng tuyên bố sẽ phá nát dòng thời gian để thực hiện Guardians of the Galaxy Vol. 3. Nếu xét về mức độ dụng ý của đạo diễn thì hoàn toàn có thể chấp nhận được nhưng thật khó hiểu khi dòng thời gian không gây ra ảnh hưởng gì nhưng vẫn tạo nên lỗ hổng lớn.

Nếu Adrian Toomes chỉ mất 4 năm để xây nên bộ giáp Vulture thì mọi chuyện đã không trở nên rắc rối. Nhiều người cho rằng đây là lỗi của Sony nhưng nên nhớ Marvel mới chính là những kẻ thực hiện bộ phim và đảm bảo sự xuất hiện của Peter Parker vừa khớp với MCU.

Marvel đang thay đổi dòng thời gian?

Spider-Man chính là lỗ hổng cực lớn ở dòng thời gian của Vũ trụ Điện ảnh Marvel - Ảnh 6.

Những phim như "Doctor Strange" có thời gian không xác định

Marvel có thể giải quyết phần nào những lỗ hổng trên bằng cách thay đổi dòng thời gian một số bộ phim. Giai đoạn 1, The Avengers, Iron Man 3, Thor 2 và hai phần Guardians of the Galaxy là cố định và Doctor Strange diễn ra vào đầu năm 2016. Trong khi đó, Captain America: Winter Soldier, Avengers: Age of Ultron, Ant-Man, Captain America: Civil War Spider-Man: Homecoming có mốc thời gian dựa trên những phim khác nên có thể được chuyển đổi một cách linh động.

Như vậy, nếu phần phim riêng về Spider-Man diễn ra vào năm 2020 thì cuộc nội chiến siêu anh hùng cũng vậy, cuộc chiến của Ultron cùng với phim riêng của Ant-Man sẽ diễn ra vào năm 2019 còn Bucky (Sebastian Stan) sẽ đối đầu với Steve vào năm 2018.

Vậy thì quá trình luyện phép của Doctor Strange sẽ kéo dài từ năm 2016 đến tận... 2020 còn Avengers: Infinity War diễn ra sớm nhất là vào năm 2021. Tuy nhiên, điều này tạo ra một lỗ hổng còn lớn hơn khi từ năm 2013 tới 2018 chả có vấn đề gì xảy ra trong MCU cả. Captain America tốn quá nhiều thời gian làm quen với thế giới hiện đại trước khi Bucky xuất hiện.

Có cả một tấm poster của Stark Expo 2018 xuất hiện trong Spider-Man: Homecoming và ta chẳng biết được nó đã đang diễn ra hay chỉ mới là quảng cáo cho 1 2 năm sau đó. Và thậm chí, điều này còn xóa bỏ toàn bộ các sự kiện trong cả loạt Agents of S.H.I.E.L.D.

Spider-Man: Homecoming thay đổi chỉ vì Iron Man 2?

Spider-Man chính là lỗ hổng cực lớn ở dòng thời gian của Vũ trụ Điện ảnh Marvel - Ảnh 7.

Đây là cậu bé gây bao sóng gió cho MCU

Vài tuần trước khi Spider-Man: Homecoming ra rạp, Tom Holland xác nhận một thuyết âm mưu của người hâm mộ khi nói rằng cậu bé đeo mặt nạ Iron Man được "chính chủ" cứu trong Iron Man 2 chính là Peter Parker. Điều đó nghe thú vị đấy nhưng vấn đề là nó... dở ẹc.

Bởi lẽ, cậu nhóc mới chỉ tầm 6 tuổi ở thời điểm 2011 của Iron Man 2. Nếu Spider-Man: Homecoming diễn ra vào năm 2016 thì Peter Parker mới chỉ... 10 tuổi. Nhưng nếu kéo dài đến 2020 như trên thì đúng là cậu sẽ bước sang tuổi 15 như trong phim. Dường như Marvel đang làm lệch dòng thời gian cả một vũ trụ điện ảnh chỉ vì một chi tiết thú vị bé như con kiến.

Chẳng phải hay hơn nếu họ thừa nhận sự sai lầm ngay từ đầu sao?