Số phận kỳ bí của chiếc đồng hồ được định giá 1 triệu USD từng thuộc về Hoàng đế Trung Hoa cuối cùng

Hữu Hiền, Theo Thể Thao Văn Hoá 17:14 06/04/2023

Tờ Financial Times (Anh) đưa tin, cuối năm nay sẽ diễn ra cuộc đấu giá một chiếc đồng hồ cực kỳ hiếm Patek Philippe Ref 96 của Ái Tân Giác La Phổ Nghi - vị Hoàng đế cuối cùng của triều đình Mãn Thanh Trung Quốc, đã gắn bó với Phổ Nghi trong thời gian 5 năm ông bị Hồng quân Liên Xô giam giữ.

Các chuyên gia nhận định, chiếc đồng hồ này đã không được bảo dưỡng trong 86 năm và mặt số của nó đã bị trầy xước nghiêm trọng, nhưng điều đó có lẽ sẽ không ngăn được chiếc đồng hồ Ref 96 Quantième Lune Moonphase cực hiếm của hãng Patek Philippe này thu về hơn 1 triệu USD trong cuộc đấu giá tại nhà đấu giá Phillips (London) vào cuối năm nay.

Một phần giá trị của chiếc đồng hồ này là do nó là một trong ba chiếc cùng loại duy nhất được biết là vẫn còn tồn tại. Nhưng điều quan trọng hơn là nguồn gốc của nó, chủ sở hữu ban đầu của nó là Ái Tân Giác La Phổ Nghi - vị Hoàng đế cuối cùng của Trung Quốc.

Số phận kỳ bí của chiếc đồng hồ được định giá 1 triệu USD từng thuộc về Hoàng đế Trung Hoa cuối cùng - Ảnh 1.

Ái Tân Giác La Phổ Nghi - Hoàng đế cuối cùng của Trung Quốc - vào năm 1925 và chiếc đồng hồ Patek Philippe Ref 96 Quantième Lune Moonphase. Ảnh: Worn & Wound

Theo tờ Financial Times, chiếc đồng hồ của cựu hoàng Phổ Nghi đã không xuất hiện trước công chúng kể từ khi nó được bán ra bởi một cửa hàng bán lẻ đồng hồ Patek Philippe ở Paris vào cuối những năm 1930.

Đến năm 2019, chiếc đồng hồ đã được gửi tới nhà đấu giá Phillips.

Số phận kỳ bí của chiếc đồng hồ

Theo tờ Financial Times, khi Nhật Bản đầu hàng Đồng Minh vào năm 1945, Phổ Nghi (người trở thành Hoàng đế thứ 11 và cũng là Hoàng đế cuối cùng của triều đại Mãn Thanh Trung Quốc vào năm 1908 khi mới 2 tuổi) bị Liên Xô bắt và giam cầm ở Chita, sau đó là ở trại giam Khabarovsk (đều thuộc vùng Viễn Đông của Nga) với tư cách là tù nhân chiến tranh, như kết quả của việc Phổ Nghi đã phục vụ hơn một thập kỷ với vai trò là "người cai trị bù nhìn" của Nhật Bản ở bang Mãn Châu Quốc.

Cùng với cháu trai và anh rể của mình, Phổ Nghi bị giam giữ trong 5 năm. Trong thời gian đó, Phổ Nghi đã kết bạn với phiên dịch viên người Nga Georgy Permyakov. Tình bạn của họ sâu đậm đến mức khi Phổ Nghi bị dẫn độ trở lại Trung Quốc vào năm 1950 để đối mặt với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh, Phổ Nghi đã tặng chiếc đồng hồ cho Permyakov như một món quà chia tay.

Aurel Bacs - chuyên gia tư vấn đồng hồ cấp cao của nhà đấu giá Phillips – nhận định, Permyakov đã giữ chiếc đồng hồ này cho đến khi ông ta qua đời vào năm 2005. Tại thời điểm đó, chiếc đồng hồ vẫn là tài sản của Permyakov. Chủ sở hữu hiện tại đã mua chiếc đồng hồ khoảng ba năm trước trong một hoàn cảnh không được tiết lộ.

Bacs nói: "Có một số mẫu đồng hồ cần được nghiên cứu rất đặc biệt, và càng tìm hiểu nhiều chúng tôi càng muốn đào sâu hơn. Nghiên cứu [về chiếc đồng hồ này] đã khiến chúng tôi mất gần ba năm, và tôi thực sự tin rằng chưa có nhà đấu giá nào dành nhiều thời gian và công sức hơn để xác định nguồn gốc của một chiếc đồng hồ duy nhất."

Số phận kỳ bí của chiếc đồng hồ được định giá 1 triệu USD từng thuộc về Hoàng đế Trung Hoa cuối cùng - Ảnh 2.

Đồng hồ Patek Philippe Ref 96 Quantième Lune Moonphase và chiếc quạt giấy có bút tích của Phổ Nghi. Ảnh: Twitter

Ngoài việc kiểm tra thông thường với kho lưu trữ của hãng đồng hồ Patek Philippe, các chuyên gia còn tiến hành kiểm tra niên đại bằng carbon-14 và xác định nét chữ viết tay trên một chiếc quạt giấy Nhật Bản mà Phổ Nghi đã tặng cho Permyakov khi họ gặp lại nhau trong phiên tòa xét xử Phổ Nghi ở Tokyo năm 1946.

Manh mối duy nhất trước đó cho thấy chiếc đồng hồ đã tồn tại đến năm 2002 khi nó được đề cập trong một cuộc phỏng vấn Permyakov của tờ South China Morning Post.

Chiếc đồng hồ vẫn giữ nguyên dây đeo bằng da nguyên bản và chuyên gia Bacs tin rằng nó chưa bao giờ được bảo dưỡng kể từ khi xuất xưởng tại xưởng chế tác của hãng Patek Philippe hơn 85 năm trước.

Theo một người phụ trách Bảo tàng Trung Quốc tên là Wang Wen Feng, tình trạng trầy xước nghiêm trọng của mặt số đồng hồ được giải thích là do Phổ Nghi đã ra lệnh cho người hầu lâu năm của mình là Big Li xác định xem đồng hồ có được làm từ bạch kim hay không bằng cách cạo lớp sơn bạc trên mặt số; và Phổ Nghi chỉ cho phép Big Li dừng lại khi thấy rõ rằng bên dưới lớp sơn chỉ là kim loại thường.

Theo tờ Financial Times, trong số hai chiếc đồng hồ khác, một chiếc nằm trong Bảo tàng Patek Philippe và chiếc còn lại được bán vào năm 1996 cho một nhà sưu tập tư nhân.

Chiếc đồng hồ Patek Philippe của cựu hoàng Phổ Nghi đã được trưng bày tại nhà đấu giá Phillips để đánh dấu việc khai trương trụ sở mới của công ty tại châu Á, tọa lạc tại Khu văn hóa Tây Cửu Long của Hồng Kông vào tháng 3 vừa qua. Chiếc đồng hồ được trưng bày cùng với chiếc quạt giấy Nhật Bản có bút tích của Phổ Nghi, cuốn sổ cá nhân của ông và những đồ vật khác mà Phổ Nghi tặng cho Permyakov vào năm 1950.