Sợ bị giáo viên trù dập, cha mẹ cuống cuồng đăng ký học thêm cho con

Hà Cường/VTC News, Theo VTC News 16:09 17/03/2023

Bỏ qua các quy định về cấm dạy thêm, học thêm, nhiều phụ huynh vẫn xin cho con đến nhà giáo viên chủ nhiệm học ngoài giờ trên lớp.

"Con học thêm ở nhà cô là chính, học trên lớp là phụ", tư tưởng này được chị Phan Thị Thuỷ (42 tuổi, Lương Sơn, Hoà Bình) đúc rút ra sau nhiều năm đồng hành cùng hai con học lớp 5 và lớp 12.

Học thêm là học chính

Khi con trai út học lớp 3, chị Thủy từng nghĩ con chỉ cần học kiến thức chính khoá trên lớp là đủ. Thực tế, kết quả tổng kết cuối kỳ con chị ngày càng giảm sút, lớp 1 bé được học sinh giỏi, lớp 2 học sinh khá, lớp 3 suýt bị học lực trung bình.

"Ở buổi họp phụ huynh cuối năm, cô chủ nhiệm chia sẻ nếu gia đình không kèm cặp thêm thì con sẽ mất gốc, càng lên lớp càng học yếu hơn các bạn trong lớp. Tôi bắt đầu hoang mang và quyết định đến nhà cô xin cho con học thêm vào các buổi tối trong tuần", chị Thuỷ nói. Từ đó đến nay, con chị Thuỷ học thêm ở nhà cô chủ nhiệm 4 buổi/tuần.

Sợ bị giáo viên trù dập, cha mẹ cuống cuồng đăng ký học thêm cho con - Ảnh 1.

Phụ huynh có tâm lý yên tâm khi gửi con đến nhà cô chủ nhiệm học thêm. (Ảnh minh hoạ: T.N)

Hai vợ chồng chị Thuỷ kinh doanh vật liệu xây dựng, công việc bận, kiến thức bây giờ cũng khác trước nên vợ chồng chị ít quan tâm tới chuyện dạy con học. Chuyện học hành của hai con gần như chị Thuỷ đều "trăm sự nhờ cậy" giáo viên.

Mỗi buổi học là 150.000 đồng, mỗi tháng gia đình chi khoảng 2,5 triệu đồng để con học thêm. "Từ ngày con đi học thêm, điểm kiểm tra cũng tốt hơn. Không biết do cô ưu ái hay con thực sự đã tiến bộ nhưng cứ điểm số cao là tôi mừng", vị phụ huynh nói.

Chị thản nhiên bỏ ngoài tai khi nhắc đến quy định cấm giáo viên chủ nhiệm dạy thêm, học thêm chính học sinh của mình. "Đây là phụ huynh tự nguyện đăng ký cho con theo học, miễn sao con có kiến thức, đạt kết quả tốt là được. Cấm giáo viên dạy ở nhà nhưng lại cho họ dạy thêm ở trường cũng không khác gì nhau. Ở đâu dạy tốt thì chúng tôi cho con học", chị nói.

Học thêm để "không bị cô giáo soi"

Năm nay, con chị Hoàng Thị Suý (37 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) vào lớp 6. Ngay từ buổi họp phụ huynh đầu năm, một phụ huynh ghé vào tai thủ thỉ mời chị đăng ký cho con tham gia lớp học thêm môn Toán tại nhà cô giáo chủ nhiệm.

Chị nhớ như in lần đầu đưa con đến nhà cô, căn phòng rộng chừng 40m2 với 18 bàn chia làm 2 dãy. Mỗi bàn 4 học sinh ngồi. Lớp đông không khác gì buổi học chính khoá. Mỗi buổi học không rẻ, 150.000 - 200.000 đồng/ca 2 tiếng nhưng tôi không hiểu sao các phụ huynh vẫn đua nhau đăng ký cho con học.

"Sau này tôi mới biết việc cho con đi học thêm ở nhà cô giáo để 'tạo quan hệ' là chính. Học sinh nào tới nhà cô học đều được ưu ái hơn những bạn không học. Quan trọng hơn phụ huynh không lo bị cô soi hay trù dập", chị Suý nói.

Hiện con trai chị tham gia 3 lớp học thêm. Lớp Toán học vào thứ 2, 4, lớp Văn học thứ 3, 6 và lớp tiếng Anh học vào thứ 5, 7. Các cô dạy thêm này đều là giáo viên bộ môn của con, nhờ đó chị cũng phần nào yên tâm, không lo lắng về kết quả học tập của con. Vị phụ huynh này cũng không còn thói quen kiểm tra bài vở, điểm kiểm tra. Chị tin con học thêm ở nhà cô sẽ được ưu ái, quan tâm nhiều hơn về điểm số, chất lượng.

Sợ bị giáo viên trù dập, cha mẹ cuống cuồng đăng ký học thêm cho con - Ảnh 2.

Không chỉ học thêm hè mà các lớp học thêm diễn ra quanh năm, luôn đông học sinh. (Ảnh minh hoạ: N.H)

Anh Trần Văn Hoàng (35 tuổi, Việt Trì, Phú Thọ) cũng có tâm lý như các phụ huynh kể trên. Anh cho cô con gái lớp 3 đến nhà cô chủ nhiệm học thêm tất cả các buổi tối trong tuần. "Thay vì học ở nhà vào buổi tối, gia đình gửi con đến nhờ cô kèm cặp thêm, vừa yên tâm chất lượng, vừa được cô ưu ái", anh nói.

Thời gian đầu, anh không chú tâm chuyện học thêm của con, nghĩ học trên lớp là đủ. Dần dần khi thấy các phụ huynh trong lớp đổ xô gửi con đến nhà cô học, vợ chồng anh có phần sốt ruột, "nhỡ không đến nhà cô học thêm sẽ bị trù dập thì sao".

Chạy theo tâm lý đám đông, anh cho con đến nhà cô học thêm đều đặn mỗi ngày, giá 120.000 đồng/buổi.

Thầy Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống trường chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm cho rằng, những chuyện lạm thu, dạy thêm hầu hết xảy ra ở các trường công lập, ít xảy ra ở trường tư. Bản thân thầy phản đối việc lạm dụng chiêu trò o ép học sinh đi học thêm. Đây là hành vi lệch chuẩn, sai quy định của Bộ GD&ĐT, làm trái đạo đức người thầy.

Cơ chế của các trường tư thục như một đơn vị cung cấp dịch vụ, phụ huynh, học sinh không hài lòng với việc giảng dạy hoàn toàn có thể dừng dịch vụ. Nhưng trường công thì khác, "việc dạy thêm, học thêm không dựa trên tinh thần tự nguyện mà sử dụng chiêu trò sẽ làm mất đi hình ảnh của người giáo viên trong mắt học sinh", thầy Hòa nói.