Sinh viên BUV chiến thắng thử thách tạo lập Game trong 44 giờ liên tục

Quang Vũ, Theo Trí Thức Trẻ 19:30 22/06/2022

Thử thách thí sinh tạo lập một trò chơi Game hoàn toàn mới trong vòng 44 giờ liên tục, Game Jam - cuộc thi đầu tiên dành cho sinh viên chuyên ngành Thiết kế và Lập trình Game BUV đã đem lại những trải nghiệm thực tế và quý giá cho các tài năng trẻ khi bước chân vào một lĩnh vực mới mẻ và nhiều tiềm năng.

Vừa qua, BUV Game Jam 2022 đã chính thức được khởi động tại khuôn viên BUV Ecopark. Đây là cuộc thi dành riêng cho các bạn sinh viên ngành Thiết kế và Lập trình Game (CGDP) từ các khóa khác nhau có cơ hội được thử sức và tranh tài. Tại buổi khai mạc, 33 thành viên đến từ 7 đội chơi đã nhận được chủ đề để cùng nhau lên ý tưởng, thảo luận, bàn bạc trước khi bước vào 2 ngày thi đấu đầy căng thẳng. Đồng hành cùng thí sinh sẽ luôn có một chuyên gia trong phòng thi để đưa lời khuyên và tư vấn khi cần thiết. Kết thúc cuộc thi, các sản phẩm dự thi được đánh giá chuyên môn bởi tập đoàn Gameloft - "cha đẻ" của một loạt tựa game vang danh trên toàn cầu đồng thời nhận bình chọn về tính thực tiễn bởi chính khán giả tham gia.

Với mong muốn tạo ra một chủ đề mà sinh viên dễ dàng cảm thấy đồng cảm và gắn kết, ban giám khảo của Game Jam bao gồm ông Arthur Michoux (Studio Manager, tập đoàn Gameloft), ông Nguyễn Huy Dũng (Production Manager, tập đoàn Gameloft) và ông Fraser Harrison (Giảng viên ngành CGDP, BUV) đã lựa chọn chủ đề "Ngôi sao". Đây không chỉ là hình ảnh ẩn dụ của các sinh viên tài năng- thế hệ tiếp theo của những vì sao đang lên- mà còn mang trong nó ý nghĩa văn hóa, bởi ngôi sao là một phần quan trọng trong lá cờ Việt Nam. "Quan trọng hơn cả, chủ đề này cho phép sinh viên tự do biểu đạt và đổi mới theo nhiều cách sáng tạo khác nhau." - ông Jonathan Chan (Giảng viên ngành CGDP, BUV) nhấn mạnh.

Sinh viên BUV chiến thắng thử thách tạo lập Game trong 44 giờ liên tục - Ảnh 1.

Các thành viên Ban giám khảo chơi thử và chấm điểm thành phẩm của các đội thi

Giải thích kỹ hơn về cơ chế thi theo hình thức đội nhóm của Game Jam, ông Huy Dũng cho rằng, ở mức độ cơ bản, các bạn sinh viên cần hiểu rằng phát triển một trò chơi game là một hoạt động đội nhóm, bởi nếu tự mình làm mọi thứ sẽ hạn chế rất nhiều tiềm năng phát triển của bản thân. Ngược lại, nếu có thể thành lập nhóm với những người có thế mạnh khác nhau và sau đó đi sâu vào chuyên môn của mình sẽ tạo ra kết quả tốt hơn cho sự phát triển về lâu dài của từng cá nhân.

Mặc dù là lần đầu tiên được tổ chức, Game Jam đã thu hút sự quan tâm của đông đảo sinh viên, đồng thời để lại nhiều dấu ấn và kinh nghiệm đáng nhớ. Hoàng Long (thành viên đội đoạt Giải nhất, sinh viên năm 3, ngành CGDP BUV) chia sẻ: "Một thách thức mà các nhà phát triển trò chơi mới thường gặp phải là sự hoàn hảo. Đó là nỗ lực luôn luôn phấn đấu cho sự hoàn hảo và để có được điều đó, chúng ta thường không bao giờ hoàn thành được bất kỳ điều gì. Vì vậy, bằng cách đưa ra một thời hạn rất nghiêm ngặt buộc các sinh viên phải hoàn thành, chúng tôi có được sản phẩm cuối cùng. Đây còn là một cơ hội tuyệt vời để có thể nhận được phê bình trung thực không chỉ từ các chuyên gia trong ngành mà còn từ 90 học sinh trung học- đối tượng mục tiêu của những trò chơi này."

Sinh viên BUV chiến thắng thử thách tạo lập Game trong 44 giờ liên tục - Ảnh 2.

Sau khi hoàn thiện thành phẩm, các đội thi nhận được phản hồi thực từ đông đảo học sinh - đối tượng mục tiêu của những trò chơi này

Một trong những thành công của Game Jam là việc đem lại cho sinh viên cơ hội giao lưu lẫn nhau và rèn luyện các kỹ năng mềm. Sinh viên khóa dưới trau dồi kinh nghiệm từ việc học hỏi các sinh viên khóa trên, ngược lại, các sinh viên năm cuối có thể mài giũa khả năng lãnh đạo. Hồng Quân (sinh viên năm 3, ngành CGDP) đồng tình: "Khả năng quản lý dự án và kỹ năng lãnh đạo là hai lợi ích lớn nhất tôi có được từ cuộc thi. Bên cạnh đó, tôi cũng có cơ hội kết nối và tạo dựng mối quan hệ với các chuyên gia trong ngành."

Sinh viên BUV chiến thắng thử thách tạo lập Game trong 44 giờ liên tục - Ảnh 3.

Game Jam đem lại cho sinh viên cơ hội giao lưu, rèn luyện các kỹ năng mềm, bên cạnh các kỹ năng chuyên môn

Theo ông Jonathan, tạo ra một trò chơi game vừa có thể chơi được mà còn thú vị, với nhịp độ nhanh và áp lực thời gian chỉ trong 2 ngày có thể nói là một thử thách khốc liệt, đòi hỏi thí sinh phải vận dụng tất cả kiến thức đã được học cũng như kỹ năng của mình để tạo ra thành phẩm. Thông qua thử thách, Game Jam kỳ vọng giúp sinh viên phát triển khả năng sáng tạo, kỹ thuật và đặc biệt là tinh thần đồng đội khi được đặt trong một tập thể cùng chung mục tiêu, nơi các thành viên có thể giúp đỡ lẫn nhau.

Việt Nam đang trở thành thị trường hấp dẫn của ngành công nghiệp Game. Cùng với việc nới lỏng chính sách, ngày càng nhiều các công ty Game nước ngoài mở rộng quy mô đầu tư vào thị trường Việt Nam, đồng nghĩa với nhu cầu tuyển dụng nhân sự chất lượng cao tăng mạnh. Vì thế, với những người làm việc trong ngành công nghiệp này, trang bị đủ 2 kỹ năng Thiết kế và lập trình Game sẽ là một khởi đầu tốt cho sự nghiệp, bởi đây là bộ kĩ năng "được săn đón" nhiều nhất từ các nhà tuyển dụng.

Với cương vị một người đi trước lâu năm trong nghề, một nhà tuyển dụng, ông Huy Dũng gửi gắm lời khuyên cho các tài năng trẻ: "Hãy luôn ý thức về việc phát triển bản thân liên tục. Đừng chỉ hài lòng với những gì mình đã làm được, cần cố gắng giải quyết những vấn đề lớn hơn và những ý tưởng phức tạp hơn, thúc đẩy giới hạn của bản thân. Đó là những gì chúng tôi cần để cạnh tranh ở cấp độ toàn cầu."

https://kenh14.vn/sinh-vien-buv-chien-thang-thu-thach-tao-lap-game-trong-44-gio-lien-tuc-20220622172501246.chn