Sau mùa 4 đầy drama, sức hút của series "Produce" có dần giảm nhiệt giữa hàng loạt show sống còn tại Hàn Quốc?

Hoàng Chi, Theo Trí Thức Trẻ 11:53 30/07/2019

Sự gia tăng về số lượng các show sống còn tại Hàn Quốc dần một tăng lên có ảnh hưởng đến độ thành công của series "Produce" nhà Mnet?

Trước sự thành công ngoài tưởng tượng của các nhóm nhạc dự án bước ra từ 3 mùa đầu của series "Produce", mùa 4 mang tên "Produce X 101" nhận được không ít sự hoài nghi của khán giả về kết quả chung cuộc cùng chất lượng thí sinh.

Nhìn chung, mùa giải năm nay không thu hút được sự chú ý từ khán giả theo cách mà các phiên bản trước đã từng, thậm chí người xem không ngừng lo ngại về nhóm nhạc dự án chiến thắng X1 sau khi kết quả chung cuộc được công bố.

Sau mùa 4 đầy drama, sức hút của series Produce có dần giảm nhiệt giữa hàng loạt show sống còn tại Hàn Quốc? - Ảnh 1.

Kết quả chung cuộc của "Produce X 101" đang vấp phải nhiều cáo buộc thao túng phiếu bầu

"Produce X 101" bắt đầu lên sóng vào ngày 3/5/2019 với sự góp mặt của 101 thực tập sinh tiềm năng, được kì vọng sẽ tìm ra boygroup kế thừa thành công của Wanna One. Thể lệ của cuộc thi vẫn được giữ nguyên: Luyện tập, biểu diễn ca hát và vũ đạo để lọt vào top 11 chung cuộc sau đó sẽ ra mắt với sự hậu thuẫn từ "gã khổng lồ" giới giải trí Hàn – CJ E&M. Mặc dù, ban sản xuất không ngừng đổi mới qua từng mùa giải bằng cách đưa các sự kiện, thử thách hấp dẫn vào chương trình nhưng về cơ bản, những format của chương trình vẫn được giữ nguyên.

Sau mùa 4 đầy drama, sức hút của series Produce có dần giảm nhiệt giữa hàng loạt show sống còn tại Hàn Quốc? - Ảnh 2.

Format của "Produce" không có nhiều thay đổi dù 4 mùa giải đã lên sóng

Không kể đêm chung kết, tỉ lệ người xem trung bình của các tập phát sóng "Produce X 101" đạt 2,2%. Tập phát sóng qua biên tập ngày 28/6 đạt rating cao nhất với 2,5%. Con số này hoàn toàn lép vế trước tỉ lệ người xem của các mùa giải trước lần lượt là 4,4% (mùa 1), 5,2% (mùa 2) và 3,1% (mùa 3). Chỉ khi đêm chung kết được trực tiếp, "Produce X 101" mới thực sự bứt phá khi đạt rating 3,8%.

Sau mùa 4 đầy drama, sức hút của series Produce có dần giảm nhiệt giữa hàng loạt show sống còn tại Hàn Quốc? - Ảnh 3.

Biểu đồ so sánh tỉ suất người xem giữa các mùa "Produce". Không tính đêm chung kết, "Produce X 101" hoàn toàn lép vế trước 3 người tiền nhiệm với con số khiếm tốn 2,2%

Trước sự thay đổi về số lượng người xem của "Produce X 101", một số chuyên gia giải trí đã đưa ra nhận định và giải thích cho hiện tượng này. Theo nhà phê bình văn hóa Kim Heon Sik, việc các nhà sản xuất thử nghiệm những phương pháp mới, ví dụ như đưa ra cấp độ mới hay điều chỉnh một số nội dung tuy nhiên vẫn giữ nguyên format đã trở nên quá quen thuộc với khán giả. Người xem sẽ không còn cảm thấy thích thú vì họ dường như đã biết trước những gì sẽ diễn ra.

Nhà phê bình họ Kim cũng lấy ví dụ show thử giọng "Superstar K" của Mnet từng chịu cảnh rating tụt dốc khi bước sang mùa thứ 3. Đây cũng chính là cái nôi của những giọng ca vàng trong làng nhạc xứ kim chi như Seo In Guk, Heo Gak, Jang Jae In, Kang Seung Yoon (WINNER) và John Park. Hai mùa giải 3 và 4 cũng tìm ra những gương mặt tiềm năng như Roy Kim, Jung Joon Young cùng hai ban nhạc Ulala Session và Busker Busker. Tuy nhiên, sức nóng của "Superstar K" lúc này đã dần mất nhiệt, buộc chương trình phải đi đến quyết định chia tay khán giả trong năm 2016.

Sau mùa 4 đầy drama, sức hút của series Produce có dần giảm nhiệt giữa hàng loạt show sống còn tại Hàn Quốc? - Ảnh 4.

Từng gây tiếng vang tại Hàn Quốc với nhiều gương mặt tài năng, "Superstar K" biến mất khỏi địa hạt truyền hình vào năm 2016 vì "hết hot"

Khác với "Superstar K", show truyền hình mới mang tên "SuperBand" của đài jTBC tuy cũng có hình thức là một show tuyển chọn thần tượng nhưng nội dung của chương trình lại tập trung nhiều đến cách thức tạo ra một ban nhạc thực thụ (thay vì một nhóm nhạc thần tượng như các chương trình khác). Theo nhận định của ông Kim Heon Sik, "chương trình này vô cùng mới mẻ và mang lại hiệu quả cao".

Sau mùa 4 đầy drama, sức hút của series Produce có dần giảm nhiệt giữa hàng loạt show sống còn tại Hàn Quốc? - Ảnh 5.

Chương trình "SuperBand" của đài jTBC được giới chuyên môn đánh giá cao về độ sáng tạo

Nhà phê bình văn hóa Ha Jae Geun cũng đồng tình với nhận định trên và không quên chỉ ra rằng, người hâm mộ Kpop đang dần mệt mỏi trước thực trạng số lượng các show sống còn ngày một tăng lên trong khi nội dung lại na ná nhau. "Đây là một thị trường đông đúc, và sẽ rất khó khăn để tìm ra điều mới mẻ", giáo sư Ha chia sẻ.

Sau thành công của 'Produce 101" vào năm 2016, hàng loạt show thực tế tuyển chọn thần tượng cũng ra đời như "Idol School" (Mnet, 2016), "The Unit" (KBS, 2017), "MIXNINE" (jTBC, 2017), "Under 19" (MBC, 2018). Ngoại trừ các nhóm nhạc dự án bước ra từ series "Produce", chưa có idolgroup nào bứt phá về mặt âm nhạc lẫn danh tiếng sau khi các chương trình trên kết thúc.

Hàng loạt show sống còn ra đời với format hao hao "Produce" tuy nhiên, hiệu ứng mang lại không thể theo kịp show sống còn nhà Mnet

Nhìn chung, khó có thể phủ nhận rằng series "Produce" của Mnet đang chiếm thế thượng phong trong cuộc chiến show sống còn tại Hàn Quốc. Điều này đã được chứng minh qua sự thành công của các nhóm nhạc dự án cũng như độ nổi tiếng của các thí sinh tham gia chương trình.

Tuy nhiên, loạt phốt không đáng có về việc thao túng phiếu bầu chung cuộc đang rùm beng tại Hàn trở thành một trong số những nguyên nhân khiến cư dân mạng quay lưng lại với chương trình và nhà đài. Chính vì vậy, nếu không có sự sáng tạo trong format, rất có thể vị trí độc tôn của show sống còn nhà Mnet sẽ bị thay thế bởi những cái tên khác trong tương lai.

Sau mùa 4 đầy drama, sức hút của series Produce có dần giảm nhiệt giữa hàng loạt show sống còn tại Hàn Quốc? - Ảnh 7.

Sau mùa 4 đầy thị phi, Mnet sẽ có chiến lược nào để duy trì sức hút của series "Produce"?

Nguồn tham khảo: Allkpop