Sau mỗi thảm họa, người già, sinh viên, kỹ sư Nhật..., đều khoác lên mình tấm áo tình nguyện viên

Team Thế Giới, Theo Trí Thức Trẻ 12:52 05/07/2016

Sau mỗi lần hứng chịu thảm họa thiên nhiên, nước Nhật lại khiến hàng triệu người dân trên thế giới cảm phục vì sự hồi sinh kỳ diệu, mà trong đó, phải kể đến sự đóng góp lớn lao của hàng chục nghìn tình nguyện viên kiên cường.

Trên khắp thế giới, khi xảy ra những khó khăn hay thảm họa thiên nhiên là lúc sức mạnh tập thể trở nên lớn hơn bao giờ hết. Với một quốc gia như Nhật Bản, nơi mỗi giấc ngủ luôn chập chờn trong nỗi lo động đất, sóng thần, con người lại càng gắn bó và đoàn kết với nhau hơn. Và người Nhật đã cùng nhau viết nên câu chuyện đẹp mang tên tình nguyện viên.

Sau mỗi thảm họa, người già, sinh viên, kỹ sư Nhật..., đều khoác lên mình tấm áo tình nguyện viên - Ảnh 1.

Tình nguyện viên của tổ chức Chữ Thập Đỏ đứng trên những ngôi nhà hoang tàn sau động đất.

Trong hoạn nạn, người già, sinh viên, kỹ sư đều sẵn sàng khoác tấm áo tình nguyện

Để khắc phục hậu quả sau mỗi trận thiên tai, không chỉ chính phủ Nhật Bản mà từ bản thân mỗi người dân nước này cũng đều tự có ý thức làm lại trong đống đổ nát hoang tàn. Giống như hầu hết các nước trên thế giới, ở Nhật Bản cũng có các tình nguyện viên, hỗ trợ chính quyền địa phương và người dân trong việc tái thiết khu vực.

Sau mỗi thảm họa, người già, sinh viên, kỹ sư Nhật..., đều khoác lên mình tấm áo tình nguyện viên - Ảnh 2.

Các tình nguyện viên chăm sóc cho những người bị ảnh hưởng sau động đất.

Gần đây nhất là hai trận động đất liên hoàn mạnh 6,2 và 7,0 độ richter tại Kumamoto, Kyushu. Hai trận động đất đã giết chết ít nhất 49 người và làm bị thương 3.000 người khác. Ở Kumamoto và tỉnh Oita, khung cảnh trở nên tan hoang với các ngôi nhà đổ nát.

Tuy nhiên, trong những giây phút khó khăn đó vẫn ngời sáng lên tinh thần Nhật. Dù trong thời kỳ "Tuần lễ vàng"  là thời gian cao điểm du lịch tại Nhật Bản, hầu hết các chuyến du lịch đều bị hủy. Thay vào đó, người dân thành phố cùng nhau hướng về những vùng bị động đất và sóng thần tàn phá. Đã có hơn 390.000 tình nguyện viên tại các vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất; mỗi người mỗi việc và làm hết sức mình có thể.

Từ khắp miền Nhật Bản, người ta đổ về thị trấn Ishinomaki, vùng Miyagi, nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi động đất với hơn 6,000 người thiệt mạng. Các tình nguyện viên được xe bus chở tới khuôn viên trường đại học Senshu, nơi họ dựng trại và làm khu vực cứu hộ người dân. 

Sau đó, tình nguyện viên được chia thành các nhóm với các nhiệm vụ khác nhau: tìm kiếm người mất tích, chăm sóc người bị thương, phát thức ăn và nước uống và thậm chí chỉ đơn giản là nói chuyện với các nạn nhân để nâng đỡ tinh thần họ.

Sau mỗi thảm họa, người già, sinh viên, kỹ sư Nhật..., đều khoác lên mình tấm áo tình nguyện viên - Ảnh 3.

Những tình nguyện viên và lực lượng cứu hộ tìm kiếm những người mất tích sau động đất.

Không chỉ có những người trẻ như sinh viên, những người già tại Nhật Bản cũng sẵn lòng tham gia tình nguyện, miễn là họ cảm thấy có đủ năng lực và thực sự có ích cho cộng đồng. Khi thảm họa hạt nhân tại Fukushima xảy ra, hơn 200 người già đã tham gia xử lý những rò rỉ xảy ra tại nhà máy hạt nhân. Họ đều là những kỹ sư đã về hưu nhưng vẫn muốn đóng góp sức mình cho cộng đồng và bảo vệ thế hệ trẻ, tương lai của đất nước.

Trong bất cứ tình huống nào khi đất nước cần, những tình nguyện viên lại luôn sẵn sàng lên đường. Các tổ chức tình nguyện luôn bị choáng ngợp bởi những lời yêu cầu được giúp đỡ khu vực gặp nạn. Những nhà tổ chức phải trả lại rất nhiều đơn xin tình nguyện. Hideo Otsuki, người chỉ đạo các hoạt động tình nguyện tại thành phố Ishinomaki nói: "Đã có lần, chúng tôi đã phải đưa ra giới hạn  1000 tình nguyện viên một ngày."

Sau mỗi thảm họa, người già, sinh viên, kỹ sư Nhật..., đều khoác lên mình tấm áo tình nguyện viên - Ảnh 4.

Nạn nhân thảm họa tại Nhật Bản xếp hàng chờ được phát thức ăn và nhu yếu phẩm.

Tại trung tâm tình nguyện khắc phục hậu quả thiên tai Iwate ở Morioka, đã có kỷ lục hơn 10 nghìn người đăng ký làm tình nguyện viên trong vòng 5 ngày sau khi đưa ra thông báo. Vào thời điểm đó, tổ chức tình nguyện này vẫn còn tương đối mới mẻ với nhiều người. 

Nhưng không phải cứ muốn là được tình nguyện

Vẫn biết tinh thần tình nguyện, giúp đỡ người khác là đáng quý, đáng trân trọng thế nhưng, không phải cứ tình nguyện ồ ạt, tình nguyện theo phong trào là tốt. Tại Nhật Bản, để có thể tham gia vào các hoạt động tình nguyện cứu giúp người gặp nạn, khó khăn, người dân phải đáp ứng được các yêu cầu khắt khe từ các tổ chức tình nguyện cũng như cơ quan chức năng.

Trước tiên, những người muốn làm tình nguyện viên phải nộp bản đăng ký, trong đó bao gồm đầy đủ giấy tờ về thông tin cá nhân cũng như các giấy tờ chứng tỏ được năng lực thực tế của bản thân.

Sau mỗi thảm họa, người già, sinh viên, kỹ sư Nhật..., đều khoác lên mình tấm áo tình nguyện viên - Ảnh 5.

3 năm sau thảm họa kép, các tình nguyện viên vẫn ngày đêm tham gia kiến thiết, giúp đỡ người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng.

Một khi các tình nguyện viên đã quyết định tham gia vào hoạt động tình nguyện, họ phải chắc chắn rằng đã nắm trong tay các thông tin về nơi mình sắp đến, chuẩn bị thật kỹ lưỡng và có các kế hoạch hợp lý trước khi khởi hành.

Ngoài ra, chính phủ Nhật Bản cũng khuyến khích những tình nguyện viên nên mua bảo hiểm thân thể trước khi tham gia vào các hoạt động chính thức. Một khi đã xác định tham gia tình nguyện trong những hoàn cảnh khắc nghiệt, người ta cũng cần phải xác định, chuẩn bị tinh thần cho những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Và trong trường hợp đó, một tấm bảo hiểm thân thể sẽ là điều cần thiết cho mỗi tình nguyện viên.

Sau khi đã trải qua vòng tuyển chọn, các tình nguyện viên tiếp tục phải tuân theo những quy định ngặt nghèo của các tổ chức mà họ tham gia. Khi đến các khu vực tình nguyện, nhiệm vụ đầu tiên của các tình nguyện viên mới gia nhập là tự chuẩn bị cho mình các điều kiện sinh hoạt tối thiểu như dựng lều trại. Đây được xem là sự chuẩn bị sẵn sàng trước khi quãng thời gian tình nguyện khó khăn, cam go chính thức bắt đầu.

Ngoài ra, mỗi tối, các tình nguyện viên đều phải tham dự một cuộc họp để báo cáo và xem xét lại những điều mình đã làm được trong 1 ngày cũng như những khó khăn, vướng mắc mà họ gặp phải.

Sau mỗi thảm họa, người già, sinh viên, kỹ sư Nhật..., đều khoác lên mình tấm áo tình nguyện viên - Ảnh 6.

Sự hồi sinh thần kỳ của Nhật Bản sau mỗi thảm họa thiên nhiên, trong đó, không thể thiếu sự góp sức của các tình nguyện viên.

Các tổ chức tình nguyện luôn đồng hành cùng các tình nguyện viên

Luôn bên cạnh để giám sát và giúp đỡ các tình nguyện viên trong quá trình họ làm nhiệm vụ đã trở thành điều hiển nhiên ở xứ sở hoa anh đào. Ở những khu vực gặp nạn, các tổ chức luôn cố gắng cung cấp điều kiện sinh hoạt hợp lý cho các thành viên trong đoàn. Không chỉ là lều trại, mà ở những nơi tưởng chừng thiếu thốn đủ đường, các tổ chức này vẫn xây dựng đầy đủ hệ thống vệ sinh hay những khu vực tái chế rác thải. Tất cả nhằm đảm bảo sức khỏe, sự an toàn cho mỗi người khi tham gia cứu giúp người gặp nạn.

Đặc biệt, các tổ chức luôn thường xuyên cung cấp đầy đủ thông tin về những nơi mà các tình nguyện viên sẽ đến hỗ trợ để các thành viên có được sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhất. Mới đây nhất, sau trận động đất ở Kumamoto, trang web chính thức của thành phố đã nhanh chóng cập nhật những địa điểm cụ thể đang trong quá trình khôi phục và cần được giúp đỡ để các tình nguyện viên có thể lựa chọn, đăng ký tình nguyện đúng lúc, đúng chỗ và phù hợp với khả năng của mình, tránh trường hợp đến nơi không giúp được gì lại trở thành gánh nặng cho người khác.

Có thể thấy, với tinh thần tình nguyện sắt thép của hàng triệu người dân mà Nhật Bản luôn đứng dậy thần kỳ sau mỗi thiên tai, thảm họa. Để từ đó, người ta thêm yêu mến, nể phục con người Nhật Bản với tinh thần quật cường và một lòng tình nguyện, tương thân tương ái lớn lao.