Sau lootbox, NFT có khả năng trở thành công cụ "hút máu" mới của NPH dành cho các game thủ truyền thống

Mặt Trứng, Theo Trí Thức Trẻ 10:43 03/01/2022

Theo ý kiến của nhiều người, NFT hiện tại chưa mang thêm tính giải trí cho game mà chỉ giúp các NPH gia tăng doanh thu của mình.

Thời gian gần đây, việc một số các nhà phát triển game, cả quy mô lớn lẫn nhỏ bắt đầu thử nghiệm tích hợp các sản phẩm NFT đang dần trở nên quen thuộc và có vẻ là tín hiệu cho thấy ngành công nghiệp game đang thực sự sẵn sàng đón nhận làn sóng mới mang tên blockchain, NFT trong tương lai. Thế nhưng, câu chuyện của tương lai thì chưa bàn tới, còn ở thời điểm hiện tại, cái nhìn của các game thủ truyền thống vẫn là khá tiêu cực khi mà không ít người thậm chí còn cho rằng việc kết hợp các tính năng NFT vào game dường như chẳng cải thiện được bất kỳ điều gì, chỉ trừ việc nó có thể trở thành một "công cụ hút máu" mới của các nhà phát hành.

Sau lootbox, NFT có khả năng trở thành công cụ hút máu mới của NPH dành cho các game thủ truyền thống - Ảnh 1.

Tích hợp NFT vào game truyền thống - trào lưu đang bị CĐM phản đối mạnh mẽ

Về cơ bản, NFT là một công nghệ khá mới và mang theo nhiều tín hiệu tích cực cho ngành game thế giới khi có thể giúp hạn chế đi vấn nạn hack cheat, đồng thời mang tới những trải nghiệm "độc quyền", duy nhất dành cho các game thủ. Thế nhưng rõ ràng, qua cả hai dự án lớn vừa bị chỉ trích thời gian gần đây của Ubisoft và GSC Game World, những tính năng kể trên đều không được triển khai một cách rõ ràng. Thứ dễ thấy nhất chỉ là việc cả hai studio dường như chỉ muốn thông qua NFT để móc ví game thủ. Đó cũng là lý do mà họ nhận phải vô số những chỉ trích, ném đá mạnh mẽ.

Sau lootbox, NFT có khả năng trở thành công cụ hút máu mới của NPH dành cho các game thủ truyền thống - Ảnh 2.

Dự án S.T.A.L.K.E.R 2 của GSC Game World phải hủy bỏ việc tích hợp NFT sau khi công bố chỉ một ngày

Điều này tính ra cũng hợp lý, khi mà nên nhớ rằng trong quá khứ, vào năm 2017, EA từng vấp phải cơn mưa gạch đá sau khi yêu cầu người chơi phải mua nhân vật bằng tiền thật nếu như muốn tiết kiệm thời gian, công sức "cày cuốc". Cũng dễ hiểu, khi công thức Pay to Win là điều gì đó rất tiêu cực với game thủ lúc ấy. Và vụ bê bối này ồn ào tới mức ngay cả chính phủ của nhiều nước cũng phải vào cuộc để tăng cường quản lý các vật phẩm trong game.

Sau lootbox, NFT có khả năng trở thành công cụ hút máu mới của NPH dành cho các game thủ truyền thống - Ảnh 3.

EA phải tắt tính năng "hút máu" sau scandal năm 2017

Và ở thời điểm hiện tại, một trong những công thức cải thiện thu nhập thịnh hành nhất của nhiều studio chính là thông qua hình thức Lootbox. Call of Duty, CS:GO, PUBG và nhiều cái tên nổi tiếng khác đều đã rất thành công với cách "hút máu" này. Gần hơn nữa thì là phương thức gacha từ các tựa game như Genshin Impact. Để rồi khi làn sóng NFT đổ bộ, khá nhiều người cho rằng NFT sẽ trở thành công cụ móc ví mới từ phía các nhà phát hành game. Và điều này càng trở nên có cơ sở hơn nữa thông qua cách triển khai gần đây của Ubisoft hay GSC Game World.

Sau lootbox, NFT có khả năng trở thành công cụ hút máu mới của NPH dành cho các game thủ truyền thống - Ảnh 4.

Dự án NFT của Ubisoft được cho là công cụ hút máu hơn là tăng trải nghiệm thú vị trong game

Thế nên, cũng dễ hiểu khi so với sự đón nhận nồng nhiệt của giới game thủ dành cho những tựa game NFT - thứ được mặc định sẵn là Play To Earn, việc ứng dụng, kết hợp tính năng NFT vào các tựa game giải trí truyền thống lại đang bị ghẻ lạnh, tẩy chay mạnh mẽ như thời điểm hiện tại. Chưa biết trong tương lai liệu các NPH game có thể tích hợp một cách hài hòa không, nhưng hiện tại, NFT chẳng khác gì một công cụ "móc ví" mới dành cho game thủ, nhất là với các tựa game truyền thống.

Những thông tin về tiền mã hóa (cryptocurrency), hay thường được gọi là "tiền ảo" chưa được pháp luật công nhận tại Việt Nam. Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không có giá trị khuyến nghị đầu tư.

GameFi (viết tắt của Game + Finance) là thuật ngữ chỉ các trò chơi trên blockchain kết hợp yếu tố tài chính. Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không có giá trị khuyến nghị đầu tư.

Ảnh: Internet