Sầm Sơn đã làm gì để dẹp yên nạn "chặt chém", thu hút du khách trở lại?

Thu Hường, Theo Trí Thức Trẻ 07:01 16/07/2016

Từ một điểm du lịch nổi tiếng "chặt chém", nhờ sự can thiệp tích cực của chính quyền địa phương, ngành công nghiệp không khói ở đây đang dần có những bước chuyển mình rõ rệt mà theo ông Nhu, Phó chủ tịch UBND TX thì nguyên nhân quan trọng nhất, chính là sự thay đổi trong nhận thức của người dân.

Lâu nay, du lịch vốn được xem là ngành công nghiệp "không khói", có khả năng đem lại lợi nhuận cao và thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh chóng. Những địa phương được thiên nhiên ưu ái ban tặng cảnh quan đẹp đẽ, chính là đang sở hữu chiếc chìa khóa vàng để phát triển du lịch, nâng cao điều kiện sống cả về vật chất lẫn yếu tố văn hóa.

Thế nhưng, khai thác tiềm năng du lịch như thế nào lại là một bài toán không hề dễ dàng và Sầm Sơn chính là một ví dụ tiêu biểu. Được khai phá gần 100 năm nay nhưng du lịch Sầm Sơn chỉ thực sự phát triển mạnh mẽ từ sau khi đất nước thống nhất trọn vẹn. Thế nhưng trong suốt khoảng thời gian ấy, có tới nhiều năm, nơi đây bị gắn mác "chặt chém". Ngoài ra, những biểu hiện tiêu cực như nạn chèo kéo, ăn xin, ăn mày, buôn bán tràn lan thiếu quy hoạch cũng khiến du lịch nơi đây như dần bị "mòn" đi.

Sầm Sơn đã làm gì để dẹp yên nạn chặt chém, thu hút du khách trở lại? - Ảnh 1.

Bãi biển Sầm Sơn - Thanh Hóa. Ảnh: Thành Nguyễn.

Thế nhưng, chỉ sau 3 năm "ra quân" mạnh mẽ, chính quyền TX Sầm Sơn đã làm thay đổi tới chóng mặt bộ mặt du lịch nơi đây. Từ một địa điểm du lịch tầm trung, mang nhiều yếu tố tự phát, Sầm Sơn đang dần hướng đến mục tiêu trở thành điểm đến đẳng cấp, vươn tầm ra thế giới.

Thay đổi tư tưởng "ăn xổi", chuyên nghiệp hóa đội ngũ lao động làm du lịch

Để xây dựng ngành du lịch phát triển như hiện nay, chính quyền và nhân dân TX Sầm Sơn đã có rất nhiều nỗ lực. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Khắc Nhu (Phó chủ tịch UBND TX) thì yếu tố quyết định, chính là nhận thức của người dân, nhất là những người trực tiếp tham gia phục vụ du khách.

Clip Sầm Sơn đã làm gì để "dẹp yên" nạn chặt chém?. Thực hiện: Thành Nguyễn

Theo ông Nhu, việc giáo dục, tuyên truyền không phải là chuyện ngày 1, ngày 2. Đây là cuộc chiến trường kỳ mà lãnh đạo thị xã đã kiên trì thực hiện suốt 8-9 năm qua.

"2 năm nay, chính quyền thị xã còn thường xuyên mời những người có tiếng về công tác truyền thông về giảng dạy cho cán bộ quản lý và chủ các đơn vị kinh doanh trên địa bàn để nâng cao trình độ chuyên môn".

Ông Nhu cũng cho rằng, điều cốt yếu trong công tác giáo dục là phải làm thay đổi tư duy "ăn xổi" của người dân, làm cho họ hiểu rằng chuyện "ép giá" một quả dừa, 2 bát cơm... không đem lại hiệu quả lâu dài. Ngược lại, nếu ứng xử thân thiện, người dân có thể kiếm tiền từ du khách rất nhiều lần.

Sầm Sơn đã làm gì để dẹp yên nạn chặt chém, thu hút du khách trở lại? - Ảnh 3.

Ông Hoàng Khắc Nhu - Phó chủ tịch UBND Thị xã Sầm Sơn.

Nói về thái độ của người dân địa phương đối với du khách, ông Nhu còn tự tin khẳng định rằng, 100% người dân Sầm Sơn đều mến khách. "Bởi vì họ đã hiểu được chính khách là người mang thu nhập, việc làm và niềm vui đến cho mình", vị lãnh đạo này nói thêm.

Ông Nhu cho biết, hiện nay tại Sầm Sơn đang có 10.000 người trực tiếp lao động trong lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, nếu ngược lại vài năm trước, con số này thậm chí còn cao hơn rất nhiều. "Trước đây, có tới 80% dân cư sống ở Sầm Sơn sống dựa vào du lịch biển", ông Nhu nói. Hầu hết, người dân thường kinh doanh hàng rong, quán vỉa hè, phát triển du lịch theo hình thức tự phát.

"Vì thế, khi quy hoạch lại du lịch, định hướng phát triển chuyên nghiệp hơn, chúng tôi cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức, trong đó, khó khăn lớn nhất là vấn đề chuyển đổi việc làm cho người dân. Khi đi vào chuyên môn hóa, số lượng lao động làm du lịch giảm xuống, điều ấy đồng nghĩa với rất nhiều người đang bị mất đi việc làm".

Theo ông Nhu, hiện nay, chính quyền TX vẫn đang phải chấp nhận một số hạn chế để nhân dân có việc làm đồng thời từng bước thay đổi, tạo công ăn việc làm cho người dân.

Quản lý chặt chẽ, xử lý thẳng tay

Bên cạnh biện pháp tuyên truyền giáo dục, chính quyền TX Sầm Sơn cũng liên tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân vi phạm các quy định về kinh doanh, thái độ phục vụ đối với khách du lịch.

Theo ông Nhu, giải pháp hiệu quả mà TX Sầm sơn đã kiên trì thực hiện trong nhiều năm qua là công tác kiểm tra, xử phạt thông qua hệ thống đường dây nóng. "Đường dây nóng này luôn có anh em túc trực. Khi có thông tin phản ánh, chúng tôi xác minh và sau 10 phút là phải có thông tin báo cáo lại cấp trên. Trong trường hợp có sai phạm, chúng tôi sẽ xử lý theo quy định pháp luật, nếu như hành vi sai phạm gây ảnh hưởng lớn, có thể sẽ phải đem truy tố trách nhiệm hình sự", ông Nhu cho biết.

Sầm Sơn đã làm gì để dẹp yên nạn chặt chém, thu hút du khách trở lại? - Ảnh 4.

Bộ văn bản quy định về các hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch mới được chính quyền TX Sầm Sơn thông qua hồi đầu năm 2016.

Sầm Sơn đã làm gì để dẹp yên nạn chặt chém, thu hút du khách trở lại? - Ảnh 5.

Trong đó quy định chi tiết cách thức tổ chức, quản lý đối với từng loại dịch vụ như chụp ảnh, trông giữ xe, kinh doanh nhà hàng, khách sạn.

Dẫn chứng về việc xử phạt các đơn vị, cá nhân kinh doanh tự ý nâng giá, gian lận thương mại, ông Nhu cũng điểm qua một vài vụ việc tiêu biểu. Chẳng hạn như mới đây, một điểm trông giữ xe tại địa phương tự ý nâng giá từ 15.000 đồng thu lên 20.000 đồng, tăng 25% so với mức giá đã thông báo với khách hàng. Kết quả, đơn vị này bị xử phạt 10 triệu đồng.

Ngoài việc xử lý qua đường dây nóng, quy hoạch lại lao động và kiến trúc hạ tầng, những năm vừa qua, TX Sầm Sơn cũng đẩy mạnh việc yêu cầu bắt buộc các đơn vị kinh doanh phải niêm yết giá công khai. Theo ông Nhu, biện pháp này cũng đem lại rất nhiều hiệu quả, giúp du khách cảm thấy an tâm hơn khi sử dụng dịch vụ ở đây.

Sầm Sơn đã làm gì để dẹp yên nạn chặt chém, thu hút du khách trở lại? - Ảnh 6.

Hợp đồng thỏa thuận bắt buộc giữa khách sạn và nhà hàng khi có giao dịch qua lại với nhau được quy định và có mẫu rõ ràng do TX thống nhất, cung cấp cho từng đơn vị.

Dù phát huy được rất nhiều điểm mạnh nhưng theo ông Nhu, du lịch Sầm Sơn vẫn còn nhiều hạn chế. "Thứ nhất là du lịch ở đây vẫn còn mang tính mùa vụ, thứ hai là tính chuyên nghiệp và nguồn nhân lực còn hạn chế, thứ 3 là chất lượng dịch vụ cao cấp được cải thiện nhưng chưa nhiều".

Theo ông Nhu, du lịch Sầm Sơn muốn phát triển phải cần đến sự chung tay của các cấp, các ngành và phải có sự phối hợp đồng bộ của nhân dân liên tục. "Ví dụ nạn chặt chém 3 năm nay đã giảm bớt nhưng nếu không duy trì quản lý bằng nhiều biện pháp thì không thể khẳng định là nó sẽ không xuất hiện trở lại".

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày