Những hiểu lầm ở trận Việt Nam - Nhật Bản: Ritsu Doan không phải Ritsu Đoàn cũng chẳng phải Ritsu Doãn, VAR không phải công nghệ

HOÀNG ANH, Theo Trí Thức Trẻ 16:00 25/01/2019

Ritsu Doãn, công nghệ VAR là những hiểu nhầm phổ biến ở trận Việt Nam - Nhật Bản tối 24/1.

Ritsu Doan là Đường An Luật, không phải Ritsu Đoàn hay Ritsu Doãn

Những hiểu lầm ở trận Việt Nam - Nhật Bản: Ritsu Doan không phải Ritsu Đoàn cũng chẳng phải Ritsu Doãn, VAR không phải công nghệ - Ảnh 1.

Ritsu Doan ghi bàn thắng duy nhất ở tứ kết, đưa Nhật Bản vào bán kết. Ảnh: Getty.

Thành tố "Doan" khiến nhiều người nhầm tưởng Ritsu Doan có gốc Việt Nam. Nhiều khán giả nghĩ họ của anh chàng này là "Doãn" hoặc "Đoàn".

Thực ra, "Doan" (tiếng Nhật đọc là đô-an) ghép bởi từ "Đường" và "An" trong tiếng Hán. Viết theo đúng thứ tự tiếng Nhật, tên của cầu thủ này là Doan Ritsu (Đường An Luật). Bố mẹ Ritsu Doan đều là người Nhật Bản.

VAR không phải công nghệ

VAR là viết tắt của cụm từ "Video Assistant Referee". Cắt nghĩa từng từ, ta có assistant - trợ lý, referee - trọng tài. "Video Assistant Referee" là trọng tài video hoặc trọng tài phụ video. 

Cụ thể hơn, VAR là tổ trọng tài phụ sử dụng video để hỗ trợ trọng tài chính. Vận hành tổ VAR là những con người bằng xương bằng thịt, trực tiếp làm việc bằng mắt thường. 

Những hiểu lầm ở trận Việt Nam - Nhật Bản: Ritsu Doan không phải Ritsu Đoàn cũng chẳng phải Ritsu Doãn, VAR không phải công nghệ - Ảnh 2.

Trọng tài xem lại video sau khi nhận tín hiệu từ tổ VAR. Ảnh: Getty.

Thế nên không thể nói "trọng tài xem VAR", "trọng tài sử dụng công nghệ VAR", "công nghệ VAR hỗ trợ trọng tài". 

Nói chính xác phải là "trọng tài chính xem lại video", "trọng tài chính tham khảo tổ VAR", "trọng tài chính nhận tín hiệu từ tổ VAR", "tổ VAR can thiệp tình huống"...

Ta chỉ dùng từ "công nghệ" cho hệ thống hoạt động 100% máy móc, ví dụ công nghệ goal-line nhằm xác định xem bóng đã qua vạch vôi hay chưa. Chủ đạo của VAR là con người, video chỉ là công cụ.

Var cứu thua Việt Nam. Nguồn: VTV