Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM trao trợ cấp và thăm lớp xóa mù chữ cho nạn nhân chất độc da cam

PV, Theo Thời Đại 13:52 31/10/2017

6 suất hỗ trợ đặc biệt đã được trao tặng cho 6 trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các suất trợ cấp được trao nhằm động viên tinh thần, khích lệ các em nỗ lực vượt khó vươn lên và phấn đấu học tập đồng thời giúp các em vơi đi những khó khăn hiện tại.

Ngày 29/10/2017, trong khuôn khổ chương trình Sáng kiến Màu cam (OI), nối tiếp hoạt động giải ngân hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật qua Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP.HCM (HAVO), Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM đã tổ chức buổi trao trợ cấp đặc biệt tại Văn phòng HAVO.

Đến tham dự buổi lễ có bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Quỹ kiêm Điều phối Sáng kiến Màu cam cùng các thành viên Hội đồng Quỹ và bà Đặng Hồng Nhựt, Cựu Giám đốc Trung tâm Dạy nghề cho Người khuyết tật và Trẻ mồ côi, từng công tác tại HAVO.

Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM trao trợ cấp và thăm lớp xóa mù chữ cho nạn nhân chất độc da cam - Ảnh 1.

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, Chủ tịch HAVO, tại buổi trao trợ cấp

Tại buổi lễ, Quỹ đã trao tặng 6 suất hỗ trợ đặc biệt (6.000.000 VNĐ/suất) cho 6 trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các suất trợ cấp được trao nhằm động viên tinh thần, khích lệ các em nỗ lực vượt khó vươn lên và phấn đấu học tập đồng thời giúp các em vơi đi những khó khăn hiện tại.

Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM trao trợ cấp và thăm lớp xóa mù chữ cho nạn nhân chất độc da cam - Ảnh 2.

Em Bùi Việt Anh có hai người anh mắc bệnh tâm thần phải điều trị lâu dài ở Bệnh viện Tâm thần Lê Minh Xuân. Trường hợp em Hồ Nhật Hòa chẳng may ba mẹ qua đời, phải sống nương tựa vào ông bà đã lớn tuổi. Ba mẹ em Hồ Văn An đều là người khiếm thị, sống rất chật vật… Chất độc da cam/dioxin vẫn còn để lại hệ quả dai dẳng đến tận ngày nay đối với gia đình các em, hơn 40 năm sau khi chiến tranh qua đi.

Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM trao trợ cấp và thăm lớp xóa mù chữ cho nạn nhân chất độc da cam - Ảnh 3.

Em Hồ Văn An và mẹ

Trước đó, Quỹ đã trao 52 suất học bổng, 5 chiếc xe đạp và 6 suất trợ cấp cho con em gia đình nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn TP.HCM và hỗ trợ sửa chữa chống dột nhà cho gia đình ông Trương Văn Việt, nạn nhân chất độc da cam. Ông Việt có 2 người con gái bị thần kinh phân liệt. Hai vợ chồng ông đã lớn tuổi, lại thường xuyên bệnh tật nên gia đình rất khó khăn.

Với 6 suất hỗ trợ đặc biệt trao tặng đợt này, Quỹ đã hoàn thành giải ngân hỗ trợ người khuyết tật/nạn nhân chất độc da cam qua HAVO trong năm 2017. Dự kiến trong thời gian tới, Quỹ sẽ triển khai “Học bổng Đồng hành” chọn một hoặc hai thành viên trong cộng đồng người khuyết tật/nạn nhân chất độc da cam có triển vọng học tập cao nhận hỗ trợ nhiều năm để hoàn thành chương trình đại học hoặc cao hơn.

Sau buổi trao trợ cấp, đoàn của Quỹ đã đến thăm lớp xóa mù chữ cho con cháu nạn nhân chất độc da cam do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Huyện Củ Chi mở với tài trợ của Quỹ qua Chương trình tài trợ 2017. Lớp được mở vào Chủ nhật hàng tuần tại Trạm Y tế Xã Tân Thạnh Tây, Huyện Củ Chi cho 22 trẻ: 5 trẻ bại não thể nhẹ, 7 trẻ mắc hội chứng Down, 8 trẻ chậm trí, 1 trẻ khiếm thính và 1 trẻ khiếm thị.

Chương trình Tài trợ 2017, thuộc OI, vốn được Quỹ/OI triển khai nhằm trao tài trợ cho cá nhân, nhóm hoặc tổ chức có sáng kiến/dự án hỗ trợ người khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam.

Từ 19 đề cương ý tưởng nhận được từ cá nhân, nhóm và tổ chức từ nhiều vùng miền khác nhau của Việt Nam (Hà Nội, Hải Dương, Đà Nẵng, Cần Thơ, v.v.), 4 dự án được chọn đưa vào diện được mời gửi đề xuất hoàn chỉnh. Sau đó khi xem xét 4 đề xuất dự án hoàn chỉnh, Hội đồng Quỹ, với đóng góp chuyên môn từ bà Lưu Thị Ánh Loan - Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyết tật và và Phát triển (DRD), tổ chức đối tác của HPDF, quyết định trao tài trợ năm 2017 cho dự án Lớp học xóa mù chữ cho trẻ da cam, khuyết tật tại cộng đồng của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Huyện Củ Chi. Tổng số tiền tài trợ cho dự án là 50.000.000 VNĐ.

Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM trao trợ cấp và thăm lớp xóa mù chữ cho nạn nhân chất độc da cam - Ảnh 4.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh thăm hỏi tình hình học tập của các em

Ước tính hiện nay tại Huyện Củ Chi có 830 nạn nhân chất độc da cam, trong đó có hơn 200 trẻ bị ảnh hưởng. Củ Chi là huyện ngoại thành cách xa trung tâm thành phố và phần nào còn nhiều khó khăn, do đó trẻ khuyết tật ở Củ Chi ít có cơ hội được hòa nhập xã hội, đặc biệt có 43 em chưa được đi học. Trước thực tế đó, lớp học xóa mù chữ được mở nhằm hướng dẫn các em phát triển kỹ năng học tập (nhận biết, đọc và viết chữ), nhận thức và giao tiếp. Một số em cũng được hỗ trợ phục hồi chức năng ngay tại Trạm Y tế.

Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM trao trợ cấp và thăm lớp xóa mù chữ cho nạn nhân chất độc da cam - Ảnh 5.

Chương trình giảng dạy được biên soạn với sự hợp tác của Trường Chuyên biệt Khai trí (Củ Chi) cho phù hợp với những khó khăn thực tế mà trẻ gặp phải. Kế hoạch phát triển theo nhóm và theo cá nhân cho mỗi trẻ cũng được lồng ghép trong chương trình giảng dạy.

Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM trao trợ cấp và thăm lớp xóa mù chữ cho nạn nhân chất độc da cam - Ảnh 6.

Một em khiếm thính làm bài tập toán dưới hướng dẫn của giáo viên đứng lớp

Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM trao trợ cấp và thăm lớp xóa mù chữ cho nạn nhân chất độc da cam - Ảnh 7.

Về Sáng kiến Màu cam (OI - http://oi.hpdf.vn)

Với mong muốn nhân đạo nhằm nâng cao ý thức và sự đồng cảm của cộng đồng với những nỗ lực, phấn đấu của người khuyết tật/nạn nhân chất độc da cam vượt lên trên hoàn cảnh và điều kiện khó khăn của bản thân và hỗ trợ họ vươn lên và hòa nhập xã hội, Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM triển khai Sáng kiến Màu cam (OI).

Vào tháng 1/2017, OI phối hợp với Giải việt dã TP.HCM tổ chức cho một nhóm người khuyết tật/nạn nhân chất độc da cam tham gia đi/chạy 2km trong khuôn khổ cự ly 5km. OI đã giải ngân hỗ trợ người khuyết tật/nạn nhân chất độc da cam thông qua học bổng, xe đạp, trợ cấp đặc biệt, sửa chữa nhà và tài trợ lớp dạy làm tranh ghép gỗ. OI cũng đang tiến hành Chương trình tài trợ trao 2 suất tài trợ cho cá nhân/nhóm/tổ chức có dự án hỗ trợ người khuyết tật/nạn nhân chất độc da cam. Một trong hai dự án được tài trợ, lớp xóa mù chữ cho trẻ em và thanh thiếu niên là con cháu nạn nhân chất độc da cam, đang được mở ở Huyện Củ Chi, TP.HCM.

Giải việt dã TP.HCM 2017 là cơ hội để thử nghiệm việc lồng ghép chủ đề nhân đạo người khuyết tật/nạn nhân chất độc da cam vào một hoạt động quần chúng. Dựa trên thành công đó, nữ vận động viên đoạt huy chương vàng Olympic Takahashi Naoko sẽ tham gia Giải marathon TP.HCM 2018 và các hoạt động của OI cùng với một nhóm người chạy từ Nhật Bản.