Phụ nữ và trẻ bị bạo lực tăng từ 30 - 300% trong mùa dịch COVID-19

Nguyễn Cảnh, Theo Công an nhân dân 08:39 09/10/2020

Đây là thông tin được đưa ra trong Diễn đàn "Công tác xã hội trong hỗ trợ bệnh nhân là nạn nhân của bạo lực giới tại cơ sở y tế và trong bối cảnh dịch COVID-19: Góc nhìn của người trong cuộc" tổ chức ngày 8/10 tại TP. Hồ Chí Minh.

Diễn đàn do Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đồng chủ trì phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam, Cơ quan Liên Hiệp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) Việt Nam và Tổ chức Planète Enfant et Dévelopment (PE&D). Diễn đàn là tiền đề cho việc rà soát, lập kế hoạch dự kiến, đề xuất thí điểm Mô hình dịch vụ một cửa hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực giới tại TP. Hồ Chí Minh.

Phụ nữ và trẻ bị bạo lực tăng từ 30 - 300% trong mùa dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Diễn đàn thu hút sự quan tâm chia sẻ của nhiều chuyên gia tâm lý và các y bác sĩ

Tham gia diễn đàn có trên 100 y bác sĩ, nhân viên công tác xã hội, các sở, ban, ngành; các tổ chức và chuyên gia đến từ các bệnh viện Trung ương; bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm cũng như đề xuất các sáng kiến để cải thiện việc hỗ trợ cho các bệnh nhân là nạn nhân của bạo lực giới tại các cơ sở y tế, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Phụ nữ và trẻ bị bạo lực tăng từ 30 - 300% trong mùa dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự diễn đàn

Theo khảo sát quốc gia về bạo lực với phụ nữ do Tổng cục Thống kê, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc thực hiện, trên thế giới, cứ ba phụ nữ thì có một người là nạn nhân của bạo lực giới.

Tại Việt Nam, 63% phụ nữ đã từng trải qua một dạng bạo lực trong đời. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, tỷ lệ phụ nữ và trẻ em trên toàn thế giới bị bạo lực gia tăng từ 30% - 300%. Các cơ sở y tế thường là nơi đầu tiên tiếp nhận các nạn nhân bị bạo lực giới, do đó vai trò của công tác xã hội tại các cơ sở này là rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay, các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực giới và công tác xã hội trong bệnh viện chưa có sự kết nối và cơ chế phối hợp còn nhiều bất cập.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, diễn đàn đã khẳng định rõ công tác xã hội rất quan trọng trong các cơ sở y tế. Đây là cơ hội tốt cho các cơ sở y tế chia sẻ kinh nghiệm thực hiện công tác xã hội trong bối cảnh COVID-19 và nắm rõ thêm thông tin về các quy định cũng như hướng dẫn, hỗ trợ nạn nhân của bộ phận làm công tác xã hội trong bệnh viện.

"Diễn đàn này là bước khởi đầu quan trọng để Sở Y tế cùng đồng hành với các ngành, các cấp của thành thành phố chung tay hành động vì bình đẳng giới, chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, góp phần từng bước thực hiện hoá các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên", ông Nguyễn Hữu Hưng nói.

Phụ nữ và trẻ bị bạo lực tăng từ 30 - 300% trong mùa dịch COVID-19 - Ảnh 3.

Các y bác sĩ và điều dưỡng được mời lên chia sẻ những câu chuyện hỗ trợ bệnh nhân có nguyên nhân từ bạo lực gia đình

Tại diễn đàn, các đại biểu đã chia sẻ tiêu chuẩn hỗ trợ nạn nhân toàn cầu theo gói dịch vụ can thiệp thiết yếu, những kinh nghiệm thực hiện công tác xã hội trong bệnh viện và các mô hình dịch vụ một cửa hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực giới trong bệnh viện tại các nước trên thế giới; việc triển khai công tác này trên thực tế khi hỗ trợ các bệnh nhân là nạn nhân của bạo lực giới trong các cơ sở y tế tại Việt Nam. Bác sĩ và điều dưỡng các bệnh viện cũng chia sẻ những câu chuyện bắt nguồn từ bạo lực gia đình, dẫn đến hậu quả đau lòng gây tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần phụ nữ và trẻ em. Từ đó, đề nghị ngành chức năng cần có biện pháp xử lý nghiêm những hành vi bạo lực đối với người yếu thế.

Phụ nữ và trẻ bị bạo lực tăng từ 30 - 300% trong mùa dịch COVID-19 - Ảnh 4.

Chia sẻ của cán bộ làm công tác xã hội tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. Hồ Chí Minh

Diễn đàn đã góp thêm tiếng nói và góc nhìn của người trong cuộc góp phần cải thiện chất lượng công tác xã hội trong bệnh viện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của bệnh nhân, đặc biệt bệnh nhân là nạn nhân của bạo lực giới, bạo lực trẻ em. Diễn đàn đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối và huy động các bên liên quan tham gia đồng hành phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới theo cách tiếp cận của những người làm công tác xã hội, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng và ở Việt Nam nói chung.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày