Bảng xếp hạng 20 anime xuất sắc đầu thế kỷ 21 (Phần 3)

Đan Đan, Theo Trí Thức Trẻ 23:58 03/01/2016

Phần tiếp theo danh sách anime nổi bật của 15 năm đầu thế kỷ 21 mà bất cứ fan hâm mộ thể loại phim này đều không thể bỏ lỡ.

Xem lại phần một và phần hai nếu bạn bỏ lỡ nhé!

10. 5 Centimeters Per Second – 5 Centimét/giây (Đạo diễn: Shinkai Makoto, 2007)

Anime có thể mở ra cánh cổng của thế giới kì ảo – nơi phép màu và những thế lực siêu nhiên cùng tồn tại, nhưng không phải bất cứ anime nào cũng mời gọi người xem bước vào thế giới giả tưởng ấy. 5 Centimét/giây chính là một câu chuyện thực tế đến tàn nhẫn, tuy nhiên đây cũng là điều khiến nó trở nên thật đặc biệt. Được công chiếu lần đầu vào tháng 3 năm 2007, 5 Centimét/giây đã giành được giải Phim hoạt hình xuất sắc nhất tại lễ trao giải điện ảnh châu Á Thái Bình Dương và Giải bạch kim lớn Lancia tại Liên hoan phim chủ đề tương lai cho phim có hình ảnh và hiệu ứng xuất sắc nhất.

E:\Anime\Anime 3\p1580259873.jpg

“Cậu biết không, 5 Centimét/giây chính là vận tốc cánh hoa anh đào rơi...”

Đôi bạn Takaki và Akari phải chia tay nhau khi sắp tốt nghiệp tiểu học. Cả hai giữ liên lạc bằng cách viết thư, nhưng những cánh thư cũng ngày một thưa dần theo thời gian. Khi Takaki biết mình cũng sắp chuyển đến Kagoshima, cậu quyết định tự mình đi tàu đến thăm Akari vì sau này khoảng cách giữa hai người sẽ càng xa hơn. Takaki vượt qua cơn bão tuyết để đến nơi Akari ngồi đợi cậu. Họ trao nhau nụ hôn đầu tiên dưới gốc cây anh đào.

Takaki lớn lên, thu mình vào thế giới riêng với những hồi ức về mối tình đầu. Mãi sau, anh cũng có bạn gái, nhưng trái tim và thể xác vẫn ngày một héo mòn vì nỗi nhớ. Khi Akari sắp kết hôn, cô tìm thấy bức thư định gửi cho Takaki mà chưa thể. Cuối phim, lúc đi ngang đường ray xe lửa, Takaki lướt qua một cô gái, linh tính mách bảo anh đó là Akari. Thế nhưng khi Takaki quay đầu lại, đoàn tàu đã chia cắt hai người. Cô gái ấy đã biến mất chỉ để lại Takaki ngơ ngác giữa những cánh hoa đào rơi lả tả. Cuối cùng Takaki mỉm cười và bước đi, gánh nặng hồi ức đè nặng lòng anh bấy lâu cũng tan biến.

E:\Anime\Anime 3\p913268772.jpg

Mỗi khung hình trong phim đều đẹp như một giấc mơ

Giống như các tác phẩm của Shinkai Makoto, 5 Centimét/giây làm người ta choáng ngợp bởi vẻ buồn lộng lẫy thể hiện qua từng màn ảnh. Cách ông đặt góc máy xa, thu vào tầm nhìn toàn bộ không gian và ánh sáng, phối hợp cùng lời tự sự của nhân vật, càng khiến cho nỗi cô đơn như ứa tràn. Tồn tại giữa khung cảnh và sắc màu diễm lệ như một giấc mơ ấy, lại là một câu chuyện chân thực đến lạnh lùng. 

Tình yêu đẹp đẽ thuần khiết của Takaki và Akari bị chia cắt đâu chỉ bằng không gian, mà bắt nguồn từ những khoảng trống trong trái tim họ. Cả hai không gửi thư, nhưng lại vô thức chờ đợi cánh thư từ đối phương. Takaki trưởng thành nhưng một phần trái tim đã mắc kẹt trong những hồi ức, mặc dù anh hiểu rất rõ một sự thật: “Dẫu cho có gửi đi hàng ngàn tin nhắn, thì trái tim của chúng ta cũng chẳng thể kéo gần lại một li”. Hai lần hình ảnh đoàn tàu xuất hiện ở đầu và cuối phim: một lần tàu đi qua và họ gặp nhau, một lần Takaki quay lại thì cô gái mà anh cho là Akari đã biến mất. Đoàn tàu đó tượng trưng cho cuộc sống, mang chúng ta đến gần rồi lại chia xa.

5 Centimét/giây khiến cho nhiều người phải thốt lên: sao lại có một câu chuyện vừa đơn giản lại vừa tàn nhẫn đến thế! Không còn những yếu tố kỳ ảo hay khoa học viễn tưởng, lần này Shinkai Makoto đã đặt người xem vào một cảnh trong mơ, nhưng lại thành công giữ họ luôn tỉnh thức. 

5 Centimét/giây không chỉ là vận tốc của cánh hoa rơi, mà còn là vận tốc để chúng ta lướt qua đời nhau. Cuối cùng, chỉ còn một mình Takaki đứng giữa khung cảnh của mùa xuân, những cánh hoa như mảnh vỡ của một giấc mơ đã bị hiện thực nghiền nát. Có những thứ cho dù cố truy cầu cũng không bao giờ tìm thấy được. Mà điều duy nhất chúng ta có thể làm, đó là kiên định và lạc quan để tiếp tục tiến về phía trước.

 Trailer "5 Centimeters Per Second" (5 Centimét/giây)

9. Millennium Actress – Nữ Diễn Viên Ngàn Năm (Đạo diễn: Kon Satoshi, 2001)

E:\Anime\Anime 3\Millennium-Actress.jpg

Nữ Diễn Viên Ngàn Năm – hay một cuộc tìm kiếm ngàn năm, là câu chuyện hồi ức về cuộc hành trình gian truân của nữ minh tinh Chiyoko để gặp lại người đàn ông bà đã yêu suốt cuộc đời. Chàng họa sĩ đã để lại cho cô bé chiếc chìa khóa giữ một điều rất quan trọng trước khi biến mất. Kể từ đó, vật kỉ niệm nhỏ bé này trở thành biểu tượng cho niềm hi vọng và chờ đợi của cả đời Chiyoko. 

Cô đã từ bỏ cuộc sống bình lặng, lao vào điện ảnh để tìm kiếm chàng trai mình chẳng còn nhớ rõ mặt. Kì diệu thay mỗi vai diễn của Chiyoko lại như chính cuộc đời cô – luôn là một chuỗi các cuộc đấu tranh và kiếm tìm. Tình yêu hư ảo thuở thiếu thời cuối cùng đã đưa Chiyoko lên đỉnh cao của sự nghiệp, giúp cô trưởng thành với niềm vui lặng lẽ được hóa thân, được tả lại nỗi nhớ thương và khao khát qua từng nhân vật. Trải qua nhiều sóng gió, vinh quang và cả đổ vỡ, cô bé Chiyoko ngày nào giờ đã trở thành một bà lão tóc bạc trắng, bình thản kể lại câu chuyện của chính mình với một nụ cười: “Tôi đã quên mất người đàn ông ấy trông như thế nào, thế nhưng tôi vẫn còn yêu anh ấy...”.

E:\Anime\Anime 3\p1074718764.jpg

Chiếc chìa khóa đã mở cánh cửa số phận của Chiyoko

Rốt cuộc tìm kiếm để được gì? – là câu sẽ đọng lại trong lòng khán giả khi xem phim. Chiyoko không hề lãng phí những năm tháng thanh xuân chỉ để đuổi theo một thứ tình yêu không hình hài, cô đã dùng hi vọng và nỗi nhớ đốt lên khao khát được chinh phục mọi thử thách. Và chiếc chìa khóa kia hoàn thành nhiệm vụ của nó vượt cả mức mong đợi. Nếu như người họa sĩ năm nào không gieo vào lòng cô bé Chiyoko một rung động đầu đời, thì có lẽ cô cũng chẳng khác gì lời mẹ mình nói, như hết thảy các cô gái khác trong cuộc chiến tranh ngày ấy: “Thừa kế cửa tiệm, lấy một ông chồng và sinh những đứa con, sống như vậy cho đến lúc chết”.

E:\Anime\Anime 3\p1112477494.jpg

Tôi chẳng còn là tôi mà người đó từng biết, tôi không muốn anh ấy thấy hình dáng già yếu của mình.

Thành công của phim phải nhắc đến lối kể chuyện đan xen quá khứ - hiện tại, đời thực – vai diễn tạo nên ảo giác bất phân giữa những thước phim, khiến tình tiết sinh động hơn rất nhiều. Dưới bàn tay bậc thầy của đạo diễn Kon Satoshi, những mảnh ghép này được tháo ráp một cách ngẫu hứng sáng tạo, tiết tấu phim lúc nhanh lúc chậm, nhưng tổng thể vẫn giữ được sự logic và cuốn hút người xem vào dòng cảm xúc mãnh liệt của nhân vật. Thiết kế phim có xu hướng nghiêng về tả thực, trau chuốt đến từng chi tiết nhỏ, chủ yếu sử dụng tông màu trầm. Nét vẽ mượt mà, uyển chuyển, biểu cảm của các nhân vật được diễn tả rất chân thực. 

Thông qua những vai diễn của Chiyoko, phim đã tái hiện thành công cả những góc cạnh của lịch sử, văn hóa và tín ngưỡng Nhật Bản. Tại Lễ hội Nghệ thuật Truyền thông Nhật Bản, Nữ Diễn Viên Ngàn Năm giành được Danh hiệu lớn dành cho thể loại phim hoạt hình, đồng hạng với Spirited Away (Vùng Đất Linh Hồn). Phim cũng giành 4 đề cử tại giải Annie năm 2004 trong đó có hạng mục Đạo diễn và Kịch bản, trở thành một trong những biểu tượng đỉnh cao của hoạt hình Nhật Bản.

“Bởi vì người mà tôi thích, chính là bản thân mình khi đuổi theo anh ấy.” – Chiyoko bình thản thừa nhận điều đó. Người đàn ông cô yêu từ lâu đã không còn trên cõi đời này, nhưng người ấy vẫn mãi mãi tồn tại trong tim Chiyoko, thúc đẩy cô tiến lên trên con đường tìm kiếm chính bản thân mình, tìm kiếm số phận thật sự. Nữ Diễn Viên Ngàn Năm không hề cổ xúy khán giả vì tình ái mà bất chấp tất cả mà ngược lại, phải dùng ái tình như một động lực để đạt được mọi điều tốt đẹp trong cuộc sống.

 Trailer "Millennium Actress"

8. Tokyo Godfathers – Những Người Đỡ Đầu Ở Tokyo (Đạo diễn: Kon Satoshi, 2003)

E:\Anime\Anime 3\p2185278099.jpg

Điều thú vị là xếp trên anime Nữ Diễn Viên Ngàn Năm lại chính là người em cùng cha của nó - Những Người Đỡ Đầu Ở Tokyo. Đây là phim thứ ba mà Kon Satoshi viết kịch bản và đạo diễn, cùng soạn kịch bản với ông là Nobumoto Keiko người từng được biết tới qua series Cowboy Bebop. Tuy lấy bối cảnh Nhật Bản, Những Người Đỡ Đầu Ở Tokyo lại mang hơi hướng của hoạt hình Mỹ nên đã được đón nhận rộng rãi ở nhiều nước phương Tây. Nội dung phim hài hước, thú vị nhưng vẫn ấm áp tính nhân văn, chắc chắn là một anime phù hợp để xem vào dịp cuối năm khi lễ giáng sinh và giao thừa đã gần kề.

E:\Anime\Anime 3\p2261546736.jpg

Bộ ba gàn dở: Hana, Miyuki và Gin

Vào đêm giáng sinh, ba kẻ vô gia cư – lão già Gin nghiện rượu, phụ nữ chuyển giới Hana và cô bé bỏ nhà ra đi Miyuki đã vô tình tìm được một em bé sơ sinh khi tất cả đang lục lọi thùng rác. Hana không thể sinh con nên đã đặt tên đứa trẻ là Kiyoko và muốn giữ lại nuôi dưỡng nhưng hai người kia đều phản đối. Cuối cùng, bằng manh mối mơ hồ là danh thiếp của quán bar và ảnh chụp ở gần tã lót của Kiyoko, họ quyết định giúp nó tìm lại bố mẹ. Ba kẻ gàn dở từng bị xã hội vứt bỏ, nay lại hết lòng tìm kiếm gia đình cho một đứa trẻ bị vứt bỏ. Lòng hảo tâm của cả ba khiến họ trải qua cuộc phiêu lưu kỳ thú trong đêm giáng sinh, giải đáp được khúc mắc về thân thế không ngờ của đứa bé, đồng thời nhận lại món quà kì diệu cho bản thân mình.

E:\Anime\Anime 3\p2261546863.jpg

Đứa bé mang đến biến cố và phép màu trong đêm giáng sinh

Có vẻ phần lớn những người hâm mộ mô típ đẹp lãng mạn của hoạt hình Nhật Bản bước đầu sẽ khó mà chấp nhận Những Người Đỡ Đầu Ở Tokyo. Ba nhân vật chính của câu chuyện không chỉ có ngoại hình xấu xí mà xuất thân cũng vô cùng quái dị. Thế nhưng một khi đã xem, bạn sẽ nhận ra bản thân đã yêu mến họ từ lúc nào. 

Lão Gin vì rượu chè cờ bạc mà từng bỏ rơi vợ con, sau đó chẳng còn mặt mũi trở về nhà. Cô bé Miyuki đanh đá nhảy khỏi xe lửa để trốn tránh cha mình do đã lỡ tay đâm ông bị thương. Và đặc biệt, Hana - một người chuyển giới từng giả gái nhảy múa ở các hộp đêm – là nhân vật khắc họa đặc sắc nhất, vừa hài hước vừa giàu tình thương. “Tao sẽ hỏi mẹ của đứa bé vì sao lại vứt bỏ nó; nếu như câu trả lời của cô ta hợp tình hợp lý, tao cũng sẽ tha thứ cho mẹ của mình” – câu nói của Hana quả thực khiến cho người nghe phải thay cô chua xót.

Những Người Đỡ Đầu Ở Tokyo là bức tranh hiện thực phản ánh phần đáy xã hội Nhật Bản. Những con người lang thang trong đêm giáng sinh, lục lọi thùng rác và bản thân họ cũng nghĩ mình là rác. Bằng việc khắc họa các nhân vật xấu xí khốn khổ, phim đã đề cao bản tính thiện lương, thắp sáng chủ nghĩa nhân đạo. Hana luôn miệng nói: “Thượng đế yêu thương đứa bé này”, nghe như là đang nói cho bản thân. Tin tưởng vào tình thương của thượng đế, tin tưởng vào con người, nhất định sẽ có ngày đạt được kỳ tích, nhận được món quà giáng sinh tuyệt vời của mình.

Trailer "Tokyo Godfathers"

7. Wolf Children – Những Đứa Con Của Sói ( Đạo diễn: Hosoda Mamoru, 2012)

E:\Anime\Anime 3\Wolf-Children.jpg

Những Đứa Con Của Sói là câu truyện cổ tích tuyệt vời về một gia đình nhỏ ấn giấu một bí mật lớn. Mọi việc bắt đầu khi cô sinh viên 19 tuổi Hana đem lòng yêu thương gã người sói Ookami lạnh lùng cô độc. Tình yêu của họ đơm hoa kết trái và hai thiên thần nhỏ Yuki và Ame ra đời. Cuộc sống của bốn người sẽ bình yên và hoàn hảo biết mấy nếu như Ookami không đột ngột qua đời. Hana phải nhanh chóng vượt qua nỗi đau vì hai đứa con thơ còn cần chăm sóc. Nuôi nấng một đứa trẻ chưa bao giờ dễ dàng. Mọi chuyện càng phức tạp hơn, khi một người mẹ trẻ đơn thân như Hana lại phải nuôi dưỡng hai đứa con người sói. Bằng tình mẫu tử vĩ đại, Hana đã chăm sóc Yuki và Ame lớn lên khỏe mạnh. Không chỉ có vậy, tấm lòng của cô còn giúp chúng tìm thấy chính mình, lựa chọn tương lai thích hợp nhất cho bản thân.

E:\Anime\Anime 3\p1667912372.jpg

Tình tiết phim trải dài từ lúc Hana và Ookami mới gặp nhau cho đến khi hai đứa trẻ con của họ trưởng thành. Trong suốt quá trình ấy, hình ảnh người mẹ được khắc họa rất dịu dàng mà kiên cường: khi con ốm lại phân vân không biết nên đưa đến bác sĩ khoa nhi hay khoa thú y, và rồi tự mình nghiên cứu tìm ra cách thích hợp nhất để chứa trị; có những đêm hai chị em biến thành sói rồi hú vang kinh động đến hàng xóm... 

Khổ sở vì phải che giấu bí mật của bọn trẻ giữa Tokyo, Hana quyết định dọn về miền núi, nơi Yuki và Ame có thể tự do sống giữa thiên nhiên và tránh được ánh mắt soi mói của người đời. Khoảng thời gian nuôi con cũng là quá trình học hỏi không ngừng của Hana. Cô nhẫn nại chăm nom, vừa bảo vệ chúng khỏi hiểm nguy vừa dạy chúng tiếp thu thế giới xung quanh, tiếp nhận con người thật của mình. Để rồi khi Yuki và Ame đứng trước sự lựa chọn thứ mình muốn trở thành, người mẹ vẫn kiên định ở phía sau ủng hộ mọi quyết định mà con cái đã chọn.

E:\Anime\Anime 3\p2254386371.jpg

Khi còn bé Yuki và Ame thường “hiện nguyên hình” khi không khống chế được

Có thể nói Hana đã là người hướng đạo tuyệt vời cho hai đứa trẻ trong hành trình đi tìm bản ngã. Cô chị Yuki lúc nhỏ hiếu động bao nhiêu thì lớn lên lại dịu dàng, nữ tính và “người” bấy nhiêu; trong khi cậu em Ame ngày bé yếu đuối và nhút nhát là thế mà sau này lại quyết liệt đi theo tiếng gọi của đại ngàn đến vậy. Không thể lựa chọn cách sinh ra nhưng có thể lựa chọn cách sống.

Và trong cả hai trường hợp, khi hai đứa trẻ chưa hoàn toàn trưởng thành nhưng đã kịp rẽ về hai ngả – một đường sói, một lối người – Hana vẫn dành cho cả hai tình yêu và sự ủng hộ không điều kiện, không điều kiện như tình yêu nồng nàn không toan tính mà tuổi trẻ của cô từng dành cho cha chúng.

Bên cạnh dòng chảy chính của tình mẫu tử đầy bản năng trong huyết quản Hana, Những Đứa Con Của Sói còn một mạch ngầm khác, chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Hayao Miyazaki, bậc thầy anime Nhật Bản: tình yêu thiên nhiên, môi trường sống. Phim không chỉ là câu chuyện cổ tích đậm tính nhân văn mà còn là tập tranh tươi sáng đầy màu sắc. Những Đứa Con Của Sói đạt giải thưởng Phim hoạt hình của năm do Viện Hàn Lâm Nhật Bản trao tặng, trở thành tác phẩm thứ hai (sau Cô Gái Vượt Thời Gian) lọt top 20 anime xuất sắc nhất của thế kỷ 21.

 Trailer "Wolf Children"

6. The Wind Rises – Gió Nổi (Đạo diễn: Miyazaki Hayao, 2013)

E:\Anime\Anime 3\The-Wind-Rises-2013.jpg

The Wind Rises (Gió Nổi) là anime dã sử do Miyazaki Hayao đảm nhiệm vai trò đạo diễn và biên kịch, được chuyển thể từ truyện tranh cùng tên vốn cũng dựa trên một truyện ngắn của tác giả Hori Tatsuo. Phim đạt doanh thu cao nhất Nhật Bản năm 2013. Bên cạnh đó, Gió Nổi cũng nhận được Viện Hàn lâm Nhật Bản trao giải Phim hoạt hình hay nhất, cùng nhiều đề cử danh giá như đề cử giải Oscar cho Phim hoạt hình hay nhất, đề cử Quả cầu vàng cho Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất.

E:\Anime\Anime 3\p2181453187-(1).jpg

Tình yêu với Naoko tiếp thêm hi vọng và sức mạnh cho Jirou

Giấc mơ được lái máy bay chinh phục bầu trời của Jirou tưởng chường như đã bị dập tắt bởi vì anh bị cận nặng và không thể trở thành phi công. Tuy nhiên, sau đó anh đã tiếp tục theo đuổi đam mê bằng cách trở thành một kỹ sư thiết kế máy bay chiến đấu. Jirou gặp và yêu Naoko, một cô gái yếu đuối nhưng luôn lạc quan yêu đời. Vượt qua những trở ngại trong công việc với sự trợ giúp của Naoko (mặc cho căn bệnh lao đang gặm nhấm cô từng ngày), Jirou thành công chế tạo nên chiếc Mitsubishi A5M - tiền thân của chiếc Mitsubishi A6M 'Zero' - máy bay chiến đấu xuất sắc nhất trong Chiến tranh thế giới thứ hai vút bay đầy kiêu hãnh.

Tuy nhiên, "Gió vẫn thổi, ta phải sống" là câu nói ở đầu phim nhưng gần như đã báo trước kết thúc. Những thiết kế quý giá của Jirou sớm trở thành đống tro tàn trong thất bại của Đế quốc Nhật Bản. Anh bơ vơ trong sự nuối tiếc và cô độc khi Naoko từ giã cõi đời. Trong những giấc mơ, Jirou thấy Caproni – thần tượng, nguồn cảm hứng của anh – và Naoko vẫn ở bên cạnh mình, động viên anh tiếp tục sống. Vì gió vẫn thổi và ta phải tiếp tục sống và mơ ước dù biết ngọn gió cuộc đời không lặng bao giờ.

E:\Anime\Anime 3\p2285194383.jpg

“Ừ, anh sẽ không buông tay em ra đâu”

Mặc dù được giới chuyên môn đánh giá cao, nhưng Gió Nổi vẫn vấp phải những ý kiến chỉ trích vì sao Miyazaki Hayao lại làm ra một bộ phim ca ngợi kẻ làm ra “cỗ máy giết người Zero”. Tuy nhiên, Miyazaki chia sẻ rằng ông tìm thấy cảm hứng từ câu nói của kỹ sư Horikoshi – người thực sự thiết kế chiếc máy bay này – rằng tất cả những gì ông từng mong muốn chỉ là làm ra một thứ thật đẹp. Cha đẻ của Studio Ghibli đã vắt kiệt tinh thần và sức lực để hoàn thành Gió Nổi – anime cuối cùng trong sự nghiệp của ông. Gió Nổi là dấu chấm thật hoàn hảo cho cuộc đời làm nghệ thuật với nhiều thành tựu đẹp đẽ của Miyazaki Hayao.

Dù là “cỗ máy giết người Zero” của Horikoshi hay thuốc nổ dynamite của Alfred Nobel, tất cả đều bắt đầu từ những giấc mơ thật nhỏ bé. Giấc mơ có thể thuần khiết, nhưng tham vọng của con người đã vấy bẩn nó. Jirou đại diện cho những con người muốn tạo nên những điều đẹp đẽ. Dù lịch sử có phán xét như thế nào, họ vẫn xứng đáng nhận được sự tôn trọng của chúng ta và cả Miyazaki, chỉ là đôi khi định mệnh cuốn chúng ta theo những dòng chảy khó mà lường trước. "Gió vẫn thổi, ta phải sống", phải sống dẫu bằng một phương thức tàn khốc đến đâu chăng nữa.

 Trailer "The Wind Rises"

(Còn tiếp)