Phẫu thuật thành công cho cô gái có khối u não ở vị trí ''hiểm hóc''

Mộc Trà, Theo Trí thức trẻ 09:37 30/05/2023
Chia sẻ

Cô gái 22 tuổi (quê An Giang) bị u thân não kích thước lớn, nhập viện trong tình trạng yếu liệt với biểu hiện tri giác lơ mơ, không ăn uống được, ăn uống vào bị sặc, không đi lại được hoàn toàn.

Giờ đây, Phạm Thị Thu Trang (22 tuổi, An Giang) đã có thể đi lại được như người bình thường.

Ông Phạm Văn Mười (ba của Trang) tâm sự cách đây gần 6 năm, thấy con gái thường xuyên bị đau đầu nặng, gia đình đưa đến một bệnh viện ở TP.HCM khám, chụp cộng hưởng từ (MRI) và được các bác sĩ chẩn đoán u thân não. Bác sĩ chỉ cho thuốc về uống và cho biết khối u rất khó phẫu thuật.

Phẫu thuật thành công cho cô gái có khối u não ở vị trí hiểm hóc - Ảnh 1.

Gần 6 năm qua, Trang đã quen ''làm bạn'' với bệnh viện (Ảnh: NVCC)

"Hai năm sau, con tôi đau đầu nhiều hơn, đi lại khó khăn, loạng choạng, ăn uống kém, nuốt khó. Sau đó, gia đình tiếp tục đưa cháu lên bệnh viện lớn tái khám. Kết quả, khối u phát triển với kích thước lớn hơn, khó phẫu thuật. Nếu phẫu thuật sẽ có nguy cơ tử vong trên bàn mổ. Cháu đi về và nhập viện tại bệnh viện ở Cần Thơ, tại đây các bác sĩ phát hiện cháu bị giãn não thất và đặt ống dẫn lưu màng bụng. Cháu bớt được các cơn đau đầu.

Tuy nhiên, cách đây 6 tháng, cháu tái khám, kết quả cho thấy tình trạng giãn não thất giảm, nhưng các triệu chứng thần kinh tăng lên, không đi lại được, ăn uống sặc, lừ đừ, thể trạng gầy yếu", ba Trang cho hay.

Thấy con gái trở nặng, nguy hiểm đến tính mạng, ông Mười một lần nữa đưa con lên bệnh viện lớn tại TP HCM và được các bác sĩ kê đơn thuốc về nhà uống cũng như giới thiệu phương pháp mổ robot.

"Như vớ được tia hy vọng, tôi liền đưa con sang bệnh viện Tâm Anh, mong có thể cứu được con", ông nói.

Tiếp nhận bệnh nhân, BSCKII. Mai Hoàng Vũ, Khoa Ngoại Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng yếu liệt với biểu hiện tri giác lơ mơ, không ăn uống được, ăn uống vào bị sặc, khi có người gọi thì mở mắt ra lờ đờ, tiếp xúc chậm, không trả lời được, không đi lại được hoàn toàn.

Thể trạng người bệnh xấu, gầy, yếu, cơ teo tứ chi, ăn uống kém, rối loạn dưỡng chất trong cơ thể. Sau thăm khám lâm sàng, các bác sĩ cho bệnh nhân chuyển lên khoa ngoại thần kinh, bổ sung chất dinh dưỡng và thực hiện một số xét nghiệm, hồi phục sức khỏe. Sau 3 ngày truyền dịch, truyền đạm, chất dinh dưỡng, truyền điện giải,... sức khỏe bệnh nhân dần ổn định.

"Sau 3 ngày chăm sóc nâng đỡ tại Khoa Ngoại Thần kinh, Trung Tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bệnh nhân tiếp tục được chỉ định cận lâm sàng - chụp cộng hưởng từ (MRI) 3 tesla để kiểm tra tình trạng tổn thương não và khối u.

Theo MRI mô tả, khối u có kích thước khoảng 6x5cm, dạng u lớn, nằm ở vị trí hố sau ngay vùng thân não, là vị trí khó phẫu thuật, dễ làm tổn thương các chức năng thần kinh sau mổ. Thân não là một trong những cơ quan trung khu quan trọng của cơ thể, điều hòa nhịp tim, điều hòa hô hấp, điều hòa thân nhiệt, là trung gian giữa đại não và tủy sống. Thân não cũng là những sợi dẫn truyền thần kinh về vận động, cảm giác từ sọ não đi xuống vùng tủy sống. Đây là vùng nguy hiểm nhất của não bộ, nếu có xảy ra tổn thương, khả năng hồi phục rất nguy hiểm, khả năng sống còn của bệnh nhân bị đe dọa", BS Vũ cho hay.

Phẫu thuật thành công cho cô gái có khối u não ở vị trí hiểm hóc - Ảnh 2.

Hình ảnh chụp MRI bệnh nhân trước mổ (trái) và sau mổ (phải) (Ảnh: NVCC)

Cuộc phẫu thuật thành công

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân bằng robot mổ não Modus V Synaptive. Theo BS Vũ, đây là hệ thống robot thế hệ thứ III có tính năng vận hành nhanh, chính xác.

BS nhận định nếu mổ bằng phương pháp truyền thống, khó đánh giá về các bó sợi thần kinh sẽ đi qua trong khi mổ. Do vùng thân não quan trọng, trong quá trình mổ bác sĩ chỉ cần sai lầm một chút, bệnh nhân sẽ có thể yếu liệt hoặc mất đi tính mạng. Do đó, bác sĩ phải lên kế hoạch trước mổ, phải mổ mô phỏng trên robot trước, coi các bó sợi ở đâu, đường đi đến khối u như thế nào để tránh ảnh hưởng các dây thần kinh.

Theo Ths.BSCKII. Chu Tấn Sĩ, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, điểm nổi bật nhất của phương pháp phẫu thuật bằng robot là độ chính xác rất cao trong vị trí phẫu thuật, hạn chế tổn thương phần mềm xung quanh, đường mổ nhỏ, phù hợp với các ca can thiệp về thần kinh sọ não đòi hỏi sự chuẩn xác đến từng milimet.

Sau khi mổ bằng robot, người bệnh hồi phục tốt, không biến chứng, khỏe mạnh và đi lại được. Nụ cười trên khuôn mặt của cô gái 22 tuổi cùng gia đình đã trở lại.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày