Phải chăng Shark Liên đã đúng về vấn đề sức khỏe trong Esports: Chơi game quá độ để lại tác hại ra sao?

GameK, Theo GameK 01:58 13/08/2019

Dù phát biểu gây phật lòng cộng đồng, nhưng có vẻ như Shark Liên phần nào đã đúng khi nhận định về những vấn đề sức khỏe của các tuyển thủ Esports.

Thông tin về chấn thương của Uzi - Ngôi sao số 1 trong làng LMHT Trung Quốc một lần nữa khiến cộng đồng game thủ nước này thêm phần hoang mang về vấn đề thể lực cũng như sức khỏe của các tuyển thủ thể thao điện tử.

Như chúng ta đã biết, "tuổi nghề" của một tuyển thủ Esports chuyên nghiệp thường rất ngắn ngủi. Trong suốt gần một thập kỷ phát triển, có rất ít tuyển LMHT có thể duy trì được phong độ đỉnh cao sau khi bước qua tuổi 25 - Độ tuổi đỉnh cao trong các môn thể thao khác.

Phải chăng Shark Liên đã đúng về vấn đề sức khỏe trong Esports: Chơi game quá độ để lại tác hại ra sao? - Ảnh 1.

Dù đặc thù của Esports so với thể thao truyền thống là ít vận động hơn, nhưng điều đó không có nghĩa là các tuyển thủ thể thao điện tử không phải đối mặt với nguy cơ chấn thương. Và thậm chí, việc chỉ tập trung sự vận động vào đôi tay khiến bộ phận cơ thể này trở nên cực kỳ nhạy cảm và yếu đuối, trong khi đối với một tuyển thủ Esports, đôi tay chẳng khác nào tài sản quý giá nhất của họ.

Trước Uzi, một tuyển thủ nổi tiếng khác là Hai cũng từng gặp vấn đề tương tự với một chấn thương cổ tay mãn tính, khiến sự nghiệp của anh ngày một đi xuống, dù khát khao thi đấu đỉnh cao thì vẫn còn nguyên vẹn như ngày đầu.

Phải chăng Shark Liên đã đúng về vấn đề sức khỏe trong Esports: Chơi game quá độ để lại tác hại ra sao? - Ảnh 2.
Phải chăng Shark Liên đã đúng về vấn đề sức khỏe trong Esports: Chơi game quá độ để lại tác hại ra sao? - Ảnh 3.

Hai chính là một trong những cái tên nổi bật nhất của LMHT bị hủy hoại sự nghiệp vì chấn thương

Thông thường, khi gặp vấn đề về sức khỏe, rất nhiều tuyển thủ lựa chọn phương án giải nghệ, nhằm giảm bớt cường độ luyện tập và tăng thời gian nghỉ ngơi. Nhưng điều đáng nói là chấn thương về cơ và xương khớp trong thời gian dài thường gây ảnh hưởng rất lớn không chỉ tới sự nghiệp của họ, mà là cả cuộc sống sau này.

Trung Quốc là khu vực đi tiên phong trong việc đưa các liệu trình vật lý trị liệu áp dụng trong các tổ chức thể thao điện tử, nhưng đổi lại, đây vẫn là một trong những "điểm nóng" của LMHT chuyên nghiệp. Mức độ cạnh tranh cao của các "lò luyện tuyển thủ", cũng như nhu cầu tương tác của một lượng fan đông đảo, đòi hỏi các game thủ chuyên nghiệp vừa phải duy trì một cường độ luyện tập lớn, lại vừa phải sử dụng quỹ thời gian rảnh ít ỏi vào công việc stream hay giao lưu cộng đồng.

Phải chăng Shark Liên đã đúng về vấn đề sức khỏe trong Esports: Chơi game quá độ để lại tác hại ra sao? - Ảnh 4.

Một tuyển thủ chuyên nghiệp có thể phải dành tới 15 tiếng một ngày chỉ quanh quẩn bên máy tính

Mlxg - Đồng đội của Uzi tại RNG vừa tuyên bố giải nghệ vào tháng 7 vừa qua, và nguyên nhân chính tới từ việc sức khỏe của anh thậm chí đã bị tổn hại nghiêm trọng trong quãng thời gian thi đấu chuyên nghiệp. Thực tế, lỗi không thuộc về RNG, Mlxg là một tuyển thủ có tuổi thơ khá cơ cực, và nền tảng thể lực của anh đã không cho phép người Đi rừng này có thể theo đuổi sự nghiệp tuyển thủ lâu dài thêm nữa.

Nhìn chung, nguyên nhân chủ yếu của các ca chấn thương trong Esports vẫn nằm ở vấn đề về giờ giấc sinh hoạt. SofM từng chia sẻ rằng mỗi tuyển thủ tại LPL đều trải qua trung bình gần 20 trận đấu tập mỗi ngày, tương đương với khoảng 12 - 14 giờ đồng hồ. Ngoài ra, như đã đề cập ở trên, họ vẫn phải làm thêm công việc stream từ các hợp đồng quảng cáo, bởi đây là một nguồn thu nhập rất lớn, cũng như tạo cơ hội phát triển thương hiệu cho cả cá nhân lẫn tổ chức.

Phải chăng Shark Liên đã đúng về vấn đề sức khỏe trong Esports: Chơi game quá độ để lại tác hại ra sao? - Ảnh 5.

Hơn thế nữa, những buổi stream này thường được đặt lịch vào đêm khuya - Thời điểm có lượng người xem cao nhất. Ngoài ra, đối với nhiều game thủ, việc ngủ đủ giấc không có trong từ điển sống của họ, bởi thói quen thức khuya đã ăn sâu vào máu. Mà việc ngủ không đủ giấc lại chính là nguyên nhân cốt lõi dẫn tới sự suy nhược cơ thể, tạo tiền đề cho những chấn thương dễ dàng xảy đến hơn.

Thói quen sinh hoạt không điều độ là điều không hiếm thấy đối với cộng đồng game thủ. Nhưng nếu kết hợp với những vấn đề như áp lực thi đấu, luyện tập cường độ cao, nền tảng thể lực không đáp ứng đủ yêu cầu... thì những chấn thương như của Uzi hay Hai, hoặc sức khỏe giảm sút tới mức phải "về hưu non" như Mlxg là điều rất dễ xảy ra.

Phải chăng Shark Liên đã đúng về vấn đề sức khỏe trong Esports: Chơi game quá độ để lại tác hại ra sao? - Ảnh 6.

Cả hai ngôi sao hàng đầu của RNG đều bị những vấn đề về chấn thương và sức khỏe hành hạ

Đó là còn chưa đề cập đến việc bản thân những game thủ này đều rất nổi tiếng và còn nhiều lựa chọn khác cho sự nghiệp. Trong khi làng esports thế giới vẫn còn đó hàng nghìn game thủ khác, họ không thể sánh được về tài năng khi so với Uzi hay Mlxg, nhưng nguy cơ về những tổn thương sức khỏe thì vẫn tương đương. Và một khi đã bị chấn thương hành hạ, thì sự nghiệp của họ cũng coi như đi tong.