PGS Nguyễn Huy Nga: Phân tích ổ dịch phức tạp nhất tại Hà Nội; "hiến kế" những giải pháp thành phố cần làm ngay

Ngọc Minh, Theo Doanh nghiệp và tiếp thị 12:53 31/08/2021

Chuyên gia dịch tễ chia sẻ: Để sớm trở về cuộc sống bình thường, Hà Nội phải đảm bảo độ phủ vắc xin để đạt miễn dịch cộng đồng chủ động. Ưu tiên tiêm vắc xin cho người già và có bệnh nền.

Sáng ngày 31/8, Hà Nội vẫn tiếp tục ghi nhận thêm các ca mắc COVID-19 mới. Cụ thể, 13 ca dương tính với SARS-CoV-2 được công bố vào sáng nay có 7 ca tại khu cách ly và 6 ca tại khu vực phong tỏa.

Phân bố theo quận, huyện: Hai Bà Trưng (4), Hoàng Mai (2), Đan Phượng (2), Thạch Thất (1), Gia Lâm (1), Thanh Xuân (1), Đông Anh (1), Hà Đông (1). Tất cả các ca bệnh đều thuộc chùm F1 của các trường hợp ho sốt cộng đồng.

Tính từ ngày 29/4 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 3.207 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.546 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.661 ca.

PGS Nguyễn Huy Nga: Phân tích ổ dịch phức tạp nhất tại Hà Nội; hiến kế những giải pháp thành phố cần làm ngay - Ảnh 1.

Xét nghiệm COVID-19 cho người dân quận Hai Bà Trưng (Ảnh: Hải Ninh)

Để hiểu rõ hơn về tình hình dịch bệnh tại Hà Nội đang diễn biến ra sao, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế).

Ổ dịch phức tạp nhất của Hà Nội

Ngọc Minh: Theo đánh giá của ông tình hình dịch bệnh tại Hà Nội hiện nay như thế nào và ổ dịch nào sẽ vất vả khống chế nhất?

PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Tình hình dịch bệnh tại Hà Nội đang diễn biến rất phức tạp với 4 ổ dịch lớn: Văn Chương, Kim Đồng, Thanh Xuân Trung, Linh Đàm. Trong đó, ổ dịch Thanh Xuân tôi đánh giá có mức độ phức tạp hơn cả. Do khu vực đó có mật độ dân cao với các khu nhà trọ san sát, chung cư lớn có diện tích nhà nhỏ và đông hộ gia đình.

Chùm ca bệnh tại Thanh Xuân Trung được phát hiện từ một ca ho sốt cộng đồng đi khám tại cơ sở y tế, được xét nghiệm sàng lọc.

Người nhiễm virus trong chùm này gồm: những người bán hàng tại chợ Ngã Tư Sở hoặc tại các cửa hàng nhỏ, nhân viên nhà thuốc, nhân viên bán hàng, bảo vệ siêu thị, người hay đi chợ/mua đồ/cắt tóc và cả những người thường xuyên ở nhà nên không rõ nguồn lây. Nhiều người đã có dấu hiệu ho sốt, chứng tỏ chùm ca bệnh này đã lây lan 1 thời gian.

Theo tôi để chặn được ổ dịch ở Thanh Xuân Trung thì chính quyền và người dân cần thực hiện nghiêm việc hạn chế đi lại, thậm chí không đi lại ở những khu vực có ca bệnh nhiều mà người dân không chịu tuân thủ 5K ai ở nhà nào ở yên nhà ấy - không ra khỏi cửa và thực hiện tốt giãn cách trên 2m, khi cần thiết tiếp xúc với người ngoài tuyệt đối tuân thủ đeo khẩu trang đúng cách. Cần thì có thể để người dân tự xét nghiệm tại nhà.

Ngọc Minh: Hơn 1 tháng giãn cách nhưng số ca bệnh vẫn đang tăng, có phải giãn cách xã hội phát huy hiệu quả thấp?

PGS Nguyễn Huy Nga: Tôi đánh giá việc Hà Nội quyết định giãn cách theo chỉ thị số 16 rất đúng thời điểm và phát huy hiệu quả. Nếu Hà Nội không giãn cách khó có thể lường trước được hệ lụy sẽ như thế nào. Trong thời gian giãn cách ngành y tế đã rất nỗ lực thực hiện xét nghiệm để truy tìm F0 trong cộng đồng.

Tuy nhiên, ở một số nơi người dân vẫn chưa tuân thủ đúng theo chỉ thị 16, "ngoài chặt, trong lỏng". Người dân trong khu dân cư vẫn đi lại, tiếp xúc khiến cho chuỗi lây nhiễm không thể dừng lại.

Việc giãn cách đúng là phải nhà với nhà, chỉ đi ra ngoài khi thực sự cần thiết. Nếu còn tiếp xúc, còn tụ tập, còn không tuân thủ đeo khẩu trang thì dịch bệnh sẽ không dừng lại và sẽ tiếp tục lây lan.

Số ca mắc tại Hà Nội tăng tôi không thấy có gì quá bất ngờ. Vì dịch đã lưu hành trong cộng đồng như "xôi đỗ", nơi nào cũng có ca bệnh trong cộng đồng.

Khi người mang virus không triệu chứng vẫn đi lại bình thường thì virus tiếp tục lây lan. Chỉ khi xuất hiện ca bệnh có triệu chứng, người bệnh đi khám hoặc được sàng lọc lúc đó chuỗi lây lan đã tạo thành các "chân rết" tỏa đi nhiều hướng.

PGS Nguyễn Huy Nga: Phân tích ổ dịch phức tạp nhất tại Hà Nội; hiến kế những giải pháp thành phố cần làm ngay - Ảnh 2.

Hà Nội đẩy nhanh việc xét nghiệm sàng lọc (Ảnh: Tuấn Mark)

Ngọc Minh: Liệu ở Hà Nội có thể xảy ra kịch bản dịch bùng phát mạnh không?

PGS Nguyễn Huy Nga: Dịch bệnh tại Hà Nội vẫn đang trong tầm kiểm soát nhưng nếu làm không tốt, mọi người không đồng lòng thì dịch có thể bùng phát khó lường trước được hậu quả.

Đặc biệt, Hà Nội cần phải giữ được các bệnh viện không để dịch bùng phát trong bệnh viện và khu chung cư.

Vì nếu để dịch tấn công vào bệnh viện, đặc biệt là những bệnh viện về lão khoa, người mắc bệnh suy giảm miễn dịch, người mắc bệnh mãn tính… nguy cơ tử vong cho nhóm đối tượng này sẽ rất cao. Còn đối với khu dân cư, nếu dịch bùng phát sẽ lây lan rất nhanh và mạnh do tập trung đông người.

Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, Hà Nội không thể về trạng thái không có F0. Cho nên nếu nói để không còn F0 thì chắc chắn đến ngày 6/9 là không thể. Bởi dịch bây giờ đã lan âm thầm trong cộng đồng.

Ngọc Minh: Số ca mắc tại Hà Nội những ngày gầy đây liên tục tăng, giải pháp cách ly tại nhà có nên được tính tới đối với Hà Nội hay không?

PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Hà Nội nên tính tới phương án cách ly F1 tại nhà, thậm chí khi số ca mắc tăng lên có thể cho F0 chăm sóc tại nhà dưới sự giám sát chặt chẽ của nhân viên y tế.

Nếu cho phép F1 thực hiện cách ly tại nhà cần phải đảm bảo các điều kiện và phòng ở riêng. Việc cách ly tại nhà sẽ nâng cao ý thức tự chịu trách nhiệm của mỗi cá nhân. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng phải tự chịu trách nhiệm nếu như để xảy ra ca lây nhiễm trong khu dân cư mình quản lý. Đặc biệt bản thân gia đình, cá nhân trường hợp F1 sẽ phải tự chịu trách nhiệm với sức khỏe của mình.

Thứ 2, việc cho F1 cách ly tại nhà sẽ bảo toàn được lực lượng y tế, lực lượng quân đội tham gia chống dịch. Giảm được chi phí về quần áo bảo hộ, khử khuẩn… khi thực hiện cách ly F1.

Với bối cảnh dịch bệnh như hiện nay tại Hà Nội, cũng cần lên phương án chăm sóc F0 tại nhà. Ngành y tế cần có hướng dẫn cụ thể, truyền thông tới từng gia đình để khi triển khai không bị bỡ ngỡ.

Giải pháp để cuộc sống sớm về bình thường

Ngọc Minh: Để người dân sớm có thể trở về cuộc sống bình thường, nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh ông có kiến nghị gì?

PGS Nguyễn Huy Nga: Tiêm vắc xin sớm cho nhóm người cao tuổi, người có bệnh nền. Đây là điều tôi đã nói rất nhiều lần, chỉ tiêm cho nhóm đối tượng này mới giảm được nguy cơ tử vong, giảm gánh nặng y tế, bớt đi những hoang mang trong xã hội.

Thay vì tiêm cho nhóm người trẻ thì nên ưu tiên tiêm cho nhóm đối tượng có nguy cơ COVID-19 chuyển biến nặng. Trước đây, chúng ta ưu tiên tiêm cho người trẻ để họ đi làm đảm bảo phát triển kinh tế. Nhưng hiện nay giãn cách xã hội, người trẻ ở nhà không đi làm thì cần tập trung toàn lực tiêm chủng cho nhóm người cao tuổi và bệnh lý nền.

PGS Nguyễn Huy Nga: Phân tích ổ dịch phức tạp nhất tại Hà Nội; hiến kế những giải pháp thành phố cần làm ngay - Ảnh 3.

PGS Huy Nga lưu ý Hà Nội nên có những phân tích dịch tễ để đánh giá nguy cơ

Thứ 2, đẩy nhanh tiêm vắc xin thì thành phố cần chuẩn bị sẵn nguồn lực như: bình oxy, tập trung nguồn lực y tế cơ sở, y tế phường… Trong thời gian này cần phải tập huấn thêm kiến thức cho y tế cơ sở để có thể không bị bỡ ngỡ khi tình huống "xấu" có thể xảy ra.

Thứ 3, để khống chế được dịch tại Hà Nội sớm, thành phố cần có những phân tích dịch tễ học (nên có sự tham gia của các chuyên gia dịch tễ), đánh giá nguy cơ nào cao dễ bùng phát dịch nhất để có những cảnh báo kịp thời.

Thứ 4, thành phố nên lưu ý tới công tác truyền thông, đây là việc tôi đánh giá rất quan trọng. Hãy truyền thông tới từng cá nhân. Các cá nhân phải thực hiện tốt 5K.

Việc tuân thủ giãn cách và 5K chưa đạt yêu cầu mà chủ yếu lây là do không thực hiện 5K - không đeo khẩu trang hoặc đeo nhưng không đúng cách, đeo xong đi một đoạn lại kéo xuống, rồi đưa tay lên mắt, mũi, miệng thì làm sao không lây được?

Đến như bác sĩ, nhân viên y tế trong bệnh viện đối mặt với virus có tải lượng lớn bên trong buồng bệnh mà rất ít khi lây vì họ thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn.

Người dân làm được như nhân viên y tế trong bệnh viện thì làm sao mà lây được? Thực tế là nơi nào nhận thức của nhân dân tốt thì không lây được.

Tôi phải nhắc lại điều kiện ở thì chật chội mà nhận thức phòng bệnh kém thì lây là đúng thôi. Cho nên bây giờ phải thắt chặt kỷ luật phòng bệnh theo quy định và truyền thông cho dân biết cách phòng chống lây nhiễm virus, bảo vệ bản thân.

Ngọc Minh: Thời gian bao lâu Hà Nội có thể kết thúc được dịch bệnh?

PGS Huy Nga: Đây là một câu khó có thể trả lời, chắc chắn dịch vẫn sẽ còn lai rai (kéo dài - PV). Để sớm trở về cuộc sống bình thường phải đảm bảo độ phủ vắc xin chủ động miễn dịch cộng đồng.

Cảm ơn ông, chúc ông sức khỏe và thành công!

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày