Paul Scholes: Anh không cao, nhưng người khác phải ngước nhìn

Dương Quảng, Theo Trí Thức Trẻ 08:25 16/11/2017

Nếu Ryan Giggs là biểu tượng của một khối động cơ vĩnh cửu, thì Paul Scholes mang tới những bài học lớn lao về đức tính khiêm nhường trong cuộc sống.

Paul Scholes cao 1m68, con số không mấy lý tưởng trong môi trường bóng đá Anh khốc liệt. Anh xuất phát điểm là tiền đạo cắm và thành danh ở trung tâm hàng tiền vệ - toàn những vị trí đòi hỏi thân hình hộ pháp cơ bắp.

Ở thời đại của Scholes, các cầu thủ bóng đá bắt đầu trở thành tầng lớp quý tộc trong xã hội. Họ thường kiếm tiền tỷ nhờ hợp đồng quảng cáo khi bóng đá trở thành ngành công nghiệp siêu lợi nhuận trên toàn cầu. Nhưng trong suốt sự nghiệp của mình, Scholes mới 5 lần xuất hiện trong các TVC tài trợ bởi nhãn hàng.

Paul Scholes: Anh không cao, nhưng người khác phải ngước nhìn - Ảnh 2.

Anh từng nói trên kênh truyền hình của Man Utd: "Tôi thấy ngại trước máy quay lắm". Scholes là thế, thầm lặng, bình dị và giản đơn tới mức nhiều người nói đùa rằng, nếu không vì anh chơi cho Man Utd và làm việc với Sir Alex, sẽ chẳng ai nhớ tới anh.

Scholes - chủ nhân của 11 danh hiệu Premier League và 2 Champions League - là một nhân vật đi ngược lại tất cả các tiêu chuẩn của truyền thông hiện đại. Anh nhỏ bé theo đúng nghĩa đen, không điển trai, không giỏi ăn nói và không thích… làm màu. Nhưng anh là một phần không thể thiếu của vương triều Sir Alex, là tiền vệ được tất cả các tiền vệ xuất sắc khác trên thế giới bầu chọn là "Tiền vệ trung tâm hay nhất mọi thời đại".

Khi Scholes bất ngờ tuyên bố từ giã sự nghiệp quốc tế sau Euro 2004, mọi người đều sửng sốt. Anh mới 29 tuổi, có 7 năm phục vụ quốc gia và luôn nhận được sự tôn trọng tuyệt đối của các đồng đội. 

Scholes rời xa thảm đỏ sân khấu với lý do "cần thời gian cho gia đình" nhưng không nhiều người chấp nhận được chuyện ấy. Bởi họ biết rằng, tầm vóc của bóng đá Anh sẽ chỉ có thể thay đổi nếu có Scholes trong đội hình.

Paul Scholes: Anh không cao, nhưng người khác phải ngước nhìn - Ảnh 3.

Ngày tới Anh, Jose Mourinho lập tức đưa ra bình luận về Scholes. "Tôi không hiểu sao FA lại để cậu ấy quyết định vội vã thế. Không ai tới nhà bấm chuông, gõ cửa, trò chuyện, nài nỉ và cả quỳ gối nếu cần thiết để Scholes quay lại đội tuyển à?". Mourinho, một HLV cực kỳ khó tính và hiếm khi khen ai bằng những lời có cánh, cũng đã phải thốt lên như vậy về Scholes.

Scholes bắt đầu sự nghiệp vào năm 1994, trong trận đấu gặp Port Vale tại League Cup. Ba ngày sau, anh ra mắt khán giả Premier League trong trận gặp Ipswich và kể từ đó, Scholes không bao giờ biến mất khỏi danh sách xuất phát của Man Utd. Cùng Roy Keane, Scholes tạo thành cặp tiền vệ trung tâm hay nhất lịch sử Ngoại hạng trong mọi thời đại.

Paul Scholes: Anh không cao, nhưng người khác phải ngước nhìn - Ảnh 4.

Tới năm 1999, tức là chỉ sau 5 năm chơi bóng chuyên nghiệp, Scholes đã có danh hiệu Premier League thứ 3. Cũng trong năm đó, Man Utd giành cú ăn ba vĩ đại.

Một vài người nói rằng, Scholes không hài lòng khi các HLV ở ĐTQG muốn anh đá cánh trái. Lý do? Một, là Lampard và Gerrard bỗng dưng cùng xuất hiện như hai tiền vệ cầm bóng đầy tiềm năng. Hai, là không ai đá biên tốt hơn Scholes. 

Mất Scholes, tuyển Anh mất đi một trong những cầu thủ giàu sức sáng tạo và cảm hứng, và cặp Lampard-Gerrard mãi mãi chỉ là cái bóng của người đàn anh. Họ giẫm chân nhau, không thể tìm ra chìa khóa và chính là tác nhân khiến 4 đời HLV mất việc ở Tam Sư.

Trước thềm World Cup 2010, HLV Fabio Capello đã gọi điện trực tiếp mời Scholes trở lại. Đấy là khi Capello đã chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc cách mạng: Gạt Gerrard - Lampard ra ngoài, đưa vòng tròn giữa sân cho Barry và Scholes kiểm soát. Nhưng Scholes đã đưa ra câu trả lời vượt ngoài sức tưởng tượng của tất cả.

Paul Scholes: Anh không cao, nhưng người khác phải ngước nhìn - Ảnh 5.

"Không, tôi không thể cướp chỗ của những người đã bay vòng vèo trên bầu trời suốt 2 năm qua, giúp đội tuyển vào VCK World Cup. Làm vậy là có tội, cướp công người khác", Scholes không màng danh vọng, và Scholes không muốn tham gia vào trò chơi đấu đá.

Tháng 05/2011, Scholes bất ngờ tuyên bố treo giầy. Tới tháng 01/2012, anh lại… đột ngột trở lại. Trong nửa năm ấy, không ai biết Scholes làm gì. Người ta chỉ biết rằng, trong trận tái xuất gặp Man City tại FA Cup, Scholes chỉ đi một đôi giày 89 bảng nhãn T90 của Nike mua tại cửa hàng bán lẻ Sport Direct, và đạt tỷ lệ chuyền bóng chính xác tới… 97%. Trong cả trận, Scholes chỉ chuyền hỏng 3 lần.

Paul Scholes: Anh không cao, nhưng người khác phải ngước nhìn - Ảnh 6.

Scholes mãi mãi không bao giờ là gương mặt đại diện phù hợp cho truyền thông. Nhưng với những người yêu Man Utd, Scholes giống Giggs. Anh mãi mãi là một phần không thể thiếu trong trí óc các khán giả 8x, 9x theo dõi bóng đá. Anh là đại diện cho những "anh hùng giấu mặt", những con người lầm lũi bước đi trong bóng tối và làm đòn bảy cho đồng đội tỏa sáng.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày