Ông Trịnh Văn Quyết là ai?

Thy Thơ - Sơn Nhung, Theo Người lao động 19:56 29/03/2022

Với số cổ phiếu đang nắm trong tay, ước tính ông Trịnh Văn Quyết đang nắm số tài sản 4.789 tỉ đồng.

Ông Trịnh Văn Quyết sinh năm 1975 ở Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc. Ông có bằng Cử nhân Luật (Đại học Luật Hà Nội); Cử nhân Hành chính (Học viện Hành chính Quốc gia). Thạc sỹ Quản trị kinh doanh (Đại học Irvine, Mỹ); Chứng chỉ Đào tạo nghề Luật sư (Học viện Tư pháp).

Ông Quyết khởi nghiệp bằng việc mở văn phòng Luật sư SMiC từ số tiền tích cóp thời sinh viên. Sau đó thành lập công ty Tư vấn Đầu tư SMiC chuyên tư vấn luật doanh nghiệp, luật đầu tư, các vấn đề sở hữu trí tuệ doanh nghiệp vào năm 2008.

Hai năm sau, Trịnh Văn Quyết cho sáp nhập các công ty thành viên để thành lập Công ty CP Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC).

Ông Trịnh Văn Quyết là ai?  - Ảnh 1.

Trịnh Văn Quyết là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC kiêm Chủ tịch hãng hàng không Bamboo Airways.

Hiện tại, ông Trịnh Văn Quyết là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC. Đồng thời gián tiếp nắm quyền tại các công ty liên quan đến Tập đoàn FLC, thường gọi là hệ sinh thái FLC, gồm: Công ty CP Nông Dược H.A.I (HAI), Công ty CP Xây dựng Faros (ROS); Công ty CP Đầu tư khoáng sản AMD Group (AMD), Công ty CP Chứng khoán Artex (ART), Công ty CP Liên doanh Đầu tư Quốc tế KLF (KLF), Công ty CP GAB (GAB)…

Ngoài ra, ông Quyết còn là Chủ tịch HĐQT hãng hàng không Bamboo Airways mới thành lập vài năm gần đây. Hãng hàng không này hiện có vốn điều lệ 18.500 tỉ đồng.

Thời gian qua, Tập đoàn FLC đã đầu tư rất nhiều dự án bất động sản, khu nghỉ dưỡng khắp cả nước như: Khu đô thị tại phường Hà Khánh, TP Hạ Long (800 tỉ đồng); Trung tâm hội nghị, khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng và biệt thự nghỉ dưỡng FLC Quảng Bình (1.050 tỉ đồng); Khu biệt thự nghỉ dưỡng FLC Hải Ninh 2 (150 tỉ đồng); Tổ hợp khách sạn và nhà phố thương mại tại TP Pleiku, Gia Lai (240 tỉ đồng); Tổ hợp thương mại, dịch vụ vui chơi giải trí và nhà phố tại TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum (510 tỉ đồng); Sân golf tại Gia Lai; Khu nhà ở mật độ cao Hiệp Thành - Vĩnh Trạch Đông, Bạc Liêu (1.100 tỉ đồng).

Mới đây, vào ngày 18/3, tại huyện Củ Chi, TP.HCM, Tập đoàn FLC đã có buổi báo cáo kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp trên địa bàn. Cụ thể, FLC đề xuất nghiên cứu đầu tư 2 dự án là Công viên Sài Gòn Safari với quy mô hơn 456 ha và Khu đô thị nghỉ dưỡng ven sông Sài Gòn có quy mô hơn 910 ha. Dự án bao gồm 5 phân khu: khu dịch vụ tổng hợp, khu resort nghỉ dưỡng và khách sạn đẳng cấp 5 sao, khu vườn thú mở, khu Safari, khu công viên vui chơi giải trí tổng hợp. Đồng thời, Tập đoàn FLC cũng đề xuất nghiên cứu dự án thứ hai là Khu đô thị nghỉ dưỡng ven sông Sài Gòn, quy mô hơn 910 ha tại xã An Phú và xã Phú Mỹ Hưng huyện Củ Chi, TP.HCM.

Trước đó vào ngày 9/2, tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Bình Chánh (TP.HCM), FLC cũng đã trình bày và đề xuất xây dựng khu phức hợp Smart Eco City ở huyện Bình Chánh với quy mô 1.200 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 80.000 tỉ đồng với điểm nhấn là tòa tháp cao 99 tầng.

Riêng trong năm 2021, tập đoàn này đã khởi công giai đoạn 2 dự án tại tỉnh Quảng Bình với nhiều hạng mục trọng điểm như Trung tâm hội nghị quốc tế và Khách sạn FLC Grand Hotel Quang Binh, quy mô hơn 500 phòng tiêu chuẩn 5 sao. Bên cạnh các hạ tầng kỹ thuật và các phân khu shophouse, biệt thự đang dần hiện diện, các hạng mục này cũng được tập trung thi công và dự kiến đưa vào sử dụng dịp 30/4 năm nay.

Về tài sản, với số cổ phiếu đang nắm trong tay, ước tính ông Trịnh Văn Quyết đang nắm số tài sản 4.789 tỉ đồng gồm: 215.436.257 cổ phiếu FLC, 23.717.556 cổ phiếu ROS, ở 7.614.000 cổ phiếu GAB và 3.156.000 cổ phiếu ART.

Tuy nhiên, với khối tài sản này, đây vẫn chưa phải là thời kỳ "hoàng kim" của ông Quyết mà là năm 2017, khi ông Trịnh Văn Quyết được xếp hạng là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Cụ thể, năm 2017 ông Quyết sở hữu tài sản vốn hóa đạt 58.852 tỉ đồng (hơn 2 tỉ USD), tăng 25.046 tỉ đồng so với năm 2016, khi sở hữu 318.514.630 cổ phiếu ROS, 135.187.150 cổ phiếu FLC và 2.630.000 cổ phiếu ART, qua đó chính thức giữ vị trí người giàu nhất sàn chứng khoán trong năm.

Đến năm 2018, tài sản của đại gia Vĩnh Phúc đột ngột ''rơi'' xuống còn 15.572 tỉ đồng.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày