Nổi tiếng như Ronaldo vừa khổ vừa sướng

Mạnh Hào, Theo Trí Thức Trẻ 09:03 23/07/2016

Làm người nổi tiếng thì không nên sợ thị phi và với Cristiano Ronaldo, mọi tin đồn đều không làm anh quá bận tâm. Trừ việc nó ảnh hưởng đến những người thân trong gia đình anh.

Bởi một khi cái tên Ronaldo hay CR7 đã trở thành thương hiệu, anh trở thành mục tiêu săn đuổi của báo giới. Và truyền thông bao lâu nay luôn rất thích khai thác các bài viết về người nổi tiếng để dễ câu khách.

Đổi lại, thách thức cho họ là không hề nhỏ bởi muốn viết hay sẽ phải tìm ra những điều chưa ai biết. Điều này dẫn tới những hệ lụy như khai thác quá sâu tới mức vi phạm đời sống riêng tư của nhân vật. Thị phi cuộc đời cũng từ đây mà ra, cũng từ yêu ghét này mà thành. Thậm chí, thị phi khủng khiếp tới mức nhiều khi giết chết một con người theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Nổi tiếng như Ronaldo vừa khổ vừa sướng - Ảnh 1.

Nói ngắn gọn, người càng nổi tiếng bao nhiêu, càng nhiều đôi mắt soi xét. Và ở trường hợp của Ronaldo, đó là những con mắt, đôi tai của hơn 215 triệu người theo dõi anh trên các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, và Twitter.

Cũng vì thế không có gì ngạc nhiên nếu chân sút đang khoác áo Real Madrid từng bị đồn có quan hệ trên mức bạn bè với võ sĩ quyền Anh người Morocco, Badr Hari và bị chê bai là gay dù anh đã để lại sau lưng một tá những chân dài xinh đẹp và một cậu con trai.

Những câu chuyện như vậy chắc chắn không làm Ronaldo bận tâm, trừ việc nó liên quan đến mẹ anh hay cậu con trai Ronaldo Jr hoặc những bà chị. Chẳng hạn như người đẹp nào muốn có được CR7 đều phải vượt qua cửa ải quan trọng nhất là bà Maria Dolores dos Santos Aveiro. Và bà Dolores như báo chí đồn thổi lâu nay được xem là người khiến Ronaldo, Irina đường ai nấy đi hay quyết định việc anh sẽ gắn bó với Real Madrid đến hết sự nghiệp.

Nổi tiếng như Ronaldo vừa khổ vừa sướng - Ảnh 2.

Trong khi đó, xung quanh Ronaldo Jr là những câu chuyện về người mẹ bí mật của anh hay tin đồn cậu bé sắp có một người dì ghẻ…

Thế nhưng, dù tất cả những câu chuyện trên xuất hiện ở tờ báo này, trang mạng kia, không ai rõ chúng xuất hiện vì mục đích câu khách của giới truyền thông hay nằm trong kế hoạch PR của chính cầu thủ người Bồ Đào Nha.

Vấn đề mấu chốt chính là hơn 215 người theo dõi CR7 trên Facebook, Instagram, và Twitter. Theo Hookit, Ronaldo đã mang lại 176 triệu USD về giá trị truyền thông, nghĩa là giá trị tài trợ trên mạng xã hội. Cụ thể hơn, trong vòng 1 năm qua, 255 bài gắn với tên anh mang lại trung bình 651.778 tương tác (như like, share, comment hay retweet), và mỗi bài trị giá 689.426 USD.

Nổi tiếng như Ronaldo vừa khổ vừa sướng - Ảnh 3.

Để so sánh, 99 VĐV khác trong danh sách 100 người có thu nhập cao nhất thế giới của tạp chí Forbes chỉ mang lại tổng cộng 195 triệu USD cho các nhà tài trợ của họ. Trong danh sách này, ngôi sao bóng rổ Stephen Curry của đội Golden State Warriors đứng thứ hai với khoảng cách rất xa khi giá trị mà anh mang lại chỉ là 23,6 triệu USD (bằng 1/7 so với Ronaldo) do anh chỉ có 22 triệu người theo (bằng 1/10 so với Ronaldo). Và 219 bài viết gắn với tên anh đạt trung bình 95.780 tương tác và mỗi bài viết trị giá 107.754 USD.

Tính ra, Ronaldo đã mang lại doanh thu cao hơn 449% số tiền mà anh nhận được từ các nhà tài trợ (hơn 40 triệu USD) thông qua mạng xã hội, trước khi tính đến truyền hình, báo in và các phương tiện truyền thông khác.

Nhìn vào những con số trên, sẽ không quá lời nếu cho rằng Ronaldo là gương mặt tiếp thị nổi bật nhất, dù giá trị của những hợp đồng quảng cáo mà anh có được vẫn thấp hơn Roger Federer (60 triệu USD tiền quảng cáo) của quần vợt hay LeBron James (54 triệu USD tiền quảng cáo) của bóng rổ.

Nổi tiếng như Ronaldo vừa khổ vừa sướng - Ảnh 4.

Hay so với anh, Lionel Messi có thể đạt được thành tích tốt hơn trên sân cỏ nhưng tiền đạo người Argentina vẫn ở một khoảng cách xa nếu tính đến thu nhập chung. Theo đó, Messi chỉ mang lại 19,2 triệu USD cho các nhà tài trợ, bằng 1/9 so với Ronaldo. Lí do một phần vì Messi tiếp cận với môi trường online chậm hơn. Anh chỉ có 131 triệu người theo trên mạng xã hội, chủ yếu là Facebook và Instagram, tức là vẫn ít hơn Ronaldo tới 43 triệu người theo ở hai mạng xã hội này. Còn trên Twitter, con số người theo dõi Messi chỉ có 1,6 triệu, trong khi Ronaldo là 42,9 triệu người theo.

Do vậy, hiệu quả mà Messi mang lại cho các nhà tài trợ không thể cao bằng. Chẳng hạn như 59 bài viết của Ronaldo cho Nike vào năm 2015 mang lại 36 triệu USD trên mạng xã hội, trong lúc anh chỉ nhận từ hãng 13 triệu USD quảng cáo. Trong khi đó, Messi chỉ mang lại 6,2 triệu USD cho adidas, trong lúc đã nhận 12 triệu USD quảng cáo.

Vì thế, không có gì ngạc nhiên nếu cái tên Ronaldo cần phải được nhắc đến thường xuyên, dù thông tin giả hay thật, vì truyền thông, mạng xã hội và các nhà tài trợ luôn cần anh để gia tăng các giá trị của họ. Còn người hâm mộ, ít nhất họ cũng được biết thêm nhiều điều mới mẻ về thần tượng của mình.